Trang chủ Nghiên cứu Lý luận dịch kinh của các đại sư Trung Quốc, phần 2

Lý luận dịch kinh của các đại sư Trung Quốc, phần 2

117

4. LÝ LUẬN DỊCH KINH CỦA HUYỀN TRÁNG (601-664)

Đại sư Huyền Tráng sau khi du học Ấn Độ trở về Trường An vào năm Trinh Quán 19 (645), liền bắt đầu sự nghiệp dịch kinh của mình cho đến lúc vãng sanh ngày 5 tháng 2 năm Lân Đức thứ nhất (664) mới chấm dứt, trước sau gần 20 năm. Trong thời gian ấy chưa từng gián đoạn một ngày, dịch được 73 bộ, 1330 quyển kinh luận. Căn cứ vào sự đồ sộ của số quyển mà nói thì quả thật xưa nay ông là người số một. Trong gần 20 năm sinh hoạt dịch kinh, lý luận dịch kinh của Huyền Tráng đại khái có thể đúc kết thành 3 điểm:
1. Tìm cầu những bản kinh nguyên vẹn.
2. Tuyệt đối trung thành với nguyên điển.
3. Có 5 trường hợp không thể phiên dịch.
Hai điểm 1 và 2 có thể gộp chung lại để luận bàn, nhân vì ông bất mãn với những bản cựu dịch mà phát sinh.
Đại sư Huyền Tráng đã có những bất mãn về những bản dịch cũ từ lâu. Trước khi sang Ấn Độ cầu pháp, ông đã từng đi tham vấn các danh Tăng trong nước, dấu chân từng trải khắp các nơi như Lạc Dương, Trường An, Thành Đô, Tương Châu (Hà Nam), Triệu Châu (Hà Bắc), gần như hầu hết học thuyết và kinh điển đang lưu hành từ Nam đến Bắc lúc bấy giờ, ông đều tham học tất cả. Dù du học khắp nơi trong nước, ông vẫn chưa thỏa mãn được nguyện vọng tìm hiểu của mình. Chuyện của ông trong Tục Cao Tăng truyệnquyển 4 viết:
“Tôi đi khắp Ngô Thục, lần đến Triệu Ngụy, cuối cùng đi tới Chu Tần, nghe đâu có trường giảng đều đến tham dự, những lời dạy bảo đã ban ra, đều ôm ấp vào lòng, còn những gì chưa nói ra, thì không có cách nào để hiểu. Nếu không liều chết bỏ mạng, thề đến Thánh địa thì làm sao thấy được chân kinh, hiểu biết thấu đáo, tận mắt nhìn được pháp sáng, văn gốc và nghĩa mầu…”
Sở dĩ Huyền Tráng xem thường những bản dịch cũ có thể là do ông căn cứ vào 2 nhân tố dưới đây:
1. Vì những bản dịch cũ không phải là những bản nguyên vẹn.
2. Vì những bản dịch cũ không trung thành với nguyên điển.
Trước hết hãy bàn về sự đánh giá của Huyền Tráng đối với những bản dịch không đầy đủ. Huyền Tráng hoạt động dịch kinh trước sau gần 20 năm, đại khái có thể chia làm 3 giai đoạn:
1. Sáu năm đầu (645-650) lấy việc dịch Du-già Sư địa luận làm trung tâm, đồng thời dịch những trước tác liên quan đến bộ luận này.
2. Mười năm giữa (651-660), lấy việc phiên dịch Luận Câu-xá làm trung tâm, và dịch những trước tác liên quan đến Câu-xá.
3. Bốn năm sau cùng (660-664), lấy việc phiên dịch kinh Đại Bát-nhã làm trung tâm. (Trích dẫn Trung Quốc Phật học tư tưởng khái luận, chương 8 của Lữ Trừng).
Một sự kiện xảy ra khi ngài Huyền Tráng chuẩn bị dịch bộ kinh Đại Bát-nhã: Vào ngày mồng một tháng giêng, mùa xuân, năm Hiển Khánh thứ 5 (660), ông bắt đầu dịch kinh Bát-nhã. Bản chữ Phạn tổng cộng gồm 200.000 bài tụng, văn từ quá bao la, nên đồ chúng yêu cầu ông cắt lược bớt. Pháp sư định tùy theo ý nguyện của đồ chúng, như cách phiên dịch của La Thập, bỏ rườm rà, cắt trùng lập. Nhưng khi mới nghĩ như vậy thì ban đêm nằm mộng thấy những việc cực kỳ đáng sợ, nhằm để cảnh tỉnh: như thấy đi qua những chỗ nguy hiểm, hoặc thấy mãnh thú bắt người, khiến ông run rẩy toát mồ hôi, rồi mới thoát được. Khi thức dậy hoảng sợ, kể lại giấc mộng vừa rồi với đại chúng, rồi theo như trước phiên dịch đầy đủ, thì đêm ấy ông thấy chư Phật Bồ-tát phóng hào quang từ giữa 2 hàng lông mày, ánh sáng chạm đến thân mình, tâm ý thư thái. Pháp sư lại thấy tay mình cầm đèn hoa, cúng dường chư Phật; hoặc lên tòa cao, thuyết pháp cho đại chúng, có nhiều người vây quanh, khen ngợi cung kính; hoặc mộng thấy có người biếu mình những trái cây đặc biệt. Khi tỉnh giấc rất hoan hỷ, không dám cắt xén mà dịch đúng như bản chữ Phạn. (Đại từ Ân tự Tam Tạng Pháp sư truyện, quyển nhất)
Lý do vì sao Ngài Huyền Tráng không thể dịch bộ kinh Đại Bảo Tích: Ngày mồng một tháng giêng mùa xuân năm Lân Đức thứ nhất, các Đại Đức dịch kinh cùng với Tăng chúng chùa Ngọc Hoa ân cần thỉnh cầu dịch kinh Đại Bảo Tích, Pháp sư thấy tấm lòng Tăng chúng rất chí thành, miễn cưỡng dịch được mấy hàng, liền xếp bản chữ Phạn lại, dừng nghỉ bảo với mọi người: Bộ Kinh này dung lượng bằng kinh Đại Bát-nhã, Huyền Tráng tự lượng khí lực của mình, sẽ không làm xong bộ này, ngày chết sắp đến, chẳng còn bao xa, nay muốn đến các cốc Lan Chi v.v., lễ bái từ giã Cu-chi Phật tượng.” Thế rồi, cùng với môn nhân ra đi, Tăng chúng nhìn nhau, không ai là không cảm thấy bùi ngùi. Khi đảnh lễ xong, trở về chùa, chuyên tinh hành đạo, rồi chấm dứt hẳn việc phiên dịch. (cùng quyển như trên)
“Ngũ chủng bất phiên” là lý luận dịch kinh cụ thể nhất của Huyền Tráng được ghi chép trong Nam Tông Pháp Vân Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập, quyển một, như sau:
1. Vì bí mật nên không phiên dịch, ví dụ như Đà-la-ni (thần chú)
2. Vì hàm súc nhiều nghĩa, nên không phiên dịch, như Bạc-già-phạm, bao hàm đến 6 nghĩa.
3. Vì ở Trung Hoa không có, nên không dịch, như cây Diêm-phù chẳng hạn.
4. Vì theo người xưa nên không dịch, như A-nậu, Bồ-đề – Thực ra những chữ này có thể dịch được, nhưng từ Ma-đằng trở đi đều giữ nguyên âm Phạn cho nên không dịch.
5. Vì để phát sinh điều lành nên không dịch, như để nguyên Phạn âm “Bát-nhã” thì có vẻ trân trọng, còn dịch thành “trí tuệ” thì có vẻ bình thường; vì muốn cho người ta sinh lòng tôn kính, cho nên không dịch.
Theo nội dung của “ngũ chủng bất phiên” thì hoàn toàn thuộc về vấn đề dịch âm các danh tướng của Phật giáo. Huyền Tráng tổng kết ý kiến của người trước, hiệu đính thành 5 nguyên tắc cơ bản của việc dịch âm. Xưa nay, những thuật ngữ của Phật giáo thường mang nhiều ý nghĩa hàm súc, nên khi muốn dịch âm, phải chọn một chữ Hán nào đó đủ sức biểu âm, mà không liên quan gì đến ý nghĩa để chuyển dịch. Nhưng những chữ đồng âm của Trung Quốc thì quá nhiều, cho nên, cùng một danh tướng (thuật ngữ) mà do người dịch khác nhau nên có nhiều tên dịch khác nhau. Do vậy rất dễ dẫn đến tình trạng sai lầm do xem văn mà liên tưởng đến ý nghĩa.
Giờ đây xin giải thích rộng về “Ngũ chủng bất phiên” của Huyền Tráng:
1. Vì bí mật nên không phiên dịch, như Đà-la-ni (thần chú) chẳng hạn.
Nguyên tác Phạn văn của Đà-la-ni là “dhàrani”, có chỗ dịch là “đà-la-na”, “đà-lân-ni” v.v., chia thành 4 loại là: Pháp đà-la-ni, Nghĩa đà-la-ni, Chú đà-la-ni và Nhẫn đà-la-ni. Ý nghĩa ban đầu là “Trì, tổng trì, năng trì, năng già”, thông thường gọi thần chú là Đà-la-ni. Bất cứ tôn giáo nào cũng đều có tính chất thần bí, chú ngữ là một trong những loại đó, phải trì tụng đúng nguyên âm thì mới phát huy được năng lực thần thông lớn lao của chú ngữ. Trong Thông Chí lược lục thư Hoa Phạn của Trịnh Tiều, nói: “Nay Phạm tăng chú mưa thì có mưa rơi, chú rồng thì có rồng hiện, chỉ trong khoảnh khắc, theo âm thanh mà biến hóa. Nhưng Tăng sĩ Trung Hoa cũng học âm thanh ấy mà không linh nghiệm, là vì chưa đạt đến trình độ âm thanh chính xác vậy.” Đại khái Huyền Tráng vì lý do bảo tồn nguyên âm của chú ngữ, cho nên chủ trương dịch âm chú ngữ, như chú ngữ sau cùng trong bản dịch Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh của ông:
“Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha”.
Nguyên tác Phạn văn: “Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi svàhà”.
Ý dịch của đoạn chú ngữ này là: “Đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, tất cả qua bờ bên kia, hướng đến giác ngộ mà đi”.
Trước thời Huyền Tráng, La Thập dịch Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật đại minh chú kinh, đoạn chú ngữ này cũng được dịch âm.
2. Vì hàm súc nhiều nghĩa nên không dịch, như Bạc-già-phạm, bao hàm đến 6 nghĩa.
Nguyên tác chữ Phạn Bạc-già-phạm là “Bhagavat”, có nhiều tên dịch như: Bà-già-bạn, Bà-già-phạn, bạc-a-phạn, bà-già-bà, bà-già-bạt-đế v.v., nguyên ý là “Thế Tôn”, là tôn hiệu của Phật. Huyền Ứng Nhất Thiết Kinh âm nghĩa quyển 3 nói: “Bà-già-bà, bản cũ gọi là công đức lớn, tên gọi bậc Chí Thánh, gọi đúng là Bạc-già-phạm”. Tuệ Lâm, Nhất Thiết kinh âm nghĩa quyển 10, nói: “Bạc-già-bạn, Phạn ngữ hoặc gọi là Bạc-già-phạm, Bà-già-bà, Bạc-già-bạt-đế, đều là đức hiệu thứ 10 của Phật”. Phật địa luận quyển 1, nói: “Bạc-già-phạm bao hàm 6 nghĩa sau đây: 1/ Tự tại; 2/ Xí thịnh; 3/ Đoan nghiêm; 4/ Danh xưng; 5/ Cát tường; 6/ Tôn quí.”
Vì “Bạc-già-phạm” bao hàm nhiều nghĩa, nếu dịch 1 nghĩa nào đó thì không bao gồm hết các nghĩa khác, nên dịch âm là thỏa đáng nhất.
Trong Niết-bàn Kinh Du Ý của Cát Tạng, nói: “Chẳng hạn chữ “Ma-ha”, vốn là phiên âm của chữ Mahà, dịch nghĩa là “đại”. Nhưng đại có 6 nghĩa: 1/ Thường hằng; 2/ Rộng rãi; 3/ Cao siêu; 4/ Sâu xa; 5/ Phong phú; 6/ Thắng diệu.”
3. Vì ở Trung Quốc không có nên không dịch, như cây diêm-phù.
Cây diêm-phù nguyên văn tiếng Phạn là Jambù. Phật học Đại từ điển của Đinh Phúc Bảo giải thích: “Một loại cây cao tại Ấn Độ, tên khoa học của nó là Eugeniajambolana, tuy là một loại thực vật rụng lá, nhưng thời gian rụng lá rất ngắn, lá non liền mọc ra ngay, lá ấy thẳng và nhọn, nở hoa vào khoảng tháng tư, tháng 5, có màu vàng trắng nhạt, hình dáng nhỏ nhắn, quả mới ra có màu vàng trắng, dần dần biến thành màu đỏ tía, và chín thì có màu đen hoặc là tía đậm, hình thù cỡ trứng chim sẻ, có vị chát hơi chua và ngọt. Kinh Niết-bàn bản Nam truyền, nói: “Cây am-la và cây diêm-phù, mỗi năm thay lá 3 lần.”
Vì Trung Quốc không có cây diêm-phù, nên chỉ có thể dịch âm tên của nó. Hễ gặp những gì ở Trung Quốc không có như thế thì Huyền Tráng đều theo tiêu chuẩn này.
4. Dựa theo người xưa nên không dịch, như a-nậu, bồ-đề. Thực ra 2 chữ này có thể dịch được, nhưng từ Ma-đằng đến nay đều giữ nguyên âm Phạn nên noi theo đó mà không dịch.
Chữ a-nậu nguyên văn tiếng Phạn là anu, có chỗ dịch âm là a-thỏ, a-nỗ v.v., nguyên ý là “rất nhỏ”. Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương quyển 5 của Khuy Cơ đời Đường giải thích: “A-nỗ nghĩa là cực kỳ bé nhỏ, nên gọi tên nó là cực vi”. Bồ-đề nguyên chữ Phạn là bodhi, cách dịch cũ gọi là đạo, cách dịch mới gọi là giác. Luận Đại Trí Độ nói: “Bồ-đề, tiếng nước Tần gọi là trí tuệ vô thượng”. Những chữ vừa nêu trên đều có thể dịch ý, nhưng vì từ Ca-diếp-ma-đằng thời Đông Hán trở đi, đều dùng cách dịch âm, đã trở thành quy ước thông tục, ai nấy đều hiểu, không cần sáng tạo thêm một tên dịch mới, nên không dịch. Khi gặp các trường hợp tương tự như thế, Huyền Tráng đều chủ trương “theo xưa” không dịch.
5. Vì để phát sinh điều lành nên không dịch, như dùng từ Bát-nhã thì có vẻ trân trọng, còn dịch thành trí tuệ thì có vẻ tầm thường. Vì muốn người ta sinh lòng cung kính nên không dịch.
Chữ bát-nhã nguyên tác tiếng Phạn là prajnã, có các tên dịch như ban-nhã, ba-nhã, bát-la-nhã, bát-thích-nhã, bát-la-chỉ-nương, bát-lại-nhã, ba-lại-nhã, bát-thận-nhương, ba-la-xương v.v. Nguyên ý là tuệ, trí tuệ, sáng suốt. Đối với Phật giáo, trí tuệ được phân biệt thành nhiều tầng bậc cạn sâu, nhưng Bát-nhã là đệ nhất, vô thượng, vô tỷ, vô đẳng, không gì hơn trong các loại trí tuệ (Luận Đại Trí Độ quyển 4, đoạn 13). Nếu như chỉ dịch bát-nhã là “tuệ, trí tuệ, sáng suốt”, thì không đủ để biểu đạt các khái niệm “đệ nhất, vô thượng, vô tỷ, vô đẳng và không gì hơn”. Khi gặp những trường hợp như vậy, Huyền Tráng cho rằng nên dùng cách dịch âm, mới có thể khiến người ta sinh lòng cung kính.
Nói tóm lại, tìm kiếm những bản kinh nguyên vẹn, trung thành với nguyên điển, có 5 trường hợp không dịch, đó chính là trọng tâm lý luận dịch kinh của Huyền Tráng. Sự thành tựu về những phương diện này hết sức khả quan. Luật sư Đạo Tuyên đời Đường đánh giá ông rất cao: “Ở đời có Trang Công, cao trội hơn đồng loại, đi về chấn động, đã từng kinh lịch qua hơn trăm nước, quân thần đều tôn kính, tiếp xúc luận bàn, vạch rõ những yếu chỉ sâu xa, khiến cho người Hoa, Nhung đều vui thích. Thế nên vào đời Đường, ông thuộc về những người dịch kinh lớp sau mà không cần bắt chước người trước, cầm bản Phạn văn lên so sánh thẩm định, đã sửa chữa nhiều chỗ sơ suất của người trước.” (Tục Cao Tăng truyện quyển 4, Huyền Tráng bản truyện luận)

5. LÝ LUẬN DỊCH KINH CỦA TÁN NINH (919-999)

Đại sư họ Cao, pháp danh là Tán Ninh, nguyên quán ở Bột Hải, vào cuối đời Tùy dời đến ở huyện Đức Thanh thuộc quận Ngô Hưng. Ông nội tên Huyền, cha tên Thẩm, đều ở ẩn giữ đức không ra làm quan. Mẹ ông họ Chu. Ông sinh tại nhà riêng ở núi Kim Vũ, vào năm Kỷ Mão (919), niên hiệu Trinh Minh thứ 7 đời nhà Lương. Ông xuất gia trong khoảng năm Thiên Thành (926 – 930) đời Hậu Đường. Vào đầu năm Thanh Thái (934) ông vào núi Thiên Thai thọ giới Cụ Túc, học luật Tứ Phần, tinh thông luật của Nam Sơn (Đạo Tuyên). Sau đó Ngô Việt Trung Ý Vương tấn phong Tán Ninh làm Lưỡng nhai Tăng Thống, hiệu là Minh Nghĩa Tôn Văn Đại Sư.
Theo Thích Thị Kê cổ, quyển 4 thì Tán Ninh viên tịch tháng 2, mùa xuân, năm Hàm Bình thứ 2 (999), hưởng thọ 81 tuổi, đến tháng 3 nhập tháp tại chùa Thiên Thọ. Đến năm Thiên Thánh thứ 7 (1029) người chắt của ông là Tôn Thạnh mở tháp đem nhục thân Trà Tỳ, thu di hài xá lợi mang về an táng tại quê nhà là Tiền Đường.
Sách Tương Sơn Dã lục, quyển hạ viết: “Tăng Lục Tán Ninh có học thức sâu rộng, thông bác mọi việc xưa nay, viết hàng trăm quyển sách, Võ Xưng Vương Nguyên, Từ Kỵ Tỉnh Huyền hễ có nghi nghờ điều gì đều đến hỏi ông, và hết sức thán phục ông”.
Lý luận dịch kinh của Tán Ninh được ghi chép trong Tống Cao Tăng truyện quyển 3, do ông biên soạn như sau: Tôi thấy Đạo An soạn “Ngũ thất bản, tam bất dị”, Ngạn Tôn nêu ra “Bát bị”, Minh Tắc thì soạn phiên kinh nghi thức, còn Huyền Tráng thì đề xuất “Ngũ chủng bất phiên”, những loại này tương tự như những tổng kết của Tả Thị, giống như thể lệ của các sử gia. Giờ đây tôi đúc kết lý luận phiên dịch thành “Tân ý lục lệ” như sau:
1. Dịch chữ, dịch âm.
2. Hồ ngữ, Phạn ngữ.
3. Dịch lại, dịch thẳng.
4. Thô ngôn, tế ngữ.
5. Hoa ngôn, nhã tục.
6. Trực ngữ, mật ngữ.
Tán Ninh sáng tạo ra “Tân ý lục lệ” (Sáu quy tắc mới mẻ) là bắt chước việc làm của tiền nhân.
Các quy tắc trên được ông giải thích đại khái như sau:
1. Dịch chữ, dịch âm: Đây là văn dịch kinh điển của chữ Hán, đầy đủ cả âm và nghĩa, chính là yếu tố tiên quyết của việc dịch kinh.
2. Hồ ngữ, Phạn âm: Tại Ngũ Thiên Trúc (Ấn Độ) thuần túy Phạn ngữ, còn miền Bắc Tuyết Sơn thuộc về Hồ. Khi kinh luật của Thiên Trúc truyền đến nước Quy Tư, người Quy Tư không nói được tiếng Thiên Trúc, gọi Thiên Trúc là nước Đặc Già, rồi đem kinh luật ấy dịch ra tiếng nước Hồ (Quy Tư), nếu chỗ nào không hiểu thì giữ nguyên tiếng Phạn, do đó mà cả Hồ và Phạn lẫn lộn với nhau.
3. Dịch lại, dịch thẳng: Như kinh điển truyền đến Lĩnh Bắc, Lâu Lan, Yên Kỳ, nơi đây không biết tiếng Thiên Trúc, họ bèn dịch sang Hồ ngữ. Sau đó kinh điển này truyền sang Đông Hạ (Trung Hoa), rồi người Trung Hoa dịch sang tiếng nước mình. Đó là dịch lại. Còn trường hợp kinh điển từ Thiên Trúc đem đến Đông Hạ, rồi người Đông Hạ đem dịch ra tiếng bản địa. Đó gọi là dịch thẳng.
4. Thô ngôn, tế ngữ: Như dùng những lời nói phổ thông của thời đại để dịch kinh, đó gọi là thô ngôn. Còn khi dùng những ngôn ngữ tế nhị, tao nhã để biểu đạt ý kinh thì gọi là tế ngữ.
5. Hoa ngôn, nhã tục: Như dùng văn tự để ghi lại lời nói là nhã, còn dùng ngôn ngữ thông dụng để nói là tục. Nhã ngữ như các loại văn chương ngày xưa của Trung Quốc được dùng trong Kinh Thư, Tử Thư, Chu Dịch, Lão Trang v.v. Còn tục ngữ là chỉ cho người dịch kinh dùng những ngôn ngữ phổ thông đương hiện hành để dịch kinh. Loại này tương tự như thô ngôn đã nói ở trên.
6. Trực ngữ, mật ngữ: Căn cứ vào ý nghĩa của văn tự tiếng Phạn mà phiên dịch là trực ngữ. Còn căn cứ vào ý nghĩa tế nhị tiềm ẩn của Phạn văn mà phiên dịch là mật ngữ. Chẳng hạn tiếng phạn “Bà-lưu-sa” mà dịch là “Đừng ác khẩu” là trực ngữ, còn dịch thành “Bồ tát biết được bờ bên kia” là mật ngữ. Người nghiên cứu Phật điển Hán dịch cần phải hiểu những điểm ấy, nếu không thì rất dễ ngộ nhận ý nghĩa của kinh, phạm sai lầm “Trông gà hóa cuốc”.
Trên đây, chúng tôi đã trình bày những lý luận dịch kinh khá cô đọng và súc tích theo tiến trình thời gian của các Đại sư Đạo An, La Thập, Ngạn Tôn, Huyền Tráng và Tán Ninh. Hy vọng những tư liệu này có thể giúp ích được phần nào cho các dịch giả Phật giáo Việt Nam đang tiến hành chuyển ngữ Tam Tạng Thánh giáo chữ Hán và các ngôn ngữ khác sang tiếng Việt — là tiếng nói của dân tộc mình. Một công trình mà các nước bạn Phật giáo láng giềng Việt Nam đã thực hiện từ lâu.