Trang chủ Diễn đàn Ăn mày cửa Phật

Ăn mày cửa Phật

89

Được mùa ăn mày


Tôi đi làm sớm, tiện thể tạt vào quán phở Thìn ở phố Lò Đúc, để ăn sáng. Vừa ngồi chưa nóng chỗ, đã thấy một bà già khắc khổ, da nhăn nheo, chìa tay về phía tôi xin tiền.


Mấy hôm trước, cũng ở quán phở này, khi tôi ăn xong, đứng lên trả tiền, thì một ông cụ cũng chìa tay ra trước mặt tôi và bảo: “Xin ông vài hào, kiếm bát cơm”.


Người nghèo cần nhiều thứ, nhưng trước hết là miếng cơm. Không những ở quán phở Thìn, mà nhiều nơi khác trong thành phố, thỉnh thoảng tôi vẫn thường gặp họ – những người “ăn mày thế gian” – thời nay, ăn mày thế gian thì nhiều, nhưng chả thấm tháp gì so với “ăn mày cửa Phật”.


Ăn mày cửa Phật


Trước kia, ai cũng như nhau, đều đơn giản trong cách nghĩ, thanh bạch trong lối sống, bằng lòng với thực tại, không bon chen, không giành giật. Ai cũng cảm thấy hạnh phúc với những cái mình có, mặc dầu còn rất khiêm tốn. Nhưng bây giờ thì đã khác. Khác rất xa, như là một trang mới trong hành động và lối sống.


Chưa bao giờ người ta lại khao khát làm giàu như bây giờ, khao khát ăn ngon mặc đẹp, khao khát hưởng thụ, nhiều khi vượt ra ngoài khả năng của mình, có người còn kiếm tiền bằng mọi giá. Mơ ước thì nhiều, nhưng thực tế mấy ai toại nguyện, cho nên họ cầu xin.


Xin trời Phật, xin thần thánh, xin những đấng linh thiêng vô hình, người đời gọi họ là “ăn mày cửa Phật”. Ăn mày cửa Phật có niềm thôi thúc riêng, chả thế mà: “Đường chùa chót đỉnh đèo mây/ Lên cao non bạc, xanh cây trắng trời”. Người ta vẫn: “Lưng còng, gậy chống khua mau/ Đường mòn, gối mỏi lâu lâu lại dừng”.


Làm quan có quy luật của làm quan, ăn mày có quy luật của ăn mày. Người ta nghiệm ra rằng: Người giàu đi ăn mày nhiều hơn người nghèo, thành phố ăn mày nhiều hơn nông thôn, trẻ trung ăn mày nhiều hơn già cả, đàn bà ăn mày nhiều hơn đàn ông, thủ đô ăn mày nhiều hơn tỉnh lẻ. Cứ thử đến chùa Hương mà xem, người Hà thành “trên cơ” người các tỉnh.


Dăm, bảy đường cầu


Người ta đến chùa chiền để cầu tài cầu lộc, cầu mọi thứ. Cô đơn thì cầu hạnh phúc, nghèo khó thì cầu áo cơm, ốm đau thì cầu cứu nhân độ thế, có một thì cầu mười, có mười thì cầu trăm, chẳng làm sao thì cầu tất tật: Sức khoẻ, hạnh phúc, tiền tài, danh vọng. Có điều lạ là, không mấy ai đến chùa để cầu đức độ, kể cả những kẻ thất đức!


Tôi đến chùa Hương, nơi ngỡ như thoát tục, lại gặp đụn gạo, đụn tiền. Thì ra miếng cơm, manh áo ở đâu cũng nặng. Những người giàu có, vàng đeo đầy người, lại cứ thi nhau sờ vào đụn tiền, nhiều người cho rằng, có tiền thì mua được nhiều thứ, kể cả quyền lực. Đụn gạo thì sờ ít hơn, có lẽ gạo bây giờ cũng sẵn, không như thời bao cấp, phải dùng tem phiếu mới mua được.


Ăn mày cửa Phật cũng có ba – bảy đường. Người theo tín ngưỡng, tâm linh, thì ăn mặc tươm tất, nói năng từ tốn, cử chỉ điềm đạm, đi đứng khoan thai, nguyện cầu thành kính.


Ăn mày kiểu mê tín dị đoan, thì lễ vật cũng mê tín dị đoan, lời cầu xin hổ lốn.


Đi theo kiểu a dua thì chẳng hiểu gì, mà số này lại khá đông. Nhiều cô, nhiều cậu đến chùa Hương mà cứ chắp tay: “Lạy thánh mớ bái”. Thế là hỏng. Làm gì có thánh ở đây mà lạy.


Ăn mày theo kiểu chụp giật thì vơ lấy vơ để, cái gì cũng xin. Gặp đụn gạo, đụn tiền thì xoa lấy được, không để phần người khác. Tuy vậy, không phải ai đi ăn mày cũng cầu được ước thấy, nếu không tu nhân tích đức, không bền bỉ đấu tranh, không vượt qua cám dỗ, không quý trọng thời gian…


Nhà thơ Nguyễn Duy vừa phát hiện ra một chị đi cầu nhân duyên, sau khi đã rì rầm khấn vái, bèn “Thò tay bốc phứa một trang”; nhưng “Mong Kim Trọng, lại vớ chàng Sở Khanh”. Có lẽ chị này chưa đáng được Phật “cưu mang”?!


Cuộc sống là một bức tranh lớn, phải lùi hẳn ra xa mới nhìn thấy hết được. Đi ăn mày cửa Phật cũng là một phạm trù tâm hồn, nguyện cầu nơi cửa Phật là niềm khao khát của nhiều người. Dù cuộc đời có tiến đến đâu thì chùa vẫn cứ cần.


Nhà thơ Vũ Quần Phương có viết: “Chùa là ký ức của tâm hồn. Ký ức không làm ai no bụng. Nhưng người ta không thể sống mà không ký ức“. Mong sao những ai đi ăn mày cửa Phật, cũng là để cho lòng mình thanh sạch.