Trang chủ Diễn đàn 'Án treo' của những ngôi chùa cổ

'Án treo' của những ngôi chùa cổ

118

Đứng trước nguy cơ trở thành phế tích

Chùa Hố Đất, tức chùa Giác Viên, TP.HCM, được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích nếu không được quan tâm kịp thời.

Nằm sâu trong con hẻm trên đường Lạc Long Quân, chùa Giác Viên lọt thỏm giữa khu dân cư. Cổng chính của chùa thông qua… công viên văn hóa Đầm Sen, nhưng hiện cũng không còn được sử dụng. Muốn vào chùa, người ta phải đi bằng cửa sau.

Mô tả ảnh.

Nhà dân nằm chung với khu mộ tháp của chùa Giác Viên. Ảnh: Lê Tám

 

Khuôn viên quanh chùa đã bị người dân chiếm dụng xây nhà. Tình trạng xâm lấn diễn ra từ trước khi chùa được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1993. Từ đó đến nay, hơn 15 năm, việc giải tỏa nhà dân, trả lại nguyên trạng di tích, là cả một thách thức.

Vườm mộ tháp sau chùa gần như lẩn khuất trong khu dân cư, không có hàng rào phân cách. Cổng sau của chùa khi mưa lớn, lối vào bị nước ngập lênh láng.

Cụm chính điện của chùa được gìn giữ chỉn chu nhất, bên trong có nhiều cổ vật và những công trình điêu khắc. Nhưng cụm nhà phía trái nhìn từ cổng sau chùa đang xuống cấp trầm trọng.

Mô tả ảnh.

Cổng chính chùa không còn sử dụng, cổng sau này cũng chỉ có lệ. (L.T)

 

Một phần khu nhà này được sử dụng làm phòng mạch y học cổ truyền chữa bệnh cho phật tử, một phần là chỗ nghỉ ngơi cho người làm công quả. Khu vực này thiếu sự chăm chút nên nhếch nhác, thiếu trang nghiêm, không xứng tầm một di tích quốc gia.

Lần tôn tạo gần nhất của chùa là vào năm 1994, ngay sau khi được công nhận di tích cấp quốc gia. Nhưng việc giải tỏa các hộ dân xung quanh vẫn dậm chân tại chỗ. Nhà chùa muốn làm hàng rào ngăn cách với nhà dân, phải chấp nhận mất đất.

"Dự án treo" 5 năm của chùa Phụng Sơn

Chùa Phụng Sơn (quận 11, TP.HCM) là ngôi chùa hiếm hoi có lực lượng bảo vệ ngày đêm. Trước đây, chùa rất lộn xộn, dân trộm cắp, hút chích ra vào như chốn không người, sinh hoạt mất trật tự gây ra cảnh nhếch nhác chốn thiền môn. Nạn xâm chiếm đất nhà chùa xây dựng nhà cửa đã làm cho diện tích khuôn viên chùa ngày càng thu hẹp.

Mô tả ảnh.

Nhà dân nằm gọn trong khuôn viên chùa Phụng Sơn! (L.T)

 

Hiện chùa không còn cảnh các thành phần bất hảo quấy phá khách thập phương. Nhưng khách đến cũng không khỏi ngậm ngùi trước những đổi thay diện mạo của ngôi chùa. Bàu Chuông đã bị lấp, ao sen cũng không còn. Thay vào đó là những căn nhà kiên cố. Ở phần diện tích ít ỏi còn lại, xe du lịch, xe tải đậu dọc ngang án ngữ ngay trên những lối đi, khoảng đất trống. Quán xá cũng nối tiếp mọc lên bao vây.

Bên trong chùa, nơi chánh điện, nhiều rui mè đã hỏng. Mái cũng đã thủng nhiều nơi. Hiện tượng xuống cấp của chùa không phải chỉ mới đây mà đã có từ nhiều năm trước. Một số cột bị hư, đơn vị trùng tu dùng những loại cây gỗ còn non tuổi, rẻ tiền thay thế, nên chỉ trong một thời gian đã rệu rã.

Trước tình trạng chùa Phụng Sơn xuống cấp, khuôn viên bị lấn chiếm, năm 2004, UBND TP.HCM đã giao cho Sở VHTT TP.HCM làm chủ đầu tư dự án trùng tu ngôi chùa này. Theo đó, ban quản lý dự án đã khảo sát, ghi nhận có tới 132 hộ dân lấn chiếm, phải cần đến 36 tỉ đồng để đền bù giải tỏa.

Mô tả ảnh.

Sân chùa bị chiếm dụng làm bãi đậu xe. (L.T)

 

Hai năm sau, tháng 9/2006, HĐND TP.HCM kiểm tra nhưng dự án vẫn còn nằm trên giấy. Tháng 10/2007, UBND TP.HCM đã thống nhất chủ trương tách phần bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư các hộ dân thành một dự án riêng và giao UBND quận 11 làm chủ đầu tư.

Sở VHTT TP.HCM khi đó được giao chịu trách nhiệm trùng tu chùa theo quy định về bảo vệ trùng tu di tích lịch sử văn hóa quốc gia, và lên kế hoạch cụ thể, phải hoàn thành trong năm 2008.

Thế nhưng ngày 17/7 vừa qua, có mặt tại chùa, chúng tôi nhận thấy tình trạng của chùa vẫn như bao lâu nay. Chưa có một động thái nào chứng tỏ dự án đã được khởi công. Bên hông chánh điện, tấm panô phối cảnh dự án đã bạc màu thời gian.

Thượng tọa Thích Trí Định, trụ trì chùa Phụng Sơn cho biết đến nay vẫn chưa thấy dự án động tĩnh gì. Nhà chùa cũng như phật tử mong mỏi chờ ngày động thổ khởi công trùng tu di tích quí hiếm của TP.HCM, nhưng 5 năm đã qua.

Những biến động về giá cả sau 5 năm sẽ đẩy kinh phí thực hiện dự án tăng lên nhiều lần so với dự kiến ban đầu. Dự án sẽ phải điều chỉnh, chờ phê duyệt cùng những thủ tục khác. Đến bao giờ chùa Phụng Sơn, ngôi cổ tự có từ thế kỷ 19 trên gò cao được trả lại bộ mặt khang trang?

Mộ tháp cổ trong chùa Giác Lâm được sơn nước mới toanh! (L.T)

Mộ tháp cổ trong chùa Giác Lâm được sơn nước mới toanh! (L.T)

Chùa Giác Lâm (hay còn gọi với nhiều cái tên khác như Cẩm Đệm, Sơn Can hay Cẩm Sơn) có từ năm 1744, được công nhận di tích cấp quốc gia vào năm 1988. Ngôi chùa được gìn giữ và tôn tạo khang trang. Tuy nhiên, việc tôn tạo không đúng phương pháp đã làm mất giá trị cổ xưa của ngôi chùa.

Ví dụ rõ nhất ở việc tôn tạo sai phương pháp là ở khu mộ tháp cổ phía sau chùa. Toàn bộ khu mộ tháp được sơn mới, trừ vài tượng sành sứ gắn bên trên tháp.

Bên hông chùa, nhà của khoảng 5 hộ dân thọc sâu vào khuôn viên làm cảnh quan bị chia cắt. Một giảng đường lớn được xây lên ngay bên cạnh chánh điện, dù nằm ngoài khu di tích nhưng ít nhiều làm ảnh hưởng đến cảnh quan của ngôi chùa cổ. Bước chân vào ngôi chùa này, nếu không biết qua tiểu sử của nó, ít ai nghĩ ngôi chùa có từ thế kỷ 18.