Trang chủ Diễn đàn Bảo vệ cổ vật Phật giáo – Trách nhiệm không của riêng...

Bảo vệ cổ vật Phật giáo – Trách nhiệm không của riêng ai

145

Nhiều ngôi chùa chỉ một đêm đã bị kẻ gian đột nhập lấy đi nhiều pho tượng quý hiếm, thậm chí có chùa bị kẻ trộm viếng thăm hai lần chỉ cách nhau vài tháng. Giá trị cổ vật bị đạo tặc lấy cắp không thể tính bằng tiền mà thực sự vô giá về mặt tinh thần, tâm linh của Phật giáo và dân tộc.


 


Trong thời gian qua, tại miền Bắc, những tỉnh “nóng” về tình trạng chảy máu cổ vật phải kể đến: Hà Tây, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh. Rất nhiều chùa như chùa Phổ Quang, chùa Phúc Lâm, chùa Viên Sơn, chùa Cao Xá (tỉnh Phú Thọ), chùa Liên Châu, chùa Nha Phúc và chùa Lộc Dư (tỉnh Hà Tây), chùa Sàn, chùa Xóm Bến, chùa Dương Quang (tỉnh Bắc Giang) v.v… đã bị mất nhiều cổ vật cực kỳ quý hiếm như tượng Phật, pháp khí… có niên đại từ thời Lý-Trần. Hiện Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn đang lưu giữ hàng ngàn cổ vật vốn được các cơ quan chức năng thu giữ từ những kẻ vận chuyển đồ cổ trái phép qua biên giới. Con số này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số các di vật cổ bị những kẻ vô lương đem bán ra nước ngoài, qua đó đủ thấy nạn chảy máu cổ vật ở nước ta rất trầm trọng.


 


Đâu là cơ quan hữu trách bảo vệ di tích? Bà Nguyễn Thị Giang, Giám đốc Bảo tàng Hà Tây, cho biết: “Trước kia ngành bảo tàng được giao hai nhiệm vụ chính: bảo tồn giới thiệu hiện vật tại bảo tàng và quản lý các di tích về mặt hồ sơ. Hiện nay chức năng quản lý di tích đã được tách riêng giao cho Ban Quản lý di tích để không chỉ quản lý về mặt hồ sơ, mà còn quản lý thực thể di tích. Tuy nhiên, lực lượng nhân sự của Ban Quản lý di tích cấp tỉnh rất mỏng, trong khi phải quản lý hàng ngàn di tích thì cũng không thể bố trí nhân lực trông coi hiệu quả mà phải nhờ vào địa phương”. Như vậy, về mặt pháp lý chưa có một quy định trách nhiệm rõ ràng cho cấp nào hay cơ quan nào quản lý trực tiếp, dẫn tới việc buông lỏng trong việc bảo vệ di tích, cùng với sự thiếu ý thức giữ gìn di sản văn hóa của địa phương đã tạo kẽ hở cho nạn trộm cướp cổ vật hoành hành.


 


Mặt khác, nhiều ngôi chùa chưa được quan tâm bảo vệ chu đáo, chưa có sự phối hợp giữa nhà chùa và chính quyền sở tại, đây chính là nguyên nhân khiến bọn bất lương lợi dụng để đánh cắp cổ vật. Trong khi đa phần người dân thì bàng quan vì cho rằng: chùa chiền là nơi thờ tự linh thiêng nên không ai dám vào ăn cắp. Chính quyền nhiều nơi chưa chú trọng tới công tác quản lý và bảo vệ di sản văn hóa. Có không ít vị cán bộ cơ sở  coi việc bảo vệ di tích không phải trách nhiệm của mình, mà là của các Tăng Ni Phật tử. Đến khi mất tượng lại cho rằng không quan trọng, đáng gì, cứ hô hào dân góp tiền tạc tượng mới thế vào là xong (!). Về phía nhà chùa thì nhiều nơi lực bất tòng tâm, không đủ nhân sự và độ an toàn để tự bảo vệ. Rất nhiều những ngôi chùa làng không có Tăng Ni trụ trì coi sóc, thường thì những Phật tử sống quanh chùa thỉnh thoảng ghé lại trông coi. Ban đêm cửa chùa được khóa sơ sài, trở thành miếng mồi ngon đối với bọn đạo tặc.


 


Tượng Phật, di vật Phật giáo nói riêng và cổ vật quốc gia nói chung chính là những báu vật của tổ tiên để lại cho hậu thế, không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn có giá trị cao về văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc… được định giá bằng số tiền rất lớn trên thị trường quốc tế, nên không thể chấp nhận thái độ thờ ơ khi cho rằng việc mất tượng này thì đắp đẽo tượng khác thế vào là xong. Để bảo vệ tốt di tích cần có sự quan tâm phối hợp giữa nhân dân, Tăng Ni Phật tử cùng các cấp chính quyền, nhất là nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn cổ vật. Thiết nghĩ giữ gìn di sản Phật giáo là trách nhiệm không phải của riêng ai, mà của tất cả mọi người.