Trang chủ Tin tức Bình Phước : Đại Lễ Vu lan tại chùa Chưởng Phước

Bình Phước : Đại Lễ Vu lan tại chùa Chưởng Phước

382

Chứng minh và tham dự buổi lễ có: HT.Thích Minh Lạc – Trụ trì chùa Pháp Hưng; TT.Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang; TT.Thích Chơn Định – Trụ trì Tu Viện An Lạc Hạnh; TT.Thích Thông Thiện – Trụ trì Tịnh thất Tuyền Lâm; cùng Chư tôn thiến đức Tăng Trụ trì các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trong và ngoài tỉnh Bình Phước.

Về phía Chính quyền có: ông Phạm Xuân Chiến – Phó GĐ CA tỉnh Bình Phước; bà Trịnh Thị Nga – Ủy viên Ban Thường Vụ tỉnh ủy – Trưởng Ban Dân Vận tỉnh Bình Phước, cùng các vị đại diện cho Lãnh đạo Chính quyền, các Ban ngành Đoàn thể tỉnh Bình Phước, thị xã Bình Long, xã Thanh Phú và các nhà Doanh nghiệp, các Mạnh thường quân ủng hộ xây dựng Nhà Dưỡng Lão Chùa Chưởng Phước cũng đồng tham dự. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Biên Tập Viên các Báo – Đài tỉnh Bình Phước đến đưa tin.
 
Để LỄ HỘI VU LAN thật ý nghĩa với tinh thần đạo hiếu theo đạo Phật, đúng 8h30’, mở đầu chương trình, TT.Thích Chân Quang (BRVT) đãi lao cho Chư tôn đức Tăng có vài lời đạo lý, nói về ý nghĩa của ngày Lễ Vu Lan trong đạo Phật, xem như là phẩm vật cúng dường dâng lên Chư Phật và làm quà tặng cho các Phật tử nhân ngày trọng đại này. 
 
Ở một góc nhìn tâm linh, khi nói đến ngày Lễ Vu Lan là người ta nghĩ ngay đến “Tháng bảy ngày rằm”. Và hàng năm, dù tất bật ngược xuôi, dù bộn bề công việc đến mấy, nhưng đến mùa Vu Lan, ai ai cũng không thể quên đi lễ chùa, để được cài một bông hồng trên ngực, nhằm tưởng nhớ đến những đấng sinh thành của mình. Đây là một nét đẹp văn hóa, một truyền thống quý báu của người dân Việt, được thể hiện muôn hình muôn vẻ trong cuộc sống đời thường mà chúng ta không ai không trải nghiệm qua. Ai không biết đến ân cha mẹ thì đừng nói đến những ân nghĩa khác.
 
Thượng tọa nhấn mạnh, trong đạo Phật, Vu Lan là ngày lễ của sự biết ân mà trong đó ân đối với cha mẹ là nền tảng nhất, sâu sa nhất. Chính nền tảng đạo đức này đã đưa chúng ta đến sự thành công trên mọi lĩnh vực xã hội. Vì nếu trong lòng chúng ta đối với cha mẹ mình mà thờ ơ không hiếu kính thì người này đừng nói đến yêu nước, đừng nói đến yêu nhân loại, yêu đồng nghiệp hay hay yêu một người nào khác. 
 
Trong ân nghĩa mà chúng ta sống giữa cuộc đời thì vô số chứ không phải chỉ có vài người. Có những người ta chịu ân một cách trực tiếp, ta nhớ và biết rõ họ, nhưng còn có vô số những người ta chịu ân gián tiếp mà ta chưa hề biết mặt, thậm chí ta cũng không biết rằng mình chịu ân người đó nữa. Cuộc sống là ân nghĩa tương quan chằng chịch với nhau, nên ai đã xuất hiện trong cuộc đời này đều bị sống trong một thế giới mà mình đã chịu ân quá nhiều. Tuy nhiên trước ân nghĩa của vô số đó, thật tình không ai đủ sức đền đáp tất cả ân nghĩa mà mình đã thọ nhận trong đời, nên đa phần chúng ta đành chịu là người vô ân.
 
Đầu tiên, Thượng tọa phân tích và giới thiệu qua nhiều đối tượng mà con người phải chịu ân trong cuộc sống này dù trực tiếp hay gián tiếp. Thật sâu sắc với cái nhìn của Thượng tọa về 2 hạng người vô ân, đó là:
 
1.      Vô ân vì bạc bẽo, không thích nhớ ân ai mà mình nhận trong cuộc đời.
 
2.      Có biết ân nhưng đành phải làm người vô ân vì cuộc sống cuốn họ đi bởi bổn phận và công việc trước mắt. Không bao giờ chúng ta có đủ sức quay ngược lại quá khứ đi tìm tất cả những người mình đã chịu ân để đền ân đáp nghĩa. Nếu là một người sống có đạo đức, ai cũng từng trong đời mình hay bị ray rức bởi những món nợ ân nghĩa mà ta đã nhận và dường như ta không có cơ hội để đền đáp.
 
Trong đạo Phật có nói đến 4 ân nặng trong vô số ân đó, đó là ân Cha mẹ, ân Sư trưởng, ân Vua và ân cao nhất là ân Phật, nhưng hôm nay Thượng tọa chỉ nhấn mạnh ân Cha mẹ và ân Sư trưởng.
 
Phật giáo gắn liền với truyền thống Văn hóa Việt Nam. Có thể nói, pháp Báo hiếu trong đạo Phật là điểm tựa tinh thần vững chắc và cũng là nền tảng đạo đức của dân tộc ta. Khi cha mẹ thương con và con hiếu kính với cha mẹ, cơ chế gia đình sẽ được củng cố vững chắc. Một khi tế bào xã hội lành mạnh thì cả xã hội này sẽ ổn định. Cho nên, lòng hiếu được đề cao không phải chỉ là hạnh phúc của cha mẹ, mà đó chính là yếu tố tích cực để xây dựng cả đất nước này, xã hội này được ổn định. Văn hóa của nhà Nho và nhà Phật luôn dạy dổ nhắc nhở sự hiếu kính, đó là một đạo lý vô cùng quý giá đối với muôn loài nhưng hiện nay không có mấy quốc gia còn tôn trọng điều này. Hãy nhìn sang Âu Châu, hiện nay nhiều nước có bạo loạn xãy ra như Anh, Đức, v.v…và người ta đi tìm nguyên nhân thì một nguyên thủ Quốc gia Anh quốc cho rằng “Nguyên nhân của những cuộc bạo loạn là do cơ chế gia đình lỏng lẽo”. Đây là một hệ quả tất nhiên!.
 
Riêng Việt Nam, chúng ta may mắn được hai nguồn bảo vệ Văn hóa này. Nguồn thứ nhất là được Nhà nước ủng hộ, bảo vệ với quan điểm rõ ràng BẢO TỒN BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC, nên cả hệ thống Pháp luật VN bảo vệ điều này cho ta, ta không lo bị đánh vỡ giống như nước ngoài. Bên nước ngoài chính Luật pháp đánh vỡ lòng hiếu của con người, nhất là lớp trẻ. Nguồn thứ hai là trong đạo Phật, cứ hàng năm mỗi độ Vu Lan về, các Chùa khắp nơi mở hội Vu Lan để nhắc nhở người đệ tử Phật, về ân nghĩa sinh thành của ông bà cha mẹ tiên tổ nhiều đời, đã chảy trong huyết quản của mỗi con người.
 
Do đó đạo hiếu được duy trì ở Việt Nam. Vì vậy ta tin một điều, đất nước ta có giềng mối để có thể ồn định, phát triển được lâu dài, vì trên nhiều yếu tố để ổn định xã hội có một yếu tố rất quan trọng, đó là “Lòng hiếu” mà đất nước ta được tới 2 nguồn bảo vệ. Chúng ta rất biết ơn đối với chính sách nhà nước và đạo lý của đạo Phật là vậy.
 
Tóm lại, ngày Vu Lan Báo Hiếu là ngày nhắc lại truyền thống Văn hóa Dân tộc, để dạy cái đạo đức căn bản nhất cho con người là Đạo hiếu. Vì rằng, chúng ta còn hiện hữu trên cuộc đời này là chúng ta còn mang ân và báo ân. Mà đó cũng là nền tảng làm thành các công đức trong đời, góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước mình ngày một phồn thịnh hơn.
 
Tiếp theo, ĐĐ.Thích Chơn Lý – Trụ trì Chùa Chưởng Phước, đại diện cho toàn thể Tăng chúng và Phật tử có đôi lời phát biểu khai mạc và bày tỏ tinh thần hiếu đạo của người con Phật đối với vị Ân sư trưởng của mình là TT.Thích Chơn Định. Và Đại Đức cũng mong mỏi rằng “Tất cả những người con, chúng ta cố gắng trong cuộc sống đứng phạm tội bất hiếu với cha mẹ”.
 
Để thể hiện tấm gương cho Phật tử, Đại Đức và huynh đệ trong Bổn tự đã quỳ trước vị Ân sư của mình để lễ lạy xem như là tri ân người Thầy đã giáo dưỡng, tiếp độ quý thầy một đời nên huệ mạng.
 
Thật cảm động trong giờ phút thiêng liêng đó, TT.Thích Chơn Định ghi nhận lòng hiếu của đệ tử mình bằng sự bộc bạch xuất phát từ trái tim thương yêu của người Thầy đối với đệ tử. Đây cũng là dịp để Chư Tăng phát huy tinh thần hiếu đạo cho quý Phật tử thấy được “Mục tiêu hướng đến của một người xuất gia tìm đến chổ giải thoát an lạc cũng không ra khỏi đạo hiếu”.
 
Được biết, chương trình LỄ HỘI VU LAN BÁO HIẾU tại Chùa Chưởng Phước, sau đó còn diễn ra nghi thức cài hoa hồng, dâng Pháp y cúng dường lên Chư tôn đức Tăng, văn nghệ Vu Lan, tặng hoa chúc mừng của Lãnh đạo Chính quyền, tụng Sám Vu Lan, phát biểu cảm tưởng của Phật tử, tặng quà lưu niệm, lễ câu siêu cho cửu huyền thất tổ, v.v…
 
Đặc biệt hơn là trong ngày Lễ hội, ĐĐ.Thích Chơn Lý – Trụ trì chùa Chưởng Phước có tổ chức buổi khám bệnh, phát thuốc miễn phí và phát 1,5 tấn gạo cho khoảng 400 người nghèo, bệnh nhân khó khăn tại địa phương và các huyện thị trong tỉnh, để ai cũng được hưởng mùa Báo ân thật hạnh phúc và tràn đầy yêu thương trong vòng tay xã hội.