Trang chủ Tết Việt Phong tục Cà sa của Phật Tổ trên cây nêu ngày Tết

Cà sa của Phật Tổ trên cây nêu ngày Tết

85

Chúng nó dần dần tăng số phải nộp lên gấp đôi và mỗi năm nhích lên một ít. Cuối cùng chúng nó bắt người phải nộp theo một thể lệ đặc biệt do chúng nó nghĩ ra là “ăn ngọn cho gốc”. Người không chịu. Chúng nó lấy áp lực bắt người phải theo. Vì thế năm ấy sau vụ gặt, người chỉ còn trơ ra những rạ là rạ. Cảnh tượng da bọc xương thê thảm diễn ra khắp mọi nơi. Bên cạnh bọn quỷ reo cười đắc ý, người cơ hồ muốn chết tuyệt.


Phật từ phương Tây lại có ý định giúp người chống lại sự bóc lột tàn nhẫn của quỷ. Sau mùa đó, Phật bảo người đừng trồng lúa mà cào đất thành luống trồng khoai lang. Người y lời làm đúng như Phật dặn. Quỷ không ngờ người đã bắt đầu có mưu kế mới chống lại mình nên cứ nêu đúng thể lệ như mùa trước “ăn ngọn cho gốc”.


Mùa thu hoạch ấy, quỷ rất hậm hực nhìn thấy những gánh khoai chạy về nhà người đổ thành từng đống, còn nhà quỷ chỉ toàn những dây và lá khoai là những thứ không nhai nổi. Nhưng ác nỗi thể lệ đã quy định, chúng nó đành cứng họng không thể chối cãi vào đâu được.


Sang mùa khác, quỷ thay thể lệ mới là “ăn gốc cho ngọn”. Phật bảo người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả quỷ lại hỏng ăn. Những hạt lúa vàng theo người về nhà, còn rạ phó mặc cho bọn quỷ. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên bố  “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Lần này quỷ nghĩ: “Mặc cho chúng mày muốn trồng gì thì trồng, đằng nào cũng không lọt khỏi tay chúng tao”. Nhưng Phật đã bàn với người thay đổi giống mới, trồng ngô khắp nơi mọi chỗ.


Năm ấy một lần nữa, người sung sướng trông thấy công lao của mình không uổng. Trong nhà người thóc ăn chưa hết thì ngô đã gánh về chứa từng cót đầy ăm ắp. Về phần quỷ lại bị một vố cay chua tức tối hàng mấy ngày liền. Cuối cùng quỷ nhất định bắt người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa. Trong bụng chúng nó nghĩ: “Thà không được cái gì cả còn hơn là để cho chúng nó ăn một mình”.


Phật bảo người điều đình với quỷ cho tậu một miếng đất vừa bằng bóng một chiếc áo cà sa. Nghĩa là người sẽ trồng một cây tre trên có mắc chiếc áo cà sa, hễ bóng che bao nhiêu diện tích ở mặt đất là thuộc sở hữu của người. Ban đầu quỷ không thuận, nhưng sau chúng suy tính thấy đất ít bèn nhận lời. “Ồ! Bằng một chiếc áo cà sa có là bao nhiêu”, chúng nó nghĩ thế. Hai bên làm tờ giao ước: ngoài bóng che là đất của quỷ, trong bóng che là của người. 


Khi người trồng cây tre xong, Phật đứng trên ngọn, tung áo cà sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút mãi lên, đến tận trời. Tự nhiên trời đất trở nên âm u, bóng của áo cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất. Bọn quỷ không ngờ có sự phi thường như thế. Mỗi lần bóng áo lấn dần vào đất chúng, chúng phải dắt nhau chạy lùi, lùi mãi. Cuối cùng quỷ không có đất nữa phải chạy ra biển Đông. Vì thế người ta mới gọi là quỷ Đông.


Tiếc vì đất đai hoa màu đều thuộc về tay người, quỷ rất hậm hực, cố chiêu tập binh mã vào cướp lại. Người phải chiến đấu với quỷ rất gay go vì quân đội của quỷ có đủ một bầy ác thú như voi, ngựa, chó ngao, bạch xà, hắc hổ v.v… rất hung dữ. Nhờ Phật cầm gậy tầm xích đánh giúp, quỷ chạy không kịp, bị Phật bắt đày ra biển Đông.


Ngày quỷ già, quỷ trẻ, quỷ đực, quỷ cái cuốn gói ra đi, bộ dạng của chúng vô cùng thiểu não. Chúng rập đầu sát đất cố xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông ngày trước. Phật thấy chúng khóc váng cả lên mới thương hại, hứa cho.


Vì thế, hàng năm cứ đến ngày Tết Nguyên đán là ngày quỷ vào thăm đất liền nên người ta theo tục cũ trồng nêu để cho quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở.


(Theo Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi, NXB KHXH – Hà Nội)


BÀI HỌC ĐẠO LÝ:


Mặc dù câu chuyện trên chỉ là cổ tích, do tổ tiên của chúng ta sáng tạo ra nhưng đã phản ánh rõ nét ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo trong dòng chảy văn hóa của dân tộc. Nhất là, nhờ sự gia hộ và soi sáng của Phật Tổ, nói cách khác là nhờ tuệ giác, con người đã chiến thắng hoàn cảnh, vượt lên chính mình để xây dựng đời sống an bình, hạnh phúc.


Ma quỷ luôn tham lam, hằng mong muốn thâu tóm mọi lợi lộc về mình. Muốn đạt được tham vọng này, ma quỷ có thể làm bất cứ điều gì, kể cả hại người. Một khi lòng tham ngự trị xã hội thì đời sống con người càng khốn khó. Đức Phật đã xuất hiện kịp thời chỉ bày cho con người phương cách dùng trí tuệ để hóa giải lòng tham.


Quỷ đòi “ăn ngọn cho gốc” thì Phật chỉ cách trồng khoai, khi quỷ đòi “ăn gốc cho ngọn” thì dạy trồng lúa, khi quỷ đòi “ăn cả gốc lẫn ngọn” thì dạy trồng ngô, và cuối cùng thì quỷ đã thất bại.


Tuệ giác đã chiến thắng lòng tham, và đó là kết quả của một cuộc chiến với nội ma ngoại chướng dai dẳng, đầy cam go cùng nhiều hy sinh mất mát. Ngay cả khi quỷ dữ tham tàn đã bị Phật lực và tuệ giác đẩy lùi ra khỏi mặt đất, con người cũng luôn cảnh giác, đề phòng. Vì tham lam sẵn sàng trở lại bất cứ lúc nào, đặc biệt là đối với những người chủ quan, quá say men chiến thắng. Trong những ngày hội hè, và nhất là lễ tết đầu năm khi mọi người thư giãn, vui chơi, hưởng hạnh phúc thì tham dục lại có cơ hội trỗi dậy nhiều hơn.


Vì thế, đón năm mới, người Việt có truyền thống dựng cây nêu, một số người dán bùa nêu trước cửa, ngoài mong ước có một sự bảo an, che chở, vượt thoát khỏi các thế lực hắc ám của ma quỷ còn là một sự tự cảnh tỉnh và răn nhắc mình trước những tác động của lòng tham. Và cây nêu, theo truyền tích, là biểu trưng cho tòa Phật bảo sáng ngời tuệ giác, Phật đứng trên ngọn tre tung áo cà sa, dẹp yên ma quỷ, đem lại cuộc sống an bình cho dân lành.