Trang chủ Thời đại Xã hội Cách sống đa dạng của người nữ Phật giáo (*)

Cách sống đa dạng của người nữ Phật giáo (*)

72

Chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật vẫn là một sự thật hiện hữu ở một số nơi. Môi trường bị phá hủy, tài nguyên bị cạn kiệt, những giá trị đạo đức tâm linh truyền thống bị suy thoái, con người buông thả, bất chấp, bạo lực, thất vọng, khổ não…

Trước thực tế đau thương của nhân loại, người xuất gia đệ tử Phật với tôn chỉ: “Tốt đời đẹp đạo, lợi lạc quần sinh” phải đi vào đời bằng hành trang từ bi, trí tuệ mang lại cho con người nguồn an vui, hạnh phúc.

Trên tinh thần nhập thế, Ni giới với thiên chức từ ái, dịu dàng, nhẫn nại, tận tụy, hy sinh, do đó dễ tiếp cận và thực hiện tốt hạnh nguyện cao cả này. Song, con người và cuộc sống vốn đa dạng, nên cách sống của người nữ Phật giáo cũng phải đa dạng.

Ðây là điểm khó, rất khó của những hành giả dấn thân. Làm sao sự cống hiến vì lợi ích cho tha nhân vẫn giữ được tính vô nhiễm của bậc xuất trần, đem lại sự an lạc cho con ngýưi mà vẫn không rời bản vị giải thoát.

Mấy ngàn năm qua, quy trình của chư Phật và lịch đại Tổ sư trong sự nghiệp lợi tha đều như thế, Ni giới chúng ta nguyện bước theo gót chân hành đạo của quí Ngài thì phải nhất tâm điều nghiên, hầu hoạch ðịnh phương hướng thật rõ ràng để không bị mất dấu.

Lật lại trang sử vàng của Phật giáo, khi xưa ðức Thế Tôn muốn giải thoát cho chúng sanh khỏi khổ đau sanh tử, Ngài từ giã hoàng cung, quay lưng với ngũ dục, tầm sư học đạo,vào sâu trong núi tuyết, tư duy thiền định.

Ðắc đạo chứng quả Ngài mới trở lại cuộc đời bắt đầu hóa độ chúng sanh. Bước chân du hóa của Ngài đến đâu, nơi đó được trang nghiêm, chúng sanh được lợi ích. Bằng phương tiện trí lực và tấm lòng yêu thương, Ðức Phật đến với mọi giai tầng trong xã hội từ vua chúa, trưởng giả đến thợ thuyền, nô lệ…, Ngài đều tùy duyên giúp họ thấy được bản chất chân thật của cuộc đời, nhận ra chân tánh vốn hằng hữu trong mọi chúng sanh cùng những phương thức tu tập để họ chứng nghiệm sự giải thoát, tìm về với nguồn cội uyên nguyên.

Cách sống vô ngã vị tha, tinh thần cư trần bất nhiễm trần của đức Từ phụ đã được chư vị Tổ sư kế thừa một cách xuất sắc. Bằng bi trí song vận, áp dụng tính tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, các bậc Tổ đức đã đến với cuộc đời, với con người trong một phong cách nhẹ nhàng:

"Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sanh tử sự

Giáo hóa độ xuân thu".

Chỉ có thế mà những chúng sanh hữu duyên vẫn cảm nhận trong nếp nghĩ của họ là Phật giáo đã giúp họ mọi mặt trong cuộc sống, tạo cho họ chất liệu giải thoát an vui.

Như hoa sen vô nhiễm, quý Ngài thanh thoát tự tại giữa dòng đời, tùy nhu cầu của chúng sanh mà hiện thân cứu độ. Ðôi lúc vì nghiệp bệnh của chúng sanh, quý Ngài đóng vai một vị lương y tận tụy. Vì sự thạnh trị thái bình của đất nước, sự an cư lạc nghiệp của muôn dân, chư vị Thiền sư đã đáp lời kiền thỉnh của các quốc vươg rời am cỏ, chống tích trượng vào hoàng cung giúp vua an dân trị nước, điển hình nhý Khuông Việt Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh thiền sư…

Dù ở cương vị Quốc sư nhưng nếp đạo vẫn rạng ngời, tuệ giác và bi tâm của quý Ngài có năng lực thiết lập niềm tin mãnh liệt nơi chánh pháp trong lòng của các vị minh quân đến chư quần thần và dân dã.

Từ đó Phật giáo đã biến thành quốc giáo ở một số nước. Nhiều vị vua chúa trở thành thiền sư, những hộ pháp đắc lực như hoàng đế Asoka ở Ấn Ðộ, vua Lương Vũ Ðế ở Trung Quốc, đức vua Trần Thái Tông, đấng Giác Hoàng Ðiều Ngự Trần Nhân Tông ở Việt Nam…

Hành trạng cao quí của chư Tổ đức nhẹ nhàng như cánh nhạn trong bức tranh trác tuyệt:

"Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm

Noi theo dấu chân Phật Tổ, Ni giới đã dệt nên những trang sử vàng son trong chiều dài lịch sử Phật giáo. Từ buổi ban đầu gian nan trắc trở trong việc cầu xin xuất gia học đạo cho đến khi đức Thế Tôn cho phép thành lập Ni đoàn, đức Thánh tổ Kiều-đàm vâng lời Phật dạy đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo Ni giới một cách kiệt xuất.

Bậc thầy Ni đầu tiên đã vạch ra một đưoờng hướng giáo dục rõ nét, những người con gái của đức Phật phải nỗ lực tu tập chuyển hóa thân tâm thành tựu đạo nghiệp, mặt khác góp phần tích cực trong sự nghiệp hoằng pháp độ sanh, báo Phật ân đức.

Vì thế, hàng ngàn chư Tỳ-kheo Ni theo sự hướng dẫn của Ðức tổ Ðại Ai Ðạo đều chứng đắc thánh quả, phổ lợi quần sanh làm rạng ngời cả một thời sơ khai Phật giáo.

Tiếp nối những giai đoạn lịch sử, chúng ta thấy bậc Ni lưu trong xã hội nào, trong thời đại nào cũng đem hết tâm lực, trí lực cho việc hoàn bị tự thân, phụng sự đạo pháp, phục vụ con người.

Thế kỷ thứ 3 trước kỷ nguyên, con gái của vua A-dục là Tăng-già Mật-đa đã thành lập Ni đoàn tại Srilanka, truyền bá Phật giáo rộng khắp, Vương hậu A-nổ-la cùng 500 vị tùy tùng xuất gia thọ giới làm Tỳ-kheo Ni sống đời phạm hạnh, trí đức kiêm ưu làm cho ánh sáng chánh pháp lan tỏa sâu rộng trong lòng mọi người.

Trung Hoa thời Tây Tấn ( 265-316) có Tỳ-kheo Ni Tịnh Kiểm nghiêm trì giới luật được xem là vị Ni đầu tiên của Phật giáo Trung Quốc, khơi nguồn cho giáo đoàn Tỳ-kheo Ni được thành lập và rực rỡ về sau. Rất nhiều bậc Ni tài đã mang lại cho con người và đất nước Trung Hoa những lợi ích thiết thực.

Tại Việt Nam dưới thời Bắc thuộc, chư Ni đã nhập thế tích cực theo tinh thần đại thừa. Khi đất nước bị đô hộ, người nữ Phật giáo đã xếp lại việc tu hành tham gia vào công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nước nhà ðộc lập, những trang nữ tướng kiệt xuất ấy đã nhẹ nhàng treo ấn từ quan, không màng bổng lộc vinh hoa trở lại nếp sống phạm hạnh của bậc xuất trần thượng sĩ.

Thời Lý có Ni sư Diệu Nhân, cuộc đời và đạo nghiệp của bậc thạch trụ Ni tài đức đã ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trong quần chúng mà còn đối với tầng lớp lãnh ðạo quốc gia. Sự cống hiến của Ni giới trong những giai đoạn này chỉ ở một vài lĩnh vực của xã hội, không đa dạng như ngày nay.

Bước sang thế kỷ 20, địa vị và vai trò của nữ giới được nâng cao, đây là cơ hội để trang nữ lưu chứng tỏ cho mọi người thấy rằng trí tuệ và năng lực không thua kém gì nam giới.

Khối óc và đôi tay của người nữ đã làm nên những thành tựu thiết thực cho nhân loại mà từ lâu họ muốn cống hiến nhưng không được trân trọng và sử dụng.

Hiện nay, trong cộng đồng quốc gia hoặc trên thế giới, phụ nữ đã giữ nhiều chức vụ quan trọng. Thế kỷ này, Phật giáo đã xuất hiện nhiều bậc danh Ni lỗi lạc hoạt động Phật sự trên nhiều lĩnh vực khác nhau như hoằng pháp, giáo dục, kinh tế, từ thiện xã hội, văn hóa,… như ở Trung Hoa có Pháp sư Thông Nguyện tinh nghiêm giới luật, sống hạnh đầu đà là bậc thầy tâm linh cho Ni chúng và đông đảo nam nữ Phật tử.

Ngoài ra còn có Ni sư Diệu Nhiên, NS. Viên Dung từng là giáo thọ sư, kiến lập những phạm vũ tòng lâm cho Ni giới; NS. Như Học, Pháp sư Từ Trang xây dựng các Phật học viện, đảm nhận trách nhiệm giáo dục, văn hóa; Pháp sư Từ Dung tổ chức các hoạt động từ thiện mang tính quốc tế; Pháp sư Từ Di chủ biên Phật Quang Ðại Từ Ðiển; PS. Hiểu Vân, PS. Hằng Thanh, PS. Y Không… là những tiến sĩ giáo thọ các trường đại học ở các nước trên thế giới; hay Ni sư Chứng Nghiêm – Người sáng lập bệnh viện Từ Tế và Từ Tế Công Ðức Hội có văn phòng đại diện khắp thế giới.

Phật giáo Tây Tạng có Pháp sư Ða Kiết, ngài Ban Thiền, nhà giáo dục Thang Mã Xai… ; Hàn Quốc có Quang Vũ là Bộ trưởng Giáo dục Ni giới, Hoa Kỳ có Ven. Karma Lekshe.Tsomo; Ðức có Ayyakema; Nhật có TKN. Ðại Thạch Thuận Giáo…

Ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 có các bậc Ni long tượng, hạnh giải tương ýng như Sư bà Diệu Tịnh, Sư bà Diệu Không, Sư bà Liễu Tánh, Ni trưởng Ðàm Hương… đặc biệt nhất là Sư trưởng Như Thanh – một bậc lão Ni kiệt xuất.

Sư trưởng từ nhỏ đã tỏ ra bản lĩnh tài năng. Năng lực tổ chức, lãnh đạo của Sư trýởng đã khiến cho hàng Tăng lữ cũng phải khâm khen. Trong Ðại hội Thành lập Ni bộ, Hòa thượng Thích Thiện Hòa – Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt đã viết những dòng tán thán quý báu: “Người ta thường tưởng rằng giới Ni lưu chỉ có khả năng tự tu chứ không có khả năng đảm đương những Phật sự lớn lao làm vẻ vang cho Phật pháp, nhưng trái lại ngày nay người ta đã thấy Ni lưu với ý chí mạnh mẽ, cương quyết ðứng ra nhận lãnh một nhiệm vụ cùng với chư Tăng chia sớt gánh nặng, lo đào tạo Ni tài để duy trì gia phong của Từ phụ, thật là một điểm son đáng ghi trên lịch sử Phật giáo Việt Nam”.

Sư trưởng không những là bậc Thầy tâm linh tôn kính, trong cương vị một nhà lãnh đạo. Người cũng là bậc kỳ tài, một nhà thơ, nhà văn lỗi lạc, một bậc minh triết nội điển uyên thâm, nhà truyền giáo không biết mỏi mệt. Ngài còn dấn thân trong lĩnh vực kinh tế, mở ra các cơ sở tự túc tạo nguồn kinh phí cung ứng cho Phật sự của Ni bộ và các công tác từ thiện xã hội như thành lập các Cô nhi viện, trường dạy học cho trẻ em nghèo, mở trường dạy nghề cho người khuyết tật.

Phật sự đa đoan như thế, nhưng chư Tôn thiền đức Ni trưởng lão của chúng ta không quên công việc tự tu và giáo dục Ni chúng, vì đây là mục tiêu hàng đầu. Cách sống của quý Ngài là một mô hình kiểu mẫu, hoàn bị trong mọi việc dù một tiểu tiết oai nghi, một công việc nhỏ nhặt, nhưng khi trở về nội tâm thì không thọ một bụi trần như tinh thần của Tổ đức:

"Thật tế lý địa bất thọ nhất trần

Vạn sự môn trung bất xả nhất pháp".

Bao giờ các Trưởng lão Ni xuất cách của chúng ta cũng giữ được phong thái tự tại giải thoát. Quí Ngài nhẹ nhàng vào ra ba cõi làm bậc thầy mô phạm như tổ Qui Sơn thường ca ngợi: “Vãng lai tam giới chi tân, xuất một vị tha tác tắc”.

Lật lại trang sử, chính là để chúng ta kính ngưỡng và chiêm nghiệm phong cách sống, hành đạo của đức Từ phụ, chư vị Lịch đại Tổ suý, các bậc Trưởng lão Ni tiền bối ngõ hầu noi theo học tập, đề ra phương hướng hoạt động nhằm phù hợp với con người và thời đại, đáp ứng những nhu cầu tâm linh. Một khi chánh báo trang nghiêm thì y báo theo đó mà cụ túc. Chúng sanh sẽ bớt khổ thêm vui, sống an lành và giải thoát.

Tinh thần Bồ tát đạo, nơi nào xã hội và chúng sanh cần thì chúng ta đến không sợ gian nan, không nề khó nhọc. Xã hội càng phức tạp, nhân sinh có nhiều bất cập, người nữ Phật giáo chúng ta muốn dấn thân vào đời mang lại nguồn phúc lợi cho chúng sanh ắt phải gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, hành giả phải trang bị tri thức và đạo đức, có chánh kiến mới không bị đồng hóa, không bị lầm lẫn giữa cứu cánh và phương tiện, chắc chắn tránh khỏi những phiền muộn trong quá trình tiếp cận chúng sanh vốn đa nghiệp.

Hiện nay, đất nước chúng ta đang trong thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa, mọi mặt đều trên đà phát triển, người xuất gia muốn không bị tụt hậu, không bị xã hội lãng quên, trên mọi lĩnh vực phải góp phần làm cho đất nước được phồn vinh, nhân dân được ấm no hạnh phúc.

Cách làm một người phụng sự trong sách Nho có dạy: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Như vậy, trước tiên nơi cửa đạo, bổn phận làm trò, làm thầy chúng ta phải trọn vẹn; đối với công việc của Giáo hội giao phó chúng ta phải cố gắng hoàn thành; tại các ban ngành đoàn thể của xã hội ở vị thế nào chúng ta cũng phải thủ vai xuất sắc.

Chẳng hạn, khoác chiếc áo của người tu sĩ chúng ta phải làm cho thế gian chấp nhận và xây dựng niềm tin nơi Tam bảo. Trong vai của một Ủy viên Mặt trận hay thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ…, chúng ta góp một bàn tay làm cho dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tham gia công tác giáo dục ở cương vị người hiệu trưởng, chúng ta phải đào tạo cho được những thế hệ kế thừa có phẩm chất đạo đức và kiến thức tương ứng…

Dưới mọi hình thức, người nữ Phật giáo với những tính chất ưu việt sẵn có và cách sống tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên như lời Phật dạy chỉ mong sao khi đến với con người, giúp họ xoa dịu niềm đau nỗi khổ, tìm về bến bờ hạnh phúc; khi tiếp cận với cuộc đời làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp. Ðó là hạnh nguyện cao cả của người con Phật.

Một đất nước, một dân tộc dù bị xâm lăng, đô hộ, người dân yêu nước vẫn không muốn mất đi bản sắc dân tộc thì chúng ta – những đệ tử Phật – một khi “phát túc siêu phương” nhất định phải “thành tựu đạo nghiệp”, việc hội nhập để lợi lạc quần sanh, chỉ là phương tiện để trang nghiêm Phật quả ./.

(*) Tham luận Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam