Trang chủ Tin tức CBCNV Cty XNK Hàng Không nghe pháp thoại

CBCNV Cty XNK Hàng Không nghe pháp thoại

55

Trước hết, TT Thích Chân Quang giới thiệu về Luật Nhân Quả của đạo Phật như là nền tảng của mọi đạo lý khác, có thể ứng dụng trong đời sống và hoạt động của công ty.

Thượng tọa chứng minh có những lý thuyết của các tôn giáo khi đi đến tận cùng, đối chiếu với thực tiễn cuộc sống đã đi vào ngõ cụt, vào sự bế tắc, không lý giải được, nhưng Luật Nhân Quả thì vượt lên tất cả, vẫn lý giải được hết. Đó là lý do mà nhà bác học Einstein nói rằng “Nếu sau này có một tôn giáo bao trùm được vừa khoa học vừa tâm linh thì đó là Phật giáo”. Chính câu nói nổi tiếng này đã trở thành niềm tự hào của những người tu theo đạo Phật và làm cho nhiều nhà trí thức tìm hiểu về đạo Phật.
 
 Tiếp theo, Thượng tọa phân tích, lý giải đường đi của Luật Nhân Quả trong mọi khía cạnh  của cuộc sống. Và vì sao người tin hiểu nhân quả sẽ không an phận mà cố gắng nỗ lực mãi, dù đang thành công cũng không tự mãn, tâm hồn họ luôn bình an mặc dù đối diện với bất hạnh.
 
Theo tinh thần của nhân quả, Thượng toạ tán thán Công ty Cung Ứng & Xuất Nhập Khẩu Lao Động Hàng Không biết chia sẻ đạo lý cho Cán bộ công nhân viên của công ty với một ước muốn làm sao con người mà ta đào tạo trở thành những người xuất sắc, họ làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng khi rời khỏi đây. Chúng ta cứ nhìn sang nước Singapore, không có tài nguyên, chỉ có con người thôi, vậy mà trở thành một nước giàu mạnh.
 
Nước Nhật cũng vậy, người Nhật được khâm phục vì cha ông đã dạy họ cái gì đó mà kỹ thuật của Nhật được xem như nhất thế giới. Ta so sánh những gì xãy ra sau cơn bão Katrina và trận động đất Sendai. Một bên, nước tràn ngập thành phố là người ta thừa cơ cướp bóc, nhưng ở Sendai không có cướp mà giúp đỡ nhau, sống trong kỷ luật, cùng vượt qua gian khó. Chính cái tấm lòng đã làm nên điều kỳ diệu của nước Nhật, kỹ thuật của nước Nhật. Đây là điều mà ta phải học hỏi và thế giới phải khâm phục.
 
Như vậy khi tấm lòng đi vào trong kỹ thuật, máy móc để tạo thành sản phẩm bền, tốt. Chính tấm lòng chứ không phải cái tài. Thí dụ 1 người kỹ sư Nhật ngồi trong phòng thí nghiệm, khi họ thiết kế ra 1 cỗ máy, nếu cái đầu đã thiết kế xong, nhưng trái tim chưa cho phép, vì trái tim của họ nói rằng họ còn phải cố gắng hơn nữa để tìm cái sự hoàn hảo hơn nữa. Vậy có phải chính trái tim này đẩy sản phẩm lên cao hơn?.
 
Ta nói với nhau là thế giới chạy đua về cái đầu, nhưng quên một tham số rất lớn mà ta phải chạy đua, đó là TẤM LÒNG. Vì ai có trái tim lớn thì người đó nói theo câu danh ngôn “Chỉ những người có TRÁI TIM LỚN mới có THÀNH CÔNG LỚN”. Vì người có trái tim lớn mới tạo ra một sản phẩm tốt hơn, làm công việc tử tế hơn, đối xử với con người yêu quý hơn, trong công việc họ trách nhiệm, tận tụy hơn. Kết quả của những cái hơn đó là HẠNH PHÚC. Vậy ta hiểu khi một người có trái tim lớn mới có hạnh phúc lớn, nghĩa là đã đi qua rất nhiều trung gian.
 
Trong thời đại văn minh, kỹ thuật tiến bộ ngày nay, người ta tưởng trí tuệ, cái giỏi sẽ dành được ưu thế. Không! câu trả lời của nước Nhật đã nói ngược lại, chính TRÁI TIM đã tạo nên THÀNH CÔNG. Chính lối sống văn hóa tử tế, cố gắng hơn, có trách nhiệm, hoàn hảo hơn, bỗng nhiên họ thành một sản phẩm tốt hơn cho con người. Sản phẩm ở đây là sản phẩm của vật chất và sản phẩm của dịch vụ. Sản phẩm dịch vụ là du lịch, tiếp tân. Khi ta đến với dịch vụ đó cảm thấy hài lòng hơn vì sự chu đáo, cẩn thận hơn của họ.
 
Trở lại nhiệm vụ của công ty đây là cung cấp cho ngành nguồn nhân lực, con người (Chủ thể của tất cả mọi vấn đề). Nhưng muốn những con người này từ đây đi ra làm sáng giá cho đất nước, cho ngành thì từng người trong công ty phải nâng mình lên một mức mới, phải hiểu thế nào là con người sắc bén, trách nhiệm, tận tụy, yêu thương, khao khát, ước mơ. Không thể có con người hời hợt mà đào tạo ra được con người xuất sắc.
 
Công ty có một giám đốc giỏi, dám chịu trách nhiệm với việc mình làm, dám khát khao, dám mơ ước. Tuy nhiên một người thì không làm nên chuyện gì, mà phải là tất cả cùng đồng tâm hiệp lực. Mọi người phải hiểu như cái hiểu của anh, nỗ lực, ước mơ như anh. Ta đã làm được nhiều điều tốt trong thời gian qua, mà ta tưởng tốt rồi. Ta phải làm sao để bằng Nhật, làm sao đào tạo được những con người sâu sắc, tận tụy, hoàn hảo. Trong kỹ thuật thì chế tạo ra những sản phẩm tốt mà thế giới phải nể phục, trong dịch vụ thì đón tiếp con người chu đáo, tận tụy tử tế. Trong thảm họa tai nạn vẫn an nhiên, đó là bài học lớn cho ta.
 
Tuy nhiên, hôm nay ta học bằng họ rồi nhưng cũng chỉ là bằng họ và đi sau họ. Ta phải ước mơ rằng “Nhân loại còn có thể tốt hơn như thế nữa không? đó là mục tiêu ta phấn đấu”. Đây là trách nhiệm của người VN hiện tại trên mọi lĩnh vực: đào tạo, khoa học, giáo dục, y tế, văn hóa, phim ảnh, v.v. Ta đang cứ nhìn thế giới để bắt chước nhưng chỉ được 70% là tối đa.
 
Vì vậy trong việc đào tạo nhân sự để cung cấp cho nhà nước, trong tâm ta phải luôn nghĩ còn có thể đào tạo tốt hơn nữa không, vì người VN có tấm lòng, có trí tuệ. Bao nhiêu khó khăn trong 1000 năm lịch sử ta vượt qua hết, trong thẩm sâu con người VN có 1 TRÁI TIM, một TRÍ TUỆ lớn nhưng vì lý do gì đó chưa được khai thác hết, chưa được mở ra, chưa được định hướng đúng. Nên nhiều khi ta chia rẽ nhau, hiềm khích nhau, tự mãn, đanh đá, hung dữ. Những điều đó cản trở tài năng của ta. Còn nếu ta mở tấm lòng ra, ta muốn hoàn hảo hơn, tử tế hơn với con người, trách nhiệm hơn với đời, lúc đó có một chân trời còn đi tới nữa, chứ chưa phải chỉ là chừng ấy.
 
Tiếp theo, Thượng tọa khuyến khích mọi người nên thực tập THIỀN ĐỊNH vì những ích lợi của nó. Sống trên đời mà an vui không đau khổ, sáng suốt nhìn việc gì phán đoán ra việc đó, rất dễ thành công, đó chính là thiền định. 
Nếu Công ty đưa thiền định vào trong chương trình tập huấn thì ta là những người tiên phong của thế giới này. Nước Nhật, Hàn Quốc có một số Công ty bắt nhân viên tập Thiền vì giới Lãnh đạo thấy rất rõ là khi người nhân viên tập Thiền, công việc tốt hơn, kết quả rất rõ. Bên Ấn độ có nhà tù bắt tù nhân ngồi Thiền.
 
Cho nên Thiền định đem đến nhiều điều tốt đẹp cho tương lai mà thế giới đang từng bước nghiên cứu. VN ta có ưu điểm đạo Phật như quốc đạo, nếu đưa Thiền định vào chương trình đào tạo sẽ không có trở ngại nào. Đây là môn học cực kỳ ích lợi cho con người, nâng cao con người lên một bước mới. Để ta có thể cung cấp cho cuộc đời này nhiều nhân lực tốt, ta phải dạy họ cái gì đó hơn thế nữa, chứ không phải chỉ như thế.
 
Hơn thế nữa thì chính mỗi người chúng ta phải tự nâng mình lên trên một bước nữa. Đó là sự rèn luyện vất vả chứ không phải sự tập luyện sơ sài. Ta còn có thể sống tốt hơn thế, cống hiến nhiều hơn những yêu cầu của công ty ta. Chính người nào tìm ra chìa khóa này thì người đó bước lên đẳng cấp khác của con người. Đẳng cấp dễ thấy là dựa vào tiền bạc, quyền chức, nhưng đẳng cấp khó thấy, chỉ thấy thấy được bởi trí tuệ và trái tim, đó là lòng tử tế, tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy.
 
Ở đây ta muốn nói với nhau là đẳng cấp của trái tim. Nếu người nào tìm được cách để cống hiến tốt hơn nữa thì người đó thực sự đang bước lên 1 đẳng cấp mới. Và như vậy người đó mới đào tạo ra được những con người ở đẳng cấp mới, cung cấp những con người đi vào đời, làm đẹp cho cuộc đời.
 
Cũng vậy, ngành hàng không có tốt hay không là do ta có đào tạo người tốt hay không. Nhưng làm sao ta còn có thể làm tốt hơn nữa, sánh vai được với cường quốc (tiêu chuẩn 5 sao)?.
 
– Phải có hướng đào tạo để nâng sao lên, bằng cách nâng phúc, tức là dạy đạo đức. Yếu tố đạo đức, tinh thần trách nhiệm với cuộc đời, tâm thiết tha muốn cống hiến tốt hơn nữa. Đây là câu thần chú, TA CÒN CÓ THỂ CỐNG HIẾN TỐT HƠN NỮA. Chính người lãnh đạo phải làm gương, sau đó ta mới làm nhân viên thấu hiểu sâu sắc điều này. Khi họ cống hiến tốt hơn nữa thì mọi điều đều bước lên. Công ty, cuộc đời, ngành hàng không, đất nước VN ta bước lên, chỉ vì mọi người hiểu 1 điều, ta vẫn còn có thể cống hiến tốt hơn nữa.
 
 Ta thấu hiểu điều này vì ta tin rằng có luật nhân quả công bằng. Có thể lương của ta chưa công bằng, có thể sự thụ hưởng của ta với công ty, cuộc đời chưa được công bằng, nhưng không! Luật Nhân Quả sẽ công bằng. Cứ giữ đúng phương châm này làm lẽ sống cho mình trong suốt cuộc đời, đến lúc nào đó quả báo lành sẽ đến với ta, với cả đất nước này nếu cả đất nước này biết 1 điều ta vẫn còn có thể cống hiến tốt hơn nữa.
 
Buổi nói chuyện đã đi vào lòng người với ý nghĩa “Người có trí tuệ, hiểu Luật Nhân Quả thì không bao giờ thỏa mãn, vẫn có cái gì đó CÓ THỂ LÀM TỐT HƠN NỮA” và đề tài kết thúc một cách ấn tượng, ai nấy hoan hỷ như cầm chắc trong tay một cẩm nang sống .