Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Chấn hưng Phật giáo: "Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả"

Chấn hưng Phật giáo: "Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả"

192

Ý kiến của bạn đọc thể hiện qua các phản hồi là gợi ý hết sự phong phú để chúng tôi đi sâu vào đề tài chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Đúng là qua vận động thì mới thấy được tính chất, như ý của I. Kant.

Tuy nhiên, khi thấy tính chất được bộc lộ thì chúng tôi có hơi lo. Vì có phản hồi viết rất dài, từ vựng ngữ pháp khá là chuẩn, chỉ cần bổ sung, biên tập là có thể thành một bài viết.

Thế nhưng nhận thức của ý kiến không theo kịp kỹ năng của bài viết, thậm chí đi đến mức ngộ nhận, rất đáng tiếc.

Thí dụ, trong số những ý kiến phản hồi bài “Hiểu đúng về thiền sư Thích Nhất Hạnh”, có ý kiến qua thông tin 90% dân số Việt Nam nói không với Ki tô giáo mà bài viết nêu ra đã nêu câu hỏi liệu là những bài viết hộ pháp mạnh mẽ của chúng tôi là có tự mâu thuẫn hay không?

Xin trả lời, chúng tôi tư duy với tinh thần cơ bản của Phật giáo, là “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, nên không có gì là tự mâu thuẫn hết.

Tư duy Bồ tát yêu cầu hành giả nhìn thấy vấn đề, giải quyết vấn đề khi nó còn trong giai đoạn hình thành, tức giai đoạn nhân.

Với tư duy chúng sinh, thì khi sự việc diễn biến đến kết quả, thì mới thấy mới sợ, mới giải quyết, thì khi đó “nước đã đến chân”, đã muộn rồi, còn đâu mà nói?

Bồ tát khác với chúng sinh ở chỗ đó, một bên chỉ thấy quả, nhưng một bên lại thấy từ nhân.

Đối với vấn đề thiểu số hóa Phật giáo, thì thấy nhân trước khi thấy quả, sợ “nhân”, lo giải quyết nhân, thì không có gì là tự mâu thuẫn.

Con số 90% người dân Việt Nam nói không với Ki tô giáo là một con số chính xác. Nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều con số khác. Và 90% người dân Việt Nam nói không với Ky tô giáo không phải là con số tĩnh, nó vẫn đang biến thiên hàng ngày hàng giờ. Trên quan điểm vận động, quan điểm nhân duyên, hãy nhìn vào con số trong sự biến thiên đó để tư duy về sự hưng vong của Phật giáo.

Tách rời chỉ con số đó ra thôi, một cách tĩnh tại bất biến, thì đó quả là cái nhìn của chúng sanh.

Đúng là hiện nay, tổng số tín đồ Ky tô giáo tại Việt Nam chưa đến mức 10% dân số. Nhưng nó đang ở mức tăng theo hướng có lợi cho Ky tô giáo, và đang tiến dần tới mức 10% dân số. Tỷ lệ tín đồ đạo Ca tô La Mã trên dân số có tăng, dù chậm, nhưng đạo Ca tô La Mã đã là tôn giáo đa số ở nhiều tỉnh thành. Mục tiêu của họ là tăng tỷ lệ phần trăm tín đồ trên dân số và thực tế cho thấy họ đang trên đà đạt được mục đích đó.

Trong khi đó, đạo Tin Lành có tỷ lệ gia tăng tín đồ rất cao và rất nhanh, lên đến 600% trên mười năm. Xin ghi lại bằng chữ như đại đức Thích Thanh Thắng đã làm, để xác định chắc chắn, tránh việc nghe lầm: sáu trăm phần trăm!

Theo đánh giá riêng tôi, tình trạng biến thiên tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, trong đó có tình trạng thiểu số hóa Phật giáo Việt Nam đang ở mức như Hàn Quốc cách đây khoảng 50 năm. Tức là, nếu không kịp thời chấn hưng Phật giáo thì 50 năm sau, Phật giáo Việt Nam sẽ ở mức thiểu số hóa như Phật giáo Hàn Quốc hiện nay. Và đương nhiên tỷ lệ tín đồ Ky tô giáo tại Việt Nam sẽ lên mức trên 10% so với dân số, tương tự tỷ lệ hiện nay ở Hàn Quốc.

TƯ DUY BỒ TÁT, TƯ DUY CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO YÊU CẦU CHÚNG TA THẤY ĐƯỢC HIỆN TRẠNG PHẬT GIÁO TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI CÁC TÔN GIÁO KHÁC Ở TÌNH THẾ VẬN ĐỘNG, CHUYỂN BIẾN, THẤY CẢ NHÂN LẪN QUẢ.

Chờ đến khi Phật giáo đã rơi vào tình trạng thiểu số hóa, khi đó mới nhìn ra, là rơi vào tình huống “chúng sinh sợ quả”, thì khi đó chỉ chịu quả, gánh quả, còn làm gì kịp nữa?

Hiện nay, tín đồ Ky tô giáo tuy chưa lên đến mức 10% dân số, nhưng theo số liệu thống kê chính thức của nhà nước, thì tín đồ Phật giáo cũng đã giảm xuống mức dưới 10% dân số. Tổng số lượng tín đồ Phật giáo được thống kê hiện nay chỉ trên số lượng tín đồ Ky tô giáo một cách mong manh. Đó mới chính là điều chúng ta quan tâm để chấn hưng Phật giáo, để báo động về tình trạng thiểu số hóa tín đồ Phật giáo. Một tôn giáo có lịch sử 2000 năm tại Việt Nam có số tín đồ nhỉn hơn tôn giáo có lịch sử 400 năm, sao lại không?

Như vậy, dù tín đồ của các tôn giáo khác ở dưới mức 10% dân số, thì việc nêu vấn đề hộ pháp, chấn hưng Phật giáo không có gì mâu thuẫn hết. Cái chính là chúng ta nhìn vào diễn biến ở chính tự thân Phật giáo Việt Nam.

“Bồ tát sợ nhân”, nếu tư duy hộ pháp trên tinh thần đó và nói lên sự lo sợ về nhân, dự đoán về quả, để kịp thời chấn hưng Phật giáo thì không có gì là “kích động”, “la làng”, “hù dọa” hết. Vì bản thân tình trạng đã là ở mức như thế, thì có gì cường điệu?

Hơn nữa, để khách quan, chúng tôi đã liên tục trích dẫn những tài liệu nghiên cứu khoa học từ nhiều nguồn khác nhau, chỉ bình luận trên cơ sở những tài liệu đó.

Nếu coi là có sự khuếch đại, cường điệu nào đi chăng nữa, thì trước hết phải đặt vấn đề vào những tài liệu đó, xem những số liệu, đánh giá được dùng làm cơ sở nghiên cứu của chúng tôi có khách quan hay không. Đặt vấn đề vào quan điểm của chúng tôi, thì chỉ là tư duy “chúng sinh sợ quả”, chỉ xét cái quả mà một lần nữa không xét đến cái nhân.

MT