Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Chấn hưng Phật giáo: đối phó cải đạo là động lực

Chấn hưng Phật giáo: đối phó cải đạo là động lực

158

Đây có thể nói là một ghi nhận, với tầm mức như một phát hiện, của Tiến sĩ Lê Tâm Đắc.

Việc khởi phát của Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam đầu thế kỷ XX được coi là có nguyên do từ tình trạng suy thoái của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn này. Những ghi nhận về những biểu hiện suy thoái của Phật giáo Việt Nam rất đa dạng, như vấn đề tu tập, trình độ Tăng Ni Phật tử, mê tín, hủ tục, thiếu am hiểu Phật pháp, kinh sách chỉ bằng Hán tự, Phật giáo bị cắt rời khỏi đời sống… Tuy nhiên, biểu hiện tín đồ Phật giáo cải đạo sang tôn giáo khác là một biểu hiện ít được chú ý.

Tác giả Lê Tâm Đắc, trong quyển Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954), nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc cải đạo tín đồ Phật giáo, trong vai trò là một trong những động lực thúc đẩy sự phát sinh của phong trào chấn hưng Phật giáo.

Trang 38, sách dẫn trên có đoạn:

Trong bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX biến đổi và biến động sâu sắc, đã xuất hiện nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo mới, trong đó có đạo Cao Đài. Năm 1926, Cao Đài chính thức khai đạo ở chùa Gò Kén (Tây Ninh). Sau đó, hiện tượng tôn giáo này đã nhanh chóng lan ra một số địa phương khác ở miền Trung và một bộ phận nhỏ ở miền Bắc. Ngay sau khi ra đời, những hoạt động rầm rộ của đạo Cao Đài đã thu hút được đông đảo nhân dân vùng Nam Bộ, trong đó nhiều người trước đó từng là tín đồ của Phật giáo. Không những thế, đạo Cao Đài còn lớn tiếng tuyên bố: Các tôn giáo lớn mang tính truyền thống của Việt Nam như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo đương thời đều đã đến thời kỳ mạt pháp. Do vậy, đạo Cao Đài được lập ra để cứu đời. Trước tình hình đó, các Tăng sĩ và các nhà Phật học đều có phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, muốn đương đầu với đạo Cao Đài, thì Phật giáo cần phải được chỉnh đốn, cần phải chấn hưng, đặc biệt là việc loại bỏ những tệ lậu nơi cửa Phật”.

Hiện tượng cải đạo tín đồ Phật giáo như là một nguyên nhân trực tiếp tác động đến những khởi xướng cuộc vận động chấn hưng Phật giáo cũng được nói đến ở trang 47, sách Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954), trang 47:

Đầu năm 1927, nhân xuống Hải Phòng thăm một số thiện tín ủng hộ việc tu tạo chùa Hang (Tiên Lữ Động Tự, làng An Thái, đồn điền Đồng Bẩm, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) nơi ông đang trụ trì, biết chuyện đạo Cao Đài đã lan tới Hải Phòng (?!), đặc biệt được đọc bài Nên chấn hưng Phật giáo nước nhà của Nguyễn Mục Tiên trên Đông Pháp Thời Báo, số 529, ngày 5 -1-1927, sư Tâm Lai (trên mặt báo thường lấy bút danh là Tỷ khiêu tự Lai) đã “cảm động muốn phát phẫn” và khởi xướng một chương trình chấn hưng Phật giáo”.

Hiện nay, hoàn cảnh như trên đối với Phật giáo đang có chiều hướng lặp lại. Số tín đồ Phật giáo theo các thống kê chính thức được tiến hành ở quy mô lớn được ghi nhận là sụt giảm liên tục. Sự gia tăng tín đồ của đạo Cao Đài đã dừng lại, nhưng thay vào đó là sự gia tăng tín đồ của một tôn giáo khác, mà có nguồn thông tin cho số liệu lên đến 600% (!). Mức gia tăng như thế phản ánh sự chuyển biến mạnh trong cơ cấu phân bố tôn giáo, mà Phật giáo là tôn giáo đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực nặng nề.

Như vậy, nhắc đến đối phó cải đạo là động lực chấn hưng Phật giáo trong lịch sử cũng là nói đến nhu cầu tiếp tục chấn hưng Phật giáo hôm nay, khi diễn biến cải đạo đang đe dọa trực tiếp đến Phật giáo Việt Nam. Hiện trạng cải đạo tín đồ Phật giáo cần được ghi nhận, lưu ý thường xuyên như là những cảnh báo cần thiết để tác động tích cực đến công cuộc chấn hưng Phật giáo.

Tín đồ các tôn giáo khác có thể tăng, có thể giảm đó là chuyện của họ, có thể chúng ta không nói đến. Nhưng nếu bên cạnh đó là sự giảm sút tín đồ Phật giáo thì giữa 2 bên có một mối quan hệ. Đó là cải đạo, như tình trạng nửa đầu thế kỷ XX.

Do đó, dù cách nhau cả một thế kỷ, nhưng vẫn chung một việc cần làm, đó là chấn hưng Phật giáo, chấn hưng mạnh mẽ, chấn hưng tích cực, chấn hưng với tất cả nỗ lực của người con Phật.

 MT