Trang chủ Diễn đàn Chỉ tin một người

Chỉ tin một người

139

Hôm ấy đạo tràng có chuyến đi lên chùa dự lễ, nhưng lỡ quên đem theo đĩa thuyết pháp của “sư phụ” nên không mở được để nghe trên xe.

Học trò tôi bèn lấy trong cặp ra một đĩa khác đưa cho huynh trưởng. Anh này đã từ chối, bảo rằng không phải đĩa của sư phụ thì không tiếp nhận.

Học trò tôi nói đây chỉ là nhạc Phật giáo do chúng tôi sưu tầm rồi chép vào đĩa MP3, chứ không phải bài thuyết pháp của thầy nào cả.

Một số bạn trẻ cũng ý kiến là cứ nghe nhạc cho đỡ buồn. Anh huynh trưởng đành chấp nhận, nhưng mặt xị xuống khó chịu.

Vì vậy nhiều bạn trẻ cũng hết thấy vui. Những bạn sơ cơ mới đến với đạo tràng vài lần còn ngỡ ngàng hơn, và tự nhiên đặt câu hỏi tại sao lại có sự phân biệt như thế.

Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Ác hành, có phần Tịnh tín đối với một người, đại ý nêu lên nguy hại của vị Tỷ kheo (hoặc Phật tử) chỉ có lòng tin đối với duy nhất một vị tăng, sẽ đưa đến mất liên hệ với các vị tăng khác, nên không nghe diệu pháp, và sẽ thối đọa khỏi chính pháp.

Đức Phật đã dạy rõ ràng như thế, nhưng nhiều người vẫn mắc phải lỗi lầm này.

Thật sự một số đạo tràng hiện nay lập ra mang danh nghĩa của một “sư phụ” nào đó, dễ nảy sinh tình trạng quá tôn sùng sư phụ, thậm chí coi như “thần tượng”, đóng cửa lại, chỉ nghe lời sư phụ dạy dỗ mà thôi, không tiếp nhận những tri thức khác của chư tăng.

Chư tăng không thể chỉ là một người, mà phải là số nhiều, mỗi vị đều có cái hay cho Phật tử theo học.

Hoặc ngược lại, không phải vị tăng nào cũng tuyệt đối thanh tịnh và sáng suốt, cho nên khi Phật tử cầu học với nhiều vị thì mới có cơ hội đối chiếu, bổ sung, đưa đến con đường tu học đúng đắn.

Chỉ tin một người, nếu không may người ấy đi sai đường thì cả đạo tràng sẽ cùng sai, thật nguy hiểm.

Nhưng thực ra, đâu phải đạo tràng nào cũng được học pháp một cách tử tế. Lắm khi sư phụ ở rất xa, và đi thuyết giảng nhiều nơi, đạo tràng phải tự xoay sở là chính.

Theo tôi được biết, ngoài việc nghe đĩa sư phụ giảng, nhiều em thanh thiếu niên tự nêu câu hỏi và tự giải trình với nhau, đó gọi là “học”.

Một số huynh trưởng tuổi sàn sàn bằng các em, sức học và đạo lực có vẻ chưa đủ để “chỉ huy” mọi người. Đạo tràng như thế quả là cần học hỏi nhiều hơn nữa chứ không phải chỉ độc tôn sư phụ.

Sự sùng tín thái quá kiểu ấy dễ đưa đến mê muội và chấp thủ. Và bài kinh còn nói rằng nếu vị “sư phụ” ấy chẳng may bị chúng tăng ngưng chức,  bị bắt ngồi xuống cuối, hoặc đi xa, hoặc loạn tâm, hoặc mạng chung, thì các đệ tử sẽ không còn tịnh tín với vị Tỷ kheo nào nữa, sẽ mất niềm tin với cả Tăng-già.

Trong 3 ngôi báu Phật, Pháp, Tăng, mà mất niềm tin với một ngôi, chẳng phải là một nguy hiểm quá lớn hay sao?

13-12-2010