Trang chủ Văn hóa Chiêm bái Hương Tích vọng Quán Âm

Chiêm bái Hương Tích vọng Quán Âm

166

Tâm điểm của Khu thắng tích Phật giáo Hương Sơn chính là động Hương Tích. Tháng Ba năm Canh Dần (1770), chúa Trịnh Sâm xa giá thượng sơn, choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy kỳ vĩ nơi đây, đã tự tay viết lên vách động dòng chữ “Nam thiên đệ nhất động”. Chùa Hương là nơi thờ Phật lớn nhất Hương Sơn. Trong chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng quý, lừng danh nhất là pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh tọa lạc chính giữa tòa Tam bảo, tượng do võ quan Nguyễn Huy Nhật cho tạc vào thời Tây Sơn năm Cảnh Thịnh thứ hai (1793) để cúng dường.


 


Quán Âm bản hạnh chép: Phật Bà là con gái thứ ba của vua Trang Vương, nước Hưng Lâm. Lớn lên, hai cô chị của Chúa Ba lập gia đình, ngán nỗi toàn gặp phải những chàng phò mã ham chơi. Vua Trang Vương ép Chúa Ba lấy chồng, những mong kén được người tài cho nối ngôi. Chúa Ba không tuân lời, nhất định xin đi tu để độ cứu gia đình và chúng sanh thoát khỏi tai ách. Trang Vương nổi giận sai đốt chùa, sát hại Chúa Ba. Trời Phạm Thiên bèn sai thần núi Hương Tích hóa thành chúa sơn lâm nhảy xuống cứu nạn Chúa Ba. Thần hổ cõng Chúa Ba về núi Hương Sơn, để bà tu hành ở am Phật Tích.


 


Chúa Ba đắc đạo hóa thành Phật Bà ngàn mắt ngàn tay. Ngàn mắt là biểu tượng của đại trí tuệ, ngàn tay biểu tượng cho đại từ bi. Nơi đâu chúng sanh mắc nạn, Quan Âm Diệu Thiện ở chùa Hương Tích cũng nhìn thấy, vươn tay ra để cứu độ. Vua cha và hai người chị lâm nạn, Chúa Ba cũng đã cứu độ cả gia đình đưa lên Hương Tích quy y, về sau đều viên thành chánh quả.


 


Truyền thuyết Chúa Ba nhắc nhở mọi người lấy đức hiếu – nhân làm trọng, Đức Phật Bà Diệu Thiện đã tạo nên niềm tin tưởng trong lòng người dân Việt Nam. Hàng vạn người hành hương về Hương Tích mỗi năm chính là minh chứng hùng hồn cho niềm tin ấy.


 


Những năm đầu khi mới khai sơn, các vị Tổ sư chỉ tổ chức Khánh đản Đức Phật chủ chùa Hương Quán Thế Âm Bồ tát vào ngày 19 tháng 2 âm lịch. Đến năm Bính Thân triều vua Thành Thái năm thứ 8 (1896), lễ hội lớn nhất đầu tiên được tổ chức, kéo dài từ mồng 6 tháng Giêng đến hết tháng Hai âm lịch. Những năm tiếp theo, lễ hội kéo dài thêm bởi lòng người bịn rịn không muốn vãn hội. Ngày nay lễ hội chùa Hương kéo dài suốt 3 tháng mùa Xuân, trở thành lễ hội dài nhất Việt Nam, mỗi năm có hàng chục vạn người trẩy hội. Tuy nhiên, Ban Tổ chức vẫn giữ ngày vía Bồ tát Quan Âm làm chính hội, tức 19 tháng Hai âm lịch.


 


Như thường lệ, năm nay chùa Hương cũng khai hội vào ngày mồng 6 tháng Giêng. Hàng ngàn du khách đã chứng kiến lễ dâng hương long trọng, xem những tiết mục múa tứ linh sôi động cùng tích chèo “Quan Âm Thị Kính” quen thuộc. Du khách có thể kiên trì đi bộ du ngoạn theo lối xưa, thay vì đi cáp treo. Tuy nhiên bách bộ vẫn thu hoạch được nhiều ý nghĩa riêng mà cáp treo của thời công nghệ không thể nào có được. Trải qua khổ công trèo non lội suối mới cảm nhận hết công hạnh tu trì của Bồ tát khi xưa và thực sự chiêm ngưỡng phong cảnh kỳ sơn tú thủy cùng niềm an lạc nơi đất Phật.