Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Duệ và thần tích sông Tô

Chùa Duệ và thần tích sông Tô

158

Hai ngôi chùa cổ hai bên bờ sông Tô


Hai bên bờ sông Tô Lịch xưa là một quần thể làng xóm trù phú áp sát kinh đô, qua biến thiên của thời gian con sông Tô mất dần hình hài ban đầu, nhưng những huyền thoại bên sông thì còn mãi. Thần tích bên con sông Tô sống mãi với tín ngưỡng dân gian, kết đọng lại trong mờ ảo khói nhang những đền chùa dày đặc ở khu vực này.


Làng Láng, tên chữ là Yên Lãng, nay là khu vực đường Chùa Láng, khi xưa có phủ Từ Công, nơi sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, sau này Từ thiền sư được phối thờ ở chùa Láng. Chùa còn đến ngày nay, bề thế, thâm nghiêm (số 2/2007) đã giới thiệu trên Tạp chí Nghiên cứu Phật học).


Bên kia sông, đối diện với Láng là làng Cót (tên chữ là Yên Quyết, nay là Yên Hoà) lại là nơi sinh ra một nhân vật lịch sử là Lê Thái Điên. Lĩnh Nam chích quái (bản Tân đính của Vũ Quỳnh) đã kể câu chuyện báo ân báo oán, mối cừu thù giữa hai nhân vật này. Ngày nay, Lê Thái Điên được phối thờ ở chùa Duệ Tú, một ngôi chùa thuộc xóm Duệ, thôn Tiền, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.


Câu chuyện báo thù


“Lĩnh Nam chích quái tân đính” kể rằng, Từ Đạo Hạnh tên thật là Từ Lộ, sinh thời quyết tâm sư học đạo để báo thù cho cha, cuối cùng tu luyện ở hang Phật Tích, núi Thày, đắc đạo, có phép thuật cao cường. Nguyên cha Đạo Hạnh là Từ Hụê làm quan Đô sát “hay mê hoặc quần chúng” và tư thông với ái thiếp của Diên Thành hầu. Diên Thành hầu rất bực, nhưng vì Từ Huệ giỏi pháp thuật, nên quan Hầu không tự đối địch được mà tìm Lê Thái Điên để nhờ trừ Từ Huệ. Thái Điên vốn quê làng Cót, cũng là một người thông thái, võ nghệ cao cường, có phép thuật, Thái Điên dùng sợi chỉ ngũ sắc, đưa cho quan Hầu, dặn nếu thấy Từ Huệ vào phòng ái thiếp thì tung ra rồi niệm thần chú. Quả thật, họ Từ mắc bẫy, bị người nhà quan Hầu truy sát, bèn biến thành gián. Nhưng rồi không thoát vì có dấu sợi chỉ ngũ sắc mà bị bắt, bị Thái Điên dùng phép đánh chết.


Lại nói, Từ Đạo Hạnh tu luyện trở về, tìm đến Thái Điên, “đánh một gậy vào bóng của Thái Điên, Thái Điên thụ bệnh mà chết”. Từ Đạo Hạnh vứt xác Thái Điên xuống sông Tô, song xác trôi ngược dòng đến cầu Tây Phương, người dân vớt xác lên, khâm niệm rồi phối thờ trong chùa, sau này chính là chùa xóm Dụê, thôn Tiền, Dịch Vọng.


Câu chuyện ân oán không dừng lại ở đó, theo “Lĩnh Nam chích quái”, sau này Thái Điên thác sinh, đầu thai thành một đứa bé tự xưng là Giác Hoàng. Do vua Lý Nhân Tông không có con, nên vua có ý nhận Giác Hoàng làm con nuôi. Song, Từ Đạo Hạnh khi đó là Quốc sư đã ra tay ngăn cản, khiến việc không thành, Giác Hoàng bệnh mà mất, vua bèn bắt tội Đạo Hạnh. Sau nhờ có Sùng Hiền hầu can vua, xin cho Từ Đạo Hạnh được tha. Sùng Hiền hầu cũng hiếm muộn, nên nhờ Từ Đạo Hạnh đưa phu nhân đi cầu tự. Chuyện cầu tự thế nào đó, mà lại có chuyện “lúc phu nhân đi tắm, Đạo Hạnh liền lén đến dòm trộm”. Cuối cùng phu nhân có chửa. Ngày phu nhân Sùng Hiền hầu sinh con, cũng là ngày Từ Đạo Hạnh “tắm rửa, thay áo” rồi đọc kệ mà hoá. Nơi Đạo Hạnh hoá, nay là hang Thánh Hoá. Sau đứa con trai của Sùng Hiền hầu được nối ngôi vua, khi 7-8 tuổi thì bị bệnh “hoá hổ”, được Nguyễn Minh Không chữa khỏi. Nguyễn Minh không là bạn thuở nhỏ và cùng tu luyện với Từ Đạo Hạnh, duyên định thế nào mà thiếu thời, Từ Lộ hay đóng giả hổ doạ Minh Không. Khi nhà vua nhỏ “hoá hổ”, Minh Không đã chữa cho nhà vua khỏi bệnh, vua phong Minh Không làm quốc sư.


Ngẫm nghĩ một đôi điều


Thời trị vì của Lý Nhân Tông, võ công hiển hách chống Tống đã lùi xa mấy chục năm. Cuối đời vị vua kế nghiệp nhà Lý dần dần có nguy cơ mạt vận. Quan lại tham nhũng, hình ảnh tiêu biểu là Từ Huệ, “mê hoặc dân chúng”, tham lam, ăn chơi hưởng lạc, thông dâm với cả phu nhân quý tộc. Thời kỳ này, Phật giáo bị cạnh tranh chi phối bởi Đạo giáo, thử thách địa vị quốc giáo vốn đã qua thời kỳ huy hoàng nhà Lý lập nước. Đến nỗi, một quý tộc tước hầu muốn báo thù cũng phải mượn Pháp sư, chứ không tìm Thiền sư. Truyền thuyết về các nhân vật cuối Lý đậm đặc tính huyền ảo của Đạo giáo.


Sách “Lĩnh Nam chích quái” do Trần Thế Pháp đề tựa, cho biết tìm thấy năm 1492. Niên đại và soạn giả thì các nhà nghiên cứu còn đang tranh biện tiếp, nhưng có thể đoán định sách này có từ thời Lê. Cách dẫn giải, kể chuyện “thông tục hoá” các nghi lễ nhà chùa như chuyện Từ Đạo Hạnh làm phép “cầu tự”, thì câu chuyện không thể được viết dưới thời đạo Phật còn vững vàng quốc giáo như thời Trần. Cách kể chuyện ma quái như chuyện Đạo Hạnh và Thái Điên, pha chút châm chọc của con mắt trần tục, chắc chắn đây là giọng kể của một nho gia dưới thời thịnh nho của nhà Lê.


Những mâu thuẫn nội bộ trong giới trí thức xã hội đã đến lúc cực độ, trong bối cảnh một triều đình đang bị quan liêu hoá mạnh. Biểu hiện rõ nhất quanh việc Thiền sư họ Từ và Pháp sư họ Lê tranh đoạt ảnh hưởng bảo trợ hoặc thác sinh kế vị ngôi vua. Mâu thuẫn có thể đã dẫn đến những cuộc thanh trừng tàn khốc. Song, trí tuệ dân gian vốn bao dung và công bằng, đã thờ phụng cả hai đại biểu thù địch ở hai phe phái trong cuộc đấu chính trị thời quá khứ. Trong ngôi chùa Việt, dân gian nhớ về công tích, hoá giải oán thù, phong thần cho nhân vật đã ghi dấu ấn cá nhân vào đời sống cộng đồng.


Chùa Duệ hôm nay


Đường Nguyễn Văn Huyên mới mở chạy từ cầu Dịch Vọng qua Viện Bảo tàng Dân tộc học, chính là cắt ngang xóm Duệ, thôn Tiền, làng Vòm (Dịch Vọng) xưa. Một nhánh của sông Tô nay còn là một con mương, có cây cầu cong nối đường Nguyễn Văn Huyên với chùa Duệ Tú. Khi mở đường, con đường cũng lại cắt ngang phần đất của chùa Duệ, vốn xưa kia rất rộng, nay còn một phần. Tương truyền chùa Duệ xây trên có hình rồng vàng, ba gian hậu cung xây cao hẳn hơn xung quanh, hậu cung có mộ của Pháp sư Lê Thái Điên (có sách chép là Lê Đại Điên, có lẽ vì chữ Thái và chữ Đại khác nhau một dấu chấm, chưa rõ Đại hay Thái là đúng).


Chùa có tượng Phật và tượng Pháp sư Thái Điên ngồi trong khám nhỏ. Theo sách Những thần được thờ ở Hà Nội của tác giả Vũ Thanh Sơn, còn có 3 đạo sắc phong Pháp sư Lê Thái Điên, từ năm Gia Long thứ 9 (1810) phong là Trí Huệ Đại vương, còn 1 đạo sắc phong của vua Duy Tân, 1 đạo sắc phong của vua Khải Định. Chùa đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích lịch sử năm 1989.