Trang chủ PGVN Cửa thiền Chùa Hoằng Pháp – Nơi chuyên tu niệm Phật

Chùa Hoằng Pháp – Nơi chuyên tu niệm Phật

235

Bước xuống xe, chúng tôi được những chiếc xe Honda ôm chờ đón khách vào chùa.  Thế là chúng tôi đã đến được chùa, đoạn cuối ngắn nhất của cuộc hành trình dài nửa vòng trái đất bằng phương tiện xe hai bánh, sau khi bay qua Thái Bình Dương bằng máy bay Boing 747 và bằng chuyến xe bốn bánh của công ty xe khách Saigon có máy lạnh và nhạc êm dịu không lời.

Chùa Hoằng Pháp không ẩn mình trong rừng sâu hay nằm trên đối núi tách biệt với thế giới náo nhiệt bên ngoài như một số ngôi chùa khác mà nằm ngay nơi thôn ấp, được bao bọc bởi nhà dân. Nghe người dân kể vào những ngày rằm, trăng sáng vằng vặc, âm vang tiếng hồng chung và tiếng niệm Phật Di Đà như thức tỉnh những ai còn hững hờ nơi cõi mê trong trần thế. Bao nhiêu người ở khắp miền đất nước sau nhiều ngày sống trong căng thẳng và buồn phiền đã trở về để tự nuôi dưỡng, xem nơi đây như là một góc trời riêng mới của mình. 

Chùa Hoằng Pháp được sáng lập bởi Hòa thượng Ngộ Chân Tử (1901-1988) vào năm 1957 với sáu mẫu đất hoang vu nay được kiến tạo khang trang bởi các đệ tử của ngài và thập phương Phật tử. Nơi đây là trung tâm hành trì pháp môn niệm Phật. Với một niệm Phật đường rộng lớn có sức chứa khoảng 1000 Phật tử và một toà nhà hai tầng lầu làm nơi lưu xá cho những người tham dự khoá tu.  Ngoài ra còn có trai đường đủ rộng cho một ngàn thực khách thọ trai cùng một lúc.  Chúng tôi đến đây nhằm đúng khoá tu Phật thất đầu năm 2006 và theo lời một vị sư trong chùa kể là đông đến 1000 người, thế nhưng lại không ồn ào náo nhiệt, cả không gian chỉ có âm vang tiếng niệm Phật Di Đà. 

Phật thất là một mô hình tổ chức tu học tương đối khá mới lạ ở Việt Nam.  Phật thất có nghĩa là một tập thể gồm nhiều người cùng tu tập niệm Phật trong thời gian bảy ngày bảy đêm tại chùa.  Đây là một mô hình tu Bát Quan Trai giới, kéo dài bảy ngày bảy đêm, thay vì một ngày một đêm.  Người cư sĩ tại gia cố gắng tu tập giống như đời sống phạm hạnh của người tu sĩ xuất gia trong một tuần.  Tuy nhiên, theo hoà thượng Thích Tịnh Không, một pháp sư hoằng truyền pháp môn Niệm Phật nổi tiếng hiện nay trên thế giới cho biết mục đích của Phật thất là trong vòng 7 ngày tu niệm Phật, hành giả phải đạt được “nhất tâm bất loạn” như được nói đến trong kinh A Di Ðà.  Ngài nói: “Công phu đến “nhất tâm bất loạn” thường được chia ra ba hạng: thượng, trung, hạ.  Công phu mức thượng gọi là “Lý nhất tâm bất loạn” có cùng một cảnh giới với mức “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” trong Tông Môn.  Kế đó là “sự nhất tâm bất loạn”: đoạn dứt kiến tư phiền não, công phu này tương đương với bậc Tiểu thừa A La Hán.  Mức thấp nhất gọi là “công phu thành phiến”.  Rất ít người có thể đạt được công phu mức thượng và mức trung, nhưng “công phu thành phiến” đích thật là ai cũng có thể đạt được. Trong vòng 24 giờ đồng hồ trong tâm chỉ có A Di Ðà Phật, ngoài ra không  khởi lên một vọng niệm gì khác, đây gọi là “công phu thành phiến..”. 

Được biết biết khóa tu Phật thất đầu tiên được tổ chức tại chùa Hoằng Pháp từ ngày 2-5 đến 9-5-1999 với số lượng 68 Phật tử tham dự. Tuy có nhiều khó khăn lúc ban đầu như sức ép từ thành hội không cho phép thu nhận Phật tử ngoài địa phương quận Hốc Môn và có ý quy kết việc tổ chức Phật Thất tại Hoằng Pháp mang lại nhiều bất lợi cho xã hội và do mô phỏng tổ chức của nước ngòai; Nhưng nhờ long thần hộ pháp, mọi trở ngại đều được hoá giải và cho đến nay chùa Hoằng Pháp đã tổ chức được tất cả 38 khoá tu.  Khóa tu hiện nay là khóa thứ 38 được tổ chức từ ngày 19-02-2006 đến 26-02-2006 với số lượng Phật tử tham khoảng 1000 vị. 

Do tổ chức chu đáo và kết quả với nhiều lợi lạc đem lại, nên số Phật tử từ mọi miền đất nước đến tham dự ngày càng đông.  Kể từ năm 2001 đến nay, chùa tổ chức mỗi năm 6 khoá tu Phật thất, mỗi khoá kéo dài một tuần, suốt ngày đêm niệm Phật.  Số Phật tử tham dự mỗi khoá dao động từ 500 đến 1000 người. Các Phật tử muốn tham dự thường phải ghi danh trước từ hai tuần đến một tháng.  Chùa tổ chức ăn ở và tu học miễn phí cho các Phật tử tham dự khoá tu.  Dù vậy, chùa hoan hỷ nhận tiền cúng dường của Phật tử bốn phương, dù đến tu hay không tu để trang trải chi phí tổ chức. 

Phật tử hay khách phương xa có thể đến tham quan hay tu thử trong các khoá tu.  Chúng tôi, ba người từ phương xa, không biết trước có khoá tu đang diễn tiến cũng được mời tham dự một ngày tu hoặc nếu không tham dự được cũng được nhà chùa mời dùng bữa ăn chay thanh đạm trong im lặng cùng với các khoá sinh.  Do tài tổ chức của ban tổ chức và do công năng tu tập của các hành gỉa mà giờ thọ trai với gần 1000 người diễn tiến trong im lặng.  Sau giờ thọ trai, các khoá sinh được tự do sinh hoạt cá nhân như giặt dũ quần áo hay ngủ trưa.  Riêng chúng tôi chọn một ghế đá dưới bóng mát tàng cây, ngồi nhìn sinh hoạt toàn cảnh chung quanh chùa và tự nghĩ làm sao mà thầy trụ trì và ban tổ chức có đủ tài chánh nuôi ăn ở miễn phí cho khoảng một nghìn người mỗi khoá.  Chi phí tài chánh rất lớn để tổ chức cho 38 khoá tu như vậy và cho những khoá tu kế tiếp.  Đến hỏi một sư cô trong ban thủ quỹ thì sư cô cho biết “tất cả đều do Phật tử bốn phương hoan hỷ cúng dường.  Chùa không đòi hỏi người đến tu phải trả tiền mà chỉ mong người đến tu tinh tấn tu hành, nếu sau khi tu cảm nhận được an lạc thì hãy giúp người khác đến tu để được an lạc như mình được thừa hưởng từ khoá tu…”.  Rất trân trọng cảm tạ thầy trụ trì Thích Chân Tính và ban tổ chức khoá tu.

Khoá tu thứ nhất của năm 2006 đã hoàn tất và chùa đang nhận ghi danh khoá tu thứ hai của năm tức khoá tu thứ 39 sẽ được tổ chức từ ngày 16-04-2006 đến ngày 23-04-2006. Theo thông báo, tất cả Phật tử tại gia đều có thể tham dự, nhưng phải có đủ sức khoẻ, không bị bệnh truyền nhiễm, huyết áp cao, tai biến mạch máu não và bệnh đau thắt ngực.  Ban tổ chức cũng không nhận người già yếu, đi đứng khó khăn, lẩm cẩm, tai điếc.  Mỗi khoá tu hiện nay được chia làm ba cấp: (cấp 1) Tín tâm niệm Phật:  Kinh hành 15 phút và ngồi niệm Phật 15 phút (niệm ra tiếng). (cấp 2) Chuyên tâm niệm Phật: Ngồi niệm Phật 30 phút và đi kinh hành 15 phút (niệm thầm). (3) Nhất tâm niệm Phất:  Ngồi niệm Phật (niệm thầm) từ 1 giờ đến 2 giờ.  Thời khoá công phu bắt đầu từ 3 giờ 30 phút sáng và chấm dứt lúc 9 giờ 30 tối. 

Được biết mô hình Phật thất là do sáng kiến của quý thầy người Trung Quốc nhằm tạo điều kiện cho Phật tử tại gia đến chùa tu tập trong 7 ngày đêm để tinh tấn niệm Phật đạt đến chỗ nhất tâm bất loạn. Còn ở Việt Nam, sau khi thăm tổ chức Phật Giáo Phật Quang San ở Đài Loan năm 1998 về, thày trụ trì Thích Chân Tính đã tổ chức khoá Phật thất đầu tiên vào ngày 2-5-1999 và có lẽ chùa Hoằng Pháp là nơi tổ chức mô hình Phật thất đầu tiên ở Việt Nam. Thật ra, từ trước năm 1975, tuy không có khoá tu Phật thất một tuần, nhưng lại có khoá tu niệm Phật “Bá Nhật”, tức một trăm ngày niệm Phật, được tổ chức tại chùa Nhất Nguyên ở Bình Dương mỗi năm một khoá vào dịp trước ngày vía Phật A Di Đà ba tháng.  Truyền thống tu tập này của chùa còn kéo dài cho đến ngày nay.

Theo thầy trụ trì cho biết mục đích của khoá tu là để giúp cho những Phật tử tại gia có điều kiện thuận lợi cắt bớt trần duyên, đến chùa tu tập hầu thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, nhất tâm niệm Phật, chứng nghiệm sự an lạc trong giáo pháp của Phật.  Thày nói: 

“Ái bất trọng bất sinh Ta bà
Niệm bất nhất bất sinh Tịnh độ.”

Có nghĩa là, lời thầy trụ trì nói tiếp:  “nếu chúng ta không có tình cảm luyến ái thì chúng ta không sinh ở cõi Ta bà này. Vì tình cảm luyến ái đó mà chúng ta phải sinh vào cuộc đời này luẩn quẩn hết làm người,đến làm thú trong dục giới không bao giờ nhàm chán. Và nếu chúng ta niệm Phật mà không chuyên tâm, nhất tâm bất loạn thì không thể sinh về cõi Phật được. Cho nên cái tình cảm, cái luyến ái của gia đình thế gian là lối sống quen thuộc của con người. Từ đó gây nên bao nghiệp chướng nặng nề, khiến bị chìm đắm trôi lăn mãi trong biển khổ luân hồi sinh tử.

Người tu muốn chấm dứt khổ lụy tái sinh thì phải lập chí mạnh bước ra khỏi mọi trói buộc hệ lụy về năm thứ ham muốn. Phải biết tu tập xả ly, cắt đứt không luyến tiếc bất cứ cái gì, gắng công tập buông bỏ mọi lo nghĩ, mọi bám víu quá nặng về vật dục, siêng năng tháo gỡ từng hồi, từng chút mọi đeo níu vào cái tình cảm ham thích dục lạc đó.

Cho nên khóa tu Phật thất này là để tạo điều kiện cho quý vị tập cắt bớt trần duyên. Nếu quý vị chưa thể cắt được trọn vẹn, thì tập cắt 7 ngày. Như vậy khi đến đây, quý vị có còn nghĩ gì đến chuyện gia đình nữa hay không, cái đó đòi hỏi ở tâm tư của mỗi vị phải khẳng định và cố gắng buông hết, đừng có còn nghĩ gì hết…

Trong khóa tu Phật thất, pháp tu của chúng ta là niệm Phật. Trong lúc niệm Phật, thân chúng ta ngồi yên, miệng niệm Phật, ý chúng ta có chăm chú vào câu niệm Phật, nhớ tưởng đến Phật thì tâm chúng ta không vọng tưởng điên đảo hay lăng xăng nghĩ nhớ điều xấu gì khác, vì nhờ câu niệm Phật thúc liễm tâm chúng ta lại. Vì thế, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở quý vị chú tâm vào từng động tác đi đứng, ăn uống… trong mọi sinh hoạt, thì mới có thể thúc liễm được cả thân và tâm”.

Thấy nói tiếp: “Ta trôi nổi trong nội thức suy tư và đối tượng bên ngoài suốt tháng năm, bồng bềnh theo cơn vui buồn giận ghét. Chúng ta không tự cứu mình trước bằng cách phản tỉnh làm lắng sạch tâm ý thì đâu có ai làm cho mình được. Nên chúng ta cần phải trút bỏ lại mọi lo toan trần thế, tự hứa gom mình vào định hướng tu tập.

Nếu lòng thanh thản không lo nghĩ
Ấy buổi êm đềm chốn thế gian

Chúng ta tu đến khi nào đạt được sự an vui thì mới về được cõi Cực lạc. Vì Tây phương Cực lạc được gọi là cõi Tịnh độ – Tịnh độ: độ là cõi, tịnh là thanh tịnh, Tịnh độ là cõi thanh tịnh – Chúng ta muốn về cõi Tịnh độ thì chúng ta phải thanh tịnh, còn tâm cứ bực tức, phiền não, buồn giận thì không về được Tịnh độ. Phật là thanh tịnh, cho nên ta cũng phải thanh tịnh thì việc đến với Phật không còn xa.

Nếu không quyết liệt lập chí, thì ta không về Cực lạc được. Do vậy tu Tịnh độ cũng phải lập nguyện thiết tha vô hạn như kẻ tha hương chí cốt muốn về yên nghỉ nơi cố hương. Nhưng điều cần thiết nhất là phải tin sâu chắc, nguyện tha thiết mới cảm thông với Phật, mới có thể quyết định hiện đời ra khỏi Ta Bà sinh về Cực Lạc…” (xem các sách của thầy tại Thư Viện Hoa Sen:http://www.thuvienhoasen.org/ )

Khởi đi từ mái nhà tranh, đến nay chùa Hoằng Pháp đã tồn tại được gần nửa thế kỷ. Theo sử sách ghi lại tại chùa, khi còn tại thế hoà thượng khai sáng quanh năm ở túp lều tranh, vách đất, nhưng trong lòng luôn mang một hoài bão hoằng pháp lợi sinh. Dầu đến lúc gần lìa cõi tạm, ngài vẫn còn chưa thỏa nguyện bình sinh. Mỗi khi các đệ tử xa gần về thăm là ngài cứ nhắc nhở: “Hãy tinh tấn tu hành, chuyên cần niệm Phật đừng để vọng niệm theo trần cảnh…”.  và hôm nay gần một nghìn hành gỉa trong khoá tu 38 đang chuyên cần niệm Phật để cố gắng thanh tịnh hoá tâm ý y theo lời dạy của thầy.