Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Hương Lô (Hương Lô Tự) trong thơ Trạng Nguyên Nguyễn Trực...

Chùa Hương Lô (Hương Lô Tự) trong thơ Trạng Nguyên Nguyễn Trực ở đâu?

Nguyễn Trực (1417-1477) tự là Công Đĩnh, người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Đông, nay là Hà Nội. Năm 20 tuổi, Nguyễn Trực thi đỗ Trạng nguyên, khoa thi năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442), triều vua Lê Thái Tông. Cái năm có rất nhiều biến cố lịch sử này, vua Lê Thái Tông chết đột ngột. Cả ba họ Nguyễn Trãi bị tru di. Đây cũng năm Lê Tư Thành (Lê Thánh Tông) chào đời…Khi Nhân Tông (Bang Cơ) bị giết, Nguyễn Trực lấy cớ có bệnh, xin cáo quan về quê. Tới khi Lê Tư Thành lên làm vua (Lê Thánh Tông), ông lại được mời ra làm quan, tới chức Hàn lâm viện Thừa chỉ, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu. Thánh Tông rất trọng đãi, nhưng nhiều lần ông xin về nghỉ mà không được.

143
Tác giả Nhà thơ Vũ Bình Lục.

Nguyễn Trực có đi sứ Trung Quốc. Cũng như Nguyễn Bảo, Thái Thuận và nhiều vị đại quan trí thức khác, đến khi nghỉ hưu về quê, Nguyễn Trực cũng phải sống nhờ vào vài sào ruộng của bà vợ ở quê mà thôi. Hình như trong tâm sự Nguyễn Trực cũng thấy sự phục thiện, bởi trong bài văn sách thi Đình, Nguyễn Trực đã quá lời khi phê phán các ông Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn. Bấy giờ, Nguyễn Trực mới 20 tuổi, chưa hiểu rõ bản chất vụ việc xấu xa ở thời kỳ Lê Lợi cầm quyền (1428-1433).
Tác phẩm để lại có Bối Khê tập và Sư liêu tập. Thơ Nguyễn Trực không tài hoa tung tẩy, nhưng “mực thước và thông tuệ” (Thân Nhân Trung)…
………
Phiên âm:
ĐĂNG HƯƠNG LÔ SƠN TỰ

Tằng tằng đăng nghiễn lộ,
Thừa hứng yết kim tiên.
Diệu khế tam sinh mộng,
Do tồn nhất lũ yên.
Lâu đài phi thế hữu,
Hoa mộc đắc xuân thiên.
Du mục phù vân ngoại,
Mang mang thị đại thiên.

Dịch nghĩa:
LÊN CHÙA NÚI HƯƠNG LÔ

Đường lên đỉnh núi cao, lần bước tầng này qua tầng khác,
Nhân khi hứng, vào yết kiến Phật trong chùa.
Phảng phất như giấc mộng ba sinh,
Cũng còn lại một sợi khói như sợi dây nhỏ xíu.
Lâu đài này thật hiếm có ở trên thế gian,
Mà cỏ cây hoa lá thì được mùa xuân ưu ái mãi.
Đưa mắt nhìn ngoài đám mây nổi,
Mênh mang tưởng thấy đại thiên thế giới vô tận vô cùng.
Dịch thơ
Lần lần từng bước lên cao,
Hương Thiền dẫn lối ta vào viếng thăm.
Dường nghe giấc mộng ba sinh,
Còn vương làn khói như hình sợi dây.
Lâu đài hiếm thấy là đây,
Một bầu xuân ấm cỏ cây xanh rờn.
Mắt trông ngoài cõi mây vờn,
Đại thiên thế giới chập chờn mênh mang.
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN chú rằng “chưa rõ chùa này (Hương Lô Tự) ở đâu”. Cũng dễ hiểu thôi. Là vì chùa Hương Lô chỉ còn là một phế tích. Danh tiếng của nó cũng chỉ còn trong tâm tưởng của dân chúng mà thôi.
Gần đây, theo tài liệu nghiên cứu Phật Giáo Việt Nam, chúng ta có thể biết rằng chùa Hương Lô trong thơ Nguyễn Trực, “sinh thời”, nó là một ngôi chùa rất lớn, rất đẹp, nằm trên núi Hương Sơn, trong quần thể danh lam thắng cảnh vô cùng nổi tiếng của quần thể núi non khu vực Sài Sơn, chùa Thầy, thường gọi là “Thập lục kỳ sơn” của xứ Đoài ngàn năm mây trắng.
Theo truyền ngôn của các bô lão làng Khánh Sơn, thì chùa Hương Lô (Hương Lô Tự) là một trong 2 ngôi chùa nổi tiếng của làng Khánh Tân. Chùa được các cụ ta xây dựng từ rất lâu rồi, có thể là vào đời nhà Lý. Qua nhiều mưa nắng thời gian và biết bao biến cố lịch sử thăng trầm, chùa Hương Lô đã trở thành phế tích. Khoảng những năm 30 của thế kỷ trước, dân làng ở đây đã cố gắng thu gom phế liệu vương vãi của chùa Hương Lô, rồi xây dựng lại một ngôi chùa mới, đặt tên là chùa Hương Khánh (Hương Khánh Tự).
Trạng Nguyên Nguyễn Trực đã đến thăm, vãng cảnh chùa. Và bài thơ HƯƠNG LÔ SƠN TỰ ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Tuy nhiên, gia phả dòng họ Nguyễn Trực thì chép bài thơ này có đôi ba chỗ khác bản in trong sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN. Xin chép cả phần phiên âm và dịch nghĩa để đối chiếu.

Phiên âm:
Tằng tằng đăng hiển lộ,
Thừa hứng yết kim tiên.
Diệu khế tam sinh mộng,
Do nghi nhất lữ yên.
Lâu đài phi thế hữu,
Hoa mộc đắc xuân thiên.
Du nguyệt du vân ngoại,
Mang mang thị đại thiên.

Dịch nghĩa:
Từng bước leo đường núi,
Nhân hứng ra mắt kim tiên.
Giấc mộng ba sinh kỳ diệu,
Còn ngỡ một dải mây trời.
Lâu đài hiếm thấy trong đời,
Cỏ hoa được xuân ưu ái.
Dạo chơi cùng mây trắng,
Mênh mang ngoài vạn dặm.
Lên núi Hương Sơn cao vời, khách viếng thăm chùa phải leo lên cao, từng bước lên dần trên con đường núi quanh co nhiều bậc. Nhân khi hứng đến thì vào ra mắt Phật. Hai câu thơ đầu kể việc, chưa thấy có thơ.
Hai câu 3&4 thì đã thấy có nhiều ý tưởng sâu xa.
Giấc mộng ba sinh kỳ diệu,
Còn ngỡ một dải mây trời.
Theo quan niệm Phật giáo, thì ba sinh (tam sinh), tức là chuyển sự sống qua ba đời: Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. Đó chính là ba đời của sự sống con người. Thơ Bạch Cư Dị viết: “Thế thuyết tam sinh nhi bất mậu / Cộng nghi Sào, Hứa, thị tiền thân” (Nghe nói tam sinh mà không nhầm / Thì tiền thân ta ngờ là Sào Phủ, Hứa Do). Sào Phủ và Hứa do chính là hai vị cao sĩ ở đời Nghiêu-Thuấn, không màng danh lợi. Ở đây, “giấc mộng ba sinh kỳ diệu / Còn ngỡ như một dải mây trời”, đủ thấy cái sự huyền diệu của Phật pháp, như một sự quyến rũ mầu nhiệm và tinh khiết. Xem kỹ thì thấy câu 3&4, vốn dĩ là hai câu có chức năng tả thực trong một bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường, nó lại được tác giả chuyển đổi làm hai câu thơ có chức năng bình luận. Còn như hai câu 5&6, lại thay thế làm chức năng tả thực. Tả, nhưng trong đó đã tích hợp bình luận và suy ngẫm.
Lâu đài hiếm thấy trong đời,
Cỏ hoa được xuân ưu ái.
Chùa Hương Lô là một kiệt tác của bàn tay tài hoa và trí tuệ sáng tạo của con người. Nó lại được đặt trên đỉnh núi cao của núi Hương Sơn, như một sự cộng hưởng của tài hoa nhân tạo và thiên nhiên vô cùng kỳ thú, tràn đầy mỹ cảm.
Thi nhân kết luận:
Dạo chơi cùng mây trắng,
Mênh mang ngoài vạn dặm.
Nguyên tác là “Mang mang thị đại thiên”. Theo thuật ngữ của nhà Phật, “Đại thiên thế giới” chính là quan niệm Phật hóa đời sống vũ trụ. Thế giới lớn nhất là núi Tu Di có bảy núi, tám biển giao nhau bao quanh. Trong biển có bốn đại châu. Ngoài bảy núi, tám biển, lại còn có Đại thiết vi sơn bao bọc, gọi là một tiểu thế giới. Nếu hợp một ngàn tiểu thế giới, thì gọi là Tiểu thiên thế giới. Hợp một ngàn tiểu thiên thế giới, gọi là Trung thiên thế giới. Hợp một ngàn Trung thiên thế giới, thì gọi là “Đại thiên thế giới”. Ba ngàn đại thiên thế giới thì vô biên, vô cùng vô tận, thì là “mênh mang vạn dặm xa”…
Lên núi cao để vãng cảnh chùa Hương Lô, thi nhân “dạo chơi cùng mây trắng”, như thể cảnh Thiền đã choáng ngợp tâm hồn con người phàm tục, hay là con người phàm tục được mây gió hương hoa ở chùa Hương Lô đã gột rửa hết bụi trần, khiến thi nhân như đã hóa Phật vậy !
Quả là một bài thơ rất thú vị!.


Theo Vanhien.vn