Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Non Nước và quốc sư Khuông Việt

Chùa Non Nước và quốc sư Khuông Việt

95

Nhân dân Sóc Sơn đã lập đền thờ Thánh Gióng ở núi Sóc thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh. Nơi đây còn có chùa Sóc Thiên Vương (thường gọi là chùa Non Nước hay chùa Non) được xây dựng từ thời nhà Lý một vương triều lấy đạo Phật là quốc giáo.

           
Ngôi chùa tọa lạc trong khu di tích đền Sóc đã bị đổ nát từ lâu. Đến năm 2002, ngôi chùa được xây dựng lại trên nền móng cũ. Chùa Non ở trên đỉnh ngọn núi trong dãy Vệ Linh có độ cao 110m so với chân núi. Chùa nằm chính giữa dãy núi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai, hướng tầm mắt nhìn về cả một vùng quê trù phú. Nhà chính điện có diện tích 260m2, cao 14m, có 250 bậc đá dẫn lên chùa, lại mở lối đi sang nhà bia bên đền Sóc, tạo đường liên hoàn lên xuống và nối với đường ôtô lên Hòn Chồng – nơi đặt tượng Thánh Gióng. Ở thượng điện có bức tượng Phật tổ Như Lai, đúc bằng đồng liền khối vào loại lớn nhất ở nước ta, chiều cao 9m và nặng gần 30 tấn. Pho tượng này được các nghệ nhân đúc đồng Ý Yên, Nam Định đúc năm 2003, được đánh giá là một công trình nghệ thuật xuất sắc, góp phần tôn vinh nghề đúc đồng truyền thống của nước ta.

           
Theo sách “Thiên Uyển tập anh” và “Đại Việt sử ký toàn thư”, chùa Non Nước cổ xưa do nhà sư Ngô Chân Lưu (933 – 1011) trụ trì lập ra, thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông, bắt nguồn từ Trung Hoa truyền sang nước ta năm 820, phát triển rực rỡ nhất vào thời Lý và là tiền thân của phái thiền Trúc Lâm – Yên Tử thời Trần sau này.

 

Ngô Chân Lưu hiệu là Khuông Việt, quê ở làng Cát Lợi, huyện Thường Lạc (nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Lúc nhỏ, ông theo Nho học, lớn lên đi tu ở chùa Khai Quốc (tức chùa Trấn Quốc), được truyền tâm ấn, đứng vào thế hệ thứ 4, dòng thiền Quan Bích. Là người tinh thông đạo Phật, lại giỏi việc đời nên ông được vua Đinh Tiên Hoàng (968 – 979) mời tham gia việc triều chính, giữ chức Tăng thống, đứng đầu các tăng quan.

 

Đến thời Lê Hoàn (980 – 1005) làm vua, ông đã đóng góp nhiều kế sách về tổ chức kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Vì thế sau ngày chiến thắng, vua Lê Đại Hành đã phong ông là quốc sư.

 

Thời Tiền Lê, các nhà sư vừa có tri thức vừa quan tâm đến đất nước nên được triều đình quý trọng. Sư Khuông Việt vừa phụ trách việc tôn giáo vừa là cố vấn của vua. Năm 986, ông và sư Đỗ Pháp Thuận phụng mạng của vua, tiếp Lý Giác là sứ của nhà Tống, nhằm góp phần hòa hiếu giữa hai nước.

 

Đến khi Lê Long Đĩnh, tức Lê Ngọa Triều (1005 – 1009) qua đời, sư Khuông Việt với sư Vạn Hạnh và quan chi hậu Đào Cam Mộc cùng hợp lực tôn phò Lý công Uẩn lên ngôi vua. Nhà sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu qua đời ngày 22/3/1011, thọ 78 tuổi, để lại các tác phẩm: Thiền uyển tập anh ngữ lục, Truyền đăng lục, thơ tiễn sứ Tống.


Ngày nay bên cạnh chùa Non Nước còn có học viện Phật giáo Việt Nam được xây dựng từ tháng 2/2005 và tượng đài Thánh Gióng khởi dựng từ tháng 1/2008. Học viện Phật giáo có diện tích 11ha, có các công trình: Tòa chính điện; khu đại, trung, tiểu giảng đường; khu quảng trường; khuôn viên có sức chứa hơn 2 vạn người; thư viện Phật giáo; Trung tâm y học Tuệ Tĩnh; khu ký túc xá của tăng ni sinh. Học viện có thể đào tạo 1500 – 2000 tăng ni các hệ cao đẳng, đại học và sau đại học. Còn tượng đài Thánh gióng là công trình văn hóa – lịch sử, tâm linh có ý nghĩa quan trọng được thành phố chọn là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tượng có chiều cao 9,9m, rộng 13,5m, trọng lượng khoảng 60 – 70 tấn được làm bằng đồng nguyên khối, miêu tả Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời. Dự kiến tượng đài sẽ hoàn thành trước tháng 10 năm nay.

           
Vậy là huyện Sóc Sơn sẽ có một khu di tích danh thắng và cũng là một khu du lịch bao gồm đền Sóc, chùa Non Nước, Học viện Phật giáo và tượng đài Thánh Gióng, xứng đáng với tầm vóc của một huyện ở phía bắc Thủ đô ngàn năm văn hiến.