Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Thánh Minh với hiện vật rồng đá cổ

Chùa Thánh Minh với hiện vật rồng đá cổ

95

Từ trung tâm thành phố xuôi theo đường Quốc lộ 1A mới, qua cầu Xương Giang (tuyến Bắc Giang – Hà Nội) đến ngã tư Đình Trám 9 km, rẽ phải đi tiếp 2 km qua cổng làng, rẽ trái tới sân vận động My Điền là đến di tích.

Ngôi chùa tọa lạc tại trung tâm làng My Điền, ba mặt chùa giáp khu dân cư thôn My Điền, phía trước hướng Nam giáp với đình My Điền tạo ra kiểu kiến trúc "tiền Thần, hậu Phật", đình trước, chùa sau.

Ngôi cổ tự được xây dựng từ lâu đời, trải qua thời gian, do sự tác động của điều kiện tự nhiên cùng diễn biến thăng trầm của lịch sử nên hiện trạng chùa Thánh Minh có những sự biến đổi; nhưng trong khuôn viên của di tích vẫn còn bảo lưu được một hiện vật quý, có giá trị lịch sử văn hoá tiêu biểu của vùng đất Bắc Giang, đó là rồng đá xanh.

Qua hiện vật có thể nhận định, chùa Thánh Minh đã có từ thời Lý – Trần: Hình rồng thắt 7 túi, đầu có mào lửa, tạo tư thế đang ngậm ngọc, thân nhẵn, không tạo vây, hình thon thả, vuốt nhỏ gọn chầu về phía sau…

Chùa thờ Phật, là nơi sinh hoạt văn hóa tôn giáo của nhân dân địa phương, một ông trình văn hóa tôn giáo cổ, được xây dựng trên một khu đồi cao, thoáng đãng, mặt tiền nhìn ra hướng Nam.

Nhìn bao quát toàn cảnh, đây là một ngôi chùa cổ với 4 đao cong vút chạy đua lên không trung. Bờ nóc của chùa được xây bằng gạch chỉ bo quanh, bờ dải xây bằng gạch ngoài phủ vữa, soi gờ và quét xi-măng, mái chùa lợp ngói ta.

Chùa có ba cửa ra vào, bằng gỗ ván ghép sơn màu vàng, hệ thống cửa ra vào, tường bao của chùa được xây bằng gạch chỉ, phủ vữa, ngoài quét vôi trắng. Nền chùa cao hơn mặt sân 0,3 m, lát bằng gạch vuông đỏ kích thước 20 cm x 20 cm, có bậc thềm lên xuống bó vỉa bằng gạch, phủ vữa, quét xi-măng.

Rồng đá thời Lý ở chùa My Điền, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên.

Chùa Thánh Minh có bình đồ kiến trúc theo kiểu hình chữ đinh (J), gồm tòa Tiền đường nối với tòa Thượng điện bằng dải ống muống và phía sau chùa là nhà Tổ 3 gian. Tòa Tiền đường gồm 5 gian, với 6 vì mái. Liên kết giữa các vì mái theo kiểu vì kèo cánh báng.

Cả 6 vì kèo đều được làm bằng gỗ bạch đàn bào trơn, trang trí hoa văn là những đường chỉ gờ chạy suốt. Tường bao được xây bằng gạch chỉ, phủ vữa, mái lợp ngói ta. Tòa Thượng điện gồm 3 gian, 4 vì mái liên kết theo kiểu con chồng trụ giá chiêng và kiểu cốn mê.

Toàn bộ hệ thống khung chịu lực của chùa làm bằng gỗ lim và gỗ bạch đàn chắc chắn, các cấu kiện kiến trúc bào trơn, đóng bén, soi gờ, kẻ chỉ cẩn thận, không chạm khắc cầu kì.

Nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc gỗ của chùa Thánh Minh chủ yếu được thể hiện trên bộ khung chịu lực làm bằng gỗ chắc khỏe, tại các cấu kiện kiến trúc gỗ này, các nghệ nhân chủ yếu tạo thành những đường gờ chạy quanh, soi gờ, kẻ chỉ, bào trơn, đóng bén.

Trên các mảng trang trí ở các đấu kê và các vì kèo, con rường tạo thành những thể khối to, mập, với những đường họa tiết hoa văn trang trí đường diềm chạy bo quanh, thể hiện sự kế thừa của phong cách nghệ thuật tạo dựng thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỉ XVIII).

Chùa Thánh Minh là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo của nhân dân địa phương, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của thôn My Điền. Lễ hội chùa Thánh Minh được tổ chức vào ngày 2 tháng 2 (Âm lịch) hằng năm. Trong ngày hội, ngoài nghi lễ dâng hương, nhân dân tổ chức nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như cờ tướng, hát quan họ, đánh đu, đấu vật, hát chèo…

UBND tỉnh Bắc Giang đã công nhận chùa Thánh Minh là Di tích Lịch sử – Văn hóa theo Quyết định số 86/QĐ-CT, ngày 30 – 1 – 2004.