Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Thiên Tôn (Tp.HCM) gốc nôi của PG Cổ truyền VN

Chùa Thiên Tôn (Tp.HCM) gốc nôi của PG Cổ truyền VN

274

Lúc ấy, con làm thị giả, đồng thời là Thư ký của Hòa thượng Bổn sư Thích Bích Lâm- Phó Viện trưởng Viện Hoằng Đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam theo hầu Thầy đã nhiều lần được hội họp, làm việc và hầu  HT.Thích Minh Đức tại chùa Thiên Tôn trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến khi Hòa thượng Viện trưởng Viện Hoằng Đạo viên tịch ngày 15-5 Tân Hợi (1971).


Mới đó mà  nay đã 44 năm!. Thật đúng như Tổ Quy Sơn Linh Hựu Đại Viên Thiền sư đã dạy “ Nhật nguyệt dị mại, nhược phất vân lai, sinh giả bất tu tử tương hề cụ” (Ngày tháng mau qua, qua rồi không bao giờ trở lai, sống mà chẳng tu, chết đem theo  những gì?)


“Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”

Nhân ngày húy kỵ lần thứ 44 Tổ Khai sơn chùa Thiên Tôn, cảm niệm công đức Tổ sư, con xin dâng nén tâm hương đảnh lễ Tổ và ghi lại những điều con đã thấy, đã đọc về chùa Thiên Tôn (ngày xưa là số 9 đường An Binh) hiện nay là số 117/3/2 đường An Binh, phường 6, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh…

Đã 44 năm rồi, nhưng con còn nhớ như in, từ Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh- Hòn Ngọc Viễn Đông, theo đại lộ Trần Hưng Đạo hướng từ Đông sang Tây đến gần nhà hàng Đồng Khánh rẻ về bên tay trái là đền đường An Bình, đi một đoạn ngắn vài trăm mét, rẻ bên tay phải là đến chùa Thiên Tôn. Theo thư tịch: chùa Thiên tôn ngày xưa là chùa Giác Hoàng, do Hòa thượng Thích Minh Đức (1903-1971) đệ tử của Tổ Huệ Đăng khai sơn vào năm 1947 tại bến đò Cây Keo, Bến Hàm Tử, nay là đại lộ Võ Văn Kiệt, phường 5, quận 5. Năm 1952, chùa Giác Hoàng dời về số 9 đường An Bình, (địa chỉ hiện nay  là số 117/3/2 đường An Bình) phường 6, quận 5, thành phố  Hồ Chí Minh. Năm 1954, nhân dịp Lễ Lạc thành và An vị Phật, Tổ Khai sơn an danh là chùa Thiên Tôn.

Điểm đặc biệt của chùa Thiên Tôn là trong hai thời kỳ kháng chiến đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, chùa Thiên Tôn luôn đồng hành cùng dân tộc, là cơ sở an toàn của Đặc Khu ủy Sài Sòn – Gia Định. Chùa có phòng thuốc nam từ thiện để chữa bệnh cho dân và che mắt địch. Chùa xây hầm bí mật và tổ chức bảo vệ, nuôi giấu cán bộ cách mạng về ăn ở, hội họp và làm việc như: ông Nguyễn văn Linh (cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam), ông Huỳnh Tấn Phát, ông Võ văn Tuấn, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (cố Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam), Hòa thượng Thích Thiện Hào … Chùa cũng là cơ sở của Ban Trí vận Khu ủy, tiếp đón ông Nguyễn Hữu Thọ và các nhà trí thức yêu nước.

Năm 1960, cơ sở bị địch lục soát, theo dõi gắt gao, Đặc khu ủy Sài gòn – Gia Định và Ban Trí vận Khu ủy được dời đi nơi khác. Tuy vậy, chùa Thiên Tôn vẫn là cơ sở hoạt động cách mạng. Hòa thượng Thích Minh Đức – trụ trì chùa – tham gia Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo lãnh đạo các phong trào đấu tranh chống Mỹ – Diệm, tiếp tục vận động tài chính, thuốc men, vật dụng chuyển vào chiến khu ủng hộ cuộc kháng chiến. Chùa còn là cơ sở nòng cốt, tích cực ủng hộ tài chính cho Liên Quận 5 (Quận 7 và Quận 8). Thượng tọa Thích Nhựt Quang tiếp tục quản lý phòng thuốc nam từ thiện để chữa bệnh cho dân nghèo, đồng thời làm bình phong che mắt địch, tạo điều kiện thuận lợi giúp cán bộ cách mạng lui tới hoạt động.

 Năm 1969, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được thành lập, Đại hội suy cử Hòa thượng Thích Minh Đức làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo của Giáo hội; chùa Thiên Tôn được chọn làm trụ sở của Trung ương Giáo Hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam.

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, chùa Thiên Tôn vẫn tiếp tục tích cực tham gia các công tác Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các phong trào ích nước lợi dân của Đảng và Nhà nước.

 Sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, chùa Thiên Tôn đã ghi dấu chư Tôn Đức các đời trụ trì.

1. Hòa thượng Thích Minh Đức (1954-1971)

2. Thượng tọa Thích Nhựt Bửu (1973-1978)

3. Thượng tọa Thích Nhựt Quang (1978-1985)

 4. Thượng tọa Thích Chơn Định, tự Lệ Tập (1996-1997)

5. Hòa thượng Thích Chơn Không, tự Lệ Hoa (2006 đến nay)

Với những cống hiến và đồng hành cùng dân tộc, chùa Thiên Tôn đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Thành phố năm 2011 theo Quyết định số 696/QĐ- UBND ngày 17/2/2011 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Bằng xếp hạng di tích cấp Thành phố của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/3/2011. 

Cố Hòa thượng Thích Minh Đức đã được truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì. Cố Thượng tọa Thích Nhựt Quang đã được truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Thật đúng là:

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ Tông”