Trang chủ PGVN Cửa thiền Chùa Từ Quang (Châu Đức, BR-Vũng Tàu) – Mái ấm của những...

Chùa Từ Quang (Châu Đức, BR-Vũng Tàu) – Mái ấm của những người già

588

SAN SẺ KHÓ KHĂN VỚI NHỮNG NGƯỜI GIÀ


Đã 8 năm nay, Viện dưỡng lão của Chùa Từ Quang trở thành ngôi nhà của những cụ già có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa.


Ni sư Thích Nữ Quang Đạo, trụ trì Chùa Từ Quang cho biết: “Trên tinh thần từ bi của Phật giáo, chúng tôi luôn muốn đem đến cho những người nghèo một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Vì vậy, mỗi người một việc, chúng tôi cùng chung tay, góp sức xây dựng viện với tâm nguyện giúp đỡ những người già nghèo khó, để cho các cụ có một nơi nương tựa, sống thanh thản, khoẻ mạnh lúc tuổi già.


Phần đông các cụ tới đây đều là người từ các tỉnh khác tìm đến, chỉ có số ít cụ ở gần nhưng do con cái làm ăn khó khăn, không nuôi nổi nên các cụ vào đây nương nhờ. Những cụ nào ở lại đây được thì Viện dưỡng lão sẽ nuôi dưỡng cho đến cuối đời mà không phải lo gì về vật chất”.


Viện dưỡng lão của chùa Từ Quang được xây dựng trên diện tích 2.600m2, bao gồm: Hội trường, phòng ăn, phòng thuốc nam, phòng xem tivi. Không gian ở đây rộng rãi, thoáng mát, khá yên tĩnh và sạch sẽ, rất hợp cho tuổi già.


Là một người tình nguyện vào Viện làm công quả, chăm sóc cho các cụ đã hơn ba năm nay, chị Lê Thị Hường tâm sự:


Hàng ngày, tôi quét dọn nhà cửa, lo cho các cụ từng bữa ăn, giấc ngủ và giúp đỡ các cụ những việc trong sinh hoạt cá nhân. Lúc nào làm xong việc, rảnh rỗi tôi lại trò chuyện, bóp tay, bóp chân để các cụ thoải mái hơn.


Công việc ở đây cũng khá vất vả do các cụ tuổi cao, tính tình khó khăn. Nhiều lúc mình sơ ý là các cụ phật lòng, thấy cũng buồn, nhưng rồi nghĩ lại hoàn cảnh của các cụ lại thấy thương”.


MỘT MÁI ẤM THẬT SỰ


Cụ Nguyễn Thị Nhẫn, quê ở Thái Bình, vào ở viện được 7 năm xúc động nói: “Tôi vào đây cùng gia đình người con trai út ở Suối Rao, nhưng do vợ chồng cháu làm ăn khó khăn, không đủ điều kiện để nuôi dưỡng. Qua người quen giới thiệu, biết Viện dưỡng lão nhận nuôi dưỡng nên tôi tìm đến.


Ở đây thích lắm, không thiếu thứ gì cả lại được các ni sư thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện và động viên. Vào đây đã lâu, ở quen, nên bây giờ con trai tôi muốn đưa tôi về nhà chăm sóc, vì gia đình cháu làm ăn đã khá hơn trước, nhưng tôi không muốn về”.


Cũng có hoàn cảnh như cụ Nhẫn, cụ Châm, 58 tuổi, quê ở Bình Thuận chia sẻ: “Tôi già rồi, ở với con, nhưng con nghèo quá nuôi không nổi nên tôi xin vào đây. Từ lúc vào đây ở, tôi thấy mình được quan tâm hơn, các ni sư ở chùa thường sang thăm, bốc thuốc nam cho uống.


Thỉnh thoảng có các gia đình Phật tử đến thăm, cho tiền, cho quà. Tôi có một đứa con trai, vợ chồng bỏ nhau, hai con còn nhỏ không có ai nuôi nên tôi xin chùa cho hai cháu vào đây ở. Nhà chùa đã nhận hai cháu vào ở và nhận nuôi các cháu ăn học đầy đủ cho đến hết lớp 12. Được chùa giúp đỡ như vậy tôi vui lắm”.


Được biết, để có kinh phí bảo đảm duy trì hoạt động ngoài tiền của nhà chùa là sự đóng góp của các gia đình Phật tử.


Ni sư Thích Nữ Quang Đạo cho biết thêm: “Trong quá trình tổ chức các hoạt động từ thiện, chùa luôn nhận được nhiều sự giúp đỡ của các gia đình Phật tử. Người Việt Nam chúng ta rất giàu lòng nhân ái, vì vậy tôi tin những người nghèo sẽ không lo không có cơm ăn”.


Ngoài việc chăm lo cho các cụ, chùa Từ Quang còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện khác để giúp đỡ những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Châu Đức, giúp họ vượt qua hoàn cảnh để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.