Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Văn Quán huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây – một địa...

Chùa Văn Quán huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây – một địa chỉ tâm linh đặc sắc

334

Vê chút duyên lành


Sáng chủ nhật, mùng bảy tháng bảy năm Đinh Hợi – 2007, tuần Vu Lan báo hiếu đang đến gần.


Tiết trời u ám, lúc nắng lúc mưa. Tháng Bảy mưa Ngâu sùi sụt càng làm cho tuần Xá tội vong nhân thêm sầu bi, gợi cảm.


Thực hiện một lời hẹn đã để tâm từ lâu, chúng tôi rời Hà Nội, xuôi về Thanh Oai.
Từ Hà Nội, qua thành phố Hà Đông vừa mới thành lập, đến Ba La, rẽ trái theo đường đi Tế Tiêu – Vân Đình, chạy xe 15 cây số thì đến thị trấn Kim Bài. Rẽ trái chừng hơn cây số thì đến chùa Văn Quán – Địa chỉ cuối cùng của chuyến đi mà chúng tôi đã ấn định.


Đường đi lối lại ngày nay đã khác xưa nhiều lắm. Đường rải nhựa trơn tru, thoáng đãng, chạy giữa những cánh đồng lúa đang ngậm sữa, xanh thậm của huyện Thanh Oai.


Những làng mạc và phố nhỏ bên đường, trong thời kinh tế thị trường đang bung ra, cho thấy rõ sự năng động, phấn chấn nhưng còn nhiều ngổn ngang, bề bộn.


Chùa Văn Quán nằm trên địa bàn làng Văn Quán, xã Đỗ Động, xưa thuộc về tổng Động Cứu, huyện Thanh Oai. Đây là một làng có từ lâu đời. Bên những mái đình, mái đền, bờ ao, bến nước, còn thấy những cây đa, cây đề cổ thụ, dấu ấn của sự thanh bình, trầm tích và sâu nặng tâm linh.


Hệ thống di tích đình – đền – chùa – chợ của làng Văn Quán rất bề thế, tuy đang xuống cấp trầm trọng, tọa lạc trong chỉnh thể của một khu phố nhỏ, trong một không gian khoáng đạt, mênh mang, hài hòa với làng mạc xung quanh.


Hai gam màu chủ đạo, màu nâu sậm của các công trình đình chùa cổ kính ẩm ướt và màu xanh thẫm của tán lá cổ thụ dưới nền trời nhiều mây, tạo nên cảm giác se lạnh, cô tịch, hoang vu.


Không gian kiến trúc 


Toàn bộ khu di tích ngoảnh mặt thoáng đãng ra phố làng Văn Quán. Đình đền và chùa nằm liền kề nhau, hài hòa như một.


Khu sân chung đình chùa rộng chừng hơn một mẫu Bắc Bộ. Các công trình kiến trúc trên đó mang đậm triết lý âm dương về phong thủy và thẩm mỹ.


Nhìn theo trục ngang: Đình – chùa thì, bên sân đình là giếng ngọc sâu thẳm, ăn sâu vào lòng đất, có tính hàm chứa – thuộc về âm. Bên sân chùa là tòa Tam quan Chùa, có diện tích tương xứng, 4 mái, 20 cột, với các đầu đao cong vút, thanh mảnh, nhẹ nhàng, vuốt vào không gian cảm giác nửa như bay bổng, nửa như níu giữ, tạc vào bầu trời, có tính hỉ xả – thuộc về dương.


Nhìn theo trục dọc, phía bên sân đình, rất lạ là, phía ngoài cùng, sát đường, lại là một Tam quan Đình – kiến trúc đậm chất Phật giáo – có hình khối đậm, chắc, khỏe khoắn, cao ráo, soi bóng xuống giếng ngọc và đối xứng bên bờ bên kia là một bức bình phong đồ sộ trước của đình, gây nên cảm giác tầng lớp, uy nghi.


Phía bên sân chùa, nhờ tòa Tam quan trống rỗng bốn phía nên tạo ra cảm giác hư hư thực thực. Trong nhìn ra, ngoài nhìn vào thấy có có không không.


Phía ngoài tam quan chùa, là một khu chợ làng, thấy lều quán được dựng lên chi chít tạm bợ. Tuy vậy, chợ này có lẽ cũng đã có từ xa xưa. Mô tuýp mở chợ trước tam quan chùa khá phổ biến ở Bắc bộ, không biết ở đó có ẩn chứa giá trị tinh thần nào cần được giải mã hay không?


Giữa chùa và đình có một khu đất nổi cao lên như một chiếc mai rùa, được gọi là gò Kim tinh. Trên đó có một ngôi am nhỏ và một bụi cau rất lạ. Nhìn lướt qua thì không thấy gì đặc biệt, nhưng khi trao đổi với Sư ông Di Sơn – quyền trụ trì nhà chùa; cụ Cao Văn Bích – Thủ hộ khu đình đền và một số bô lão trong làng, thì thấy vị nào cũng dè dặt khi nói về gò ấy. Không biết ở đó có điều gì bí ẩn về lịch sử và tâm linh?


Một ấn tượng rất sâu đậm khi đến với khu di tích này đó là không gian thoáng đãng và rợp bóng cây cối, hoa cỏ. Có rất nhiều cây cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm như muỗm, nhãn, sấu, thị…tỏa bóng rườm rà lên mái đình chùa u tịch. Và nữa: hoa. Những cây hoa đại đỏ, đại trắng, mẫu đơn, cau, bưởi, lan, trạng nguyên… cổ thụ, thanh khiết phủ bóng lên các am miếu. Dường như ẩn chứa nhiều câu chuyện cổ tích có tính liêu trai.


Đến với khu di tích Văn Quán này, ta không khỏi ngạc nhiên về tính thẩm mỹ cao và sự đa dạng của hệ thống tượng, đồ thờ. Không biết những người thợ xứ nào đã tạo tác nên chúng? Võ Lăng gần đó chăng?


Viên dung Tam giáo và tín ngưỡng dân gian


Về với Chùa Văn Quán lần này, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với Cụ Cao Văn Bích, 76 tuổi, là thủ từ ở khu đình đền Giời (tên ngôi đình – đền) đã 6 năm nay. Nhìn người đầu râu tóc bạc, hiền từ. Trông cụ như người cõi khác – người nhà thánh mà. Cụ dẫn chúng tôi đi thăm và ghi hình thật tỷ mỷ, rồi cho chúng tôi xem bản Linh tích đền Giời bằng chữ Nôm mà sau này Sư ông Di Sơn có chuyển cho chúng tôi bản phiên âm như sau:


“Làng Văn Quán huyện Thanh Oai
Địa linh sơn thủy an bài tự nhiên
Đền thờ Thượng đế Huyền thiên
Cây đa Bụt mọc tích truyền đến nay.
Rằng: xưa khi nước lụt đầy,
Huyền cơ Tạo hóa trôi cây gỗ về.
Gốc đa như thể bệ thờ
Gỗ trôi đến đấy dựng vừa phân minh.
Chữ đề ngoài: Đảo Vũ Kinh
Trong thì kim tượng, kim chiêng, kiếm này.
Dân xem nghĩ thực lạ thay
Rước về đình để tôn ngay tòa Giời.
Tượng Ngài ngự chốc giếng khơi
Hậu ngũ nhạc, tiền tam thai chầu về.
Mộc đông, nam hỏa, kim tây
Kim tinh hiện khóm cau về kỳ quan.
Trước đền ngọc tỉnh, tam quan
Ngoài chợ cách thủy, kim sơn án tiền
Động gian, thủy nhiễu hoa hoàn
Trung lâu, bảo tự danh lam cổ thời.
Hợp thờ Tam Giáo thần kỳ
Huyền Thiên, Tam Thánh, Tản Vì, Đẩu Tinh.
Có bói thẻ, có chân kinh,
Cầu mưa đảo nắng hiển linh nhiệm màu.
Gần xa mọi sự đảo cầu
Tâm thành tức ứng, đâu đâu tiếng lành.
Tháng Giêng mùng chín đản sinh
Một tuần hội lễ linh đình rất vui
Thập phương thiện tín người người
Trảy xem phong cảnh đền Giời tích xưa.
Đền Kim Bài cả tổng thờ
Những khi đảo vũ, bấy giờ chưa mưa
Cũng y như lệ ngày xưa
Thỉnh Kinh, Thượng đế rước đưa đến đàn
Tụng kinh trên tòa lá sen
Kim chiêng, kiếm lệnh, thủy quan mưa liền.
…………………..
Dù như cầu tự, cầu tài
Cầu danh, cầu thọ, trừ tai, trừ tà
Quan từ, hoành sự, oan gia
Cầu tiêm, cầu dược đều là hiển linh.
Bằng hay tụng niệm in Kinh
Tất là mọi sự tốt lành thảnh thơi.
Việc gì là chả tự Giời
Tâm thành xin đến đền Giời lễ xem.
Chữ rằng:
“Đạo chi đại nguyên xuất vu thiên”.


Qua bản Linh tích trên, cộng với việc tìm hiểu hệ thống tượng pháp thờ cúng trong khu di tích, kết hợp với việc tìm hiểu về các nghi thức, nghi trượng trong lễ hội đền Giời vào ngày mùng chín tháng giêng hàng năm, chúng tôi bước đầu thấy rằng, ở đây có sự viên dung – hỗn dung tam giáo Phật – Nho – Đạo, hơn nữa, có chứa đựng cả các yếu tố của tín ngưỡng của cư dân trồng lúa nước – lễ hội cầu mưa, tương tự như tục thờ tứ Pháp: pháp Vân, pháp Vũ, pháp Lôi, pháp Điện…


Đây là một đề tài có thể khai triển sâu rộng. Hy vọng trong tương lai các nhà nghiên cứu sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng hơn.


Nguy cơ và triển vọng


Hiện nay, khu di tích quý giá này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Tất cả các công trình kiến trúc đều đứng trước nguy cơ có thể bị sụp đổ và bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão.


Chùa Văn Quán đã nhiều năm không có sư trông coi. Mãi đến năm nay, dân làng mới thỉnh Thượng tọa Thích Tiến Thịnh – viện chủ Tổ đình Võ Lăng gần đó đứng ngôi trụ trì. Ngài đã giao cho đệ tử của mình là Đại đức Di Sơn về trực tiếp chăm sóc trụ xứ này.


Bản quy hoạch tổng thể đã được lên khung, công cuộc trùng tu đã được khai triển. Hiện nay, khu nhà Tổ đã thi công xong phần nền móng.


Công sức, thời gian và tiền của dành cho công cuộc đó chắc không phải là nhỏ. Thập phương tín thí đang khởi động chung sức, chung lòng, góp công, góp của, từng bước một phục hưng lại một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng quan trọng của huyện Thanh Oai nói riêng và đất nước ta nói chung.


Về với Văn Quán lần này, Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một chùm ảnh ghi được ở nơi đó.





















































Quý Phật tử, độc giả phát tâm công đức tu bổ, xây dựng chùa Văn Quán có thể liên hệ với Đại đức Thích Di Sơn – Địa chỉ: Chùa Vũ Lăng, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, Việt Nam. Điện thoại: (84) (98) 931 6787.