Trang chủ Tuổi trẻ Chùm ảnh: Khóa tu: "Trở về với Thiền Tổ Sư"

Chùm ảnh: Khóa tu: "Trở về với Thiền Tổ Sư"

161

Đoàn Phật tử hơn 100 người ở Thành Phố cũng như tỉnh xa về được hướng dẫn bởi quý Thầy, quý Sư Cô trẻ là thành viên điều hành CLB về đây tu tập. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Thượng Tọa viện chủ Chùa Tam Bảo, đồng thời cũng là Thiền Chủ của dòng Thiền Tổ Sư, mọi người được hiểu rõ hơn và nếm trải pháp lạc nhiệm mầu của dòng Thiền đặc sắc này.

Vào khoảng canh tư mọi người còn đang an giấc, các hành giả Phật tử tập trung tại Tu viện Quan Âm- Quận Phú Nhuận để khởi hành đến địa điểm đã định trước. Sau 30 phút giải lao, đúng 09:00 đoàn bắt đầu một ngày tu học với buổi chia sẻ pháp thoại của Thượng Tọa viện chủ về quá trình hình thành và phát triển cũng như cốt lõi tu tập của dòng thiền Tổ Sư.

Theo quan điểm các vị Tổ Sư của dòng thiền này chỉ có một con đường duy nhất để được minh tâm kiến tánh đó là “từ nghi đến ngộ”. Nghi này phải thật sự xuất phát từ tâm, là niềm thao thức không nguôi về vấn đề nào đó còn vướng kẹt chưa giải tỏa được, đây gọi là chánh nghi (thường những vị Thiền Sư đắc đạo, biết được căn khí của đệ tử sẽ khéo léo dẫn dắt tạo ra mối nghi trong lòng họ).

Có được chánh nghi rồi thì trong mọi cử động đi đứng nằm ngồi hành giả luôn để tâm đến khối nghi ấy không được lơ là, cho đến khi mình với khối nghi là một, mọi vọng tưởng tạp niệm không còn, ba nghiệp nhờ đó được thanh tịnh.

Ngay giây phút đó, nếu gặp duyên đột khởi, tâm trí sụp đổ, khối nghi òa vỡ, tự nhiên phát ngộ. Tổ Sư ví công án như cây gậy, cây gậy giúp người đi, đi là nghi tình, ngộ là đến đích. Đó chính là lúc công phu tu tập của hành giả đơm hoa kết trái, ngay lúc ấy được  minh tâm kiến tánh, việc lớn tu hành được thành tựu. Để định hướng cho thiền sinh phát khởi chánh nghi, Hòa Thượng Thích Duy Lực, người có công truyền bá dòng Thiền Tổ Sư tại Việt Nam đã đưa ra năm công án tiêu biểu để người học nương theo đó hành trì là:

 1. Khi chưa có trời đất ta là cái gì?

 2. Muôn pháp về một, một về chỗ nào?

 3. Trước khi cha mẹ chưa sanh, mặt mũi bổn lai của ta ra sao?

 4. Sanh từ đâu đến, chết đi về đâu?

5. Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?

Buổi chiều đoàn đã xuôi thuyền dọc theo con sông Tiền tham quan vườn cây trái miền Tây, nếm trải cảm giác tự tay hái quả và thưởng thức tại chỗ ngay dưới gốc cây, hương vị dòn ngọt của những quả ổi, xoài, mận… như còn đọng lại trên đầu lưỡi,  thấm sâu vào tiềm thức. Sau đó đoàn thẳng tiến đến Chùa Hội Phước của  Thượng tọa Thích Lệ Trang. Đây là một ngôi chùa đẹp nổi tiếng ở vùng quê sông nước, chất liệu chủ đạo toàn bằng gỗ nguyên chất.

Cảnh trí nơi đây u nhã, nhẹ nhàng, thiền vị với những ngôi tháp trầm mặc, vườn đá rêu phong, lối về thẳng tấp với những khóm hoa khiêm cung khoe sắc bên lề, thấp thoáng đây đó những cối xây nước, những bánh xe chuyển luân gợi nhớ đại nguyện một thời… làm cho những ai một lần đến đều cảm nhận được sự siêu phàm thoát tục của miền đất Phật, khiến bao phiền lụy, bôn ba, toan tính, hận thù… bỗng chốc tan thành mây khói.

 Bằng tấm lòng chí thành chí kính, đoàn mọp sát kính lễ dưới chân đấng Cha lành đang ngự trong chánh điện uy nghiêm. Đại Đức Phó trụ trì còn rất trẻ, rất hiền từ đã tặng cho mỗi Phật tử trong đoàn những quyển sách về triết lý nhà Phật do chính Thầy chuyển dịch. Đoàn đã sinh hoạt văn nghệ dã ngoại trong hoa viên chùa và dùng cơm chiều tự tức tại đây.

Đúng 7 giờ tối đoàn đã lên xe về lại thành phố Hồ Chí Minh. Tạm biệt nhé miền Tây thân yêu, vùng đất trái ngọt cây lành đã un đúc và sản sinh ra bao bậc hiền tài, đức độ. Chúng tôi ngửa mặt hít lấy luồng không khí dịu mát trong lành căng đầy buồng ngực, cảm nhận một niềm hạnh phúc an lành đến lạ!