Trang chủ Tin tức Thông báo Chương trình Cung nghinh tượng Phật Ngọc tại chùa Phật tích

Chương trình Cung nghinh tượng Phật Ngọc tại chùa Phật tích

94

Nhân dịp mùa Phật Đản PL.2553 – DL.2009 từ ngày 16/5 – 22/5/2009 Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Bắc Ninh long trọng tổ chức Đại lễ cung nghinh tôn tượng Phật Ngọc cho hòa bình thế giới và Đại lễ cầu Quốc thái dân an tại chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Cung nghinh tượng Phật Ngọc với nhiều hoạt động ý nghĩa

Tượng Phật Ngọc được tôn xưng là Phật Ngọc cho hòa bình thế giới ( The jade Buddha for universal peace) là pho tượng Phật làm bằng ngọc lớn nhất và quý giá nhất thế giới của Phật giáo ở thế kỷ 21 này.

Theo thông tin từ ban tổ chức thì bức tượng nặng khoảng 3, 9 tấn và cao tầm 2, 54m, được chế tác điêu khắc từ một khối ngọc vĩ đại có một không hai đã được phát hiện tại Canada vào năm 2000. Ngọc được xem là một kỳ tích huyền diệu vào thời khắc đầu tiên của thế kỷ 21, thế kỷ của tâm linh. Khối Ngọc đã trở thành niềm tự hào của Bắc Cực (Polar pride), và Pho tượng Phật Ngọc đã trở thành báu vật của Phật giáo đồ trên toàn thế giới.

Cùng với sự kiện Bắc Ninh vừa chào đón hơn 60 Đại sứ của các nước tại Hà Nội về thưởng thức đêm dân ca quan họ, một di sản văn hoá phi vật thể đang được UNESCO công nhận, thì đây cũng là sự kiện văn hoá tôn giáo lớn nhằm hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tiếp theo cuộc hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh, tượng Phật Ngọc sẽ được trang trọng đặt tại Chùa Phật Tích – ngôi cổ tự, một trong những di tích lịch sử đặc biệt quốc gia được nhà nước xếp hạng. Chùa Phật Tích từng giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử truyền bá Đạo Phật ở Việt Nam. Hiện nay chùa còn gìn giữ được những báu vật quốc gia như Pho tượng cổ A Di Đà bằng đá xanh nghìn năm tuổi, Hai hàng linh thú thời Lý, Di hài xá lợi nhục thân của thánh tổ Chuyết Chuyết thế kỷ 17. Đây đã từng là trung tâm Phật giáo, văn hoá với bề dày lịch sử và chiều sâu tâm linh.

Lễ khai mạc được tổ chức vào tối ngày 16/5/2009 bao gồm các đại biểu khách mời và sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, cũng như các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, địa phương và Đại sứ quán một số nước tại Hà Nội. Trong lễ khai mạc sẽ có hoạt động múa lục cúng dâng đăng Phật Ngọc và đại lễ cầu Quốc thái dân an.

Trong ngày 17/05 sẽ Cúng phật đại khoa, chiêm bái phật Ngọc và các hoạt động giao lưu với các doanh nghiệp, doanh nhân về Kinh tế học Phật giáo và sự hội nhập quốc tế; Hội thảo về Đá ngọc, Tượng và nghệ thuật Phật giáo.

Ngày 18/05 sẽ là hoạt động cầu nguyện hòa bình của đoàn Việt kiều tiêu biểu 3 thế hệ trên toàn thế giới cùng với hội thảo chuyên đề Bắc Ninh và sự hội nhập phát triển.

Vào đúng ngày sinh nhật Bác, 19/05, ban tổ chức sẽ tiến hành nghi thức lễ Phật cầu an, tưởng niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong 3 ngày, từ 20 đến 22/05 sẽ là hoạt động Khóa tu tập “Trở về suối nguồn an lạc” do ban Hoằng Pháp trung ương, ban Hoằng pháp thành hội Phật giáo Hà Nội và ban Hoằng pháp tinh Hội Phật giáo Bắc Ninh tổ chức cho các Phật tử tăng ni.

Lễ bế mạc vào ngày 22/5/2009 tổ chức lễ cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sỹ và đồng bào tử nạn nhân dịp 55 năm ngày chiến thắng Điện biên phủ lịch sử.

Sau chuyến xuyên Việt, bức tượng Phật Ngọc sẽ quay trở về Tháp Hòa Bình tại Úc.

Đại đức -Tiến sĩ Thích Đức Thiện, trụ trì chùa Phật Tích nói: “Cử hành Đại lễ cầu an, quốc thái, cầu mưa thuận gió hoà và sự phát triển bền vững cho đất nước là truyền thống văn hoá rất thịnh hành vào thời Lý (1009 -1225). Sự linh ứng của đại lễ này được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư về việc các vị Vua an trí Phật Pháp Vân cầu đảo cho mùa màng bội thu, xã tắc được thanh bình. Trước những khó khăn chung của nền tài chính và kinh tế thế giới, chúng ta cùng cầu nguyện cho đất nước phát triển ổn định, bền vững.”

Ban tổ chức đã sẵn sàng

Theo Đại đức -Tiến sĩ Thích Đức Thiện – trụ trì chùa Phật Tích, trong suốt 1 tuần lễ trưng bày tượng Phật Ngọc, Chùa sẽ có khoảng 2.000 đến 3.000 suất cơm, bánh miễn phí cho các tăng ni, Phật tử về chiêm ngưỡng Phật Ngọc từ 11 giờ đến 13 giờ hàng ngày.

Dự tính lượng tăng ni, Phật tử về chiêm bái Phật Ngọc đông, ban tổ chức đã tính tới việc phân luồng các phương tiện giao thông. Các phương tiện cơ giới sẽ đi theo đường một chiều ra, vào để tránh ùn tắc. Đồng thời, các tăng ni, Phật tử khi vào lễ sẽ được xếp thành hàng một vào Chùa chiêm bái Pho tượng nghiêm cẩn. Ra về, các Phật tử sẽ được tặng một vật kỷ niệm làm niềm tin sau khi lễ Phật.

Ngoài sự tham gia của lực lượng an ninh của tỉnh Bắc Ninh, Đại đức Thích Đức Thiện cho biết cũng đã huy động được các em sinh viên Trường Kinh tế Quốc dân, Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử Chùa Quán sứ thực hiện tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông cho các Phật tử.

Mặc dù chùa Phật Tích đang trong quá trình trùng tu, nằm trong hạng mục công trình văn hoá chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhưng Ban tổ chức đã rất chu đáo trang trí một khuôn viên với lễ đài trang nghiêm và hoàng tráng để an trí tôn tượng Ngọc Phật làm nơi lễ bái và tham quan.

Nơi trưng bày tượng Phật Ngọc được mô phỏng họa tiết, hoa văn và được thiết kế theo hình dáng ngôi Chùa cổ ở Bắc Bộ với 3 gian được dựng tại sân của nhà Chùa.

Theo Đại đức Thích Đức Thiện, bức tượng Phật Ngọc mang tới một thông điệp lớn về hòa bình là “Hòa bình trong tâm mỗi con người và nó vĩnh cửu trong nhân loại”. Đại lễ cung nghinh tượng Phật Ngọc nhằm tôn vinh giá trị đạo đức tốt đẹp và truyền thống tự hào dân tộc xây dựng một nước Việt Nam có thế và lực trên trường quốc tế. Đây cũng là thực hiện và làm theo lời Bác Hồ dạy. Phát huy và nâng cao những giá trị lịch sử văn hóa, tâm linh của chùa Phật Tích, ngôi cổ tự, di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia.

Mặc dù theo lịch, ngày 16/05 tới bức tượng Phật Ngọc mới về đến Bắc Ninh nhưng Đại đức Thích Đức Thiện cũng vui mừng cho biết, với sự quan tâm và nhiệt tình giúp đỡ của các cơ quan, bức tượng Phật Ngọc có thể sẽ về tới Chùa Phật tích sớm hơn so với dự định để thuận tiện hơn cho công tác trưng bày cho nhân dân chiêm bái.