Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chuyện chưa kể về Bái Đính tân tự-Kỳ cuối: Công trình của...

Chuyện chưa kể về Bái Đính tân tự-Kỳ cuối: Công trình của những kỷ lục

305

Nhìn bằng mắt thường du khách đã khâm phục với sự đồ sộ của công trình Phật giáo được xem là lớn nhất Đông Nam Á này. Nhưng có lẽ phải nghe những người thợ ở đây "đong đếm" công sức hàng chục năm trời mấy thấy hết sự kỳ vĩ của Bái Đính tân tự.

Cầu kỳ kiến trúc

Là chỉ huy trưởng công trình Bái Đính tân tự, bám trụ ở đây suốt từ ngày khởi công, ông Nguyễn Văn Công biết nhiều, hiểu nhiều và kể cho chúng tôi nghe về dải đất linh thiêng "núi gối đầu sông, mây vờn non đỉnh" này.

Khác với Bái Đính cổ tự trên động núi quay hướng chính Bắc, Bái Đính tân tự tọa lạc trên triền đồi Ba Rau huyền thoại, phía Đông Bắc chân núi Bái Đính. Theo quan niệm phong thuỷ cổ truyền, với địa thế xung quanh, Bái Đính tân tự đã chọn được "đắc địa". Chùa được xây dựng theo độ dốc "soi gương", cao dần theo trục thần đạo từ Tam Quan đến Điện Tam Thế.

Các kiến trúc chính như Tam Quan, Gác Chuông, Điện Phật Quan Âm, Điện Pháp Chủ và Điện Tam Thế theo kiểu kiến trúc chùa cổ truyền Việt Nam.

Nhìn tổng thể, Bái Đính tân tự rất hoành tráng, kỳ mỹ nhưng lại vô cùng quen thuộc như những ngôi chùa làng quê mà chúng ta thường gặp. Nhìn từ Cố đô Hoa Lư, quần thể chùa Bái Đính như một bức tranh thuỷ mặc treo nghiêng trên sườn đồi xanh thẳm. Núi Bái Đính như một cái đinh chốt khổng lồ treo bức tranh tâm linh tuyệt mỹ đó.

Ông Nguyễn Văn Công cho biết: "Bái Đính tân tự có diện tích tổng thể 30.000m2, gồm hơn 20 hạng mục, công trình. Những công trình kiến trúc chính với quy mô và dáng điệu đồ sộ từ ngoài vào, từ dưới lên là: Tam Quan, Tháp Chuông, Điện Quan Thế Âm, Điện Pháp Chủ, Tháp Bồ Đề, Điện Tam Thế."

Rồi ông đưa chúng tôi chiêm ngưỡng Điện Tam Thế, được xây dựng trên đồi Ba Rau – nơi có những truyền thuyết ly kỳ về đức Thánh Nguyễn thuở sinh thời.

Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga, hoành tráng nhất trong số các công trình kiến trúc ở Bái Đính tân tự và cũng là điện thờ Phật lớn nhất hiện nay ở nước ta.

Nhìn từ dưới lên, Điện Tam Thế như một ngôi nhà sàn khổng lồ, 3 mái chồng giường, lan can hai lối lên được chạm khắc 4 con rồng đá.

Theo ông Công, với người tu hành, Tam Quan là ranh giới giữa cõi thiêng và cõi tục, là ngưỡng cửa thiêng liêng, siêu thoát, là lúc thanh thản về với cõi vĩnh hằng. Bởi thế, Tam Quan phải có kiến trúc độc đáo, bề thế, để gây ấn tượng mạnh cho các phật tử trước khi bước vào đất Phật.

Tam Quan Bái Đính tân tự có hình dáng "lộng tàn", xây theo kiểu chồng giường, gồm 3 tầng mái cong, mỗi tầng 4 mái, 2 tầng dưới 8 mái là bát quái, tầng trên 4 mái và nóc là ngũ hành, tất cả bằng gỗ tứ thiết. La Hán đường dọc hai bên hành lang được đặt 500 pho tượng La Hán tạc bằng đá xanh.

Điện Pháp Chủ cũng là một công trình kiến trúc đồ sộ trong quần thể Chùa Bái Đính. Một trong những điểm đáng chú ý là ở gian trung của điện có sập thờ khổng lồ bằng gỗ vàng tâm, kỹ thuật tinh xảo. "Đây là sập thờ bằng gỗ lớn nhất, đẹp nhất trong các ngôi chùa Việt Nam hiện tại. Để làm được sập thờ này, nghệ nhân Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đã sử dụng hết 10m3 gỗ vàng tâm thành khí và mất hơn năm trời", ông Công nói.

Đại công trường

Ông Nguyễn Văn Công đánh giá quá trình xây dựng quần thể Chùa Bái Đính – được coi là lớn nhất Đông Nam Á – 7 năm qua vô cùng gian nan, nhưng bất kể ai, khi tham gia cũng đều tâm huyết, thậm chí không vì mưu cầu công ăn việc làm.

Vì vậy, các công trình, hạng mục, dù lớn nhỏ, khi đã triển khai là hoàn thành tắp lự cả về chất lượng và thời gian. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về sức người, sức của cho công trình này, dự đoán khoảng ít nhất cũng dăm ngàn tỷ đồng.

Riêng Điện Quan Thế Âm Bồ Tát xây dựng hoàn toàn bằng gỗ tứ thiết, sử dụng tới hơn 900m3 gỗ tròn. Nhân công lúc cao điểm lên tới hơn 800 người/ngày với hàng trăm xe vận chuyển nguyên vật liệu.

Mỗi người, từ chủ đầu tư, chỉ huy công trình đến thợ thủ công cũng đều phải căng sức từ ngày đầu phá núi đến nay, bởi quá trình thực hiện đã phát sinh thêm nhiều hạng mục, nhiều phần việc không ngờ tới.

Công trình phát sinh lớn nhất là Bảo Tháp, cao 99m – sẽ là nơi an vị ngọc xá lợi Phật.

Mải cuốn theo những câu chuyện về nơi non thiêng với người chỉ huy công trình, chúng tôi không hay bóng tối đã đổ ập xuống lúc nào và khi chúng tôi tìm đến xưởng mộc (chuyên làm nhà cổ) của anh Phạm Văn Thế, (quê ở xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn), đã 21h.

Anh Thế cho biết, nhóm mộc của anh có gần 50 nhân công chuyên làm nhà cổ, đều là người thuộc huyện Kim Sơn. Khối lượng công việc ở đây rất lớn và đòi hỏi chất lượng cao, đến nay các công trình đã cơ bản hoàn thành, nhưng để đúng tiến độ, các anh phải làm cả vào buổi tối.

"Đại hồng chung" nặng 36 tấn pha vàng

Một trong những điều để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi khi hành hương về trung tâm tâm linh Bái Đính là tiếng chuông. Tháp Chuông chùa Bái Đính được xây dựng bằng kỹ nghệ công nghiệp hiện đại, bê tông cốt thép giả gỗ, hình dáng phỏng theo các tháp chuông những ngôi chùa nội công ngoại quốc.

Biểu tượng thiêng liêng được Phật giáo đặc biệt chú ý chính là sự vươn cao của gác chuông. Tháp chuông ở đây có cấu trúc tương tự tháp chuông Chùa Keo (Thái Bình), Nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), có cầu thang đi lên gác chuông cao 6,90m ở 8 phía.

Tháp được treo "đại hồng chung" bằng đồng nặng tới 36 tấn. Khi đánh chuông, phải dùng chày kình dài hơn 4m, đường kính 0,30m, nặng gần 5 tạ bằng gỗ tứ thiết.

Ngắm nhìn tháp chuông khổng lồ này, tôi chợt nhớ một lần đến chiêm bái quần thể chùa Yên Tử (Quảng Ninh), tại Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, tôi may mắn được nghe đôi điều về sự thiêng liêng của gác chuông.

Theo quan niệm của nhà Phật, chuông càng ngân xa bao nhiêu thì sự từ bi của đức Phật càng lan tỏa, thấm sâu vào chúng sinh bấy nhiêu. Sự thiêng liêng của chuông chùa là chiều chiều ngân lên 108 tiếng, xua đi 108 điều phiền não ở mỗi con người. Sự phiền não ấy ở mỗi con người theo ba kiếp: quá khứ, hiện tại và tương lai.

Chuông chùa Bái Đính được luyện pha vàng, lại treo trên tháp cao một sườn đồi của vùng núi sông kỳ vĩ, nên khi tà dương ngả bóng, tiếng chuông ngân lên âm vang, đồng vọng từ các hang động, vách núi.

Bởi thế, lần đầu tiên được nghe, tôi có cảm giác tiếng ngân đó như từ thinh không vọng xuống, từ thập phương Phật vọng về.

Tiếng ngân diệu kỳ ấy đã mang đến cho tâm hồn tôi sự thanh thản lạ thường. Một ni sư giảng giải: "Ở rất xa, tới hàng chục km vẫn nghe thấy tiếng chuông Bái Đính ngân nga, âm vang lan toả. Tháp chuông này là hình tượng bông sen cách điệu khổng lồ. Tiếng chuông vang ngân từ bông sen, âm thanh du dương lan toả như hương sen thanh khiết, tượng trưng cho phẩm chất và đạo đức của đức Phật, vừa ru vừa di dưỡng tâm linh nhân thế".

Cuộc hành hương về chùa Bái Đính đã cho không chỉ riêng tôi sự kỳ vọng, vươn tới cái đẹp, cái thiện. Trên động Bái Đính bồng lai tiên cảnh, một khách cao tăng trầm trồ: "Phát tích từ ngàn năm trước, phải một ngàn năm hoài thai, chung đúc, trải bao độ tang thương, hưng phế mới có cảnh Bồng Lai Thiên Trúc trên dải đất linh thiêng này. Tạo hoá đã ban tặng phong cảnh sơn kỳ thuỷ tú cho con người và chính con người lại góp phần tôn vinh, làm đẹp thêm phong cảnh của tạo hoá. Đất có Phật – Thần – Tiên mà thêm linh. Phật – Thần – Tiên nhờ đất mà có nơi phát tâm bồ đề, cứu độ sinh linh..."