Trang chủ Đời sống Tâm linh Chuyện lạ trên non thiêng Yên Tử

Chuyện lạ trên non thiêng Yên Tử

77

Đây là nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng xung quanh sự tồn tại của tượng còn nhiều câu hỏi, ai là người dựng bức tượng này, vì sao nhân vật này lại có mặt ở nơi đây?

Truyền thuyết và niềm tin

Tượng An Kỳ Sinh nằm trên đỉnh núi bằng phẳng và rộng rãi. Vì thế trên đường lên chùa Đồng, khách hành hương thường dừng chân lại nơi này, vừa là để thắp hương, vừa để nghỉ ngơi sau chặng đường dài. Vợ chồng cô hàng nước bên tượng An Kỳ Sinh như một hướng dẫn viên du lịch thực sự khi thông tỏ chuyện hóa đá của vị đạo sĩ tìm đến non thiêng, tu luyện linh đan cùng phương thuốc trường sinh bất lão… Thoạt nhìn, tượng là một khối đá tự nhiên, giống dáng một vị sư khoác áo chùng thâm, hai tay đang lần tràng hạt, mặt hướng về phía tây như đang hướng về đất Phật. Không ai biết “nhà sư” đứng như thế ở đây từ bao giờ, chỉ biết rằng ngài đứng ở đây thanh thản giữa đất trời, tà áo bay trong gió như một sự hiện hữu đầy lạ kỳ. Cho đến nay, có nhiều tích về nhân vật An Kỳ Sinh, nhưng dù là tích nào đi nữa thì cũng đều là những câu chuyện huyền bí. Lịch sử và nhiều công trình nghiên cứu vẫn chưa thể đưa ra những lý giải rõ ràng và khúc chiết nhất. 

Bức tượng đá cao chừng 2m, ông Tống Trung Tín – Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam khẳng định, bức tượng này hoàn toàn do thiên tạo. Tượng được gắn liền với một cụm đá bên dưới. Kế đó là một am thờ nhỏ, quanh năm khói hương nghi ngút. Khách hành hương đến Yên Tử vẫn kể cho nhau nghe về sự linh thiêng của tượng đá, về một vị đạo sĩ tu luyện nghìn năm, tinh thông bách bệnh. Vì thế, ai có bệnh tật gì, cứ đến đây cầu khấn, ắt sẽ được như ý nguyện. Cũng vì niềm tin này mà vào mùa hội, các hàng thuốc dạo đoạn từ chùa Vân Tiêu lên tới đỉnh An Kỳ Sinh cũng được lộc. Lại do truyền tụng mà vài năm trở lại đây, nhiều người tin rằng, xoa tiền lên tượng sẽ phát tài.

Dân gian và khoa học

Theo những công trình nghiên cứu của cố PGS.TS Nguyễn Duy Hinh – Viện Tôn giáo Việt Nam, trước đây, khu di tích này là một quần thể gồm một tượng đá đứng và hai ngôi mộ hình chữ nhật có núm nhô lên như hình hoa sen, đắp cao khoảng hơn 10cm. Xung quanh có kè đá che chắn khá kiên cố. Tượng tuy do thiên tạo, nhưng hoàn toàn không phải tự mọc ở đây mà là do con người đưa về và dựng tại đây. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy ở phần ngực tượng có một khung hình chữ nhật khắc lõm và một số vết khắc chữ Hán, qua năm tháng có thể đã bị mờ. Theo phỏng đoán của PGS. Nguyễn Duy Hinh thì đó có thể là ngày xưa khi đặt tượng người ta đã khắc tên An Kỳ Sinh như một cách “yểm tâm tượng” thường thấy trong dân gian.

Pho tượng nổi tiếng, nhưng không nhiều người biết được gốc tích An Kỳ Sinh là ai, từ đâu đến và vì sao lại đến Yên Tử. Hiện trong dân gian vẫn lưu truyền hai truyền thuyết rằng xưa núi Yên Tử có nhiều cây thuốc mọc tự nhiên. Thuyết thứ nhất có một đạo sĩ tên là An Kỳ Sinh chuyên hái thuốc, luyện thành thuốc trường sinh và tu luyện đạo tiên. Khi ông chết hoá thành tượng đá trên đỉnh núi. Thuyết thứ hai, An Kỳ Sinh là người Trung Hoa. Ông ta biết được ở nước Nam, có ngọn núi thiêng, ai là người đặt chân đầu tiên lên đỉnh núi sẽ được trường sinh bất lão. An Kỳ Sinh tu tiên đắc phép, vượt gian khó lên núi. Ông cứ ngỡ mình là người đầu tiên lên đỉnh núi nhưng không ngờ có một ông già người Việt, râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc đã đứng trên núi tự bao giờ. An Kỳ Sinh vừa định quay về thì hóa đá.

Dân gian truyền tụng là thế, nhưng sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú có dẫn bài thơ “Thủy văn tùy bút” của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bài thơ này có nhắc đến Yên Kỳ Sinh (hoặc An Kỳ Sinh) như một vị tiên giả từng tu luyện linh đan trên đỉnh cao nhất của Yên Tử. Điều này có thể thấy, ngay từ thời Trần trên núi Yên Tử đã có di tích An Kỳ Sinh.

Cũng theo những công trình nghiên cứu của cố PGS.TS. Nguyễn Duy Hinh, sách “Liệt tiên truyện” của Trung Quốc thì An Kỳ Sinh (hoặc là Yên Kỳ Sinh) là người Phụ Hương, ở Lang Gia (vùng Chư Thành, tỉnh Sơn Đông ngày nay), chuyên bán thuốc ven biển Đông Hải. Trong một số thư tịch và sử liệu khác của Trung Hoa còn có thêm chi tiết, An Kỳ Sinh đã từng tìm được cây thạch xương bồ để cứu một người qua cơn thập tử nhất sinh và cũng chính nhờ uống loại cây kỳ diệu này mà trở nên trường sinh bất tử, sống đến nghìn năm.

Cho đến nay, cả nghìn năm đã qua đi, câu chuyện về một vị tu tiên đắc đạo nửa hư nửa thực này dẫu có được soi xét dưới những lý giải khoa học nhất thì vẫn nhuộm màu huyền thoại,  góp thêm huyền bí cho non thiêng Yên Tử.

Mỗi pho tượng đều là một câu chuyện về tâm linh, về văn hóa Việt. Xung quanh sự ra đời và tồn tại của tượng đều được phủ lên một màn sương huyền ảo…