Trang chủ Văn hóa Du lịch Chuyện làm phim ở nơi đất Phật

Chuyện làm phim ở nơi đất Phật

95

Đoàn làm phim gồm có tôi – đạo diễn Nghiêm Nhan, biên tập viên Hương Giang, và quay phim Doanh Trung. Chúng tôi lên đường đi Ấn Độ vào đầu tháng 3/2009 cùng với đoàn hành hương 60 người Việt Nam ở ba miền Bắc – Trung – Nam, các nhà sư và đặc biệt có người dẫn chương trình, hướng đạo cho đoàn là Tiến sĩ – đại đức Thích Nhật Từ – Viện phó Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu.

Theo bước chân của Đức phật Thích ca chúng tôi đến Vườn Lâmtini nơi đức Phật được sinh ra (nay thuộc Nepal). Dấu ấn xưa vẫn còn hiện diện trên những nền móng gạch cổ. Lời tụng kinh Nam mô Phật thích ca mâu ni được vang lên làm cho không khí buổi lễ thêm trang nghiêm. Tất cả lần lượt bước tới nhìn lại dấu tích tương truyền là nơi hoàng hậu Maia đã hạ sinh Thái tử Tất đạt đa trong một ngày kỳ lạ, để rồi cũng từ đó một con người sau này đã dấn thân vào con đường khổ hạnh đi tìm đường giải thoát cho chúng sinh.

Rời khỏi nơi Đức Phật được sinh hạ, chúng tôi bước vào một khu vườn rộng mát. Nơi đây, bóng râm của cây bồ đề ôm trùm lấy đoàn hành hương. Bóng cây in xuống hồ nước xanh trong như ngọc, tương truyền là nơi hoàng hậu Maia tắm khi hạ sinh Thái tử. Mặt hồ lung linh ánh vàng trong một chiều hoàng hôn. Đây là một không gian thiêng, không gian của tâm linh…

Chúng tôi cũng được đến hang đá – nơi tu hành 6 năm của Đức Phật. Đó là một hang động ở trên cao. Hang chỉ đủ cho một người ở. Trần hang thấp. Người đời sau đã dựng lên ở đây pho tượng Đức Phật với bộ dạng gày gò, hốc hác, chỉ có da bọc xương. Đây là thời kỳ Đức Phật tu hành xác, hạn chế ăn uống.

Sau 6 năm, Người thấy cách tu này không đem lại chuyển biến gì cho nhận thức. Một cơ thể yếu gầy suy nhược không thể có được sự giải thoát nên đã từ bỏ cách tu này và đi tìm chân lý. Rời khỏi hang động, chúng tôi đứng nhìn từ trên cao, phía dưới là mênh mông thung lũng. Chắc hẳn xưa kia, nhiều lần Đức Phật Thích ca đã đứng từ nơi đây mà nhìn bao quát không gian thiên nhiên này mà băn khoăn lẽ sống ở đời.

Chúng tôi đi tới làng Sujata. Tại đây Đức Phật đã lả đi sau 6 năm dài tu hành xác và được một thôn nữ ở làng Sujata cho uống sữa, nhờ thế mà cứu sống được Người. Dân làng từ bao đời nay đã dựng tượng Đức Phật và cô thôn nữ. Cô gái vô danh xưa khi cho Đức Phật uống sữa chắc chỉ nghỉ rằng cứu một người phúc đẳng hà sa chứ làm sao biết mình đã cứu một con người vĩ đại.

Chúng tôi đến Bồ đề đạo tràng nơi đức Phật sau khi được uống sữa hồi tỉnh đã tìm tới một cây cổ thụ và ngồi tọa thiền bốn chín ngày để rồi chứng quả thành Phật. Theo tiếng Phạn cổ thì Cây Bồ Đề chính là cây Giác ngộ, cây của Phật. Tháng 3, cây Bồ đề trơ trụi cành lá đang chờ mưa xuống để nảy lộc non.

Số phận của cây Bồ đề này cũng lắm thăng trầm. Tương truyền đây là cây đời thứ 26 từ gốc xưa. Uy linh của cây Bồ đề vẫn còn đó. Những cành nhánh của cây như lưu giữ lại từng ánh chớp của thời gian. Tại đây, người ta đã dựng lên một công trình đền tháp kỳ vĩ tưởng nhớ đến Đức Phật, đến phút giây kỳ diệu ngộ chứng quả Phật để từ đấy Người đem giáo lý phật pháp đi hoằng pháp cứu độ chúng sinh.

Chặng tiếp theo, chúng tôi được đến Vườn lộc uyển nơi Đức Phật gặp lại những bạn đồng tu xưa – năm anh em Kiều Trần Như, và đánh dấu bước ngoặt chuyển pháp luân, chính thức truyền giảng giáo lý nhà Phật, phật pháp qua bài kinh giảng đầu tiên – bài kinh tứ diệu đế. Đoàn người hành hương đứng trước tượng đức Phật và như được sống lại với hơn 2.500 năm trước, văng vẳng đâu đây lời thuyết giảng bài đầu tiên về giáo lý nhà Phật của Người. Thật xúc động, trong rất nhiều bản dịch bài kinh tứ diệu đế bằng các thứ tiếng trên thế giới tại đây có cả bản kinh bằng tiếng Việt.

Kushinagar – nơi đức Phật đi vào cõi vĩnh hằng, người đời sau đã làm một bức tượng Phật nằm thật lớn để tưởng nhớ đến sự kiện nhập Niết bàn của Người. Đoàn làm phim chúng tôi còn đến được nhiều nơi mà Đức Phật từng hiện diện lúc sinh thời. Chúng tôi có cảm giác bầu trời, mặt đất, đỉnh núi, gió mưa, cây bồ đề, những đền tháp… của xứ sở Ấn Độ vẫn còn sự hiện diện của đức Phật.

Rời những địa danh Phật tích, chúng tôi tìm đến sông Hằng, đoạn sông ở Varanasi. Theo truyền thuyết, tia nắng đầu tiên chiếu xuống trái đất là chiếu vào sông hằng ở đoạn sông này. Và khi bồng bềnh trên mặt nước, tôi có nhớ đến chính dòng sông này cũng được chứng kiến lần đầu tiên Đức Phật sau khi giác ngộ đã tắm… Và dòng nước thiêng ấy cũng đem giáo lý nhà Phật chảy đến tận cùng thế giới…

Bồng bềnh Sông Hằng, chúng tôi bồng bềnh trong giấc mơ Ấn Độ, bồng bềnh trong những nẻo đường Đức phật Thích Ca…