Trang chủ Đời sống Tâm linh Chuyện tâm linh kỳ lạ của ngôi chùa cổ nổi tiếng Hải...

Chuyện tâm linh kỳ lạ của ngôi chùa cổ nổi tiếng Hải Dương

1137

Chùa Bạch Hào là ngôi chùa hiếm hoi vừa thờ Phật vừa thờ Thành hoàng làng. Sự kết hợp độc đáo này đã được người dân khéo hợp thức hóa bằng một câu chuyện thần tiên về sự ra đời của các vị thành hoàng.


Nằm ở làng Hào Xá, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, chùa Bạch Hào hay Chùa Hào, Hào Xá có lịch sử hình thành từ thời nhà Lý. Đây là ngôi chùa có phong cảnh hữu tình, mang nhiều nét kiến trúc điển hình của một ngôi chùa cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Ngôi chùa này cũng là nơi mang một nét tâm linh độc đáo ít gặp ở các ngôi chùa Việt. Đó là ngoài việc thờ Phật và các vị sư Tổ, chùa còn thờ Thành hoàng làng là ba vị cư sĩ Nguyễn Danh Nguyên, Nguyễn Danh Quang và Lý Đình Khuê.

Trong số các bia đá cổ được lưu giữ tại chùa Bạch Hào, có tấm bia tựa đề “Bạch Hào tự phụng tuyên ngọc phả bi kí”, niên đại Minh Mệnh năm thứ 9 (1828), nội dung ghi lại xuất thân và công trạng Ba vị thành hoàng của làng.

Theo đó, cả ba vị là người có trị tuệ xuất chúng, từng phó tá vua Trần Nhân Tông từ khi ngài còn là Thái tử, rồi cùng vua đi đánh giặc Nguyên Mông. Sau này khi vua Trần Nhân Tông đi giảng kinh ở các miền, ba vị lại tháp tùng ngài rồi được phong làm trụ trì ở chùa Hào Xá…

Văn bia có đoạn: “…Vua gọi ông Nguyên là Phổ Hộ cư sĩ, ông Quang là Phổ Tế cư sĩ, ông Khuê là Phổ Lại cư sĩ. Hứa cho chủ trì đạo tràng trong chùa, ngày tháng nhàn nhã. Ba ông lĩnh mệnh, bái tạ công danh, từ bỏ thế tục, theo đường tế độ cùng dân khuyến khích nông tang đắp nền tục tốt, trẻ già trong thôn ai cũng nương nhờ”.

Một điều đặc biệt được ghi lại trên văn bia chùa Bạch Hào là vấn đề giao thoa giữa thờ Phật và thờ Thành hoàng đã được người dân khéo hợp thức hóa bằng một câu chuyện thần tiên về sự ra đời của các vị thành hoàng.

Văn bia ghi rằng ba vị Nguyễn Danh Nguyên, Nguyễn Danh Quang và Lý Đình Khuê là đầu thai của Phật đồng, sau theo hầu vua và đi tu. Sau khi hóa, ba vị được phong thành hoàng vì những chiến công lập được trong khi sống và cả sự hiển linh sau khi mất.

Ngoài tấm bia “Bạch Hào tự phụng tuyên ngọc phả bi kí”, chùa Bạch Hào còn lưu giữ nhiều hoành phi câu đối ca ngợi ba vị cư sĩ Thành hoàng cùng 7 sắc phong niên đại triều Nguyễn, có nội dung sắc phong Thành hoàng, gia tặng mỹ tự cho ba vị cư sĩ trụ trì.

Lễ hội chùa Bạch Hào diễn ra từ ngày 4-6 tháng Giêng Âm lịch, là ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông về thăm chùa. Một hoạt động quan trọng trong lễ hội là nghi thức rước các sắc phong ra miếu thờ ba vị Thành hoàng.

Vào năm 1993, chùa Bạch Hào ở Hải Dương được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và năm 2015, lễ hội chùa Bạch Hào đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Việt Nam.


Quốc Lê / Kiến Thức