…Về đến thiền viện, quí thầy liền họp các bộ phận chức năng để bàn việc đưa cây đa của hai cụ già về chùa.
Nhận thức được rằng đây là một công việc không dễ dàng nên quí thầy lên kế hoạch di dời cây thật cụ thể, chi tiết. Mọi phương án đều được tính toán chi li, cố gắng tránh tối đa những sơ suất có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Kế hoạch dời cây đa cổ thụ được tiến hành theo các bước sau:
1- Liên hệ với chính quyền sở tại để thông báo việc bứng cây.
2- Khảo sát lộ trình di chuyển của xà lan. Phải bảo đảm các yếu tố:
• Chọn tuyến ngắn nhất. Thời gian hành trình không quá 24g (Cây sẽ chết nếu bị bứng lên quá lâu)
• Kênh mương trên tuyến không bị cạn, hẹp, ít có cầu bắc ngang. (Trọng lượng cây ước nặng hơn 10 tấn, tự trọng của xà lan hơn 20 tấn nữa, vị chi tổng cộng trên 30 tấn)
• Tuyến kênh ít có các thuyền, ghe lớn lưu thông (tránh đối đầu trực diện ngay chỗ hẹp)
3- Thuê nhân công tại địa phương để mé nhánh, tỉa cành và bứng cây. (phải thuê ít nhất 10 người)
4- Cử hành nghi thức cúng vong tại cội cây với 4 vị tì kheo và thỉnh toàn chúng chú nguyện trên trai đường cho các vong linh đang nương tựa trên cây, đồng hồi hướng công đức cho hai cụ già cúng cây. Cung thỉnh chư Thiên, Long, Hộ pháp gia hộ cho Phật sự được thành tựu.
5- Đưa xe Kobe và các thiết bị chuyên dùng khác đến vị trí. Bảo đảm phải có mặt vào lúc sáng sớm. Cây phải được đưa xuống xà lan ngay trong buổi sáng.
6- Bộ phận hoàn trả mặt bằng phải tiến hành san lấp hố cây vừa bứng, đầm nén và đổ bê tông toàn bộ mặt bằng bị ảnh hưởng do việc di dời cây gây ra.
Sau khi rà soát lại kế hoach, phân công trách nhiệm cho từng vị, thầy Thông Kim (phó Ban Hưng công thường trực) phát lệnh thi hành.
Mọi việc đều diễn ra suôn sẻ theo kế hoạch. Các bước 1-2-3 và 4 đều tốt đẹp. Nhưng (chữ “nhưng” này rất là kỳ! Mọi việc đang dở, “nhưng” một cái thì thành hay, ngược lại mọi chuyện đang hay bỗng “nhưng” một cái liền thành dở! (nói theo Lỗ Tấn)…khi mé nhánh, tỉa cành và đào gốc xong rồi thì chiếc Kobe nhấc cây lên không nổi!
Theo tính toán thì trọng lượng của cây sau khi tỉa hết cành, nhánh chỉ vào khoảng hơn 10 tấn một tí, trong khi sức nâng của chiếc Kobe này lên đến 20 tấn, ấy vậy mà “cụ” cây nhất định không thèm nhúc nhích!
Phương án hai được triển khai ngay: 2 cái palang, mỗi cái có sức nâng hơn 5 tấn được đưa vào. Lần này thì xin “cụ” lên khỏi hố dùm nhé! Đang kéo, nâng ngon trớn thì “phựt, phựt, phựt” 3 sợi xích to mới tinh của 2 palang và của đầu Kobe bị đứt ngang, ngọt xớt!
Quí thầy thầm nghĩ: “Thọ thần coi bộ còn lưu luyến nơi này chưa chịu về chùa đây mà!”. Do vậy, sau khi nối lại xích bị đứt và cho mua thêm xích gia cường, quí thầy mặc hậu chỉnh tề, thắp hương và có đôi lời khai thị. Dứt lời khai thị, cây đã nhúc nhích, từ từ, từng chút, từng chút “bò” lên khỏi hố trong sự hồi hộp, căng thẳng của tất cả mọi người!
“Lên rồi!’ Tất cả vui mừng la lên khi hơn 30 phút sau, cây đã yên vị trên miệng hố sâu hơn hai mét.
Bộ phận hoàn trả mặt bằng lập tức san lấp lại và chèn, chống cho cây không tụt lại xuống hố. Tiếp theo là công đoạn cực kỳ quan trọng và khó khăn nữa: đưa cây xuống xà lan.
Bờ kinh khá cao, đáy kinh lại thoai thoải nên xà lan không áp sát được. Phải dùng Kobe kết hợp với palang để kéo xà lan vào đến ngay gốc cây.
Tuy công đoạn này hơi khó khăn nhưng mọi người cũng khá lạc quan, tin tưởng sẽ mau chóng đưa cây xuống xà lan chuyển về cho kịp con nước đang ròng vì nhớ tới câu “đầu xuôi thì đuôi lọt”. Nhưng (lại “nhưng”!), bất ngờ, thình lình, đột ngột… không thèm báo trước, không hề tỏ dấu hiệu gì, cụ cây bỗng…ngã lăn xuống bờ kinh!
Thôi tiêu rồi! Cái cây này mà chìm dưới nước thì có nước bỏ luôn chứ làm sao mà kéo lên cho nổi? Có kéo lên thì cây cũng tàn tạ hết rồi. Mà bỏ luôn lại đáy kinh cũng không xong, cản trở lưu thông!
Ái chà, thọ thần và các vong hồn nương náu trên cây coi bộ còn ái chỗ ở ghê gớm! Đến lúc này mà còn vùng vằng chưa chịu đi nữa! Các nhân công do quí thầy thuê đều hoảng hồn xanh mặt, có người đòi bỏ về, không chịu làm nữa. Họ sợ thật sự!
Quí thầy phải ra sức trấn an để họ bình tâm lại họ và tìm cách đưa cây lên. Tưởng cây nhào luôn xuống đáy mương thì bó tay, nhưng (chữ “nhưng” này thì tốt!) khi mới tuột xuống mép bờ kinh thì…tự nhiên dừng lại. Lơ lửng nửa trong bờ nửa ngoài kinh.
Xem xét kỹ, quí thầy mới phát hiện ra: chính cái kiểu nằm vắt vẻo đó của cây, lại khiến cho việc đưa cây xuống xà lan thành dễ dàng!
Thì đó! Phần gốc to nằm trên bờ làm chân trụ cho phần ngọn chìa ra kinh, xà lan được kéo sát vào cập bờ. Kobe và palang nâng ngọn cây lên (dễ ợt, ngay đầu ngọn, nhẹ mà!), xà lan tiến vào nằm gọn dưới phần ngọn. Hạ palang xuống, phần ngọn cây đã ở trên xà lan! “Thừa thắng xông lên”, quí thầy chỉ đạo cho xà lan nhích dần lên, neo thật chặt phần ngọn, tập trung 2 palang và Kobe kéo phần gốc cây xuống theo hai thanh trượt bằng thép được gác từ xà lan lên bờ. Cũng không khó lắm vì lúc này trọng lượng cần xê dịch chỉ khoảng hơn sáu phần của cây thôi.
…Đến 2 giờ chiều, cây đa đã yên vị trên xà lan, đến lúc này mọi người mới chợt nhớ “Ủa, ủa! Nãy giờ mình có ăn gì không ta?” Vừa mới nghĩ tới là đói bụng liền!
Ông thầy có trách nhiệm đem cơm từ bếp thiền viện sang cười hì hì chống chế “tại con thấy mọi người đang làm hăng say quá nên…quên (!)” khi “bị” mọi người trách sao đem cơm qua mà không chịu “la” lên để người ta ăn, báo hại bây giờ đói bụng muốn xỉu luôn!
Ăn xong cũng vừa lúc nước bắt đầu ròng. Lên đường thôi, tối nay phải về đến thiền viện cho kịp trồng ngay trong đêm, ở “nhà” bộ phận kiểng cũng đã hoàn tất khâu “tiếp đón” rồi. Hố trồng với đầy đủ vật liệu dưỡng cây đã chuẩn bị xong
…2g khuya, xà lan cập bến! Mọi người tập trung xuống bến để “ngắm’ cây đa “lừng danh” mấy bữa nay! Nhìn dáng cây thô kệch, gồ ghề, nhánh to nhánh nhỏ chia ra bốn phía lổm chổm, lông chông, ai nấy đều cảm nhận được tất cả những vất vả, gian nan như thế nào khi “thỉnh” cây về!
Nào là tỉa cành, bứng gốc, nâng chuyển, di dời mỗi mỗi việc đều là một thách thức với mọi người. Ấy vậy mà trên đường về đã có yên đâu! Vì tiếc dáng cây nên quí thầy không cho mé nhánh sát quá, cho nên khi gặp cầu nhỏ, thấp “cụ” cây lại “thò tay” ra níu lại!
Làm sao đây ta? Cưa ngắn bớt cây, rồi chui qua cầu đi luôn? Uổng quá, đi tới đây rồi… Vậy làm sao? Thì…chờ nước ròng xuống thêm chút nữa đi! Ừ, vậy cũng được, nhưng mà nước ròng sát quá, xà lan dính đáy kinh là tiêu luôn đó!
Vậy là phải đậu lại chờ nước ròng. Phải mở to mắt để thức mà canh, dù mệt quá xá rồi. Mấy anh em công nhân ngủ lăn ngủ lốc khắp sàn xà lan, mở “đại hội bố thí” cho bầy muỗi đói! 12g đêm, qua được cầu! Gấp rút đi cho lẹ để kịp ra sông lớn vì nước đang xuống rất nhanh. Xà lan vừa ra khỏi ngã ba kinh thì… Phật ơi! Một đoàn dài nào ghe cát, ghe đá, ghe…đủ thứ đang rùng rùng tiến vào kinh! Mô Phật! Chỉ chậm chút xíu thôi, đoàn ghe lê thê kia mà tiến vào thì…chết chắc! (Chết đây là chết cây đa! Bởi chờ cho đủ nước lớn để xoay trở len qua được đoàn ghe kia thì đến trưa mai mới xong!).
…Hôm nay, sau thời gian dưỡng sức, được quí thầy chăm sóc, vun bón, cây đa của hai cụ già đã nảy những nụ non xanh mơn mởn. Những chiếc lá bé nhỏ kia đang rung rinh cười trong nắng quả thật đã mang lại niềm vui cho mọi người.
Cây đã thật sự sống rồi, đã bén rễ với thiền viện. Phù sa trên đất thiền viện đã giúp cây hồi sinh, nhất định cũng sẽ nuôi dưỡng cây ngày một xanh tươi hơn. Mọi người thảy đều tin tưởng như vậy…