Trang chủ Văn hóa Còn ai làm sách lá?

Còn ai làm sách lá?

56

Hiện tất cả ngôi chùa Khơme đều có giữ sách lá, riêng chùa Xvayton ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang được Trung tâm sách kỷ lục VN xác lập kỷ lục “Ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ kinh lá nhất VN” vào năm 2006 với số lượng lưu trữ hơn 100 bộ kinh lá. Trong đó rất nhiều bộ có tuổi đời trên thế kỷ nhưng vẫn còn nguyên không bị mối mọt, chữ viết nhìn vẫn còn sáng màu mực.


Cách bảo quản hiện nay của các sư trong chùa Xvayton là dùng vải quấn lại từng bộ và lưu giữ trong tủ kính có chống ẩm. Sư cả chùa Xvayton cho biết: “Phần lớn số kinh lá này hòa thượng Chaoty viết từ năm 1963. Từ ngày vị sư này tạ thế, vùng Bảy Núi-An Giang chỉ còn duy nhất hòa thượng Châu Ty, chùa Prêyveng, biết làm loại satar này”.


10 năm đợi lá







Từ kinh sách đến những câu chuyện dân gian


Độ dày mỏng của bộ sách lá tùy theo nội dung sách. Các sách lá hiện lưu giữ từ kinh Phật Nicka, kinh luận, Phật giới của các vị tăng ni, kinh Tam Tạng khuyên răn chúng sinh nên làm lành lánh dữ… cho đến lịch sử phát triển đạo giáo của cả vùng, lịch sử các ngôi chùa. Thường một bộ kinh nặng khoảng 1kg. Ngoài kinh, sách lá buông còn dùng chép những câu chuyện dân gian Khơme như truyện Ramayana, Huyền thoại Bốp Pha Tup… Và đây cũng là nguồn kịch bản cho ba loại hình nghệ thuật sân khấu rôbăm, dùkê và dìkê của đồng bào Khơme ĐBSCL.


Hòa thượng Châu Ty, 62 tuổi (chùa Prêyveng, Tri Tôn, An Giang), kể: “Cây buông còn có tên slắt krúth giống như cây cọ, cây thốt nốt, lá dài 3m, bề rộng giữa lá 4m. Sở dĩ gọi là cây buông bởi khi muốn biến lá thành sách phải buộc lá lại, đợi đến một năm đủ ngày mới mở, tức buông giấy ra. Cây buông có nguồn gốc từ Campuchia do một vài nhà sư mang về, chủ yếu trồng để lấy lá làm sách, trồng tại một vài chùa Khơme ở An Giang, Bạc Liêu và Trà Vinh”.


Cũng theo sư Châu Ty, một cây trồng 10 năm mới ra đọt. Khi đọt cây còn non, người ta lấy giấy buộc để sau này lá không bị cong, và cũng để lá có màu vàng nhạt rất bắt mắt. Nếu không buộc lại, lá sẽ có màu xanh, chữ hiện lên không đẹp. Buộc khoảng gần một năm, đốn xuống, tháo giấy ra rồi dùng ván ép lại thật chặt từng chiếc lá một, xong đem phơi nắng, đợi đến khi nào lá héo mới đem cắt đều thành từng khúc, sau khi đã bỏ xương lá, thường mỗi lá được 3- 4 khúc, mỗi khúc có chiều ngang 6cm, dài 60cm, tương ứng với một trang giấy.


Công phu chữ viết


Sư Châu Ty cũng cho biết thêm bút và cách viết cho loại sách này khá đặc biệt. Sư nói: “Dùng mũi sắt mài thật nhọn, hoặc dùng mũi kim làm ngòi bút, khắc từng chữ trên lá. Viết xong, lấy than đập dập ra thành bụi pha với dầu lửa, dầu chai, rồi lấy khăn vải nhúng vào hỗn hợp trên chùi lên chữ. Có người dùng muội đèn dầu lửa pha với dầu chai thoa lên rồi đem phơi, khi khô dùng dầu lửa chùi sẽ thấy chữ hiện rõ. Đơn giản là vậy nhưng việc viết chữ trên lá buông rất công phu, tỉ mỉ, sơ ý một chút là coi như tấm lá buông đó hỏng hoàn toàn”.


Tuy nhiên sư Châu Ty cho rằng điều quan trọng là ở chữ viết: “Không giống như viết trên sách thông thường, chữ viết trên lá buông phải dùng chữ cổ xưa, có kích cỡ lớn hơn chữ thường nên mỗi lá kinh chỉ có thể ghi được năm hàng. Vì thế khi chép phải cân nhắc chọn lựa từng từ sao cho nghĩa súc tích, đầy đủ. Điều này đòi hỏi người viết phải uyên thâm chữ nghĩa. Trung bình mỗi ngày viết được 5-6 lá”. 


Thưa cây, thiếu người


Theo sư cả chùa Xvayton: “Từ giữa thế kỷ 20 trở về trước, số người làm được loại satar khá nhiều, nhưng hiện ở ĐBSCL chỉ còn 2-3 người và đều ở tuổi trên dưới 60”. Hòa thượng Châu Ty lý giải: “Do kinh lá dùng chữ cổ nên hiện giờ ít sư nào viết được, với lại cây buông cũng rất khó trồng, từ năm 1990 ở An Giang không còn loại cây này. Vì thế muốn hướng dẫn cách làm cho thế hệ sau rất khó”. Trước đây ông từng ươm nhưng có lẽ do thổ nhưỡng không thích hợp nên không cây nào sống nổi. Hiện giờ để có lá buông viết phải cất công qua Campuchia mua về. Và cũng theo ông, loại cây này ở nước Campuchia cũng đang thưa dần. Riêng ĐBSCL cây buông chỉ còn vài cây ở một vài ngôi chùa tại Trà Vinh, Bạc Liêu. 


Hòa thượng Châu Ty bắt đầu viết kinh lá lúc 22 tuổi. Sư Châu Ty học với một sư cả, hiện số sách satar mà vị sư này viết được trên 200 cuốn. Sư Châu Ty tâm sự:“Tôi đang lên kế hoạch để truyền cách làm sách lá buông, trước hết người viết phải biết chữ cổ rồi sau đó sẽ chỉ dẫn cách làm sách. Tôi sẽ liên lạc với những chùa còn trồng được loại cây này như ở Trà Vinh tìm hiểu vì sao cây sống được, để tìm cách gây giống cây. Chứ để mai một dần, dẫn đến mất đi một loại hình truyền thống mà ông cha đã tạo ra thì rất có lỗi với tiền nhân”.