Trang chủ Bài nổi bật Cột mốc tâm linh ở Trường Sa

Cột mốc tâm linh ở Trường Sa

332

Giữa biển cả bao la, những tưởng chỉ có nắng gió và bão giông khắc nghiệt, nhưng trong không gian tĩnh mịch của 6 ngôi chùa ở 6 hòn đảo ngoài quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), khi tiếng chuông vang lên khiến nơi này như một làng quê yên bình.


Khi đó, mọi lo âu, vất vả dường như tan biến, cuộc sống trở lên tốt đẹp, an lành. Nơi đầu sóng nhọn gió trong mùa xuân mới, người lính, nhà sư, ngư dân cùng chung một tấm lòng, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, biển đảo yên bình…
Ấn tượng những ngôi chùa ở Trường Sa
Sáu ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa gồm các chùa Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và chùa Vinh Phúc nằm trên đảo Phan Vinh. Nếu chùa Song Tử Tây tọa lạc trước ngọn hải đăng cao vút, thì ngôi chùa ở Trường Sa Lớn tọa lạc cạnh đường băng, chùa Sinh Tồn sát bên cụm 7 hộ gia đình dân cư sinh sống. Chùa ở đảo Sơn Ca tọa lạc giữa triền cát trắng, tiếp giáp với ngọn hải đăng, phía đón những tia nắng bình minh đầu tiên của mỗi ngày. Chùa ở đảo Nam Yết, Phan Vinh lại nằm sát cạnh bờ biển, từ bên trong sân chùa Vinh Phúc nhìn ra sẽ thấy hai cây cột sừng sững, cảnh vật uy nghiêm và mái chùa cong cong in trên nền biển xanh.
Tôi đã được vinh dự đến thăm một trong 5 ngôi chùa ở Trường Sa, đó là chùa Vinh Phúc, tọa lạc gần biển, cổng chùa cách bờ biển chỉ vài mét. Xưa kia, chùa chỉ là một chiếc am nhỏ được nhiều đời ngư dân Việt Nam đi đánh cá ở Trường Sa dựng nên để cầu trời khấn phật, phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá. Về sau, chùa được trùng tu khang trang, rộng rãi. Chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian, hai chái. Bước vào cổng, qua sân là đến vườn chùa. Tòa chính điện xây theo lối truyền thống, mái ngói cong có đầu đao. Nguyên liệu được sử dụng bằng nhiều loại gỗ quý có sức chịu đựng độ mặn của nước biển.
Cũng giống như các chùa khác trên quần đảo Trường Sa, ngay trong sân chùa Vinh Phúc có đặt tấm “bia ghi danh 64 liệt sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma” vào ngày 14.3.1988, đối diện là quả chuông được đúc bằng đồng. Phật điện chùa Vinh Phúc có pho tượng Phật ngọc khá đặc biệt do Tiến sĩ Bhaddanta – Chủ tịch Ban trị sự toàn quốc Tăng đoàn Phật giáo Cộng hòa Liên bang Myanmar tặng Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar ngày 19.12.2011. Các pho tượng trong chùa đều bằng đá thạch anh, có tượng cao cả mét trông rất uy nghiêm.
Các ngôi chùa trên đảo được xây dựng kiên cố với nét kiến trúc thuần Việt giống như các ngôi chùa trên đất liền, điểm khác biệt là chùa trên đảo có thêm cây phong ba và cây bàng vuông.
“Ở đâu có người Việt Nam sinh sống, ở đó có mái chùa; ở đâu thuộc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, ở đó có hình bóng của người tu sĩ Phật giáo. Tiếng chuông chùa thức tỉnh cho con người, bỏ hết mọi phiền não và cũng là một niềm động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây an tâm công tác, bảo vệ mảnh đất máu thịt của Tổ quốc”.
Hòa thượng THÍCH GIÁC NGHĨA(Ban nghi lễ Phật giáo tỉnh Khánh Hòa)
Cột mốc tâm linh
“Ở đâu có người Việt Nam sinh sống, ở đó có mái chùa; ở đâu thuộc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, ở đó có hình bóng của người tu sĩ Phật giáo. Tiếng chuông chùa thức tỉnh cho con người, bỏ hết mọi phiền não và cũng là một niềm động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây an tâm công tác, bảo vệ mảnh đất máu thịt của Tổ quốc”, Hòa thượng Thích Giác Nghĩa (Ban nghi lễ Phật giáo tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ.
Ở nơi đảo xa, mỗi khi nghe người thân báo tin lành, tin dữ về gia đình, dòng họ, quê hương bản xứ… những người lính và nhân dân trên đảo chọn chốn nương tựa tâm linh là ngôi chùa. Vào ngày đầu năm mới thì nhân dân và cán bộ chiến sĩ trên các đảo đều đến chùa cầu an. Những ngư dân đánh bắt hải sản với hải trình dài ngày trên biển cũng thường viếng thăm chùa, thắp hương cầu nguyện cho những chuyến đi trời yên, biển lặng.
Những ngôi chùa ở Trường Sa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân huyện đảo và ngư dân, mà còn thể hiện sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt nơi biển đảo từ xa xưa. Chùa ở Trường Sa thể hiện nét văn hóa với cốt lõi là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm, quyết tâm bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo, đồng thời là những cột mốc tâm linh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vùng biển, đảo Trường Sa vững vàng trước mọi bão giông, như câu đối ở gian chính điện của chùa Song Tử Tây: “Quần đảo huy hoàng chất ngất Biển Đông ngời thắng cảnh/ Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam”.
Đã thành thông lệ, các đoàn công tác ra thăm đảo bao giờ cũng đến chùa dâng hương lễ Phật, cầu mong quốc thái dân an. Sau lễ dâng hương, trụ trì chùa đã thỉnh 108 tiếng chuông. Đã từng đi qua nhiều vùng đất linh thiêng, nghe nhiều tiếng chuông chùa nhưng chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy xúc động như nghe tiếng chuông chùa ở quần đảo Trường Sa hôm ấy. Trong tiếng sóng rì rào, tiếng chuông chùa ngân dài trong không gian bao la của trời biển tạo nên một cảm giác bồi hồi khó tả… Hoàng hôn trên đảo Trường Sa vào một ngày giáp Tết như lắng đọng trong tiếng chuông chùa sâu lắng, ngân vang trên sóng biển mênh mông…
Hướng về đất mẹ
Điều đặc biệt của chùa Vinh Phúc và 5 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa là sảnh chính diện đều hướng về Thủ đô Hà Nội. Theo các nhà sư trụ trì chùa, việc đặt sảnh chính diện hướng về Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa thiêng liêng, là hướng về cội nguồn dân tộc. Đồng thời đó cũng là sự tri ân chân thành của quân dân huyện đảo Trường Sa đối với nhân dân Hà Nội, khi các ngôi chùa được xây dựng nhờ phần lớn kinh phí do nhân dân Thủ đô quyên góp.

THIÊN DI/Báo QUẢNG NGẢI