Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử CS. Minh Thạnh: Góp được phần ít ỏi vào hoằng pháp, hộ...

CS. Minh Thạnh: Góp được phần ít ỏi vào hoằng pháp, hộ pháp, thì đã có công đức

70

PV: Xin anh Minh Thạnh giới thiệu đôi nét về bản thân?

CS. Minh Thạnh: Tôi năm nay 47 tuổi, cư ngụ tại TPHCM. Tôi được đào tạo ở các ngành Ngữ văn Việt Nam – Hán Nôm, lý luận phê bình sân khấu điện ảnh và sư phạm, đã đi dạy học, làm cho một viện nghiên cứu, qua công việc ở một đài phát thanh truyền hình địa phương, hiện đang làm công tác nghiên cứu phát triển ở một tờ báo.

Tôi theo đạo Phật từ nhỏ, được bà ngoại dẫn đi chùa khi mới biết đi. Pháp danh Minh Thạnh là do Hòa thượng Thích Thiện Hòa – Phó Tăng thống GHPGVNTN bấy giờ ở miền Nam đặt cho tôi. Khi lớn lên tôi là Phật tử Nam tông.

Tôi có tham gia viết chung một số công trình nghiên cứu và sách về truyền hình

PV: Anh đã viết về vấn đề truyền thông trong Phật giáo một thời gian khá dài. Vì sao anh quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực này?

CS. Minh Thạnh:  Tôi tập trung viết ở lãnh vực truyền thông vì:

– Công tác ở cơ quan buộc tôi phải nghiên cứu ở lãnh vực này, nên có một số kiến thức nhất định, có thể khai thác.

– Viết về truyền thông tôi sẽ đóng góp hiệu quả và thiết thực cho Phật giáo, vì những điều tôi trình bày tuy có thể chưa phải là phát hiện, nhưng đối với một số vị tăng ni Phật tử, có thể là điều mới, có thể ứng dụng trong việc hoằng dương chánh pháp. Tôi mong muốn góp phần thúc đẩy truyền thông Phật giáo phát triển.

– Tôi cũng nghĩ là Tam Bảo gia hộ mình học hành, có thể tạm nói, là đến nơi đến chốn, nên tôi mong muốn phục vụ Tam Bảo bằng chính sở học của mình.

– Tuy nhiên, cũng có lẽ yêu cầu khách quan buộc phải như thế, vì trình độ Phật học của tôi hạn chế, viết cho trang web Phật giáo ở những vấn đề khác có thể sẽ…không được đăng.

PV: Tuy nhiên, có vẻ truyền thông trong Phật giáo Việt Nam vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp và đồng bộ. Theo anh, vấn đề truyền thông trong Phật giáo đang “tắc” ở những vấn đề gì và lý do vì sao?

CS. Minh Thạnh: Tôi không nghĩ là hoàn toàn như thế. Đến các chùa lớn, tôi thấy trong chùa, ngoài chùa đều bán rất nhiều đĩa VCD, DVD, Mp3 Phật giáo, một số nhà sách lớn cũng có. Điều như thế không có ở nhà thờ.

Nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề, chủ yếu là ở khâu nhận thức.

Trong một bài viết, tôi đã kể chuyện không dễ để thuyết phục cô giáo cấp III của tôi, đã lớn tuổi, dùng máy DVD để xem thuyết pháp, tuy rằng khi đã sử dụng thì cô chỉ mất chưa đến mười phút để sử dụng thành thạo chiếc máy.

Nay tôi thuyết phục cô vào mạng để đọc web Phật giáo thì chưa được. Dù tôi có nói rằng mắt kém, thì có thể dùng màn hình 46 inch, 50 inch và chữ có thể zoom cho to ra nữa theo ý mình, cô vẫn nghĩ, tiêu chuẩn cư dân mạng không dành cho người ở thế hệ như cô.

Tôi nghĩ, truyền thông hiện đại đối với Phật giáo cũng như thế. Có những lãnh vực, chỉ cần cố gắng một chút nữa, là sẽ đạt mức phát triển cao. Nhưng, trong thực tế, lại dừng lại ở một giới hạn, mà trở ngại chính chỉ là do chủ quan.

Đường không tắc, mà chỉ vì người lái xe dừng xe lại mà thôi.

PV: Theo anh, Phattuvietnam.net có thể đóng góp gì cho hoạt động truyền thông của Phật giáo Việt Nam?

CS. Minh Thạnh: Phattuvietnam.net đã là một trang web trong những trang đi đầu của Phật giáo Việt Nam. Tôi nghĩ là nếu Phattuvietnam.net đề ra mục tiêu mới, là trở thành một trong những trang web đi đầu trong lãnh vực multimedia, nghĩa là thông tin chủ yếu không chỉ là bằng văn bản (text), mà còn là video và audio, thì sẽ rất hay.

Gần đây, nội dung video của Phattuvietnam.net đã có chuyển biến tốt. Audio – video đã là thế mạnh của Phật giáo, hãy là thế mạnh của Phattuvietnam.net. Tôi tin rằng Phattuvietnam.net sẽ sớm multimedia hóa thành công.

Cụ thể, tôi mong xem tin hoạt động Phật sự không chỉ bằng ảnh chụp như hiện nay, mà trong tương lai gần là tin video, do cộng tác viên Phattuvietnam.net quay.

Chỉ cần cố gắng một chút nữa thôi. Đạt được kết quả 15.000 lượt truy cập mỗi ngày như Phattuvietnam.net hiện nay là khó, chứ truyền dẫn các file video, audio không phải là việc khó.

Trước mắt, đầu xuân Ban Biên tập Phattuvietnam.net có thể thay mặt toàn thể bạn đọc Phattuvietnam.net đến chúc tết Đức Pháp chủ và chư tôn đức. Nhưng bên cạnh những dòng chữ thông tin và những bức ảnh, còn có video lời phát biểu của quý vị giáo phẩm lãnh đạo thì hay biết mấy.

PV: Một vấn đề khác được anh đề cập khá nhiều trong năm qua chính là vấn đề cải đạo nói riêng và “cạnh tranh” giữa các tôn giáo nói chung. Theo anh, đây có phải là vấn đề tế nhị và khó nói?

CS. Minh Thạnh: Tôi không thấy vấn đề nói trên không có gì là tế nhị và khó nói cả, khi xác định chỉ nói chuyện tôn giáo mình, không chủ ý đả kích bất cứ tôn giáo nào.

Người ta không thấy có gì tế nhị và khó khăn khi tiến hành những hoạt động mạnh mẽ, liên tục nhằm cải đạo tín đồ Phật giáo sang tôn giáo khác, thì tại sao chúng ta lại ngần ngại, cảm thấy khó khăn khi báo động về vấn đề đó.

Chuyện tín đồ Phật giáo Việt Nam bị cải đạo là chuyện của Phật giáo Việt Nam. Nếu có liên hệ đến tôn giáo nào đó, thì do họ đã làm trước cái việc ảnh hưởng đến Phật giáo Việt Nam, buộc người trong đạo Phật lên tiếng cảnh báo và giữ tín tâm của đồng đạo.

PV: Vấn đề “cải đạo” và năng lực “cạnh tranh” của Phật giáo được trao đổi và bàn luận rất sôi nổi trên phattuvietnam.net với nhiều luồng ý kiến có khi trái chiều? Thậm chí có người còn cho rằng “Vạch áo cho người xem lưng”. Anh đánh giá thế nào về những luồng ý kiến này?

CS. Minh Thạnh: Tôi nghĩ không có chuyện “vạch áo cho người xem lưng”, mà chỉ có chuyện “nhìn thẳng vào sự thật”.

Mình không cần “vạch”, thì người ta cũng đã phân công nhiều đơn vị, cá nhân, ngày đêm nghiên cứu hiện tình đạo Phật ở Việt Nam, tổ chức triển khai các hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo Việt Nam, bằng đủ mọi phương thức.

Nhu cầu làm cho những người theo đạo Phật ở Việt Nam nhận thức đầy đủ đúng mức các vấn đề mà tôn giáo của mình đang gặp phải và buộc phải đối phó, là một nhu cầu khách quan, không phải do ý muốn chủ quan của một người nào.

Hơn nữa, một trong những tinh thần cơ bản của đạo Phật là tôn giáo sự thật. Che dấu sự thật đương nhiên là không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của đạo Phật. Tôi nghĩ, có sao nói vậy, đúng như sự thực mà nói, thì không có gì phải băn khoăn cả.

Sự thật có sức mạnh của sự thật. Nếu mình nói ra sự thật để điều chỉnh thực trạng theo hướng tích cực, để hiện thực chuyển biến theo hướng ngày càng tốt hơn cho đạo pháp và dân tộc, thì cần thiết nên nói.

Kinh Pháp cú mở đầu bằng câu: “Trong các pháp, tâm là chủ, tâm dẫn đầu, tâm tạo tác tất cả”. Vấn đề là chúng ta nói và làm với cái tâm như thế nào thôi.

Còn nếu không “vạch”, thì những vấn đề vẫn còn đó, không bỏ đi đâu được. Một cái lưng nếu có ung nhọt ở đâu đó, do thứ nào đó gây ra, thì phát hiện sớm, đầy đủ các triệu chứng và nguyên nhân để chữa trị là việc cần thiết. Không “vạch” là nuôi bệnh. Bệnh vẫn âm thầm phát triển, và đến một lúc nào đó, không “vạch” thì nó cũng tự lộ ra, nặng nề và trầm trọng, chữa trị sẽ khó khăn hơn nhiều.

Chúng tôi mong bạn đọc chúng ta thống nhất với nhau tinh thần “như thị tri kiến” của đạo Phật, thấy và biết vấn đề đúng như nó có, đúng như thế, không thêm, không bớt, không dấu giếm, không lãng tránh…

PV: Có một thực tế là có những vấn đề được bàn nhiều, bàn nát trên phattuvietnam.net, nhưng có đến tai chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội hay không, có ích gì hay không là điều còn gây nhiều băn khoăn. Với tư cách là người theo đuổi các đề tài này, anh có suy nghĩ gì?

CS. Minh Thạnh: Một que diêm cũng góp phần ánh sáng nhỏ bé của nó. Nếu nói đúng, góp được phần ít ỏi vào sự nghiệp hoằng pháp, hộ pháp, thì mình đã có công đức.

Chư vị Phật tử đạo hữu dám đem hàng chục tỷ đồng cúng chùa làm phước, thì mình chỉ viết bài thôi, thì điều lo đầu tiên là lo mình nói sai, chứ không lo không được nghe.

Chưa đến tai quý tôn đức mà đến tai quý độc giả, được quý độc giả lưu tâm bàn luận, là đã có ích, rất có ích rồi.

Một người nói, nhiều người nói, tất cả cùng nói, nói nhiều lần, với nhiều hình thức, nói với đạo tâm, thiện chí, với mục tiêu xây dựng, thì ngại gì không tới được trên.

Nếu thấy chưa được nghe thì chúng ta nói nhiều hơn. Bạn đọc có ý kiến nhiều hơn, nhiều hơn nữa.

Cũng làm sao cho số truy cập vào trang nhà Phattuvietnam.net không phải là 15.000 lượt/ngày, mà tiến lên 150.000 lượt/ngày, thì khi đó, không còn vấn đề giá trị, tác động tiếng nói của chúng ta nữa.

PV: Vậy anh có gợi ý gì để phattuvietnam.net không chỉ là nhịp cầu để độc giả bày tỏ ý kiến, mà còn là nhịp cầu giữa độc giả với chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, các cấp, các ngành chính quyền hữu quan?

CS. Minh Thạnh: Theo đánh giá có thể chủ quan của tôi, thì hiện nay, Phattuvietnam.net đã bước  đầu có được vai trò giữa độc giả với chư tôn đức lãnh đạo giáo hội các cấp, các ngành chính quyền hữu quan.

Điều đó xuất  phát từ  chính sự vận hành và kết quả hoạt động của Phattuvietnam.net.

Tôi có thử tìm hiểu và thấy là  Phattuvietnam.net là trang web mà các trang Phật giáo khác phần lớn đều nối kết vào ở mục “link” của họ. Điều đó chúng tỏ sự quan tâm đến Phattuvietnam.net rất lớn.

Nhiều bài trên Phattuvietnam.net được đăng lại trên nhiều trang web khác, kể cả phần phản hồi.

Nói theo thuật ngữ truyền thông hiện đại, thì Phattuvietnam.net đã xây dựng được “thương hiệu truyền thông” của mình.

Thương hiệu đó đã hình thành nhịp cầu đối với tất cả những cá nhân, đơn vị liên hệ, không riêng gì một ai, một cơ quan nào.

Làm truyền thông, chính kết quả làm nên sự thu hút và giá trị. Tin, bài đa dạng, phong phú, có chiều sâu, có chất lượng, thì đương nhiên, không lý do gì để tất cả mọi người không khai thác, sử dụng tài sản giá trị vốn có đó.

Để làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý, dù là đối với tổ chức hay nhà nước, đều rất cần thông tin. Thông tin, đó là đương nhiên, bắt buộc. Thông tin càng dồi dào, chính xác, càng quý, càng có ích.

Phattuvietnam.net chắc chắn bước đầu đã làm được nhiệm vụ là một nguồn tin khá đầy đủ và đáng tin cậy.

Tuy nhiên chúng tôi xin có một số đóng góp nhỏ:

Truyền thông là phải chủ động. Báo mạng lại có lợi thế là nhanh, không hạn chế về dung lượng, khuôn khổ. Vì vậy, cộng tác viên Phattuvietnam.net có thể làm cho thông tin của trang nhà phong phú, dồi dào và hữu ích hơn nữa.

Điều này không cần cố gắng nhiều, những phương tiện truyền thông hiện đại giúp chúng ta, không cần ngồi viết. Thí dụ, giao thừa, mồng một có cộng tác viên nào không đi lễ chùa. Một chiếc camera, máy ảnh số sẽ giúp chúng ta có được hình ảnh không khí đón xuân ở chùa mà chúng ta đến thăm. Mỗi người gửi vài chục tấm ảnh, hay vài chục phút video, với chú thích ngắn gọn về địa điểm, thời gian, đến Phattuvietnam.net. Khi ấy, trang nhà của chúng ta có hàng trăm bức ảnh, hàng chục video clip hoạt động đón xuân ở các chùa đầu năm.

Trên đây chỉ là một thí dụ về việc chủ động. Ngoài ra, còn có rất nhiều hình thức khác, nhằm mục tiêu tất cả bạn đọc đều làm truyền thông, nâng số lượng người cộng tác, lấy đó làm đà nâng số lượng bạn đọc.

Làm sao để mở trang web Phattuvietnam.net là thấy sinh khí của Phật giáo Việt Nam dâng trào, thấy Phật giáo Việt Nam đang chuyển động, ngày càng phát triển.

Một mong mỏi nữa là mong Phattuvietnam.net không chỉ là “thương hiệu” nguồn tin, mà còn là “thương hiệu” phân tích tin tức.

Nếu chưa có nhiều bài viết đi vào chiều sâu, thì trước những sự kiện thời sự quan trọng đang diễn ra chúng ta có thể cung thỉnh chư tôn đức phát biểu về sự kiện đang diễn ra đó bằng video. Làm sao để mọi sự kiện thời sự được hướng dẫn nhìn nhận với tinh thần chánh pháp. Vị tôn đức được cung thỉnh phát biểu xong là sản phẩm truyền thông của chúng ta hoàn tất, chỉ còn đưa lên trang thôi.

Chúng tôi hứa sẽ có những đề xuất cụ thể chi tiết qua những bài viết trong năm mới.

PV: Nhân dịp năm mới, anh có điều gì nhắn nhủ tới chư Tôn đức, quý độc giả của Phattuvietnam.net?

CS. Minh Thạnh: Nhân dịp năm mới, tôi kính lời chúc sức khỏe và an lạc đến chư vị tôn đức, chư tăng ni Phật tử và tất cả bạn đọc của Phattuvietnam.net.

Chúc Ban Biên tập, cộng tác viên Phattuvietnam.net thành đạt và ngày càng nhiều công đức trong hoạt động của mình.

Về phần tôi, tôi luôn băn khoăn về kiến thức Phật học còn hạn chế của mình. Viết bài đăng trên Phattuvietnam.net, một trang web có số lượng bạn đọc lớn, thì quả thật, tôi luôn sợ mình nói sai trước số lượng người đọc đông đảo, có ảnh hưởng lớn. Vì vậy, tôi mong chư tôn đức, quý tăng ni Phật tử, tất cả bạn đọc, nếu thấy có ý kiến nào đó của tôi chưa phù hợp với tinh thần đạo Phật, thì nhanh chóng có  kiến để tôi có thể kịp thời sửa chữa, điều chỉnh, để giữ gìn được công đức. Tôi xin thành kính cảm ơn.

Bên cạnh đó, bạn đọc có ý tưởng mới, nhưng không có thì giờ để viết thành bài, thì có thể diễn đạt vắn tắt bằng hình thức gạch đầu dòng, phong cách viết trên mạng (viết tắt, dùng ký hiệu để tiết kiệm thời gian), gửi email cho tôi thông qua Phattuvietnam.net. Tôi mong muốn được hợp tác để có bài viết chung, cùng đóng góp nhiều hơn cho hoạt động hoằng pháp nói chung và trang nhà Phattuvietnam.net nói riêng.
 
PV: Thay mặt Ban Biên tập Phattuvietnam.net, trân trọng cám ơn anh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Trang tin trong năm qua và mong anh sẽ tiếp tục cống hiến nhiều bài viết tâm huyết, đóng góp cho sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nước nhà. Kính chúc anh cùng gia đình một năm mới an lạc.