Trang chủ Người thời nay Tấm gương Phật tử Cụ già Hà Nội làm tranh Phật bằng đá ghép

Cụ già Hà Nội làm tranh Phật bằng đá ghép

133

Thời kháng chiến chống Pháp, ông Bùi Huy Lữ Hải tham gia quân đội, từng là cán bộ thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.


Sau giải phóng Thủ đô (1954) ông tự học tiếng Nga (1955 – 1957), rồi tự “tốt nghiệp” và được Bộ Giáo dục đặc cách cho phép dạy tiếng Nga từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, trong hơn 20 năm, tại nhiều trường cấp 3 của Hà Nội.


Ngoài tự học tiếng Nga, ông còn tự học và am hiểu nhiều ngoại ngữ khác là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và sau này ông tự học cả tiếng Hán.


Ông Bùi Huy Lữ Hải là một trong số ít người biết tiếng Nga đầu tiên đã biên soạn sách dạy tiếng Nga do NXB Minh Đức in năm 1957. Khi đi dạy học, ông từng là tổ trường bộ môn ngoại ngữ ở số trường cho đến năm 1980 thì nghỉ hưu tại trường PTTH Phan Đình Phùng.


Những ngày đầu mới nghỉ hưu, ông Hải thường hay ra phố, rồi “cơ duyên” đưa ông tới một nơi đang sửa đường. Ông thấy mấy viên đá có hình thù lạ mắt nên nhặt mang về nhà đẽo gọt thành vật chặn giấy, rồi đem gửi bán ở các cửa hàng mỹ nghệ.


Ông rất phấn khởi vì bán được sản phẩm, tăng thêm thu nhập cho gia đình nhà giáo vốn có đồng lương hưu ít ỏi. Thế là ông quyết tâm chuyển sang làm thợ!


Trong hai năm 1985-1986, ông Bùi Huy Lữ Hải tự học về nghệ thuật điêu khắc. Do biết ngoại ngữ, ông đến thư viện tìm đọc sách báo nước ngoài tìm hiểu về trầm tích học, về tính chất các loại đá, rồi nghiên cứu thử nghiệm và tìm ra cách đánh bóng tượng đá.


Lúc mới khởi nghiệp, ông Hải không mất tiền mua nguyên liệu mà chỉ đi nhặt đá ven đường mang về nhà chế tác. Nay thành nghề rồi ông phải tự trang bị cho mình một “xưởng thợ” nho nhỏ ngoài hành lang nhà ở của gia đình với chiếc máy mài đá, vài con dao, chiếc giũa, đục chuyên dụng…


Còn đá thì ông đi mua hoặc gửi mua ở trong nước và cả ở nước ngoài nữa. Ông Hải không dùng các loại đá mà nhà điêu khắc thường làm như đá mền (pyrôphilit), đá canxit thông thường hoặc đá đôlômit có độ cứng trung bình.


Ông dùng loại đá có độ cứng 6 đến 8 (đá có độ cứng 10 là kim cương) và dùng đá có các loại vân mầu khác nhau như đen, đỏ, trắng, xanh, xám hoặc đá thiên thạch (đen nhánh đá san hô đỏ để làm tranh.


Đặc điểm của loại tranh này không giống tranh phù điêu, trạm rộng, tranh ghép phẳng mà là tranh ghép nổi ba chiều nên tạo được độ sâu gây ấn tượng cho người xem. Đá có mầu sắc tự nhiên nên tranh giữ được độ bền mầu vĩnh cửa, đá chế tác không phải loại đá quý nên giá thành không cao mà bức tranh vẫn đẹp.


Làm tranh ghép đá đòi hỏi phải công phu đôi tay phải khéo léo, đôi mắt tinh để mài đá thành các mảnh nhỏ rồi ghép thành tranh. Ngoài ra cũng cần phải có con mắt nghệ thuật và năng khiếu về hội hoạ nữa.


Lúc mới làm tranh ghép đá, ông Bùi Huy Lữ Hải thường làm các loại tranh dân gian, tranh câu đối, thư pháp. Gần hai chục năm nay và hiện nay, ông chỉ làm tranh Phật để cúng dường, để thờ Phật tại nhà và để bán cho Việt kiều hoặc khách nước ngoài.


Ông Hải cho biết: Để làm được tranh Phật trước hết phải hiểu về đạo Phật. Vì thế gần 20 năm nay ông dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về đạo Phật, học chữ Hán, đi thăm các chùa chiền…


Có hiểu đạo Phật và biết chữ Hán mới làm được tranh Phật. Mấy năm trước đây ông làm 2 bức tranh Phật, mỗi bức có chân dung Đức Phật bằng đá ghép nổi còn gắn một bộ kinh Bát Nhã gồm 260 chữ Hán thường và 260 chữ Hán thảo bằng đá ghép. Bộ tranh này ông phải làm một năm mới xong.


Đầu năm 2007, ông Bùi Huy Lữ Hải trong lúc ngồi thiền định đã nảy ra ý tường làm một bức tranh ghép đá khái quát về đạo Phật. Ông bắt tay làm trong 7 tháng mới xong.


Bức tranh mang tên “Kiến đạo” (Thấy đạo) ở chính giữa trên cao có chân dung đức Phật 2 bên thấp hơn có hình các con vật thể hiện 3 tính tham và 4 hành động xấu của con người.


Ba tính Tham – Sân – Si thể hiện bởi 3 con vật là con gà (Tham), con rắn (Sân), con lợn (Si) và 4 hành động xấu thể hiện bởi con cọp (sát), con khỉ (đạo trích), con dê (dâm), con vẹt (miệng lưỡi lắt léo).


Hàm ý của bức tranh “Kiến đạo” là muốn khuyên con người hãy chế ngự lòng tham, không làm việc xấu để trở thành người tốt. Như vậy sẽ được “Nhất phàm phong thuận” (Một cánh buồm thuận gió) và “Hợp gia bình an” (Gia đình hoà hợp bình an) là hai câu chữ Hán bằng đá ghép ở hai bên bức tranh.


Từ khi làm xong bức tranh “Kiến đạo” đến nay, ông Bùi Huy Lữ Hải còn làm thêm được vài bức tranh Phật nữa là bức “Đức Phật Thích Ca ngồi thiền”, bức “Phật ngôn”, “Phật tâm” và bức “Tâm Phật cập chúng sinh – Thị tam vô sai biệt”.


Ông Hải giải thích, theo triết lý nhà Phật thì Tâm là Phật. Phật là chúng sinh. Ba khái niệm này không có sai biệt, chỉ là một, là tột đỉnh của trí tuệ nhà Phật.


Do am hiểu đạo Phật nên vào các ngày nghỉ, ông Bùi Huy Lữ Hải còn thuyết giảng về đạo Phật cho một số bà con Phật tử. Ông treo bức tranh ghép đá có chữ “Vô cầu” (không cầu xin) ở nơi ngồi giảng bài.


Ông Hải giải thích: “Nhiều người buôn bán không hiểu về đạo Phật, cứ đến chùa lễ Phật là cầu xin Phật “độ” cho để “đi một về mười, đi tươi về tốt”.


Thực ra đức Phật chẳng có gì để cho cả, vả lại Phật nào lại “độ” cho người “mua một bán mười” nếu phải làm ăn gian dối.


Ông Bùi Huy Lữ Hải tâm đắc nhất một điều là đến với đạo Phật con người phải biết hướng thiện, phải làm điều thiện, tránh xa cái ác. 20 năm nay ông chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật, làm tranh Phật và tu tại gia.


Nhiều người không hiểu cho là đi tu thì phải vào chùa. Thực ra đi tu là để giữ cái Tâm cho lành, sống lương thiện không làm hại ai. Ông Hải nói: “Trước đây làm thầy, tôi hay đau ốm, lúc thì bị bệnh lao phổi, lúc lại thấp khớp, viêm xoang. Nay làm thợ, do hàng ngày vẫn lao động chân tay, lại tự rèn luyện mình theo giáo lý nhà Phật, sống thanh đạm (không nghiện rượu, cà phê, thuốc lá) nên tâm hồn luôn thanh thản và bệnh tật trong người cũng tiêu tan.


20 năm nay, tôi chưa hề biết đến bệnh viện là gì, ăn ngủ điều độ nên sức khỏe vẫn tốt có thể đạp xe đạp vượt dốc đường Thanh Niên, đi bộ 2 – 3 tiếng liền không thấy mệt”.


Một cụ già gần 90 tuổi mà nói năng vẫn minh mẫn, tinh tường; vẫn còn sức khoẻ và đầu óc sáng tạo để mài đá làm tranh Phật thì thật là kỳ diệu và đáng khâm phục.