Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Cứ hát mãi “người ơi người ở đừng về”

Cứ hát mãi “người ơi người ở đừng về”

132

Với nhiều thể thức thi hát khác nhau, lại được tổ chức vào chính hội chùa Bổ Đà trong không gian đậm đặc bản sắc đồng bằng Bắc Bộ…

Liên hoan hát Quan họ tỉnh Bắc Giang lần thứ I thực sự đưa Di sản thế giới này trở về với không gian quen thuộc của Quan họ, đúng như lời của một bài hát “người ơi người ở đừng về”.

Cộng đồng hát dân ca Quan họ xưa nay thường tập trung hai bên bờ sông Cầu. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà ngay trong lần đầu tiên tổ chức Liên hoan hát Quan họ cấp tỉnh, Bắc Giang đã quyết định chọn khu vực chùa Bổ Đà làm địa điểm tổ chức.

Nằm bên bờ Bắc sông Cầu, chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang.

Chùa có từ thời nhà Lý tọa lạc dưới đồi thông u tịch, xung quanh núi sông bao bọc rất thơ mộng. Từ Hà Nội, qua cầu Đáp Cầu rẽ men đê sông Cầu chừng khoảng dăm cây số là đến chùa Bổ Đà.

Liên hoan hát Quan họ tỉnh Bắc Giang tổ chức vào ngày 2.4 đúng vào dịp chính hội nên ngay từ sáng sớm người dân thập phương đã đổ về khu vực chùa Bổ Đà rất đông.

Liền anh liền chị tay cặp ô, đầu đội nón quai thao chen lẫn giữa đoàn người kéo về hội chùa. Khoảng không trước chùa Bổ Đà trở thành một sân khấu hát Quan họ khổng lồ. N

ơi này hát đối đáp, nơi kia hát tốp… và có cả những “chiếu” hát Quan họ giao lưu cho du khách thập phương hát với nghệ nhân, nghệ sĩ Quan họ…

Hát đối đáp

Ông Vũ Hồng Bàng, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Bắc Giang, Phó trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho biết, huyện Việt Yên là một trong những cái nôi hát Quan họ tỉnh Bắc Giang.

Ngay từ khi chia tỉnh, huyện đã tổ chức các cuộc thi hát Quan họ. Năm 2010 là năm thứ 10 huyện Việt Yên tổ chức thi hát Quan họ cấp huyện và cũng là lần đầu tiên tỉnh Bắc Giang tổ chức Liên hoan hát Quan họ cấp tỉnh.

Liên hoan hát Quan họ tỉnh Bắc Giang lần thứ I được tổ chức nơi đây không chỉ là một hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới này nhân dịp cả nước hướng về kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mà còn tạo ra một ngày hội cho người dân nơi đây cũng như cộng đồng Quan họ tỉnh Bắc Giang.

Tham gia Liên hoan hát Quan họ tỉnh Bắc Giang lần thứ I có hơn 150 nghệ nhân đến từ 9/10 huyện, thành của tỉnh Bắc Giang. Mỗi huyện một đội hát Quan họ với chương trình gói gọn trong 30 phút bao gồm hát tốp, hát đơn,  hát đôi đối đáp giữa nam và nữ…

Ngay trong lần đầu tiên tổ chức quy mô cấp tỉnh, Liên hoan hát Quan họ tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất bao gồm cả hát không nhạc đệm và hát có nhạc đệm, toàn bộ chương trình tham gia đều phải là thể cách, bài bản của dân ca Quan họ cổ, không cho phép hát những bài hát mới hoặc ca khúc viết về Quan họ…

Riêng cuộc thi hát Quan họ huyện Việt Yên, dù cũng được tổ chức tại khu vực chùa Bổ Đà nhưng được tiến hành trước đó ba ngày, từ 30.3 đến 2.4. Dù chỉ tham gia Liên hoan hát Quan họ tỉnh Bắc Giang với một đội hát Quan họ nhưng tại cuộc thi hát Quan họ huyện Việt Yên đã có tới 49 đội hát Quan họ đến từ nhiều làng xã khác nhau tham gia tranh tài.

Hình thức thi của huyện Việt Yên sau 10 năm tổ chức cũng phong phú hơn với các cuộc thi nhỏ hơn như hát đôi đối đáp, hát đơn, hát tốp… riêng lẻ.

Điều thú vị là tại cuộc thi hát đôi đối đáp của huyện Việt Yên mang thể thức rất độc đáo. Mỗi đôi liền anh hoặc liền chị bốc thăm một chủ đề hoặc câu hát mở đầu canh hát đối đáp. Cứ thế hai đôi hát đối đáp cho đến lúc một đôi cạn “vốn”, không thể hát đối lại và xin thua thì cuộc thi mới phân định đôi chiến bại.

Nhiều trận thi vì thế nhanh chóng kết thúc nhưng cũng có trận thi kéo dài hàng chục phút, giằng co hết câu hát đối này đến câu hát đối khác. Lối thi độc đáo có một không hai này được người dân nơi đây gọi vui là “thi hát Quan họ knock out”!

Tổ chức vào đúng dịp hội chùa Bổ Đà, Liên hoan hát Quan họ tỉnh Bắc Giang lần thứ I đã thực sự trở thành một “lễ hội” hát Quan họ không chỉ của các liền anh, liền chị mà cho cả người dân nơi đây cũng như hàng vạn khách thập phương.

Bên cạnh sân khấu chính, những cuộc thi hát Quan họ tổ chức trên các ngọn đồi, dưới tán rừng thông thơ mộng và cả những canh hát của người dân tổ chức bên ngôi chùa cổ kính…

Quan họ ít nhiều đã trở về với không gian mộc mạc, dung dị với cuộc sống vốn là của chính quan họ.

Tại Liên hoan, Ban tổ chức đã trao 2 giải A, 3 giải B toàn đoàn và 10 giải A, 16 giải B, 19 giải C cho các tiết mục xuất sắc. Dự kiến, từ 2010 cứ hai năm một lần tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức thi hát Quan họ cấp tỉnh.