Trang chủ Đời sống Tâm linh Cúng sao giải hạn bản chất chỉ là… cầu an

Cúng sao giải hạn bản chất chỉ là… cầu an

92

Bee.net.vn có cuộc trò chuyện với Thượng tọa Thích Tâm Thuần – Ủy viên ban hoằng pháp Thành Hội Phật giáo Hà Nội, trụ trì Thiền viện Sùng Phúc (quận Long Biên) xung quanh vấn đề dâng sao giải hạn. 

Đầu năm có rất nhiều người dân đổ xô lên chùa giải sao xấu, vậy sao xấu trong đạo Phật được quan niệm như thế nào thưa Thượng tọa?

Cúng sao, giải hạn đầu năm là 1 tập tục tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam. Theo lời Phật dạy thì không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho phật tử cả. 

Tất cả đều do luật nhân quả. Chúng ta gieo nhân nào thì gặp quả đấy, chứ không có sao xấu, sao tốt cũng như nghi lễ cúng sao giải hạn. 

Vậy thưa thầy tại sao vẫn có nhiều chùa thực hiện nghi lễ cúng sao cho người dân? 

Luật nhân quả của đạo Phật đặc biệt chú trọng sự chuyển hóa từ cái xấu trong quá khứ để tốt lên bằng sự nỗ lực bản thân. Vì thế nhiều chùa vẫn thực hiện việc cúng sao chỉ để cầu an và với mục đích chính là hướng niềm tin vào Phật tử, nhắc nhở và trợ giúp tinh thần cho họ trong cuộc sống hiện tại. 

Khi có niềm tin thì nhất định sẽ giúp mỗi người tránh làm việc xấu, tránh được nghiệp xấu. Hơn nữa, nhà chùa cũng muốn người dân hiểu được Phật giáo hướng con người trở về nội tâm của mình, ăn năn sám hối giúp con người hướng tới điều thiện. 

Nhiều người nghĩ lên chùa cúng sao sẽ giải được giải hạn nhưng như Thượng tọa vừa khẳng định đây chỉ là lễ cầu an, vậy xin Thượng tọa lý giải rõ hơn? 

Đa số Phật tử biết sâu về luật nhân quả của đạo Phật thì sẽ hiểu được việc cúng sao không thể vượt qua được chướng nghiệp của mình. Tinh thần nhà Phật chỉ hướng Phật tử cầu bình an, cầu nguyện và hồi hướng. 

Quang cảnh một buổi Lễ cầu an trong chùa (ảnh: Hoài Lương)

Các Chư Tôn thiền đức luôn nhắc nhở và trong sách Tấn tinh thần cúng sao cũng có nói về những oan khiên nghiệp báo “khởi lòng từ bi ở đâu thì nơi đó giải trừ được oan khiên nghiệp báo”. 

Trong kinh Lương hoàng sám có nhắc “từ bi, đạo tràng, sám pháp”. Vì vậy, các Phật tử lễ Phật cần hướng tâm đến với đức từ bi, hỷ xả để soi lòng mình trong sáng, hướng thiện. 

Lại có chuyện việc cầu an (cúng sao giải hạn) diễn ra ở khắp nơi nhưng “chùa thị chen lấn, chùa làng vắng hoe”, Thượng tọa nghĩ sao? 

Theo tinh thần đạo Phật thì lễ cầu an là mọi người đến lễ Phật, hồi hướng để được thành tựu bình an. Còn hiện tượng cầu an ở các chùa khác nhau về mặt số lượng người tham dự là do nhân duyên với nhà chùa, do các Phật tử thường xuyên đến và gần gũi với chùa. 

Hơn nữa còn do vị trí địa lý, chùa nào đông dân cư thì đông người đến tham dự, còn chùa nào hẻo lánh thì ít người đến. Chứ không phải chùa thị thiêng, chùa làng không thiêng. 

Chuyện này là chuyện bình thường nhưng tất cả đều thành kính hướng về Tam Bảo, một lòng cầu nguyện và hồi hướng những điều tốt lành. 

Thiền viện Sùng Phúc có làm lễ cúng sao giải hạn không thưa thầy?

Thiền viện Sùng Phúc không thực hiện nghi lễ này.

Vậy xin Thượng tọa chia sẻ những công việc đầu năm của Thiền viện Sùng Phúc?

Đầu năm, ngày rằm hoặc mùng 1 Tết, Thiền viện Sùng Phúc có lễ chúc phúc đầu năm, có ít lời chia sẻ với các Phật tử hiểu được nụ cười trọn vẹn của Đức Phật Di Lặc. Nụ cười có được khi chúng ta phát nguyện hạnh lành.

Lễ cúng rằm tháng Giêng (Tết Thượng Nguyên) nhằm tinh thần lễ Phật, sám hối và phát nguyện vì không có quả nào là không do từ nhân mình gieo, tinh thần nhân quả được khẳng định trong tinh thần của đạo Phật chứ ko phải do cúng, cầu mà đạt được.

Chúng ta nên mở rộng tấm lòng hồi hướng, công đức cho mọi người thì sẽ đạt được hạnh lành. Để có nhiều an lạc và hạnh phúc, có nhiều bình an.

Xin cảm ơn Thượng tọa đã chia sẻ!