Trang chủ Quốc tế Cuộc tìm kiếm bức tượng Phật khổng lồ

Cuộc tìm kiếm bức tượng Phật khổng lồ

87

Đó là một tượng Phật nằm dài tới 300 mét! Suốt 7 năm qua họ cất công khai quật, nhưng vẫn chưa tìm thấy gì. Tuy nhiên, họ vừa bất ngờ phát hiện ra một pho tượng dài 19 mét.


“Tìm thấy rồi!”, nhà khảo cổ Afghanistan Anwar Chan Fajes reo lên mừng rỡ khi ông vừa leo lên khỏi hố khai quật nằm dưới chân vách núi sa thạch ở thung lũng Bamiyan, gần chỗ 2 pho tượng đứng khổng lồ. Hai pho tượng này, cao 55 mét và 38 mét, được những người hành hương Trung Quốc tạc vào núi hồi thế kỷ thứ 6 sau CN, đã đứng sừng sững suốt 1.500 năm trước khi sụp đổ hồi năm 2001 do bị bọn Taliban nổ mìn, ném lựu đạn và nã pháo ròng rã suốt một tháng.


Phát hiện ngẫu nhiên


Hai bức tượng trên mất đi, giờ đây Fajes và các cộng sự của ông tìm thấy một bức tượng khác, chưa ai biết tới: Một tượng Phật nằm, dài 19 mét. “Đó là khoảnh khắc đầy hạnh phúc khi chúng tôi phát hiện ra những dấu vết đầu tiên. Bao nhiêu năm tìm kiếm của chúng tôi cuối cùng cũng đã được đền đáp”, Fajes nói.


 


Một góc thung lũng Bamiyan – còn chứa nhiều bí ẩn


Đây là một phát hiện ngẫu nhiên. Thật ra cuộc khai quật của đoàn khảo cổ Pháp – Afghanistan nhằm một mục tiêu khác: Họ đang đi tìm một tượng Phật nằm dài tới 300 mét! Cuộc tìm kiếm kiếm bức tượng này đã được bắt đầu cách đây hơn 30 năm, nhưng bị gián đoạn trong thời gian Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan. Ngay sau khi lực lượng Hồi giáo cực đoan này bị lật đổ vào cuối năm 2001, các nhà khảo cổ đã quay trở lại thung lũng Bamiyan để tiếp tục cuộc tìm kiếm của mình, nhưng cho tới nay vẫn chưa thu được kết quả.


Bù lại, họ đã phát hiện ra tượng Phật nằm dài 19 mét nói trên. “Đó là phát hiện quan trọng nhất kể từ khi chúng tôi làm việc ở đây”, Abdul Hamed Dschalia, người phụ trách các di tích ở tỉnh Bamiyan hồ hởi nói. Hồi tháng 9 năm ngoái, “cái đầu tiên mà những người thợ đào tìm thấy là một phần của chân, tuy nhiên ban đầu họ không biết đấy là gì”, Dschalia kể. “Nhưng khi họ đào được một số phần nữa, thì ông Fajes vui mừng hét toáng lên và chạy ngay về văn phòng của chúng tôi”. Tiếp đó họ thấy ngón tay cái, rồi ngón trỏ, bàn tay, rồi một phần cánh tay, thân thể, bệ nằm… của tượng Phật.


Nhà khảo cổ Fajes cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa khai quật được toàn bộ pho tượng. Tuy nhiên qua những gì đã được đào lên, chúng tôi xác định nó dài 19 mét”. Với độ dài đó, thật ra đây cũng là một tượng thuộc loại lớn, nếu dựng lên thì cũng cao tương đương với một tòa nhà 6 tầng. Theo ông Fajes, tượng Phật này đã bị những người Hồi giáo chiếm đóng làm hư hại vào thế kỷ thứ 9.

 

Lại để Phật ngủ tiếp trong mùa đông


Hiện tại các nhà khảo cổ đã cho lấp kín lại pho tượng đang được đào dở, để bảo vệ nó qua mùa đông hết sức khắc nghiệt ở Afghanistan và để tránh gây sự chú ý đối với những tên trộm cổ vật. Vào mùa hè tới, họ sẽ trở lại để tiếp tục khai quật.


Phát hiện này mang lại niềm vui lớn cho người dân tỉnh Bamiyan. Mặc dầu là người Hồi giáo, song “dân chúng Bamiyan mong muốn ít nhất một trong hai pho tượng Phật bị phá hủy được xây dựng lại”, bà Habiba Sorabi, tỉnh trưởng tỉnh Bamiyan nói. Họ hy vọng qua đó sẽ thu hút được khách du lịch tới vùng hẻo lánh nghèo kiết xác này. “Thế nhưng chính phủ trung ương không muốn làm điều đó”, nữ tỉnh trưởng duy nhất ở Afghanistan bực dọc nói. “Thật đáng xấu hổ!”.

 


Một tượng Phật đứng ở Bamiyan – trước và sau khi bị Taliban phá hủy

 

Giờ đây người dân tỉnh Bamiyan hy vọng bức tượng mới được tìm thấy cũng có thể tạo ra một sự thu hút nào đó đối với du khách. Nếu công tác khai quật được đẩy nhanh, bức tượng có thể sớm ra mắt công chúng vào cuối năm nay.

Vào mùa hè tới, song song với việc khai quật nốt pho tượng vừa được tìm thấy, đoàn khảo cổ lại tiếp tục đào bới để tìm kiếm tượng Phật nằm dài 300 mét.


Một cuộc tìm kiếm viển vông?


Thung lũng Bamiyan từng là một trung tâm Phật giáo cực thịnh, có thời có tới 5.000 nhà sư sinh sống. Vào khoảng năm 630, Huyền Trang, một nhà sư Trung Quốc hành hương đến thung lũng này và đã có những ghi chép khá chi tiết về nơi đây, trong đó ông có mô tả một tượng Phật nằm dài tới 300 mét. Dựa vào những ghi chép đó, cách đây hơn 3 thập kỷ ông Zemaryalai Tarzi – nguyên Giám đốc Viện khảo cổ Kabul, nhưng sau năm 1979 lưu vong sang Pháp và trở thành giáo sư khảo cổ học thuộc Đại học Strasbourg – đã bắt đầu cuộc tìm kiếm bức tượng huyền thoại. Ông hiện là Giám đốc Đoàn khảo cổ Pháp ở Bamiyan.


Ông Tarzi tin rằng những ghi chép của sư Huyền Trang là một tài liệu có cơ sở. Lập luận của ông: Trong ghi chép của mình, sư Huyền Trang đã ghi lại rất chính xác cả kích thước lẫn vị trí của hai tượng Phật đứng, vì thế không có lý do gì ghi chép của nhà sư về bức tượng Phật nằm dài 300 mét lại không đúng.

 


Tượng Phật nằm dài 300 m, so sánh với tháp Eiffel


Một số người vẫn cho rằng cuộc tìm kiếm của ông là viển vông, vì nếu tượng Phật khổng lồ đến như vậy, có chiều dài tương đương với chiều cao của tháp Eiffel, thì làm sao nó lại biến mất vào lòng đất được? Tarzi có ngay câu trả lời hợp lý: Bức tượng có thể đã được các nhà sư cố tình chôn lấp cách đây nhiều thế kỷ để tránh sự tàn phá của quân Hồi giáo, hoặc là nó bị chôn vùi bởi một trận động đất lớn.


Việc thời gian qua các nhà khảo cổ đã khai quật được một loạt đồ tạo tác và giờ đây phát hiện ra bức tượng dài 19 mét chứng tỏ rằng rõ ràng thung lũng Bamiyan vẫn còn lưu giữ dưới lòng đất những di sản quan trọng. Trong đó rất có thể có bức tượng dài 300 mét.

 

Không ảo tưởng


Sắp tới, các nhà khảo cổ sẽ tiếp tục khai quật với mục tiêu ban đầu là tìm ra khu tu viện cổ mà sư Huyền Trang từng mô tả năm 630. Theo ghi chép của vị sư này, tượng Phật nằm khổng lồ nói trên tọa lạc ở phía sau bức tường khu tu viện. Nếu nó được tìm thấy, đó có thể là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất ở đầu thế kỷ 21 và Bamiyan sẽ nhanh chóng trở thành một di tích hàng đầu thế giới.

 

Thung lũng bí ẩn này tiếp tục là một nơi đầy cuốn hút đối với giới khảo cổ. Hồi tháng 4 năm ngoái, họ đã bất ngờ phát hiện ra một loạt tranh hang động tại đây được vẽ bởi… sơn dầu. Theo kết quả phân tích đồng vị phóng xạ, mẫu sơn này đã tồn tại từ thế kỷ 7, tức là lâu hơn rất nhiều so với ở châu Âu mà cho tới nay vẫn được coi là nơi phát minh ra sơn dầu (thế kỷ 13).


Tuy nhiên ngay cả Tarzi cũng không ảo tưởng về khả năng có thể tìm thấy bức tượng khổng lồ. Thật ra mục đích của ông chẳng qua là với cuộc tìm kiếm bức tượng huyền thoại, ông muốn thế giới tiếp tục quan tâm đến thung lũng Bamiyan, một di chỉ khảo cổ mà nhiều người cho rằng đã bị tàn phá sạch.


National Geographic Society, tổ chức tài trợ cho cuộc tìm kiếm (cùng với chính phủ Pháp), cũng hiểu điều đó. Nhà khảo cổ Fredrik Hiebert thuộc tổ chức này nói: “Thung lũng Bamiyan là một trong những điểm quan trọng nhất trên Con đường tơ lụa và nó còn đầy những cổ vật chưa được khai quật. Cuộc tìm kiếm bức tượng huyền thoại của Tarzi quả là quan trọng, tuy nhiên cũng còn nhiều thứ khác có giá trị đang chờ được phát hiện ở Bamiyan”. Bức tượng 19 mét vừa được khai quật là một thí dụ.