Trang chủ PGVN Nhân vật Đại lão HT. Thích Trí Hải và Nhân gian Phật giáo

Đại lão HT. Thích Trí Hải và Nhân gian Phật giáo

254

Hỏi: Thế nào là Nhân gian Phật giáo?


 


Đáp: Đem tôn chỉ, giáo lý của Đức Phật truyền bá khắp nhân gian, làm lợi ích hết thảy chúng sinh trong đời đời”.


 


Đây cũng là tôn chỉ mà Hòa thượng đã theo đuổi và thực hiện trong suốt 55 năm kể từ khi ngài thành lập Đoàn Thanh niên Tăng lấy tên là Lục Hòa Tịnh Lữ vào năm 1924. Ngài khẳng định “Các bài tôi đã viết trong gần 20 năm (1935-1954) đăng trên các báo: Đuốc Tuệ, Tinh Tiến, Tin Tức Phật Giáo, Diệu Âm, Phương Tiện, tất cả ngót hai trăm bài, không mấy bài không hướng về Nhân gian Phật giáo”. Đọc kỹ 30 tác phẩm biên soạn, sáng tác của ngài, ta cũng đều thấy các nội dung đều nhằm triển khai tôn chỉ nói trên.


 


Ngày nay, ta có thể hiểu nhân gian Phật giáo là xã hội hóa Phật giáo, Phật giáo đi vào xã hội quần chúng nhân dân, là Phật học căn bản, là cơ sở văn hóa, giáo dục, xã hội, là thông tin tuyên truyền, là niềm tin, là sự cứu độ đối với mọi người. Ý nghĩa này được tác giả nêu rõ trong tác phẩm kể trên qua 12 mục: Nhân phẩm của người thực hiện Phật sự, Tổ chức nhân sự, Văn hóa, Xã hội, Kinh tế, Tự viện, Y phục, Thương mại, Du lịch, Vận chuyển, Tiền vốn, Xuất gia…


 


Mỗi mục đều trình bày cụ thể, rõ ràng và mới mẻ, chẳng những từ thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, mà mới mẻ với cả ngày nay. Chúng ta thấy ở đây cả một tổ chức Giáo hội chặt chẽ, tham gia hoạt động dưới màu sắc Phật giáo vào tất cả các ngành hoạt động của quốc dân, trong đó nổi bật nhất là về thương mại, ngân hàng, vốn cổ phần, các dịch vụ… quốc nội và quốc tế. Thậm chí ở đây có sự mô tả chi tiết về các kế hoạch mà ngày nay Giáo hội chúng ta đang tìm cách thực hiện như hệ thống giáo dục từ sơ cấp đến đại học; hệ thống đại tùng lâm gồm tu viện, thư viện, khách phòng, giảng đường, hoa viên… theo kiểu các chùa Trung Hoa, Nhật Bản,… việc dịch kinh sách báo tài liệu nước ngoài ra tiếng Việt và dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài; thành lập các công ty lớn theo các ngành khoa học, kỹ thuật, thương mại, kiến trúc, điêu khắc, hội họa Phật giáo; kế hoạch bài trừ mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội, kế hoạch thực hiện từ thiện xã hội với hệ thống bệnh viện, nhà nuôi dạy cô nhi, viện dưỡng lão.


 


Trong chương trình thực hiện “Nhân gian hóa” Phật giáo, công việc hàng đầu là phổ biến giáo lý Phật giáo. Cũng lấy cách diễn giải thật giản dị, dễ hiểu, Ngài biên soạn, dịch thuật và giải thích các bộ kinh Thập Thiện, Chính Kiến, Duy Ma Cật, Viên Giác, Lục Độ, kế đến là biên soạn và dịch thuật Luận Quán tâm, Phẩm Quán tâm, Khóa hư lục, Trúc Lâm tôn chỉ nguyên thanh, Nghi thức thụ Tam quy, Sa di luật, Nghi thức Tụng niệm, Các văn sớ, Nghĩa khoa cúng chúc thực, kế nữa là các sách nêu cao tinh thần Phật giáo giáo dục đạo đức, khuyến khích nếp sống hiền thiện như Phật học phổ thông, Khôn sống, Gia đình giáo dục, Truyện  Phật Thích Ca, Phật học ngụ ngôn, Lời vàng, Phật học vấn đáp, Đồng nữ La hán, Cái hại của vàng mã, Phật hóa tiểu thuyết, Thanh gươm trí tuệ, Phật giáo triết học, Phật giáo Việt Nam


 


Trong ý nghĩa xã hội hóa, ngoài việc giáo dục Tăng Ni, Hòa thượng rất chú trọng đến giáo dục gia đình. Ngài đã soạn thành thơ, chủ yếu là lục bát và thường là song thất lục bát, các tác phẩm như Khóa Lễ Phật đản, Kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật học ngụ ngôn, Gia đình giáo dục, Truyện Phật Thích Ca. Lời thơ giàu nhạc điệu, trong sáng, bình dị khiến người ta xúc động, dễ nhớ, dễ thấm nhuần. Những tác phẩm này nhằm đối tượng cư sĩ tại gia để khuyến tu, khuyến thiện, khuyến hòa… Ngài dạy:


 


Vâng lời Phật dạy trong kinh


Đọc, tụng, viết, chép diễn hành


 nghĩ ra


Để ai nấy nghe mà hiểu biết


Công đức này mới thiệt là to


Nghe rồi theo đúng mà tu


Trải ra độ khắp cả cho muôn loài”.


 


Chủ trương “Nhân gian hóa”, ở đây là “Việt hóa” các kinh tụng được ngài khẳng định:


 


Mong sao thành một quy mô


Người theo đọc tụng hiểu cho dễ dàng


Công đức ấy khôn bàn kể xiết


Người Nam nghe tiếng Việt gì hơn”


 


Phật học ngụ ngôn của ngài là một tác phẩm thơ song thất lục bát, dịch rất sát ý kinh Bách Dụ, gồm 100 truyện ngụ ngôn Phật giáo, là những bài học đạo đức dạy cách sống, cách làm người, phê phán các tính nết xấu.


 


Để có khái niệm cơ bản về nội dung tập thơ song thất lục bát “Giáo dục gia đình” của Hòa thượng, ta hãy điểm qua các đề mục:


 


Chương 1: Khuyên răn; gồm các bài: Cảnh gia đình, Cha khuyên con, Chị ru em, Khuyến hiếu.


 


Chương 2: Bỏ những tật xấu; gồm các bài: Chớ uống rượu, Chớ hút thuốc phiện, Chớ ham sắc dục, Chớ mê cờ bạc.


 


Chương 3: Làm các điều hay; gồm các bài: Giữ lễ, Nhân nghĩa, Thanh liêm, Xấu hổ.


 


Chương 4: Cách sinh sống; gồm các bài: Ăn, Mặc, Ở, Đi…


 


Chương 5:Luân lý Phật Thích Ca dạy; gồm các bài: Đức Thích Ca, Kinh Thiện Sinh, Cha con, Thầy trò, Vợ chồng, Anh em, Chủ với người làm, Tín đồ với thầy tu, Truyện Phật độ ông già.


 


Chương 6: Sửa đổi tính xấu; gồm các bài: Đổi lười, Đuổi dốt của mình, Bạn gái than phiền, Tự hỏi mình, Tự nghĩ.


 


Chương 7: Cư thân, xử thế; gồm các bài: Sáng dậy, Học tập, Học hành, Đọc sách, Giữ thì giờ, Giữ mình, Ngu si, Sửa lòng, Chớ tham, Cầu lợi, Chớ nghĩ sai, Chi dụng, Lúc ăn, nói cố gắng chăm chỉ, chớ mơ tưởng, Xử thế, Công dân, Giữ lòng tin, Nghe người nói, Chớ tin bề ngoài, Chớ kiện cáo, Bước chân ra, Gặp bạn, Chọn bạn, Ra đời, Chớ lập dị, Nhớ ơn, Chớ gần người bậy,  Chớ mê tín, Chớ dùng vàng mã, Vợ khuyên chồng, Thuận hòa, Danh thơm, Tối đến…


 


Chương 8:Ngụ ngôn; gồm các bài: Hại về mặt mê tín, Ma tranh của, Lão mưu đa kế, Tham nhỏ bỏ lớn, Lửa với cỏ khô, Chó giả mạo làm sư tử, Giun cá gặp nhau, Nhân nào quả ấy, Chuối ngự với chuối hột, Đê với nước.


 


Sở dĩ tôi kê các chương, các bài thơ một cách tỉ mỉ như trên nhằm nêu rõ nội dung luận lý đạo đức của tác phẩm. Đây là những bài học ngắn, cơ bản nhằm giúp người đọc cư nhân xử thế, giữ đúng đạo đức truyền thống của Phật giáo và của dân tộc. Do tính “Nhân gian”, ta không thấy ở đây những phân tích, giải thích giáo lý Phật giáo một cách chi li mà chỉ cảm nhận ở đây những lời thơ nhẹ nhàng, gần gũi, rất đời thường, thích hợp với mọi người.


 


Truyện Phật Thích Ca là một tác phẩm bằng thơ lục bát, vẫn là những lời thơ bình dị, trong sáng, tường thuật cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ lúc Đản sinh cho đến lúc nhập Niết bàn và chư Thánh đệ tử kiết tập Tam tạng. 972 câu thơ lục bát của tác phẩm là một bản tóm tắt cuộc đời của Đấng Giáo chủ Phật giáo có tác động lớn, gây niềm tin Phật cho những người bình dân không kể tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa, nghề nghiệp.


 


Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải đã bỏ ra bao nhiêu công sức cho việc cổ xúy đạo Phật của mọi người. Ngài sáng tác, dịch thuật, nghiên cứu, biên soạn kinh sách; ngài vận động, thực hiện việc chấn hưng Phật giáo, thành lập Giáo hội cũng chỉ vì muốn thể hiện “Nhân gian Phật giáo”, đưa Phật giáo vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, cụ thể hóa, thực hiện hóa Phật giáo qua văn học, qua các hoạt động xã hội, qua việc tổ chức trên mọi lĩnh vực. Để thực hiện lý tưởng vì Đạo vì Đời, trước hết ngài nghĩ đến sự đồng tâm hiệp lực của Tăng Ni, Phật tử khởi từ miền Bắc rồi tiến đến khắp cả nước, đó là yêu cầu thành lập một Giáo hội Phật giáo thống nhất trên toàn cõi Việt Nam.


 


Tập Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam của ngài là một tài liệu quý giá về lịch sử thành lập Giáo hội Phật giáo, về những suy tư chân thành đầy sáng tạo, mới mẻ của ngài. Tính “Nhân gian Phật giáo” được xem là linh hồn, là tiêu chí của Giáo hội. Những khó khăn gian khổ, những thành tựu trong việc thành lập Giáo hội, vạch ra chương trình hoạt động cho Giáo hội được đọc thấy xuyên qua tác phẩm. Chúng ta còn thấy ở ngài một niềm tin Phật sâu đậm, một tài năng sáng tạo, một nỗ lực bền bỉ và một đức tính kiên trì, nhẫn nại lớn lao. Ở ngài, bao quát tất cả là một nhân cách lớn, một tâm đức, một trí đức tư duy sáng tạo, chứa đựng trong kỹ năng tổ chức, thực hiện và thuyết phục mọi người.


 


Năm nay là năm thứ 100 kỷ niệm ngày sinh của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hải, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, qua Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội kết hợp Viện Nghiên cứu Tôn giáo… tổ chức cuộc hội thảo này với đề tài “Sa môn Trí Hải và Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam”.


 


Đây là một hội thảo mang tính khoa học, nghiên cứu, nhận định về một tấm gương sáng chói, một vị Đại lão Hòa thượng trí tuệ, đức hạnh cao vời, đã đóng góp to lớn cho Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX. Hiển nhiên chúng ta cũng thảo luận về giai đoạn lịch sử của đất nước, của Phật giáo Việt Nam. Trí tuệ, đạo hạnh, công lao của cố Đại lão HT. Trí Hải vẫn còn đó, rực rỡ sáng ngời. Thế nhưng hình như chúng ta chưa một lần chính thức tôn vinh ngài cho đúng mức, thậm chí các bộ lịch sử Phật giáo Việt Nam chỉ dành một khoảng rất khiêm tốn để nói về ngài. Các hành trạng của ngài, cuộc sống thường nhật của ngài, 30 tác phẩm và hàng trăm bài báo của ngài và nhất là những thành tựu to lớn của ngài đối với Phật giáo, đất nước và quần chúng nhân dân chưa được nhận định đầy đủ. Mong sao sự thiếu sót này sẽ được lấp đầy. Mong sao những ý tưởng tích cực, sáng tạo và sự nghiệp cao cả của ngài được nghiên cứu, bổ sung và phát huy để góp phần xây dựng, phát triển đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày thêm quang minh, ngời sáng.