Trang chủ Tu học Niệm Phật Đại nguyện của Phật A Di Đà (2)

Đại nguyện của Phật A Di Đà (2)

176

Đại nguyện mười một: An trú thiền định đến chứng Niết bàn
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Xin nguyện cho muôn loại
An tâm chứng Niết bàn.

 
An tâm là tâm an trú vững chãi ở trong thiền định cho đến khi chứng nhập Niết bàn. Đây là nội dung lời nguyện thứ mười một của đức Phật A Di Đà, khi đang còn tu nhân Ngài nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, đều an trú ở trong thiền định cho đến khi chứng nhập Niết bàn”.
 
Niết bàn là trạng thái của tâm an tịnh. Tâm ấy không còn là nơi tập hợp và sinh khởi mọi thứ phiền não. Nên, đại nguyện này còn gọi là Trụ chính định tụ tất chí bồ đề nguyện, Chứng đại Niết bàn nguyện, Vô thượng Niết bàn nguyện,…
 
Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, là ta làm cho lời nguyện ấy của Ngài, có mặt một cách thực tế và sống động, ngay ở trong đời sống hàng ngày của ta. Nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, làm việc, nói cười, thở vào, thở ra, co duổi thân thể…, tất cả mọi động thái ấy, ta đều phải thực tập chính niệm để có định tâm và khiến giác tâm trong ta sáng ra. Ta phải có định tâm ngay ở nơi những động thái ấy, và duy trì sự định tâm đó liên tục và phát triển lớn mạnh cho đến chỗ toàn giác.
 
Toàn giác trong mọi không gian, toàn giác trong mọi thời gian, toàn giác trong mọi tâm niệm, toàn giác đối với các cảm giác, toàn giác đối với mọi hành động và toàn giác khi tiếp xúc với mọi đối tượng. Toàn giác như vậy là Phật. Niết bàn là cảnh giới thường trú của Phật. Phật và cảnh giới của Ngài tương ứng với nhau và có mặt trong nhau. Nên, Phật cũng gọi là Niết bàn và Niết bàn cũng gọi là Phật. Phật và Niết bàn bất nhị.
 
Nên, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, ta đều có cơ hội, biến đại nguyện của Ngài có mặt ngay trong đời sống của ta, tâm ta an trú vững chãi vào định, qua thiền định mà các phiền não được nhiếp phục và chuyển hóa, Niết bàn hay tịnh độ đích thực của chư Phật từ đó mà hiện ra cho ta.
 
Đại nguyện mười hai: Có được ánh sáng vô lượng

Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Xin nguyện cho muôn loại
Có nguồn sáng tỏa xa.

 
Ánh sáng rất cần thiết trong đời sống của con người và muôn vật. Không những vậy, ánh sáng còn là một trong những điều kiện giúp cho con người và muôn vật thành tựu về cái thấy một cách hoàn hảo. Ta có đôi mắt, nhưng không có ánh sáng, thì ta vẫn không thấy được gì.
 
Ánh sáng vật lý còn có những tác dụng nhất định trong đời sống con người, huống chi là những ánh sáng xuất phát và thành tựu từ đại nguyện.
 
Ánh sáng của Phật A Di Đà là ánh sáng sinh khởi và thành tựu từ đại nguyện bồ đề, nên ánh sáng ấy vượt tầm ánh sáng của mặt trăng, mặt trời và ngọn đèn.
 
Ánh sáng mặt trời có tác dụng soi chiếu ban ngày, ánh sáng mặt trăng có tác dụng soi chiếu ban đêm và ánh sáng của ngọn đèn có tác dụng soi chiếu trong nhà, nhưng những loại ánh sáng ấy không thể soi chiếu xuyên suốt tâm thức của con người và vạn loại chúng sinh, còn ánh sáng của đại nguyện bồ đề, do Phật A Di Đà trải qua vô số kiếp tu tập mà thành tựu, chúng không những xuyên suốt mọi vật thể mà còn xuyên suốt mọi tâm thể, không những xuyên suốt mọi hiện tượng mà còn xuyên suốt tính thể của mọi sự hiện hữu, không những xuyên suốt mọi kết quả mà còn xuyên suốt mọi nguyên nhân và mọi tác duyên của mọi hiện hữu nữa.
 
Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, ánh sáng của tôi chiếu khắp cả mười phương không có hạn lượng”.
 
Ánh sáng không có hạn lượng, đại nguyện này còn gọi là Quang minh vô lượng nguyện, Quang minh biến chiếu vô số Phật quốc nguyện, Tự thân quang vô hạn nguyện, Phật quang vô biên nguyện,…
 
Thực tập theo đại nguyện này, ta nguyện cẩn thận không làm khuất lấp ánh sáng của những người khác và luôn luôn biết sử dụng những ánh sáng vật lý, tâm lý, hiểu biết và giác ngộ để hiến tặng cho mọi người và muôn vật dưới những hình thức khác nhau.
 
Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là để ta có cơ hội tiếp xúc, học hỏi và thành tựu loại ánh sáng này của Ngài, khiến ta có khả năng soi chiếu để thấy được “bản lai diện mục” của tự thân cũng như hết thảy muôn vật, tránh được mọi vấp ngã trong khi nghĩ, nói và làm.
 
Đại nguyện mười ba: Sống lâu vô lượng
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện con và muôn loại
Thân mạng sống dài lâu.

 
Sống lâu là ước muốn muôn thuở của mọi người và muôn loài. Nhưng làm thế nào để ta có thể sống được dài lâu? Sống bạo động và hận thù, sống lo lắng và bận rộn, sống với tâm ý đa dục, nghi ngờ và sợ hãi, thì làm cho thọ mạng bị thương tổn, bệnh hoạn phát sinh, đời sống ngắn lại.
 
Ta sống với tâm từ bi, với lòng hỷ xả, với hạnh ít tham muốn và biết đủ, khởi phát lòng thương yêu và tôn trọng sự sống, không tàn hại muôn loài là ta tạo ra nhân duyên của sự sống lâu. Sống lâu để làm lợi ích cho chúng sinh, đem lại ánh sáng, niềm tin và sự hy vọng cho hết thảy muôn loài.
 
Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà, đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, thọ mạng của tôi là vô lượng”.
 
Đại nguyện này còn gọi là Thọ mạng vô lượng nguyện, Đắc thọ cửu trú nguyện, Thọ mạng vô cùng nan khả trắc lượng nguyện, Trường thọ nguyện,…
 
Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là ta nuôi dưỡng và phát triển nhân duyên sống lâu theo đại nguyện này. Và qua nhân duyên của đại nguyện này, mà ta quán chiếu để thấy rõ tự tính A Di Đà hay Phật tính nơi mỗi chúng ta, chưa bao giờ từng sinh và cũng chưa bao giờ từng diệt. Chính tính ấy là thọ mạng của ta và cũng chính từ  nơi tính ấy, mà khi nhân duyên hội đủ, thì vô số hình hài của ta biểu hiện, và khi nhân duyên phân tán, thì hình hài ta lại ẩn tàng nơi tính ấy.
 
Do đó, ta lạy Phật A Di Đà là ta có cơ hội tiếp xúc và trở về với thọ mạng không hề sinh diệt nơi ta. Thọ mạng ấy chính là tự tính A Di Đà nơi mỗi chúng ta vậy.
 
Đại nguyện mười bốn: Chúng Thanh văn vô số
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện sống đời tịnh hạnh
Như vô số Thanh văn.

Tịnh hạnh là hạnh ly dục của hàng Thánh giả Thanh văn. Đối với hàng Thánh giả này, họ được đức Phật trực tiếp giáo hóa bằng thanh âm và qua thanh âm của Phật diễn bày về Khổ, Tập, Diệt, Đạo, mà họ giác ngộ được tự thân thực tại, nguyện không nghĩ và không làm bất cứ điều ác nào, khiến cho các phiền não nơi tâm họ được vĩnh diệt, nên họ có đời sống giải thoát an vui và thanh tịnh. Đối với các vị Thánh giả Thanh văn như thế ở cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà là vô số. Số lượng Thanh văn nhiều như vậy là do đại nguyện của Ngài mà cảm nên.
 
Khi còn tu nhân, Ngài đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, trong cõi nước tôi, số lượng hàng Thanh văn không thể nào tính hết”.
 
Nên, đại nguyện này còn gọi là Thanh văn vô số nguyện, Nhiếp đa quyến thuộc nguyện, Quyến thuộc Thánh giả vô số chúng đa nguyện,…
 
Vì vậy, ta kính lễ Phật A Di Đà mỗi ngày, để mỗi ngày ta có thể tiếp xúc được với hạnh Thanh văn nơi Ngài đã từng thực tập và chứng đắc, đồng thời ta cũng có thể tiếp xúc với hạnh Thanh văn của vô số các vị Thánh giả đang tu tập và hành đạo nơi thế giới Tịnh độ của Ngài, để nuôi dưỡng và thắp sáng tịnh hạnh mỗi ngày của ta trong đời sống. Và chúng ta lấy tịnh hạnh, làm bà con thân bằng quyến thuộc trong đời sống của chúng ta.
 
Đại nguyện mười lăm: Chư thiên-nhân loại thọ mạng lâu dài
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện chư thiên, nhân loại
Thọ mạng được dài ra.

 
Thọ mạng của nhân loại vỏn vẹn chỉ có trăm năm, nhưng trong trăm năm ấy, chẳng có mấy ai sống đủ. Thọ mạng của chư thiên, tùy theo phúc báo của từng cõi trời, mà dài lâu hơn cõi người, nhưng quá ngắn ngủi so với thọ mạng của chư thiên, nhân loại ở nơi thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà. Kinh Hoa nghiêm nói: “Một đại kiếp của cõi Ta bà, chỉ bằng một ngày một đêm của cõi Tịnh độ Phật A Di Đà mà thôi”.
 
Sở dĩ, chư thiên và nhân loại của cõi Tịnh độ, Phật A Di Đà sống lâu như vậy, là do đại nguyện của Ngài cảm nên. Khi còn tu nhân, Ngài nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, đều sống lâu vô hạn, ngoại trừ những vị có nguyện lực riêng”.
 
Nên, đại nguyện này, còn gọi là Nhân thiên trường thọ nguyện, Quyến thuộc trường thọ tùy nguyện tự tại nguyện, Đắc trường thọ nguyện,…
 
Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, để ta có cơ hội tiếp xúc với phúc báo về thọ mạng dài lâu của chư thiên, nhân loại ở thế giới Tịnh độ, và ta mong rằng, qua sự tu tập của ta, ta cũng có thể thành tựu được phúc báo ấy, để có điều kiện thực tập công hạnh theo các đại nguyện và đại hạnh của chư vị Bồ tát và Phật. Chư thiên, nhân loại cõi Tịnh độ Phật A Di Đà, sống lâu là để có điều kiện thực hành đại nguyện, đại hạnh vậy.
 
Đại nguyện mười sáu: Không nghe tên xấu
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Những ngôn từ bất thiện
Vĩnh viễn nguyện tránh xa.

 
Những ngôn từ bất thiện đều có gốc rễ từ nơi tâm ý tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ và tà kiến mà biểu hiện, khiến chúng cướp mất sự an lành của tự thân và người khác.
 
Nên, ta thực tập đời sống với tâm vô tham, vô sân, vô si, khiêm tốn, chính tín và chính kiến, thì tự thân ta không thể phát ra những ngôn từ bất thiện đối với người và đồng thời tạo ra những nhân duyên tốt, khiến cho những ngôn từ bất thiện nơi người khác không thể phát ra.
 
Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, không nghe những ngôn từ bất thiện”.
 
Đại nguyện này còn gọi là Vô chư bất thiện nguyện, Quyến thuộc thiện nguyện, Chúng vô ác danh nguyện, Ly cơ hiềm nguyện,…
 
Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, ta tạo ra nhân duyên tốt đẹp cho thân ngữ ý của ta và của người, khiến cho môi trường sinh hoạt của ta và người, mỗi khi mở miệng nói ra điều gì, đều tự toát ra ngữ ngôn chân thật, từ ái.
 
Đại nguyện mười bảy: Chư Phật khen ngợi
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Thấy mười phương chư Phật
Đồng tính ấy hiện ra.

 
A Di Đà là thọ mạng vô lượng; là ánh sáng vô lượng; là công đức vô lượng. Thọ mạng ấy, ánh sáng ấy, công đức ấy đều từ nơi tự tính thanh tịnh mà hiện ra, nên xưng tán danh hiệu Phật A Di Đà cũng chính là đang ca ngợi tự tính thanh tịnh ở nơi bản tâm mình. Tự tính thanh tịnh của chư Phật mười phương với tự tính thanh tịnh nơi bản tâm mình xưa nay không sai, không khác.
 
Chư Phật mười phương cũng từ nơi tính ấy, mà phát khởi đại nguyện giáo hóa chúng sinh, có nhiều danh xưng khác biệt, có nhiều cõi nước bất đồng, nhưng tất cả cũng đều từ nơi thể tính thanh tịnh mà hiện ra. Nên, tuy bất đồng, nhưng cùng nhất thể.
 
Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà, đã phát nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, mười phương vô lượng chư Phật đều tán dương danh hiệu của tôi”.
 
Đại nguyện này còn gọi là Chư Phật xưng dương nguyện, Chư Phật đồng tán danh tự nguyện, Chư Phật xưng tán nguyện, Nhiếp pháp thân nguyện, Tuyển trạch xưng danh nguyện,…
 
Vì vậy, mỗi ngày ta lạy danh hiệu Phật A Di Đà là chính ta đang lạy danh hiệu, mà chư Phật mười phương xưng tán ca ngợi, vì trong danh hiệu ấy là nhiếp hội hết thảy danh hiệu mười phương vô lượng chư Phật, và cũng chính là ta đang lạy tự tính thanh tịnh pháp thân nơi ta và làm cho tự tính nơi thân ấy sáng ra mỗi ngày.
 
Đại nguyện mười tám: Mười niệm vãng sinh
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Với một lòng mười niệm
Tịnh độ tự hiện ra.
 

Ta muốn khi lâm chung, có được đầy đủ năng lực của định và tuệ, để có thể duy trì được mười niệm đối với danh hiệu Phật A Di Đà ở trạng thái của tâm thuần nhất, thanh tịnh, không tạp loạn, thì ta phải biết thực tập và duy trì năng lượng chính niệm ấy, trong mỗi ngày qua, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống và ngay cả trong mọi hoạt động ở nơi những công việc, để tạo thành chủng tử nhất tâm, nhất niệm thuần thục ngay ở tâm ta.
 
Nếu không như vậy, thì giờ phút sắp lâm chung, tâm sẽ buông lơi, các phiền não khởi lên, làm cho tâm ta bị nhiễu loạn, ma cảnh hiện tiền, mà Phật cảnh bị biến mất, khiến bấy giờ tâm thức ta mù mịt, một niệm còn bất giác, làm sao mà có thể giác tỉnh được một tâm mười niệm, để Phật cảnh hiện tiền ngay đó, mà vãng sinh hay ngay đó, mà tự tính A Di Đà hiện ra cho ta thể nhập!
 
Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà, đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng sinh ở trong mười phương khi lâm chung, tin tưởng muốn sinh về cõi nước tôi, chí tâm niệm mười danh hiệu của tôi, thì liền được vãng sinh”.
 
Đại nguyện này còn gọi là Niệm Phật vãng sinh nguyện, Nhiếp thủ chí tâm dục sinh nguyện, Nhiếp thượng phẩm nguyện, Thập niệm vãng sinh nguyện, Chí tâm tín nhạo nguyện,…
 
Vì vậy, trong đời sống hàng ngày, ta phải kính lễ Phật A Di Đà để cho đương niệm của ta, gắn liền với danh hiệu và bản nguyện của Ngài; và danh hiệu cũng như bản nguyện của Ngài đi vào trong ta, thuần hóa những chủng tử trong tâm ta, khiến mỗi sát na tâm ta, đều là mỗi sát na của tâm Tịnh độ và mỗi sát na tâm ta, đều là tương ứng với tâm và nguyện của Phật A Di Đà.
 
Đại nguyện mười chín: Thánh chúng tiếp dẫn
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Khi con đổi thân khác
Phật, Bồ tát hiện ra.

 
Phật là tự tính giác ngộ nơi ta. Từ nơi tự tính ấy mà Phật hiện ra và Bồ tát là do thấy được tự tính ấy, mà phát khởi đại nguyện, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh, nên Bồ tát cũng từ nơi tự tính giác ngộ ấy mà hiện ra vậy.
 
Vì vậy, ta muốn sinh về Tịnh độ, được Phật A Di Đà, Thánh chúng Thanh văn và Bồ tát hiện ra đón ta trong khi lâm chung, thì trước hết ta phải tin rằng, ta có Phật tính và chư Phật cũng từ nơi tính ấy mà hiện ra, các vị Bồ tát trong mười phương thế giới, cũng từ nơi tính ấy mà phát khởi đại nguyện; ta phải tin rằng, tâm là chủ tể của muôn vật, tâm ta tịnh thì mười phương thế giới đều tịnh, tâm ta uế, thì ta ở đâu là uế độ có mặt ở đó cho ta.
 
Ta phải tin như vậy, và ta phải phát khởi hạnh nguyện đúng như niềm tin của ta, thì ta có mặt ở đâu là Phật và Bồ tát cũng như cảnh giới Tịnh độ của các Ngài đều hiện ra và có mặt ở đó cho ta, giúp ta đổi mới, những nghiệp chướng cũ. Đại nguyện của chư Phật và Bồ tát lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp ta về Tịnh độ của các Ngài, nếu ta phát khởi tâm bồ đề và hết lòng tin vui ưa thích.
 
Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà, đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng sinh ở trong mười phương phát tâm bồ đề, thực hành các công đức, muốn sinh về nước tôi, thì khi họ lâm chung, tôi và đại chúng đều hiện ra vây quanh trước mặt họ để tiếp dẫn”.
 
Vì vậy, đại nguyện này còn gọi là Lai nghênh dẫn tiếp nguyện, Nhiếp thủ tu đức dục sinh nguyện, Nhiếp trung phẩm nguyện, Lâm chung hiện tiền nguyện, Thánh chúng lai nghênh nguyện, Lâm chung nghênh tiếp nguyện, Hiện tiền đạo sinh nguyện,…
Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày với tâm bồ đề và bằng Tín Hạnh Nguyện, là ngay trong mỗi ngày, ta đều có thân tâm mới, ngay trong mỗi giờ ta đều có thân tâm mới và ngay trong mỗi khoảnh khắc thân tâm ta đều mới. Thân tâm ta mới, vì Phật, Bồ tát luôn luôn có mặt trong ta và quanh ta, để yểm trợ cho ta đổi mới và giúp ta thoát ra từ vỏ trứng của vô minh phiền não, đưa ta đi về với quê hương Tịnh độ đích thực được tạo nên từ đại nguyện của các Ngài.
 
Đại nguyện hai mươi: Muốn sinh toại ý
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Thành tựu thân như ý
Từ đại nguyện sinh ra.

 
Thân thể của ta  từ nghiệp lực sinh ra, thì không thể nào thoát khỏi các khổ của sinh, già, bệnh, chết. Từ nghiệp lực sinh ra là từ nơi ái, thủ, hữu mà có mặt. Thân thể ta đã sinh ra từ gốc rễ như thế, thì không sao tránh khỏi được đại họa sinh tử luân hồi. Sinh tử luân hồi là tai họa lớn nhất của hết thảy chúng sinh. Vì sao? Vì ở trong ấy, thì chúng sinh không thể nào thấy được mặt mũi của mình là gì; chẳng bao giờ biết mình là ai; không biết được biên cương sinh tử của mình là ở nơi nào; và hoàn toàn mất hết năng lực tự chủ.
 
Vì vậy, tu tập là để cho đời sống của ta không sinh ra từ nghiệp lực, mà sinh ra từ bản nguyện và đại nguyện. Bản nguyện là nguyện được thiết lập trên căn bản của tâm bồ đề với đầy đủ hai chất liệu của trí tuệ và từ bi. Đại nguyện là từ nơi bản nguyện, mà phát triển thành những hạnh nguyện rộng lớn, tùy theo điều kiện tu học của mỗi chúng ta.
 
Phật A Di Đà, khi còn tu nhân, Ngài đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng sinh ở trong mười phương, nghe danh hiệu của tôi, chuyên tâm nhớ đến nước tôi, bằng cách gieo trồng những cội công đức, chí tâm hồi hướng sinh về nước tôi, thì liền được toại nguyện”.
 
Nên, đại nguyện này cũng còn gọi là Nhiếp thủ văn danh dục sinh nguyện, Nhiếp hạ phẩm nguyện, Văn danh hệ niệm tu phúc tức sinh nguyện, Chí tâm hồi hướng nguyện, Dục sinh quả toại nguyện,…
 
Thân được sinh ra từ ý nguyện, thân ấy gọi là thân như ý sinh và nó được nuôi lớn bằng đại nguyện, vì vậy nó sinh ra và lớn lên trong tự do. Không có tự do, thì không thể có hạnh phúc và an lạc. Tự do ở đây không phải là những thứ tự do được quy ước bởi những điều kiện của chính trị, mà là sự tự do thoát ra từ phiền não hay thoát ra từ những hạt giống ái, thủ và hữu ở nơi tâm ta.
 
Thân thể được tạo nên từ tâm bồ đề và từ đại nguyện bồ đề, được gọi là thân thể như ý. Thân thể ấy sinh ra ở đâu, thì Tịnh độ có mặt ở đó. Tịnh độ có mặt ở đâu, thì tự do, hạnh phúc và an lạc có mặt ở đó. Và Tịnh độ có mặt là để cho thân ấy sinh ra.
 
Nên, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, qua những đại nguyện của Ngài, là để thai nghén thân ấy và khi nhân duyên Tịnh độ hội đủ thì như ý thân sinh ra cho ta.

Còn nữa