Trang chủ Diễn đàn Danh hiệu kỷ lục: Sự phù phiếm không đáng có

Danh hiệu kỷ lục: Sự phù phiếm không đáng có

91

Việc ghi nhận kỷ lục cấp quốc tế như của Guinness cũng chỉ có giá trị giải trí, thì những tổ chức ghi nhận kỷ lục cấp địa phương làm sao vượt qua được cái định kiến giải trí của việc cấp bằng kỷ lục?

Xét về mặt từ nguyên, ban đầu, kỷ lục chỉ là một động từ có nghĩa là ghi chép hay biên chép, tương đương với record trong tiếng Anh hay enregistrer trong tiếng Pháp. Về sau, người Anh dùng record như một danh từ với nghĩa chính là điều được ghi chép hay biên chép. Cho đến khi có nhu cầu nói đến những thành tích cao nhất hay sự kiện thiên nhiên cực độ đã được ghi nhận, từ record lại được người Anh sử dụng. Cho nên, hiện nay, kỷ lục được coi là một danh từ chỉ những thành tích cao nhất hay sự kiện thiên nhiên cực độ đã được ghi nhận.

Con người thường tò mò muốn biết về những cái nhất trong cuộc đời, từ ngọn núi cao nhất đến con sông dài nhất, từ giống thú nào chạy nhanh nhất đến loài chim nào bay cao nhất, vân vân. Việc tranh cãi về những thứ như vậy thật sự khó dàn xếp được, vì ai cũng cho điều mình biết là chính xác. Nhu cầu có một sách tham khảo ghi rõ những cái nhất như thế được phát hiện bởi một nhà quý tộc Anh, Sir Hugh Beaver, khi ông ta là Giám đốc điều hành nhà máy bia Guinness của Ái-nhĩ-lan.

Người ta kể lại rằng vào tháng Năm năm 1951, trong một lần đi săn chim trên bờ sông Slaney thuộc hạt Wexford, ông ta cãi nhau với hội săn của mình về việc giống chim nào bay nhanh nhất, loài choi choi hay loài gà gô. Chiều hôm ấy trong một quán rượu, ông ta nhận thức được rằng chẳng có tài liệu tham khảo nào đáng tin cậy có thể giúp ông ta phân định đúng sai về vấn đề ấy. Ông ta cũng nhận thấy có vô số những vấn đề tranh cãi hàng đêm trong những quán rượu ở Anh quốc hay Ái-nhĩ-lan liên quan đến cái gì thuộc vào hạng nhất. Ông ta nghĩ rằng một quyển sách cung cấp câu trả lời cho những câu hỏi loại ấy sẽ là một quyển sách được ưa chuộng.

Ý tưởng ấy được Hugh Beaver ấp ủ, nhưng mãi đến năm 1954, khi người ta tiến cử cho ông hai anh em sinh đôi Norris và McWhirter lúc ấy đang điều hành một cơ quan tìm kiếm dữ liệu ở Luân đôn, ý tưởng ấy mới được thực hiện. Tháng Tám năm 1954, quyển sách ghi nhận kỷ lục đầu tiên được phát hành có tên là The Guinness Book of Records. Một ngàn bản đã được in ra để phát không.

Quyển sách được hâm mộ ngoài sức tưởng tượng của Beaver nên sau đó ông này đã tổ chức công ty trách nhiệm hữu hạn Kỷ lục Thế giới Guinness chuyên cung cấp việc ghi nhận các kỷ lục thế giới và phát hành thành sách hàng năm. Về sau, công ty này được bán lại cho nhiều tổ chức kinh doanh giải trí nối tiếp nhau, nhưng tài liệu được phát hành vẫn duy trì cái tên Sách Kỷ lục Thế giới Guinness. Tất nhiên, về sau sách kỷ lục thế giới Guinness được bán chứ không phát không nữa.

Đi xa hơn, các tổ chức kinh doanh giải trí ấy còn gián tiếp khuyến khích việc lập các kỷ lục mới và phá các kỷ lục cũ hàng năm, nhiều kỷ lục thật là quái đản, như kỷ lục ăn bánh mì kẹp thịt nhiều nhất và nhanh nhất, kỷ lục chịu nhiều ong chích nhất, vân vân. Các tổ chức kinh doanh giải trí ấy cũng quy định những thủ tục để một kỷ lục được công nhận. Những người muốn phá kỷ lục cũ hay lập kỷ lục mới trong một lãnh vực nào đó phải nộp lệ phí và công ty Guinness sẽ tổ chức việc thực hiện để một cơ quan có tính cách vô tư kiểm chứng và công bố.

Thực ra, việc ghi nhận các kỷ lục trên thế giới chỉ là một trò giải trí vô bổ, chưa kể trong nhiều trường hợp, có những thành tích được coi là kỷ lục có thể gây hại cho người lập kỷ lục ấy. Thêm vào đó, mức độ chính xác của việc ghi nhận kỷ lục càng về sau này càng bộc lộ những điều chưa hẳn là trung thực. Mặt khác, có những kỷ lục bị coi là ngớ ngẩn, chẳng hạn, sau khi công bố kỷ lục về “con mèo nặng nhất” hàng ngàn chủ nuôi mèo đã cố gắng vỗ béo con mèo cưng của họ chỉ với mục đích được công nhận phá kỷ lục năm trước khiến cho mèo nuôi mập quá mức thích hợp với sức khoẻ của chúng; kết quả là năm sau kỷ lục ấy bị bãi bỏ. Một loại kỷ lục khi bị bãi bỏ cũng là điều gây tranh cãi, vì như vậy, phải chăng kỷ lục đã được công bố là kỷ lục không thể bị vượt qua?

Nói tóm lại, ngay tại quê hương của các nhà lập kỷ lục, vấn đề ghi nhận kỷ lục cũng chịu nhiều phê phán chỉ trích, và càng ngày người ta càng nhận rõ tính cách phù phiếm của việc này.

Giáo lý nhà Phật nhấn mạnh đến nguyên lý duyên khởi và vô ngã của vạn pháp. Do duyên khởi và vô ngã nên vạn sự đều vô thường. Mục tiêu của hành giả đạo Phật là nhận chân được tính cách duyên sinh, vô ngã, vô thường của mọi sự mọi vật để tìm được sự an lạc trước tất cả những thay đổi của cuộc đời. Hành giả đạo Phật hiểu được tánh không của vạn pháp sẽ thấy mọi sự mọi vật trong cuộc đời chỉ như những hình ảnh phản chiếu trong gương, khi sự vật đi qua, mặt gương lại không tì vết. Từ đó, hành giả không chấp trước vào bất kỳ danh hiệu nào, kể cả những danh hiệu có thực chất như khi được tôn xưng là bậc chấp trì giới luật nghiêm túc nhất. Danh hiệu có thực chất đến như vậy còn không mong cầu thì xá gì phải mong cầu những danh hiệu phù phiếm như việc lập được kỷ lục về việc này hay việc nọ? Chúng ta biết rằng, một kỷ lục đã được lập cũng là một kỷ lục sẽ bị vượt qua. Ngay cả những sự kiện thiên nhiên có thể cũng không tránh khỏi việc bị xói mòn hay vì động đất, bão tuyết làm tan vỡ. Hiển nhiên, mỗi kỷ địa chất đều đem lại những thành tạo địa chất mới, phá vỡ các thành tạo địa chất trước đó.

Một sự kiện có giá trị lớn lao tự thân nó biểu lộ giá trị ấy, không phải đợi đến khi có một tổ chức nào đó cấp cho sự kiện ấy một giấy chứng nhận thì nó mới có giá trị. Việc Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân không vì bài thơ ca ngợi của nhà thơ Vũ Hoàng Chương mà trở nên vĩ đại hơn. Tuy nhiên, bài thơ ca ngợi của nhà thơ Vũ Hoàng Chương được viết ra do cảm xúc thực của ông, có thể truyền đi ngọn lửa từ bi của trái tim Quảng Đức, nên người ta vẫn trân trọng bài thơ ấy.

Thế nhưng một sự kiện như việc Hoà thượng Thích Chơn Thiện dẫn đầu đoàn hoằng pháp Việt Nam đến thăm các cộng đồng người Việt ở các quốc gia Bắc Âu và Đông Âu tự nó đã có giá trị, sao phải chờ Trung tâm Sách Kỷ Lục Việt Nam tổ chức trao bằng kỷ lục để có thêm hào quang? Việc bài hát “Phật giáo Việt Nam” do cư sĩ Lê Cao Phan sáng tác ai cũng biết là bài hát đầu tiên được chọn làm đạo ca cho Phật tử Việt Nam từ lâu, phải chăng chỉ khi Trung tâm Sách Kỷ Lục Việt Nam tổ chức trao bằng thì mới khẳng định được vị trí đó?

Cũng có ý kiến cho rằng, dù một sự kiện tự thân nó đã có giá trị mà lại được một tổ chức nào đó lên tiếng khẳng định về giá trị ấy thì cũng vẫn có tác dụng quảng bá và cũng mang lại lợi lạc. Điều đó đúng. Nhưng chỉ đúng khi tổ chức lên tiếng khẳng định sự kiện ấy có một danh tiếng đứng đắn và có thẩm quyền thực sự trong lĩnh vực được khẳng định. Điều đó sẽ không đúng với một hình thức khẳng định vốn được coi là chỉ có giá trị giải trí. Việc ghi nhận kỷ lục cấp quốc tế như của Guinness cũng chỉ có giá trị giải trí, thì những tổ chức ghi nhận kỷ lục cấp địa phương làm sao vượt qua được cái định kiến giải trí của việc cấp bằng kỷ lục?

Một điều đáng buồn nữa là trong đợt trao danh hiệu kỷ lục mới đây cho các hoạt động Phật giáo, có hiện tượng kỷ lục được trao cho ông Vũ Ngọc Toản về danh hiệu người viết nhiều ca khúc Phật giáo nhất đã bị tranh cãi, khiến cho những danh hiệu khác được trao chung trong đợt cũng bị nhìn bằng con mắt ngờ vực. Không bàn về vấn đề đúng sai của các lập luận bênh hay chống ông Toản, ở đây chúng ta chỉ cảm thấy ngỡ ngàng khi những người giảng dạy về tánh không lại bận tâm đến những danh hiệu phù phiếm.