Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Đạo sư Duy Tuệ: Xin hãy dừng lại

Đạo sư Duy Tuệ: Xin hãy dừng lại

110

 

Tôi viết bài này với mong muốn được ông và các đệ tử của ông xem. Những hành giả đang tu tập theo pháp môn thiền định hãy thông qua trường hợp của ông làm bài học tránh lạc lối đi vào con đường tà đạo. 
           
Việc ông Duy Tuệ sử dụng pháp Phật rồi phủ nhận Pháp Phật… các bạn có thể vào trang web của ông để thấy rõ, nhất là những bạn đọc đã khá thông hiểu về thuyết lý nhà Phật.
 
Trong bài viết này tôi xin được nêu rõ vì sao một người đã từng hành thiền lại nghiên cứu Phật pháp như ông Duy Tuệ lại bị sai đường lạc lối vào con đường tà đạo.  
 
Thông qua những điều ông nói, ông viết phải công nhận một điều rằng, nó cũng khá hợp lý, logic…và rất dễ quy phục được giới tri thức những nhà nghiên cứu chưa trải qua tu hành thiền định, niệm Phật…
 
Nếu đọc kỹ ba điều trải nghiệm lớn trong cuộc đời của ông Duy Tuệ ta thấy, ông là đệ tử của pháp môn tu thiền. Ông đã bước vào ngưỡng cửa sắc ấm, thọ ấm. Điều kết luận trên của tôi thông qua từ kinh nghiệm hành thiền và nghiên cứu Kinh Thủ Lăng Nghiêm mà thấy được.
 
Bài viết này tôi sẽ sử dụng kinh Thủ Lăng Nghiêm để nói về hiện tượng của ông cũng như những tư tưởng, thuyết lý xuất hiện trong đầu ông sau khi ông đạt mức ấn chứng nhất định từ thiền định. Thông qua bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm chúng ta sẽ thấy những điều Đức Phật nói cách đây 2555 năm vẫn chính xác từng câu, từng chữ cho những vị hành giả gặp phải chướng ngại trên con đường tu thiền.
           
Kinh Thủ Lăng nghiêm được cho là xương sống của những người hành thiền. Nó cho các hành giả  biết được họ sẽ gặp những cảnh giới nào và những chướng ngại nào khi phá sắc, thọ, tưởng, hành, thức để thâm nhập vào pháp giới tiến về Cửa không.
 
Tôi nghĩ rằng, nếu ông Duy Tuệ có một người thầy tốt, hoặc ông hiểu sâu sắc về Kinh Thủ Lăng Nghiêm ông sẽ không bị lạc lối vào con đường ma đạo như hiện nay.  
 
Những biểu hiện bước đầu khi phá sắc ấm của ông đó là : Ông đã nghe được âm thanh từ tánh nghe. Khi vào được tánh nghe (vào được dòng nhĩ căn viên thông)  các thiền sinh thường nghe âm thanh Aum, Aum…. Với những người niệm Phật thì họ sẽ nghe được danh hiệu Phật như:  Nam Mô A Di Đà Phật…, hoặc A Di Đà Phật….
 
Còn ông, có lẽ do đắc tâm 2 chữ “Hay thay” trong kinh Pháp hoa nên ông nghe được từ này. Ông đã  nhìn thấy được (có thể chỉ là thoáng qua) hào quang của ánh sáng chân tâm, tức là nhìn được cái thấy…
 
Nhưng những cảnh giới ông thấy được, trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm Đức Phật đã chỉ rõ “Đó chỉ  là trạng thái tạm thời không phải là chứng Thánh. Nếu không khởi tâm cho rằng mình chứng Thánh thì gọi đó gọi là cảnh giới tốt. Còn nếu nghĩ rằng mình là bậc Thánh, liền rơi vào tà ma”.
 
Thực tế, các thiền sinh chứng được cảnh giới đó là do “Tứ đại không kết hợp trong một thời gian ngắn, tâm có thể ra khỏi các ngăn ngại, ấy gọi là tinh minh trào ra tiền cảnh. Đó chỉ là do công dụng tạm thời được như thế . Không phải do chứng bậc Thánh”.
 
Nếu ông tiếp tục hành thiền và không chấp vào bất kỳ một cảnh giới nào thì quá trình vượt sắc, thọ, tưởng, hành, thức của ông sẽ được tiếp tục. Nhưng do cầu vọng quá nhiều nên ông đã gặp ngay chướng ma sắc ấm thứ 10 gọi là vọng kiến và vọng thuyết. Theo HT. Tuyên Hoá thì cảnh giới này gọi là:
 
“Tà tâm bất chính bị loài ly mỵ hoặc thiên ma nhập vào, vô cớ giảng pháp thông suốt diệu lý…Khi  Tâm tà không chánh, loài ly mỵ hoặc thiên ma nhập vào tâm ông, ông sẽ giống như những người tự xưng là biết nói Pháp, tự xưng là biết giảng Kinh, tự xưng là đã khai ngộ, tự xưng là bậc trưởng lão. Những người này không duyên cớ gì lại biết thuyết pháp, và tự chính họ cũng không biết mình nói điều gì nữa. Họ nói rằng họ đã thông đạt diệu nghĩa (của Phật Pháp) nhưng thật ra không phải là diệu nghĩa hay thông đạt gì hết. Họ cho rằng thuyết pháp nhưng thật sự không phải là thuyết pháp. Họ đã lấy điều sai, cho là đúng rồi tuyên bố rằng Pháp của họ là vi diệu. Họ tự khen mình và hủy báng người, tự xưng mình là đệ nhất, là trưởng lão.”
 
Trường hợp của ông Duy Tuệ không những bị chướng ma sắc ấm mà còn bị gặp chướng ma thọ ấm. Tâm trạng vui sướng đến mê mẩn khi ông tiếp cận được các cảnh giới lạ trong khi hành thiền là ma thọ ấm. Đức Phật đã nói rằng:
 
“Lại nữa A Nan, người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái định này thấy sắc ấm tan rã, hiểu rõ thọ ấm. Lúc ấy cảnh giới thù thắng hiện ra, cảm kích quá phần. Trong trạng thái như thế, bỗng sanh dõng mãnh vô hạn, tâm quá mạnh mẽ, cho mình bằng Phật, nói có thể vượt qua ba a-tăng-kỳ kiếp chỉ trong một niệm”.
 
“Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Khi ở trong chốn thanh tịnh, tâm được an ổn. Bỗng nhiên phát sanh niềm vui vô hạn trong tâm, không thể kềm chế được….Nếu cho mình đã chứng Thánh, thì có loài ma thích vui (háo hoan hỷ ma) sẽ nhập vào tâm.
 
“A Nan! Người thiện nam kia, khi ở trong trạng thái như thế, cảm nhận một ánh sáng rực rỡ, trong tâm sinh khởi một loại cảm xúc. Do bên trong đè nén quá phần, bỗng dưng phát khởi lòng thương xót vô hạn, đến nỗi xem muỗi mòng như là con đỏ. Tâm sanh trắc ẩn, bất giác rơi lệ”.
 
Đọc những đoạn ma chướng trong 20 ma ấm khi vượt qua sắc ấm, thọ ấm trên không biết ông Duy Tuệ có thấy giống trạng thái của mình khi đang ngồi hành thiền không. Nếu ông nhận ra được nó thì coi như là một cảnh giới tốt còn nếu ông coi  mình đã chứng Thánh thì các loại ma ngũ ấm sẽ nhập vào tâm ông. Có lẽ vì không nhận ra điều đó nên ông bị ma cuồng vọng đã nhập vào tâm ông đúng như Kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật đã nói:
 
Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, tỏ rõ thọ ấm. Tự bảo là đã đủ rồi. Bỗng nhiên, vô căn vô cớ, có tâm đại ngã mạn phát sanh; cho đến tâm kiêu mạn, tâm mạn quá mạn, tâm tăng thượng mạn, hoặc ty liệt mạn đều cùng phát ra một lúc. Trong tâm khinh thường mười phương các Đức Như Lai, huống nữa là những quả vị thấp như Thanh Văn, Duyên Giác”.
 
Trạng thái này trong hành thiền được gọi là tự xem mình quá cao “Nhưngthiếu trí huệ để tự cứu mình”.Theo HT. Tuyên Hoá thì “ Nếu nhận ra thì không có lỗi. Nếu nhận ra đây là sai lầm thì ma sẽ không có dịp phát huy tác dụng”. Nên nói: Giác tức không mê, mà khi mê tức là không giác. 
 
Thực sự, chúng sinh đều có tánh Phật, nhưng phải nhờ công phu tu tập mới nhận được ra Phật tánh. Ngay cả khi quyết tâm tu hành, cũng không thể trở thành Phật chỉ trong một niệm mà phải cần thời gian rất lâu xa. Theo HT. Tuyên Hoá thì khi “Người ấy tu hành nhưng không được Thiện tri thức hướng dẫn chỉ dạy mà tự mình lại không có trí huệ; cho nên, dù có tu tập cần khổ, tinh tấn cho mấy đi nữa, ông ta chỉ tăng trưởng tà tri tà kiến mà thôi. Tự thấy rằng trải qua một thời gian tu tập lâu dài như vậy mà không thành Phật, nên tuyên bố mình là Phật, nói là mình đã thành Phật rồi. Đây là tình trạng “sánh mình bằng Phật”. Tình trạng này xảy ra khi thọ ấm tan rã. Y nói rằng y đồngnhư chư Phật. Thực ra chỉ một niệm sai lầm đó, ông ta đã bị ma nhập vào.”
 
Để vượt qua được chướng ngại này khi phá thọ ấm, HT.Tuyên Hoá cho rằng chỉ cầnnhận rõ đó là ma thọ ấm và duy trì sự sáng suốt, lâu dần trạng thái ấy sẽ tự tiêu mất. Nhưng nếu nghĩ mình là Thánh thì sẽ liền bị ma cuồng ngông nhập vào tâm. Quý vị thấy đó, nếu quý vị không nhận biết năm mươi trạng thái ngũ ấm ma, thì làm sao mà quý vị thành Phật được? Loại ma này là loại ma ngông cuồng, cống cao, ngã mạn. Khi nó len luồng vào tâm ông, chiếm hữu ông, nó tống khứ linh hồn của ông ra ngoài, thay vào đó là “ma vương tại đường”, ma vương thay thế và trở thành linh hồn của quý vị”. 

Việc bài bác nhân quả của ông Duy Tuyệ cũng không có gì là lạ. Khi ông đã bị chướng ngại ma ấm trong quá trình hành thiền thì khó có thể hiểu đúng chánh pháp của Phật đạo. Trong mười ma thọ ấm sau khi phá được sắc ấm, Kinh Thủ Lăng nghiêm có ghi:
 
“ Lại nữa, hành giả khi ở trong định, thấy sắc ấm tiêu trừ, nhận rõ thọ ấm. Trong chỗ tỏ ngộ đạt được tánh hư minh. Trong ấy, hành giả bỗng dưng có khuynh hướng đoạn diệt, bài bác nhân quả, cho mọi việc đều là không. Tâm chấp không chi phối mạnh mẽ, khiến hành giả có kiến giải rằng: Sau khi chết hoàn toàn đoạn diệt. Đây gọi là “Định tâm phân tán mất đi sự chiếu diệu tương ưng”. Nếu rõ biết được thì không lỗi lầm. Đó không phải là chứng Thánh quả”.
 
Trong Phật giáo, việc tự nhận mình đã chứng Thánh tự coi mình là Phật bài bác các thuyết lý Nhà Phật được cho là tội đại vọng ngữ sau khi mất thân nghiệp sẽ bị đoạ vào ngục Vô gián. Không biết ông Duy Tuệ có biết điều này không ?
 
‘Chúng sanh ngu mê, không biết suy xét tự lượng. Gặp nhân duyên này, mê không tự biết, nói là chứng Thánh, thành tội đại vọng ngữ, phải đọa vào địa ngục Vô Gián’.
 
Đối với các thiền sinh, do nghiệp trong quá khứ nên họ thường gặp những ma chướng trong quá trình hành thiền. Trong một số trường hợp tôi biết thì họ chỉ gặp một đến hai chướng ngại sau khi phá được sắc ấm, thọ ấm. Trường hợp của ông Duy Tuệ, đối chiều với Kinh Thủ Lăng nghiêm tôi thấy ông bị gặp khá nhiều những ma chướng khi mới bước vào ngưỡng cửa phá sắc ấm, thọ ấm. Tôi thật sự tiếc cho ông, một người nghiên cứu Phật giáo khá sâu, kiên trì hành thiền trong thời gian dài lại gặp nhiều chướng ngại như vậy. Gía như ông có một vị Thầy – Vị Thiện tri thức giúp đỡ thì ông sẽ không bị rơi vào con đường tà đạo như hiện nay.
 
Một điều thấy rõ nơi ông đó là trí biện thông (trí tuệ thế gian)phát triển rất mạnh do kết quả từ việc hành thiền. Chính ông cũng không ngờ là ông có thế đối đầu với bất kỳ câu hỏi và sự chất vấn nào của mọi người. Nhưng có lẽ chính ông cũng không ngờ rằng, cái trí Biện thông đó  lại đang phản lại ông. Nó đang đẩy ông vào sự rối loạn của những tri thức mà ông đã tiếp nhận được. Nó chính là bát nạn (tám chướng ngại) cản trở các hành giả tiến sâu vào thiền định  
 
Nếu ông tiếp tục hành thiền và không chấp vào bất kỳ điều gì, cảnh giới nào diễn ra trong tâm mình thì ông sẽ thấy, hành thức (phần phân tích, bình luận…)sẽ bắt đầu đông cứng lại, trực giác sẽ phát triển và trí bát nhã sẽ hiện tiền. Đó mới chính là trí tuệ của Phật giáo. Lúc đó, ông sẽ tỏ thông rất nhiều điều trong Kinh điển mà đức Phật đã thuyết. Con đường chánh đạo vẫn tiếp tục. Nếu ông tự cho mình đã chứng ngộ thì ông sẽ rơi ngay vào ma đạo, tà đạo.
 
Một lời khuyên chân thành, khi mọi việc còn chưa quá muộn, xin ông hãy dừng lại, hãy sám hối và tiếp tục hành thiền. Chặng đường giải thoát còn xa vời vợi. Nếu ông  không tỉnh giác sẽ rơi vào địa ngục.
 
Nam Mô Bổ sư Thích Ca Mầu Ni Phật !  

Trong thời điểm hiện nay, có không ít những đạo sư giống như ông Duy Tuệ đã sử dụng thuyết lý Phật giáo để thuyết pháp. Họ thường là những người có một chút  dụng công tu hành nên trí biện thông phát triển rất mạnh. Để phân biệt đâu là Phật đạo, đâu là ma đạo. Cở sở nào giúp chúng ta phân biệt được điều đó, tôi xin được tiếp tục chuyển đến bạn đọc phần hai bài viết Phật biệt Phật đạo và ma đạo.