Trang chủ Diễn đàn Đâu là mô hình quản lý di tích, danh thắng?

Đâu là mô hình quản lý di tích, danh thắng?

67

Dự thảo mới nhất quy định, “các công trình xây dựng, địa điểm cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên có tiêu chí như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 28 của Luật này, đã được UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di sản văn hoá của địa phương, được bảo vệ theo quy định của Luật này”.


Nên quản lý, bảo vệ các di tích và danh thắng


Bản giải trình nêu rõ, trên thực tiễn nhiều công trình xây dựng, địa điểm, cảnh quan thiên nhiên, khu vực thiên nhiên có đủ các tiêu chí để được xếp hạng là di tích và danh thắng nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa được xếp hạng. Các đối tượng này, nếu đã được đưa vào danh mục kiểm kê di sản văn hoá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hoá, thể thao và du lịch thì rất cần thiết được bảo vệ như di tích và danh thắng để vừa không bị xâm hại trước khi xếp hạng, vừa không làm ảnh hưởng tới việc triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Luật Di sản văn hoá năm 2001 chưa có quy định này, vì thế nay cần bổ sung nhằm ngăn chặn các hoạt động vi phạm, phá huỷ các công trình, địa điểm có giá trị mà ta chưa kịp xếp hạng. Theo kiểm kê sơ bộ, hiện chúng ta có tới 4 vạn di tích, nhưng mới xếp hạng chưa tới 1 vạn, trong đó cả di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh.


Nhiều chuyên gia và nhà quản lý đã đánh giá cao việc ban soạn thảo đưa nội dung mới này vào dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng như thế chưa đủ mà cần mở rộng đối tượng được quản lý, bảo vệ hơn nữa. “Quy định như trong dự thảo, tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao sự cố găng của ban soạn thảo. Song nhìn lại, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh, trong đó yêu cầu bảo tồn toàn bộ di tích, danh thắng. Vì thế, theo tôi trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay và cũng trong lần sửa đổi, bổ sung lần này ban soạn thảo nên đưa vào dự thảo quy định các di tích, danh thắng đều được quản lý, bảo vệ theo Luật Di sản văn hoá. Có làm được như vậy chúng ta mới bảo tồn và phát huy hết các giá trị di tích lịch sử, văn hoá hiện có hoặc đang trong quá trình phát hiện”, GS Phan Huy Lê đề nghị.


Cũng vấn đề này, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH nhất trí với hướng bổ sung trên nhưng cho rằng để không bỏ sót đối tượng bảo vệ thì nên đưa vào diện được bảo vệ cả những công trình, danh thắng mới được phát hiện với tiêu chí như quy định tại khoản 1 và 2 của Điều 28, chứ không chỉ giới hạn ở những công trình, thắng cảnh đang trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Uỷ ban cho biết thêm, dự thảo luật cần quy định rõ điều kiện để một công trình hay thắng cảnh được đưa vào diện bảo vệ cũng như thẩm quyền quyết định và thời hạn bảo vệ các công trình, thắng cảnh nói trên, tránh tình trạng kéo dài thời gian nghiên cứu, lập hồ sơ, công nhận, tạo thành những “di tích treo”, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.



Vì chưa được xếp hạng nên Chùa Quang Ân(Hà Nội) bị xâm hại nghiêm trọng. Ảnh Ng.Hoà


Mô hình quản lý di tích, danh thắng chưa thống nhất


Xoay quanh “chủ đề” phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho biết, trong những năm qua việc phân cấp đã có những bước tiến quan  trọng. Tuy nhiên, so với đòi hỏi thực tiễn thì việc này cần phải tiếp tục triển khai. Bà cho biết: “Phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích là nội dung cần tiếp tục nghiên cứu và tiến hành phân cấp hơn nữa theo hướng tạo sự chủ động, tự chủ cho địa phương, cá nhân và tổ chức. Hiện nay có nhiều mô hình quản lý di tích, và trong thời gian tới sẽ có nhiều mô hình quản lý nữa. Điều đó chưa phải là vấn đề quan trọng nhưng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này cần nghiên cứu đưa ra những nguyên tắc mang tính pháp lý, trên cơ ở đó để các địa phương áp dụng thực hiện”. Bà Trần Thị Tâm Đan cũng nhấn mạnh thêm, mặc dù thời gian nghiên cứu để lên phương án bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hoá lần này không có nhiều, việc tổng kết mô hình quản lý di tích ở các địa phương cũng chưa thật sự đầy đủ và toàn diện, nhưng đây là vấn đề lớn “đề nghị ban soạn thảo xem xét để có quy định cụ thể”.


Trong nội dung một số vấn đề cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho biết, mô hình quản lý di tích hiện cũng chưa thống nhất. Thường thì các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao cho Ban quản lý di tích thuộc Sở VH,TT&DL quản lý toàn bộ di tích. Bên cạnh đó, có tỉnh lập thêm một hoặc một số ban, trung tâm quản lý trực thuộc UBND tỉnh, thành phố để quản lý một số di tích đặc biệt. Có tỉnh giao Công ty Du lịch quản lý di tích, danh thắng, còn các di tích khác do Ban quản lý di tích phụ trách. Có nơi, như ở Cổ Loa (Hà Nội), trên một địa bàn có nhiều đơn vị cùng quản lý, mỗi đơn vị quản lý một số di tích. KTS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) đồng ý với việc tiếp tục phân cấp quản lý di tích, tuy nhiên cũng phải có giới hạn. “Phân cấp ở đây là phân cấp quản lý nhà nước hoặc phân cấp tự chịu trách nhiệm theo quy định của Luật Di sản văn hoá, nhưng đối với vấn đề trùng tu, tôn tạo di tích thì cần được nghiên cứu kỹ. Nếu chúng ta phân cấp trong việc phân cấp quản lý trùng tu, tôn tạo di tích sẽ xảy ra nhiều vấn đề”, KTS Lê Thành Vinh đề nghị.