Trang chủ Tết Việt Du xuân Đầu xuân hành hương về miền đất Phật Yên Tử

Đầu xuân hành hương về miền đất Phật Yên Tử

86

5 năm qua, hệ thống cáp treo khiến du khách thập phương rút ngắn được nửa thời gian trong hành trình lên cõi Phật, nhưng vẫn mất hơn 2 giờ đồng hồ vượt dốc đá cheo leo. Đường lên nhỏ, dễ đi còn đường xuống trơn, dốc và mười phần nguy hiểm nên nhiều người hành hương phải dùng gậy trúc để giữ thăng bằng. Nếu không quá vội vàng, các thiện nam, tín nữ thường dừng chân nghỉ ngơi, lễ Phật, nghe kinh tại các ngôi chùa rải rác trên đường đi.



Đường lên đỉnh núi cheo leo. Ảnh: HT


Yên Tử là một quần thể di tích có nhiều chùa, tháp, am. Tiếng tụng kinh, gõ mõ và chuông chùa khiến tâm hồn thư thái, hết mỏi mệt. Minh Thu, nữ sinh 21 tuổi người Quảng Ninh cho biết, cô đã đi Yên Tử 5 lần và đặc biệt thích ngồi lặng lẽ nghe các vị sư tụng kinh. Cô nói: “Hầu như ai leo núi cũng đều thở dốc, tim đập nhanh. Nhưng chỉ cần dành ít phút tĩnh lặng thì bao nhiêu mệt mỏi dường như tiêu tan hết và leo càng hăm hở hơn”. Chùa Hoa Yên, am Ngọa Vân, chùa Một Mái, Bảo Sái, Vân Tiên… là những mốc quan trọng, đánh dấu một phần thành công của du khách thập phương trong hành trình gian nan lên đỉnh núi cao 1.068 m.


Yên Tử là nơi tu hành đắc đạo của nhiều bậc cao tăng cuối thời Lý, đầu thời Trần như Thiền sư Hiện Quang, Đạo Vân, Viên Chứng – những Quốc sư hai triều Trần Thái Tông, Thánh Tông. Nơi đây thực sự được coi là đất Phật, sau khi vua Trần Nhân Tông (1258-1308) bỏ ngôi cửu ngũ đi tu 10 năm tại Yên Tử, lập ra Thiền phái Trúc Lâm, trở thành vị Tổ đầu tiên của thiền phái Việt Nam (trước đây, các vị tổ truyền của Phật giáo nước ta đều là người Ấn Độ hoặc Trung Quốc). Trần Nhân Tông (pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng) cùng Pháp Loa tôn giả (1284-1330) và Huyền Quang tôn giả (1254-1334) được tôn làm Trúc Lâm Tam Tổ và được thờ tại Chùa Đồng.


Ngôi chùa nổi tiếng này được xây dựng lần đầu tiên dưới thời chúa Trịnh, với tượng, chuông và đồ thờ bằng đồng. Toàn bộ công trình biến mất vào thế kỷ 13, xây lại năm 1930 và trùng tu năm 1993. Ngày 30/1, Chùa Đồng mới được khánh thành, khang trang hơn hẳn các phiên bản trước đó, đúc từ gần 70 tấn đồng nguyên chất, có diện tích 20m2 (cao 3,11 m, dài 4,96 m, rộng 3,96 m). Chùa mang đậm đặc trưng kiến trúc chùa chiền Việt Nam vùng Bắc Bộ, nhìn từ trên cao có hình đóa sen vàng nở.



Chùa Đồng trong mây. Ảnh: HT


Khi tới Yên Tử, du khách thường kết hợp đi lễ tại núi Yên Phụ (thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Tương truyền, sau khi chọn ngọn núi có tượng An Kỳ Sinh làm nơi tu hành, vào một ngày trời quang mây tạnh, Trần Nhân tông nhìn về phía phủ Kinh môn, thấy một ngọn núi có ngũ sắc bao quanh. Đệ tử thưa rằng đó là núi Yên Phụ, thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Trần Nhân Tông quỳ xuống bái vọng và nói: “Đức An Sinh là bậc tông tổ, còn ta là hạng cháu con. Ngài đặt tên núi ngài ngự là Yên Phụ, vậy núi này chỉ nên đặt là Yên Tử cho phải đạo”.


Lễ hội Yên Tử diễn ra vào ngày 10/1 và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch, thu hút hàng trăm nghìn thiện nam, tín nữ thập phương về dâng hương, lễ Phật, cầu an. Cô Minh Hà ở Hải Phòng – người có “thâm niên” 15 năm hành hương về Yên Tử – nói: “Tôi thường đi lễ để xin đức Phật phù hộ độ trì cho cả nhà và đạt được mọi sở nguyện. Lễ Phật không cần cầu kỳ, quan trọng là lòng thành, thiện tâm. Xưa nay mọi người thường cho rằng đường lên Chùa Đồng khó đi, nhưng rất nhiều cụ già vẫn lên được tới nơi mà chẳng cần ai giúp đỡ. Nhiều khi, thanh niên còn đi chậm và khó nhọc hơn các cụ”.


Theo dự kiến, hệ thống cáp treo thứ hai sẽ được đưa vào hoạt động từ tháng 11, đưa du khách từ chùa Hoa Yên lên tới An Kỳ Sinh, khiến đường lên Chùa Đồng được rút ngắn hơn nữa. Bác Nguyệt, 58 tuổi cho rằng, nếu lên tới đỉnh núi bằng cáp treo vun vút thì khó có được cảm giác sảng khoái, hưng phấn như khi nhẫn nại leo từng bậc đá. Tuy nhiên, nhiều nam thanh nữ tú tỏ hân hoan khi biết sắp có thêm một nhà ga cáp treo nữa. “Chắn chắn sẽ có thêm nhiều người đến lễ Phật tại Chùa Đồng” – Quỳnh Chi, sinh viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội, dự đoán.