Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Lòng tín Phật trong mây mù Yên Tử

Lòng tín Phật trong mây mù Yên Tử

302

Yên Tử với đỉnh non thiêng cao 1068m so với mặt nước biển, đặt chùa Đồng thực sự trở thành một cái đích để tăng ni, Phật tử và chúng sinh khắp nơi hướng về. Trong một ngày cuối giêng mây mù bao phủ toàn cánh rừng Yên Tử ấy, tôi đã được hòa mình vào khung cảnh từng đoàn người nườm nượp đổ về chinh phục độ cao, đến với Phật, với thiên nhiên, đất trời.



Những bước leo núi qua từng bậc đá trong mây mù


Mọi người hành hương về Yên Tử vẫn tâm niệm một điệu dù cho mệt mỏi, gian khổ đến mấy cũng phải leo bộ nên đỉnh thiêng bằng mọi giá. Ngay dưới chiếc cổng đề dòng chữ “Danh sơn Yên Tử, Thiền phái Trúc Lâm”, tôi lắng nghe được tiếng bàn tán xôn xao của đoàn người này, đám người kia. Họ tranh luận và phân vân rằng nên đi cáp treo hay leo bộ?


Cuối cùng tất cả đều thống nhất tin rằng với một lòng hướng Phật thì đức Phật sẽ nâng bước ta đi. Vậy là, tất cả đã sẵn gậy trúc trong tay từ từ bước đến những bậc đá đầu tiên để chinh phục quãng đường 6km với cái đích: chùa Đồng.


Đám trẻ nhỏ háo hức chạy tung tăng, vượt lên đoàn người rồi chốc chốc cậu bé, cô bé lại quay xuống hồn nhiên hỏi : Bố ơi! Đức Phật ở đâu vậy? chùa Đồng có cách đây xa không?…



Thành kính cầu khấn trước tượng đá An Kỳ Sinh


Đoạn đường đi dần dần dốc cao, vực thẳm, mồ hôi vã ra trên khuôn mặt, cơ thể mọi người. Những giọt nước mưa rơi đọng trên lá, gặp cơn gió thổi qua lại ào đổ xuống đầu đoàn hành hương, làm cho con người giật mình lạnh buốt.


Đám người leo mỗi lúc lại nhạt dần đi tiếng nói, tiếng cưới. Thay vào đó ai cũng cố hít thở thật đều đặn để giữ sức dẻo dai cho bản thân. Những bậc đá, những khóm trúc, dăm bóng tùng trong mây mù dần dần làm cho con người ta cảm thấy như mình đang lạc vào cõi thiền tịnh, u tịch.


Trong tâm hồn mỗi chúng sinh như đang hiện ra sự tưởng tượng bóng hình Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông và những vị tổ sư Thiền phái Trúc Lâm đang tu luyện, giảng đạo ẩn khuất đâu đây. Hàng chục am, tháp nằm len lỏi giữa những bụi cây dần dần lộ ra trong làn mây trắng.



Con người như gần nhau hơn, chung sức đồng lòng để vượt qua những đoạn đường gian khó


Chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiên… nằm ở lưng chừng núi cũng mờ mờ trước ở trước mắt đoàn người leo núi. Đôi cây đại cổ hơn 700 năm tuổi chào đón mọi người như một chứng nhận cho cuộc hành trình đã được chinh phục hơn một nửa.


Sau cái vái lạy thành tâm, lắng lòng mọi người lại bắt đầu từ từ lê bước tiếp tục tiến lên chùa Đồng. Người leo được thông tin chặng đường phía trước rất dốc và khó đi. Ấy vậy là các bà, các mẹ trong đoàn lần lượt cất lên tiếng Nam mô a di đà Phật.


Những cơn gió dần dần thổi mạnh, ào ào tạt qua cơ thể con người. Trong gió rét mưa bay, những tiếng cầu khấn mỗi lúc một to hơn, chiếc gậy trúc giờ đây đã phát huy hết tác dụng.


Lòng tin vào đức Phật của mỗi người chưa bao giờ lớn như lúc này. Họ động viên nhau, bám vào nhau, thậm chí cõng dìu nhau đi qua từng bậc đá, qua từng đám mây mù.



Phút nghỉ ngơi để ngắm mây trời Yên Tử


Người đi lên hỏi người đi xuống:


– Lên chùa Đồng còn xa nữa không anh, chị ơi?


– Gần thôi, chỉ còn vài bước nữa là tới, mọi người cố lên!


Nghe được câu nói động viên đó ai đi lên cũng cảm thấy hứng thú tột bậc, bao mệt mỏi đã tan biến.


Ôi đây rồi! bãi đá và tượng đá An Kỳ Sinh đã hiện ra trước mắt: “Ông ấy là một đạo sĩ, một thầy thuốc danh tiếng người nước Tần bên Trung Quốc. Ông ấy đã đến vùng núi rừng Yên Tử để tu luyện và tìm phương thuốc trường sinh cho nhà vua. Sau bao nhiêu năm tu luyện đắc đạo An Kỳ Sinh đã chết và hóa đá ở nơi này…”.


Vài người trong đoàn leo núi hiểu biết đã kể lại cho mọi người nghe về truyền thuyết đó. Tượng An Kỳ Sinh vẫn sừng sững đứng giữa mây mù núi biếc,  hai tay chắp trước ngực trông rất nghiêm trang, đắc đạo.



Chùa Đồng mờ ảo trong mây mù


Đoàn người đi qua bãi đá một đoạn không xa đã thấy tiếng ồn ào huyên náo của bao âm thanh chúng sinh vọng ra. Đích thực đỉnh thiêng Yên Tử đã đến rồi, chùa Đồng ở kia chứ còn đâu! Ai cũng như hét lên trong lòng một cách sung sướng như thế. Sau gần 3h đồng hồ vượt qua 6km với hàng ngàn bậc đá treo leo giờ đây cái đích đã đến.


Đất, trời, mây, gió cùng con người như hòa quện vào nhau ở trên đỉnh núi Phật linh thiêng này. Những hạt mưa bụi bay tạt vào mặt, vào cơ thể mọi người, nhưng quanh chùa Đồng vẫn chật cứng. Người đi lễ trước vẫn cố bám trụ lại ngắm nghía cầu khấn, còn kẻ sau cố len chân tiến lên phía trước.


Họ cố để được xoa tay, xoa những đồng tiền lộc lên chùa Đồng linh thiêng. Những đồng tiền được xóa liên hồi, làm cho tường đồng đã hiện ra một một đỏ lấp lánh.



Chắp tay cầu khấn Đức Phật và Đất trời trong mây mù trắng xóa


Xa xa, vẫn còn những người đã đợi lâu mà chưa chen được tới. Họ chỉ còn cách đứng đó, trong mây mù chắp tay về bốn phương trời cầu khấn cho bản thân, gia đình và những gì tốt đẹp nhất cho xã hội.


Chưa bao giờ, tôi được nhìn thấy một lòng tín Phật tuyệt vời và diễn ra trong khung cảnh huyền ảo đến thế. Một đồng tiền công đức, một cái chắp tay lặng im trong mây gió để cầu khấn đã trở thành điều thiện. Nó là sự thành tâm có ý nghĩa rất lớn cho những ai dám thử thách mình để đến với đất Phật.


Một hành trình dài, cùng chặng đường leo núi gian nan với mỗi người có tâm, có Phật không đơn thuần chỉ là một chuyến đi lễ bái, du hý. Mà cao cả hơn, ý nghĩa trên hết đó là con người ta đã chiến thắng được bản thân, đã hòa mình được vào trời đất, vào Phật để lọc bỏ những cái ưu phiền, yếu đuối trong tâm hồn.


Và Yên Tử thực sự đẹp, thực sự linh thiêng với những ai biết đi để cảm nhận giá trị cuộc sống và có những ứng xử tôn giáo đúng mực.


Yên Tử cuối tháng giêng Kỷ Sửu 







Quang Đăng “Rất hay! Bài viết của Hương rất ấn tượng. Tôi cũng vừa đi Yên Tử về. Tôi rất thích bức ảnh thứ 3 và thứ 6 trong bài của bạn. Đoạn cuối leo lên đỉnh thiêng ở Yên Tử trong ngày mưa phùn đúng là gian nan, nguy hiểm thật.


Lúc đó dường như con người gần nhau hơn. Chẳng quen thân gì mà giờ đây họ vịn vai nhau, nắm tay nhau, cùng bước đi. Có những người trẻ tôi đã thấy còn sẵn sàng cõng và cho cụ già vịn vai, bá cổ mình để leo núi.


Còn hình ảnh mọi người khấn vái trong mây mù thì quả thực rất truyền cảm. Nó nói được nhiều điều, đặc biệt lòng thành tâm tín Phật rất đơn sơ giản dị như thế vẫn luôn luôn được đề cao khen ngợi trong mùa hành hương này.


Yên Tử dù rằng vẫn còn những vấn nạn tiêu cực, nhưng với những gì Hương viết tôi rất đồng lòng vì nét đẹp của Phật giáo, của Yên Tử và lòng thành kính của con người không bao giờ bị xóa nhòa. ” 


Đức Nhật “Bài viết của bạn là sự cảm nhận rất ấn tượng của người trong cuộc, và của tất cả những ai đã một lần đến với Yên Tử leo núi cao lễ phật vào mùa mưa xuân. Con đường đi với bao thử thách gian nan, lòng tín Phật chân thành sẽ là thứ rất tốt để mọi người biết trải lòng, biết sống tốt đẹp hơn cho bản thân, cho những người thân yêu xung quanh và cho xã hội chúng ta. ” 


Thuong Giang “Chua mot lan den Yen Tu, nhung doc bai viet minh thay nhu dang duoc song giua troi, may, nui cua Yen Tu vay. Bai viet ta canh lam minh muon mot lan duoc den day qua! Chuc tac gia nhan duoc nhieu binh chon nhe! ” 


Phạm Danh Giới “Cách đây hai năm tôi và các bạn cùng lớp cũng đã được lên Yên Tử. Quả thực chặng đường lên ấy (chùa đồng) vô cùng vất vả. Để lên được đến đó phải trải qua quãng đường leo dốc dài với nhiều cây cối, đất đá. Hai chân thì miết lên đá, còn hai tay bám vào bất cứ thứ gì có thể leo được, thành thử chúng tôi nói đùa với nhau “muốn lên được chùa đồng phải học cách đi bằng…bốn chân”.


Tuy vất vả, nhưng ai đã đến đây đều quyết tâm lên bằng được chùa đồng, nếu không lên được thì cảm thấy mình như mắc nợ điều gì đó mà chưa trả, trong lòng rất bứt dứt .


Tôi đã gặp cụ bà 80 tuổi vừa đi vừa niệm phật, cháu bé chỉ chừng 7, 8 tuổi nhưng cũng lon ton theo mẹ, có người trượt chân bị ngã song vẫn đứng dậy để đi tới. Dường như lòng tín Phật đã làm cho con người vượt qua giới hạn sức lực của bản thân. ” 


Văn Hải “Yên Tử mùa này đúng là đất trời mù mịt và huyền ảo. Điều mà bạn mong muốn đi để cảm nhận giá trị cuộc sống và những ứng xử với tôn giáo ( đạo Phật) đúng mực thì tôi nghĩ đó là mong muốn chung của rất nhiều người trong mùa hành hương này. Bài viết của bạn khá ấn tượng, chúc bạn thành công với cuộc thi này. “


Xem thêm: