Trang chủ Người thời nay ĐD Phạm Hoàng Nam: Sống đẹp đồng nghĩa với sống chậm

ĐD Phạm Hoàng Nam: Sống đẹp đồng nghĩa với sống chậm

63

Anh cũng từng đảm nhận những chương trình ca nhạc hay và đẹp, như Như một lời chia tay, Đêm thần thoại, Rơi lệ ru người…

Anh còn được biết tới trong vai trò một doanh nhân, cùng công ty chuyên sản xuất phim quảng cáo khá thành công. Gặp anh ở cà phê Serenata, nơi anh vừa hoàn tất những thước phim cuối cùng của bộ phim tài liệu về giáo sư Trần Văn Khê, và đang bắt tay vào chương trình âm nhạc Văn Cao – Phạm Duy – Trịnh Công Sơn “Từ tối đa đến tối giản”, trông anh như trẻ lại, đầy phấn khích trong những ý tưởng mới

Anh đã tìm thấy những điểm tương đồng nào giữa ba nhân vật đại thụ của âm nhạc Việt Nam, để hình thành nên ý tưởng “Từ tối đa đến tối giản”?

Thực ra, tôi đã ấp ủ từ lâu một cuộc trò chuyện bằng âm nhạc giữa Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. Văn Cao và Phạm Duy đã có một tình bạn gắn bó từ thời trai trẻ, cả ba đều có những tương đồng trong quan niệm về tình yêu, những trường ca đẹp như Sông Lô của Văn Cao, Con đường cái quan của Phạm Duy, Dã tràng ca của Trịnh Công Sơn… và những đoản ca xúc động được sáng tác từ thời còn rất trẻ. Họ sống cùng thời với nhau, chịu ảnh hưởng mạnh của nhạc Tây phương, nhưng tác phẩm lại rất Việt Nam. Điểm tương đồng đẹp nhất là cả ba đều rất yêu nước, yêu quê hương, yêu tiếng Việt.

Trong thời buổi điện ảnh, ca nhạc, sân khấu có một khoảng lặng quá lớn như thế này, anh có cảm thấy bất lực vì không chia sẻ được với khán giả?

Không chỉ buồn, mà còn lo lắng nữa. Tôi là người thích chiều sâu, nhưng bây giờ, những chương trình có chiều sâu quả là hơi xa xỉ. Xa xỉ cả về khán giả, nhà sản xuất, đề tài, nên chia sẻ là điều không dễ. Xã hội phân tán sự thưởng thức khiến người nghệ sĩ khó mà bán sản phẩm đích thực của mình. Chính vì vậy họ dễ chạy theo thị hiếu để tồn tại. Nếu im ắng do quy luật, mình có thể chờ, nhưng tôi nghĩ không phải do quy luật, mà do chẳng có ai định hướng, hoặc định hướng sai. Giáo dục cũng góp phần không nhỏ, bởi không ai dạy cho người ta sống đẹp, cảm thụ cái đẹp.

Vậy theo anh, cái thiếu nhất của đời sống nghệ thuật hiện nay là gì?

Trong lần làm phim về giáo sư Trần Văn Khê, ông nói rất nhiều đến việc giáo dục nghệ thuật đích thực cho con trẻ từ trong bụng mẹ. Cả đời ông miệt mài làm chuyện đó, và ông có vẻ rất đơn độc với “giáo thai”, vì cả thế giới đang bị sự can thiệp quá lớn của thương mại vào nghệ thuật. Người ta quan tâm đến tính hiệu quả của một chương trình nghệ thuật, hơn là tính hay, đẹp. Đồng tiền đang quyết định nghệ thuật. Vẫn biết miền Nam là thị trường tiêu thụ lớn, có cách thưởng thức nghệ thuật riêng, nhưng cái hay thực sự phải là cái toàn cầu công nhận.

Cái thiếu nhất của chúng ta là thiếu nhân tài. Năng khiếu thì có, mà nhân tài thì chưa. Giáo sư Trần Văn Khê ngoài tài năng bẩm sinh, ông được tiếp thu nền giáo dục phương Tây, lại chuẩn mực về đạo đức, tư cách trong nghệ thuật, và trải qua một quá trình dài khổ luyện mới thành người tài. Còn chúng ta làm cái gì cũng gấp, cũng nhanh, làm sao hay được. Mọi thứ phải chậm lại, mới có giá trị gì đó đọng lại trong người xem.

Theo anh, làm thế nào để sống đẹp, chơi đẹp?

Chúng ta không thể chơi những thứ không thuộc về mình. Trở lại với chính mình bắt đầu từ nguyên tắc của sự cân bằng. Mọi stress từ quan hệ, tâm lý, công việc, đều do mất cân bằng, kể cả sướng quá, giàu quá cũng bị stress. Sống đúng, sống đẹp, trước hết là sống cân bằng.

Muốn thế, phải hiểu và nghe được chính mình, sống thực với chính mình, mới hiểu được mọi người, mọi thứ mới hài hoà. Bản năng cộng với tri thức, văn hoá sẽ giúp ta hiểu được mình, để có thể sống thật, chơi thật, chơi một cách tự trọng, tôn trọng người khác. Mà đã là văn hóa thì cần phải có thời gian, nếu không, chỉ là đồ giả. Chơi thật trước tiên cần tri thức, sau đó mới là tiền, là thời gian, là đam mê. Chơi thật cũng là một cách học. Vì trong quá trình chơi, tri thức, văn hoá sẽ được nâng lên.

Nhưng cũng đã có một lúc nào đó anh góp phần tạo ra… đồ giả?

Đúng là truyền thông đã làm nghèo cách chơi của khán giả, trong đó tôi cũng đã góp phần và là nạn nhân. Tôi thấy rất xấu hổ, và đã kịp thời rút ra. Khi quyết định rời hãng phim nhà nước, trong tình hình điện ảnh đìu hiu, tôi rất muốn ủng hộ các hãng phim tư nhân, và đã tham gia cùng Lê Hoàng làm Gái nhảy.

Quả thật dòng phim này đã hâm nóng được thị trường. Nhưng với phim tiếp theo, tôi không thấy rung động nữa, không muốn chạy theo vì thấy nó không phải là mình. Tôi thực sự thức tỉnh, và âm nhạc đến với tôi như một cứu tinh. Tôi cảm thấy vẫn có đất cho mình thể hiện những sáng tạo độc lập.

Nói thế không có nghĩa là tôi rời xa điện ảnh. Điện ảnh vẫn là điều tôi tâm huyết nhất. Tôi liên tục có kịch bản, vấn đề là kịch bản hay, nhưng phải sản xuất được. Việt Nam chưa có công nghiệp điện ảnh, chỉ có những phim độc lập mới chia sẻ được điều mình muốn, mà làm phim độc lập thì phụ thuộc quá nhiều vào tài chính. May mắn là tôi đã kịp tạo cho mình một hậu phương vững để lo đời sống hàng ngày, tích luỹ kinh nghiệm, tài chính.

Anh có dị ứng nhiều không với những cách chơi… giả, nhất là của người lắm tiền? Nếu được chọn cách chơi, anh sẽ chọn gì?

Chuyện ăn, mặc, ở, đều thể hiện rõ cách chơi của mỗi người, rất cần sự sáng tạo, độc đáo, cá tính. Nhưng đa phần vẫn còn theo tâm lý đám đông, văn hoá đám đông, văn hoá hàng hiệu, “sô” ra bên ngoài cho người khác thấy, chứ không phải là làm cho mình thấy thoải mái thực sự, độc đáo thực sự. Trong kiến trúc cũng vậy, ít khi chúng ta nghe xem mình muốn gì với phòng ngủ, phòng tắm, mà chỉ lo thiết kế phòng khách hoành tráng, hoa mỹ.

Quá nhiều tiền đổ vào trang trí để khách đến xem khâm phục sự giàu có của người chủ, chứ không phải là khâm phục gu văn hoá. Tiền đôi khi là sự “tố cáo ngược”, càng giàu càng dễ lộ chân tướng. Trong quyết định mua sắm, nhiều người thường thích chọn xe to, đắt tiền, trong khi  đường sá ở ta còn nhỏ hẹp, chỗ đậu xe chật chội…

Nhìn những dòng người châu Á xếp hàng mua hàng hiệu trong các chuyến đi du lịch nước ngoài, tôi thầm đau xót. Văn hoá, nếu không được tiếp sức từ ngàn đời, chúng ta sẽ mất phương hướng trong cách chơi, cách sống.

Nếu được thảnh thơi, tôi sẽ chỉ làm về bảo tồn, bảo tàng. Tôi ước mơ gìn giữ được một ngôi làng cổ. Những vẻ đẹp xưa của chúng ta còn nhiều lắm, ở ngay trong cuộc sống hàng ngày đây thôi, quan trọng là chúng ta có nhìn ra, và có biết giữ gìn đúng cách.

Theo anh, vì sao những giá trị thực trong cuộc sống lại bị tan vỡ nhiều như trong thời buổi này?

Chúng ta đang bị mất cân bằng mọi thứ, từ niềm tin cuộc sống, tư duy, công việc. Trái đất không quay nhanh hơn, nhưng tất cả tồn tại trên nó thì đang quay với tốc độ chóng mặt, tạo thành một lực ma sát làm “bốc cháy” mọi giá trị. Cảm xúc đang bị đẩy xuống hàng thứ yếu, sự vô cảm mạnh tới mức cuốn theo tất cả những người còn đang do dự. Cái ác diễn ra một cách thản nhiên và ngây thơ. Bữa ăn gia đình đang dần mất đi, hàng quán ngoài đường thì mọc ra như nấm. Người ta ăn uống, chơi bời ngoài đường nhiều hơn, rất ít khi trẻ con được ngồi chung với bố mẹ trong một bữa cơm chiều. Những mối quan hệ cũng biến mất nhanh hơn, bạn ít, bè nhiều. Vòng đời của sản phẩm nghệ thuật cũng ngắn như các mối quan hệ. Người ta không nhớ nổi một bài hát, một bộ phim…

Càng ngày người ta càng ngồi với máy tính nhiều hơn, sống với thế giới ảo, vì không thể chia sẻ yêu thương với người khác. Cha mẹ cũng không chú ý giáo dục con như trước, ít thời gian dành cho con hơn, mà dùng tiền để giải quyết mọi thứ. Các phương tiện truyền thông cũng góp phần không nhỏ trong việc nhân cái xấu một cách nhanh chóng, thay vì lên án lại vô tình cổ xuý cho nó.

Làm thế nào để anh giữ được cân bằng?

Tôi tự mình kiểm soát được mọi thứ nhờ tâm tĩnh. Quan trọng nhất là giữ được cái gốc, đó là gia đình. Mình phải biết yêu gia đình, chăm sóc, hy sinh, vun vén hàng ngày, để ý đến từng chi tiết, không thể mặc kệ được. Gia đình chiếm một nửa thời gian của tôi. Gia đình gắn với mình cả đời, không thể thể nghiệm được. Hơn ai hết, tôi hiểu phần lớn những cái người ta theo đuổi không thực sự cần cho mình, mà vì người khác. Sự lo toan về tiền bạc hiện rõ trên khuôn mặt con người, nhưng thực sự cuộc sống cần vật chất không nhiều lắm.

Tinh thần quan trọng hơn, điều đó không dễ nhận ra. Tôi luôn giữ khoảng cách, tránh bị tác động trực tiếp bởi những quan hệ không cần thiết. Cực chẳng đã tôi mới phải ra phố, bạn bè thân thường rủ đến nhà. Tôi có rất ít bạn thân, nhưng là những người thú vị lắm. Bạn tôi, Võ Thiện Thanh, cũng là người theo chủ nghĩa gia đình, sống chậm, không xem tivi, chỉ đọc báo mạng.

Nỗ lực của mỗi cá nhân, để có thể góp phần thay đổi toàn xã hội?

Chỉ có gia đình mới là giềng mối quan trọng để gìn giữ những hệ giá trị đã bị lãng quên, để biết giá trị của riêng mình, gia đình mình, dân tộc mình. Hãy trở lại với đời sống bình thường, những điều rất cũ, trở lại những giá trị bản thân. Người ta cần nhiều thời gian hơn để sống, chứ không phải để chết, tại sao chúng ta cứ lao về phía trước?

Sống đẹp đồng nghĩa với sống chậm. Hạnh phúc chính là chấp nhận sự cân bằng. Hãy chấp nhận hoạ phúc như nhau, hãy là bầu trời, đừng là những đám mây, đó chính là tinh thần của yoga. Hiểu được như thế thì mọi điều đều đơn giản. Trong sự nghỉ ngơi, quan điểm của tôi là càng gần tự nhiên càng tốt. Tôi thích những loại cây mộc mạc, những vùng núi hoang dã. Khi gia đình có cuộc sống như vậy, trẻ con cũng là những “chiến sĩ bảo vệ môi trường”, biết yêu thiên nhiên, nâng niu cây cỏ, thương yêu thú vật…

Một việc cụ thể, dễ làm, và cần làm ngay?

Những người đàn ông hãy trở về nhà vào những bữa cơm chiều, và những người phụ nữ hãy vào bếp để nấu những món ăn của tình yêu thương cho chồng con, cho bạn bè, chứ đừng xây bếp đẹp chỉ để… ôsin nấu. Tôi tin chỉ cần như thế thôi thì sự giả dối đã giảm đi một nửa.

Xin cảm ơn anh.