Trang chủ Tin tức Đêm trắng tại chùa Bà Bình Dương

Đêm trắng tại chùa Bà Bình Dương

59

“Thác người” đổ về chùa Bà


Trên khắp các tuyến đường của phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một người từ tứ phương đổ về chùa Bà chật như nêm. Những bãi giữ xe gần chùa đều quá tải. Họ đến đây vừa để trả tiền đã mượn của bà về làm ăn trong năm trước, đồng thời mượn thêm tiền để làm ăn trong năm nay và cầu mong cho một năm mới với nhiều tài lộc mới.



Hàng triệu lượt người chen chân trong những ngày chính lễ

 


Khác với mọi năm, lễ hội chùa Bà năm nay lượng người tăng đột biến vào 3 ngày 13, 14 và 15 âm lịch. Theo ông Vương Vĩnh Thắng, Phó Ban tổ chức lễ hội: “Lượng khách tăng đột biến do những ngày hội chính rơi vào thứ bảy, chủ nhật. Mặt khác, đây là năm đầu tiên Khu du lịch Đại Nam mở cửa đón khách, nên một lượng người rất đông đi Đại Nam kết hợp trảy hội chùa Bà.”


 


Trong sân chùa, dòng người chen chúc nhau chật cứng, ai cũng muốn tự tay mình mang những nén nhang thành kính dâng lên Bà. BTC dù đã ra khuyến cáo mỗi người chỉ nên thắp một nén hương, đủ để bày tỏ cái tâm của mình đối với Bà, nhưng vẫn không tránh khỏi quá tải. Những nén nhang mới chỉ được cắm lên lư hương, dù chưa kịp cháy đã sớm bị mang xuống… nhúng nước.


 


Để lọt được vào chính điện không phải chuyện dễ với mọi người, không ai muốn chen lấn hay xô đẩy nhau, nhưng khi đã trót trôi vào giữa dòng người thì đã rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan.” Nhiều người không chịu nổi sức ép, sự ngột ngạt đã bị xỉu ngay trong khu vực điện thờ Bà.

 


Một phụ nữ không chịu nổi sức ép đã xỉu tại chỗ

 


Những du khách từ nơi xa đến dù đã sắm đủ mâm lớn nào heo quay, trái cây, xôi gà… nhưng trước dòng người chen chúc thì họ đành ngậm ngùi mang lễ trở ra, chờ ngày mai nếu có dịp sẽ tạ lễ với Bà sau.


 


Ông Dương Thanh Châu, người đến từ Ninh Kiều, Cần Thơ cho biết: “Tôi đi chùa Bà nhiều lần rồi, nhưng chưa thấy năm nào lượng người đông khủng khiếp như năm nay… Tôi đã có tuổi nên không dám chen vào chính điện mà chỉ đứng ngoài sân thắp nhang khấn Bà. Gia đình đã chuẩn bị sẵn mâm lễ mang đến nhưng không thể nào vào trong làm lễ được…”.


 


Đến 3 giờ sáng, nhưng lượng người vẫn còn đông, những người ở xa đến phần nhiều trở về nhà nghỉ hoặc khách sạn. Một số ít người còn lại tìm chỗ quanh chùa để ngả lưng và chợp mắt chờ khi sáng ra sẽ tiếp tục bước vào ngày lớn nhất của mùa hội.

 


Gần 4h sáng, hai mẹ con người phụ nữ này mới chuẩn bị chợp mắt ngay bên vỉa hè

 

Không ít phiền muộn


 


Đền chùa, nơi linh thiêng trong thế giới tâm linh của mỗi người. Tuy nhiên, vì quá ham những lợi nhuận kinh tế, một số người dân địa phương và nhiều kẻ gian đã lợi dụng ngày hội, đồng thời lợi dụng chính lòng tốt của những người hành hương khi đến chùa để “chặt chém” khách kiếm lời.


 


Lực lượng an ninh chưa đủ để đảm bảo trật tự cho chùa Bà. Mạnh ai nấy làm, những loại dịch vụ ăn theo hò nhau “chém” khách. Mua bán trao đổi trước cổng chùa toàn giá chợ trời “khách sang hét cao khách bèo hét ít” đó là tâm lý chung của những người bán hàng.


 


Thay vì nhường lối nơi cổng chùa cho khách vào thì những người bán hàng rong lại chen nhau vây kín. Khách muốn lọt được vào sân chùa phải trải qua một vòng dài vật nài, chèo kéo… Nhưng khi thấy bóng lực lượng an ninh thì họ ôm đồ bỏ chạy tạo nên một không khí hỗn loạn trước cổng chùa, làm mất tính uy nghiêm thanh tịnh nơi cử phật.


 


Khuôn mặt vẫn còn nhăn nhó sau khi móc ví lấy 220.000 đồng trả tiền mua một cây nhang lớn, một bộ áo Bà và mấy miếng trầu cau, chị Bích Hương đến từ Cái Bè, Tiền Giang than thở: “Họ bán mắc quá, nhưng những đồ thờ như thế này không lẽ mình lại đi mặc cả…”.

 


Kẻ gian cũng lợi dụng chỗ đông người để hành động. Mặc dù khoảng 2 phút BQL thông báo một lần việc đề phòng kẻ gian móc túi. Nhưng nhiều người chỉ vì chen chân vào thắp hương cho Bà đến khi quay ra mới phát hiện ví tiền của mình đã không cánh mà bay. 


 


Dịch vụ gửi xe cũng vào mùa bội thu. Mỗi chiếc xe máy sau khi gửi vào lấy ra phải “nộp” công giữ 10.000 đồng, xe tay ga 15.000 đồng các loại ô tô thì 25 đến 40.000 đồng. Vì khoản thu quá lớn trong ngày nên nhiều hộ kinh doanh đã tạm dẹp hàng chuyển sang giữ xe. Xe của khách chưa kịp trờ tới, ngay lập tức đã có 2 đến 3 người nhào ra kéo khách vào bãi của mình.


 


Ông Vương Vĩnh Thắng, trưởng bang Triều Châu, phó BTC lễ hội cho biết: “Chúng tôi chia làm hai khu vực an ninh. Phần trong cổng do nhà chùa quản lý, phần ngoài cổng do chính quyền địa phương quản lý. Vì vậy những việc xảy ra bên ngoài như buôn bán ép giá, lấn chiếm lòng lề đường, móc túi khách… không thuộc phạm vi và quyền hạn xử lý của nhà chùa.”


 


Về phía cơ quan chức năng ông Đỗ Minh Quang phó chủ tich UBND phường Phú Cường, kiêm phó BTC lễ hội cho biết: “Từ ngày mùng 5 tết chúng tôi tiến hành tăng cường lực lượng bảo vệ vòng ngoài, đã trục suất hơn 40 đối tượng “cái bang” giả dạng thầy tu khỏi khu vực chùa, bắt nhiều đối tượng móc túi…”.


 


Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người dân địa phương thì tình trạng mất an ninh trật tự trước cổng chùa đã tồn tại nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để. Nguyên nhân, theo họ là do thiếu sự liên kết chặt chẽ giữ nhà chùa và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng chưa mạnh tay xử lý đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sai mức giá quy định của pháp luật.


 


Anh Mạnh Cường, một người dân sống gần chùa cho biết: “Nhà chùa thuê vệ sĩ bảo vệ bên trong, bên ngoài là công an phường bảo vệ. Nhiều khi có sự cố nhưng việc ai người ấy làm, họ rất ít hỗ trợ lẫn nhau nên bọn xấu vẫn lợi dụng khe hở ấy để hoạt động…”