Trang chủ Quốc tế Đến Thái gặp Phật

Đến Thái gặp Phật

67

Nhẹ nhàng “mùa bất an”








Tượng Phật trên đỉnh toà nhà gỗ The Sanctuary of Truth


Cảnh vệ sân bay tận tình hướng dẫn cho “vị khách nửa đêm” sử dụng dịch vụ email công cộng để tra tìm tên khách sạn theo chương trình được mời chỉ vì sân bay quá rộng và nhiều lối ra nên không tìm thấy người của đoàn ra đón. Đang là mùa bất an nên những vị khách vừa xuống máy bay đều vội vàng ra khỏi sân bay và phần lớn chấp nhận đến bàn mua vé taxi dịch vụ sân bay chứ hạn chế đi “xe dù”. Nửa đêm, sân bay Suvaernabhumi như đôi cánh khổng lồ (xây dựng trong ba năm và mới đưa vào sử dụng năm ngoái, tần suất trong một phút đủ để một chuyến bay cất cánh và đón một chuyến hạ cánh) mang lấy những giấc ngủ tranh thủ của những hành khách quá cảnh và sự vội vàng của những vị khách lo lắng vì thông tin lộn xộn mấy hôm nay…


Dĩ nhiên, cảnh sát Thái Lan làm việc khá kỹ lưỡng và với thái độ vui vẻ. Luôn tạo cho du khách cảm giác nhẹ nhàng và an toàn, không có gì phải căng thẳng hay bất an thêm.


Phật khắp nơi


Người dân Thái, trong nghi thức chắp tay chào khách đã mang lấy một tinh thần ôn hoà hiếu khách, toát lên sự ôn nhu của đạo Phật. Trong dòng chảy đạo Phật tiểu thừa từ Sri Lanka qua Myanmar và chảy xuống Thái Lan từ non 10 thế kỷ trước cộng với một số luật tục thờ cúng mang dáng dấp nghi thức Bàlamôn quán xuyến đời sống tâm linh Thái một cách mạnh mẽ dù trong xã hội đương đại.


Với đường hướng du lịch tự do dịch vụ, sự sầm uất và phong phú “ngón chơi” từ những phố đi bộ, những sex tour khiến nhiều người nghĩ đến Thái chỉ để ăn chơi. Nhưng quả thật, đến Thái trong mùa bất an về an ninh chính trị như thế này, nhiều du khách chọn cho mình một lối hành hương có phần “khổ hạnh”: đến để gần Phật.


Trước những sảnh khách sạn lớn của Thái, trên những khu phố hiện đại, những đám đông tụ tập để thắp nhang lễ Phật. Hoa vạn thọ, hoa lài thơm ngát và nhang đèn được tết vòng bán trên những ngã ba các đại lộ du lịch Tanao, Marchit, Phloen Chit… để lễ Phật. Buổi chiều, trước khách sạn Erawan, từng là nơi nghỉ của Tổng thống G.Bush trong lần đến Thái gần đây, có tượng Phật bốn mặt dát vàng khói hương nghi ngút. Những đoàn khách đổ về mỗi lúc một đông, Yoshiya, một nữ du khách Nhật thuê nhóm nghi thức làm lễ cầu bình yên. Nghi thức là một bài hát lễ với một vũ điệu thành kính. Chi phí tuỳ hỷ.








Du khách chen chúc thắp hương viếng Phật ở tượng Phật vàng bốn mặt cạnh khách sạn Erawan


Trong khi đó, tượng Phật trên bậc nước của khu mua sắm sầm uất Central World, nhiều du khách đến vái Phật trước khi vào mua sắm. Nhân viên ở đây cũng như một số khu như Safari sẽ xin lỗi để soát hành lý du khách một cách vui vẻ vì sự bình yên chung. Du khách cũng dễ cảm nhận không khí hướng nội khi tham quan tượng dát vàng dài 42m ở chùa Phật Nằm gần cung điện Hoàng Gia, nhìn đoàn người xếp hàng lần lượt thả những đồng xu leng keng vào những chum đồng khất thực liên hồi như những thanh âm khẩn thiết xin bình yên.


Người Thái Lan sùng Phật và vị vua của họ như những thần tượng bất diệt. Khi đến Pattaya, chúng tôi bất ngờ khi tham quan ngôi nhà gỗ The Sanctuary of Truth của ông Lek Viriyapan, một doanh nhân lớn của Thái. Ngôi nhà rộng đến 2.115m 2 hoàn toàn bằng gỗ. Hàng trăm người thợ đã lao động 25 năm nay vẫn chưa hoàn chỉnh. Và có thể mãi mãi sẽ không hoàn thành. Ngôi nhà là một tác phẩm kiến trúc hoành tráng với hàng vài ngàn bức tượng.


Nụ cười Thái


Người Thái làm mọi điều để tin rằng, ở đâu có đức Phật, ở đó có sự bình tâm. Tâm bình thì thế giới bình. Những dịch vụ du lịch vì thế trong mùa bất an này vẫn “chạy đều”. Dịch vụ chuyên nghiệp vẫn biết cách lấy tiền trong túi mà không để cho du khách ngậm ngùi tiếc sau đó, từ bài massage Thái cho đến tấm ảnh chụp trong vườn thú Safari… cung cách và thái độ phục vụ tỉ mỉ, đầy trách nhiệm khiến cho Thái nâng tầm dịch vụ. Đó là một nghệ thuật.


Pinyo Sangkheaw, người đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan nói với chúng tôi: Hãy xem, người Thái vẫn nở nụ cười hiếu khách, thân thiện và tự tin để đón bạn bè khắp nơi về.