Trang chủ Văn hóa Dịch giả, nhà văn Nhật Chiêu: Chúng ta cần sống thật

Dịch giả, nhà văn Nhật Chiêu: Chúng ta cần sống thật

83

Dịch giả Kato đã không ngờ một người Việt lại tri âm, tri kỷ văn học Nhật đến vậy. Quả thật, với Nhật Chiêu, văn học Nhật đã ngấm vào máu. Những truyện ngắn ký tên Nhật Chiêu xuất hiện trên báo chí gần đây cũng thấy phảng phất phong vị văn chương Nhật.


* Trong hội thảo về văn học Nhật vừa qua, ông rút ra được những vấn đề gì, nhìn nhận gì, thưa ông?


– Một hội thảo ngắn, nhiệt tình, sôi nổi, cùng nhìn ra vấn đề hiện nay của văn học Nhật qua chính những tác phẩm (đến với độc giả Việt gần đây như Rừng Na Uy, Ông la hán ngồi…). Họ nói được người Nhật bây giờ sống trong một thế giới phẳng như thế nào. Chứ không còn là người Nhật mặc kimono, uống trà đạo.


* Nhìn vào văn học đương đại Việt Nam gần đây, với sự du nhập khá ấn tượng từ văn học Trung Quốc với trào lưu linglei, rồi văn học Nhật Bản, chúng ta học tập được điều gì?


– Văn học VN hiện nay vẫn còn lạc hậu so với hiện tại. Con người Việt trong tác phẩm ở thời nào đó chứ không phải thời này. Người ngoại quốc đến VN vẫn gặp người Việt công sở, vẫn gặp thanh niên Việt ôm hôn nhau ngoài đường, điều đó đã rất bình thường. Nhưng trong văn học, điện ảnh họ chỉ được giới thiệu những tác phẩm hướng tới thiểu số với những hình ảnh thôn quê, dân dã ngày xa xưa theo mô típ hương xa.


Có thể với người nước ngoài, một bộ phận sẽ có cảm tình, nhưng chúng ta cần sống thật, sống trong hiện tại, và giới thiệu, quảng bá đúng hình ảnh sống mới nhất. Không ai phản đối những đề tài thiểu số đó nhưng lấy những cái đó lấn với hiện nay thì thực sự không bình thường. Từ chìa khóa của văn học đương đại đơn giản lắm: “bây giờ”. Ta cứ chăm chăm thể hiện cái thời nào đó, chăm chăm thể hiện những cái gì đó đặc sắc mà… phải kiếm tìm thì thất bại.


* Vậy theo ông, do đâu có sự lạc hậu này?


– Văn chương bây giờ nên hướng đến những đề tài muôn thuở như tình yêu, cái chết… Cứ viết tự nhiên, bản sắc của nền văn hóa dân tộc sẽ tự nhiên lộ ra, không nên săm soi đặc biệt. Do chúng ta cứ cố ý kiếm tìm, cố ý bôi vẽ, nhầm tưởng đó là thành công, nhưng lại thất bại. Không phải cứ là con trâu, nước mắm, xe xích lô mới là VN. Thực ra đó là lạc hậu, chứ không phải là dân tộc. Thậm chí, mình còn cho Nho giáo là dân tộc. Mình quên mất rằng, thời Hùng Vương, trước khi Nho giáo vào VN, trước khi có chữ “tòng” áp vào người phụ nữ, tình yêu Tiên Dung – Chử Đồng Tử quá hiện đại và rất đẹp!


* Một số nhà văn trẻ hiện nay đã có những hướng đi theo tiêu chí ấy. Nhưng sex và đời sống hiện đại, phá cách trong thơ văn trẻ của chúng ta tại sao khó được chấp nhận như những nước Á Đông khác?


– Các bạn trẻ đã nhập cuộc. Nhiều người cho rằng giới trẻ “quậy” quá. Nhưng tôi chỉ mong họ mạnh dạn hơn để thể hiện hiện đại hơn. Nếu có những thử nghiệm thất bại thì cũng không nên bài xích mà coi đó là sự bình thường. Tuy nhiên, nhà văn trẻ cần xác định, so với đại chúng, nhà văn phải đứng trên một tầm văn hóa cao để viết.


Murakami viết những cuộc làm tình có thể dễ dị ứng với người Á Đông, nhưng tác giả có cái tầm, không nhìn tự nhiên dung tục, mà nhìn với tầm cao nên những chuyện đồng tính, tình dục vẫn đẹp vì ông viết bằng cái Đẹp, hướng về cái Đẹp chứ không hề cố tình phá phách, cố tình dung tục. Viết chân thật có văn hóa thì bất cứ chuyện gì cũng có thể viết đẹp. Tiếc là một số những cây bút trẻ Việt Nam lại lạc hướng vào sự dung tục nhiều hơn cái nhìn văn hóa về đời sống.


* Ông sáng tác truyện Người ăn gió và quả chuông bay đi phải chăng để hướng tới cái Đẹp, hay ông muốn chứng tỏ nhà nghiên cứu vẫn có thể có sáng tác hay?


– Bè bạn văn nghệ có những lời khen dành cho tác phẩm mới này của tôi. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ chắc vì mọi người… quý mến mà khen quá. Điều này khiến tôi lo ngại. Nhưng là dịch giả, nhà nghiên cứu mà viết truyện đọc… cũng được là thêm một phần hạnh phúc. Bạn bè vẫn gọi tôi là “nhà văn trẻ” vì bây giờ mới xuất hiện với tư cách người sáng tác. Và hướng tới cái Đẹp, vẫn là tiêu chí mà tôi tin dù viết gì cũng không hề nhảm!