Hình tượng Thích Ca Mâu Ni là một nhân vật cực kỳ vĩ đại. Do đó cực kỳ khó cho đạo diễn khi chọn diễn viên, và diễn viên cũng cực kỳ khó nhập vai. Một vai diễn không nhiều hành động, không có tính hấp dẫn thế tục.
Đức Phật có 32 tướng tốt và 40 vẻ đẹp. Diễn viên Gagan Malik may mắn được trời phú cho sở hữu một hình thể quá hoàn hảo, đó là lý do anh đã vượt qua trên 300 người được tuyển chọn vào vai Thái tử Tất Đạt Đa.
Muốn hoá thân vào vai Đức Phật, trước tiên anh phải là một Phật tử, ăn chay, thiền định, buông bỏ mọi ham muốn tiền – tài. Gagan Malik đã tu luyện suốt 6 năm trời để tu thân và luyện tâm, thiền hành chân đất trầy da, côn trùng cắn.
Giai đoạn Tất Đạt Đa giã từ vua cha, hoàng huynh, vợ và con rời khỏi hoàng cung để khất thực, ép xác tu hành khổ hạnh, Gagan Malik đã phải thực hiện chế độ ăn làm sao vừa giữ sức khỏe vừa có hình thể của người sức kiệt, anh đã sút đi 7 ký thịt.
Đến khi giai đoạn phim Tất Đạt Đa đạt thành Chánh đẳng Chánh giác, Gagan Malik lại phải thực hiện chế độ ăn uống làm sao lên 10 ký. Văn hóa thường phục của Thái tử Tất Đạt Đa cách nay 2600 năm chủ yếu là xà rông cuốn nửa thân hình từ hông xuống, vai trái là một vuông vải vắt tréo, còn lại là thân để trần. Phải làm sao có được hình thể khỏe mạnh, đẹp nhưng không toát lên ngôn ngữ phàm tục từ da thịt.
Qua 6 năm buông bỏ mọi ham cầu, tham dục, sân si ngoài đời, anh mắt của Gagan Malik đã trở thành ánh mắt từ bi của Đức Phật. Nhờ tu thiền nên Gagan Malik đã có nét mặt đức độ của Chư Phật, nhờ nhiều năm hành thiền Gagan Malik đã có những bước đi chánh niệm, nhờ buông bỏ phàm tục Gagan Malik đã có một dung mạo khoan dung của đấng từ tâm vô lượng.
Vô vàn các nhân vật Thái tử trong các tác phẩm nghệ thuật đều diễn ra với các cảnh tranh luận bất hòa, những cuộc đọ đao gươm đẫm máu giữa rừng xác chết. Những cảnh yêu đương, ly biệt éo le, những lời thống thiết đầm đìa nước mắt, Một diên viên chỉ cần vận dụng kỹ thuật diễn là được gọi là… thành công. Nhưng với vai diễn này của Gagan Malik, từng cảnh diễn thể hiện vai Tất Đạt Đa buộc người xem lặng người chú ý từng chi tiết rất nhỏ của anh trong diễn suất.
Khi Thái tử Tất Đạt Đa cùng Nan Đà ra ngoài thành, thấy một ông già bệnh tật đang cố giấu mặt vào trong nhưng không tránh khỏi cặp mắt quan sát của Thái tử. Hóa ra là cha của Nan Đà. Khóe mắt của Tất Đạt Đa mọng nước mắt, không tuôn tràn giàn giụa nhưng chan chứa lòng từ bi vừa có ý trách người bạn đã cố giấu Thái tử về bệnh tật của cha mình vừa thể hiện trách nhiệm của mình trước nghịch cảnh trớ trêu. Hoặc trong cảnh Thái tử từ giã vợ trước lúc lên đường đi tìm chân lý mới cho cuộc sống của nhân loại, ống kính đặc tả rất lâu ánh mắt, sắc thái của Thái tử, Gagan Malik đã biểu hiện đầy đủ ngôn ngữ nội tâm rất giá trị về nghệ thuật diễn điện ảnh trước ống kính.
Trước khi đạo diễn Sama Weeraman quyết định chọn Gagan Malik vào vai Thái tử Tất Đạt Đa, ông hỏi anh: “Có uống rượu không? Có ăn chay không?” Gagan Malik ngạc nhiên nói: “Tôi là diễn viên đã gần 10 năm, chưa ai hỏi về sinh hoạt cá nhân của tôi bao giờ?”. Sau khi nghe đạo diễn nói muốn mời anh đóng vai Đức Phật thì Gagan Malik mới cười vỡ lẽ, sau này nghĩ lại vẫn buồn cười. Thực tế cho thấy, nếu người thường uống rượu ánh mắt luôn ướt mèm, ánh mắt dung chứa phàm tục, da mặt nám, thần sắc không biểu lộ rõ trí tuệ, trí nhớ kém diễn suất không đạt chất lượng, nếu thiền định sẽ bị phân tâm. Đó là lý do đạo diễn đã hỏi Gagan Malik như vậy.
Nhiều người thắc mắc anh là một diễn viên hạng sao của Ấn Độ, tiền tài danh vọng trong tầm tay mà có thể dễ dàng bỏ lại sau lưng để đón nhận vai điện ảnh vừa khó diễn vừa mất nhiều thời gian, không có hợp đồng kinh tế diễn suất. Gagan Malik nói: “Tôi là diễn viên điện ảnh bắc Ấn cũng là một ca sĩ, trước đây tôi luôn luôn quan tâm đến tiền và danh vọng, nhưng từ khi tôi được chọn vào vai Đức Phật, tôi đã không còn tham, sân, si nữa. Thái tử Tất Đạt Đa đã hy sinh ngôi báu vua cha cho thừa kế, bỏ lâu đài, vàng ngọc, châu báu, vợ con là vì cái gì? Nếu không vì chúng ta ? Tại sao chúng ta không thể học tập Ngài để sống tốt hơn? Đó là lựa chọn của tôi. Bộ phim Sri Siddhartha Gautama (Cồ Đàm – họ thích Ca) đã thực sự cho tôi được chạm vào sự tinh khiết của Đức Phật, Ngài đã giáo hóa tôi, một người chẳng hiểu gì về Phật giáo, nay đã trở một Phật tử thuận thành.”
Gagan Malik “bật mí”, cái tên của anh đang có là do bà ngoại đã đặt “Gagan” có nghĩa là “bầu trời”. Trưởng thành, anh kết hôn với một nữ sinh cùng trường, hai người sống rất hạnh phúc. Có lẽ vì thế nên khán giả cho rằng anh sinh ra là để dành cho hóa thân vào vai Đức Phật, từ ngoại hình, gương mặt, ánh mắt, khóe môi, hàm răng, mái tóc, vầng trán, chân, tay đều hoàn hảo.
Khán giả của Gagan Malik giờ đây đã thấy anh thay đổi cá tính, bớt “ngầu” hơn trước. Hình ảnh một Gagan Malik luôn thanh thản, tự tại như một vị Phật trước các “fan” đã khiến cho họ hâm mộ anh hơn, không đơn giản là vì Gagan Malik đẹp mà sự thành công mỹ mãn của anh qua vai diễn Thái tử Tất Đạt Đa về nghệ thuật diễn suất, giá trị hơn cả là cái tâm của anh khi chuẩn bị cho vai diễn này công phu như thế nào.