Trang chủ Tuổi trẻ Điều kỳ diệu của bộ quần áo mầu Lam

Điều kỳ diệu của bộ quần áo mầu Lam

75

Một kỳ nghỉ ba ngày rất hiếm hoi với tôi sau những tháng ngày miệt mài với công việc. Tôi  quyết tâm đi chơi một chuyến xa với hai mục đích : một là đến Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên để cúng dường Trai Tăng nhân dịp gần bốn chín ngày cho cha tôi, thời gian dự kiến khoảng một đến hai giờ còn lại thì đi khu du lịch Tam Đảo với lý do để hưởng cái mát mẻ  của mùa hè. 

Sau hơn sáu mươi km chạy xe máy từ Hà Nội đi Tam Đảo và leo bộ gần trăm bậc tam cấp tôi đến được cổng Thiền Viện Trúc Lâm. Tôi tìm đến được phòng khách thì đã là giờ dùng cơm trưa của nhà chùa.

Phòng khách không có ai, tôi ngồi xuống ghế quay mặt ra cửa bất chợt mắt tôi bắt gặp một cảnh tượng làm cho tôi thấy tò mò và thích thú. Chẳng là từ phòng khách này là lầu hai lại nằm trên đồi, vì vậy ngồi ở đây có thể nhìn  thấy con dốc phía dưới.

Đi đầu là một đoàn nhà sư mặc áo vàng tay ôm bình bát, xếp hàng một đi từ nhà ăn đi ra, lúc đầu tôi cứ nghĩ chỉ có các Tăng, Ni và các Phật tử lớn tuổi thôi thì có lẽ cũng không lấy gì làm thích thú và ngạc nhiên lắm. Nhưng kìa, sau chư Tăng, Ni là gần chục chú bé nhỏ xíu (từ trên cao nhìn xuống và cách xa cũng tới hai ba trăm mét) đang dẫn đầu một đoàn phật tử Nam thanh thiếu nhi đi sau cùng là các Phật tử Nữ, trè, già có cả.

Họ đi hàng một trong im lặng, dưới cái nắng  khoảng gần mười hai giờ trưa  của tháng  sáu âm lịch. Tôi cứ mải mê ngắm nhìn dòng người lặng lẽ đi  kia thì bất chợt một sư thầy đi vào, sau việc chào hỏi và tờ lịch tu tập trên tay, tôi quyết định làm thủ tục nhập tập tu ba ngày  tại đây mà không đi khu du lịch nữa.

Tôi quyết định ở lại vì không phải “vui đâu chầu đấy” mà vì trí tò mò của tôi đối với gần trăm phật tử thanh thiếu nhi trên mình khoác bộ quần áo mầu Lam kia.

Các chú bé này dậy làm sao từ ba giờ sáng nhỉ? Ăn lại chỉ có hai bữa chính, chiều gần như chỉ ăn chút xíu (nếu trong nhà ăn còn thức ăn buổi trưa để lại)?

Làm sao các chú bé này tự động rửa được các bình bát kia? Làm sao mà các phật tử nhí này mà ngồi thiền cả tiếng đồng hồ? Làm sao mà các phật tử nhí này ăn chay nhỉ, lại ăn chay một trăm phần trăm.

Vì ở khu biệt lập này, nếu có phật tử nhí nào có tiền cũng không mua được cái gì cả, huống chi là  khi đã đăng ký tập tu là tất cả các Phật tử không được giữ tiền và điện thoại di động?

Làm sao mà các phật tử nhí này ngồi hàng mấy tiếng mà nghe giảng Phật pháp? Ôi lại còn có cả học tiếng hán nữa chứ?  Chín giờ tối thì đi ngủ, không ti vi, không Internet?

Bộ quần áo mầu Lam có phép mầu gì ? mà nó làm cho con  người ta thay đổi nhanh đến vậy?

Ba giờ chiều thì tôi có mặt tại lớp học chữ Hán do đích thân thầy trụ trì giảng dạy. Vì chưa quen với những sinh hoạt ở đây nên tôi đến sát giờ giảng. Khi đã lựa chọn song chỗ ngồi, tôi  mới nhìn ra trước bàn tôi ngồi  là ba chú bé ngộ nghĩnh tuổi bé nhất khoảng bốn tuổi và chú lớn nhất khoảng sáu tuổi, bên cạnh và sau lưng là các phật tử có độ tuổi khoảng tám đến hai mươi tuổi cả Nam và Nữ. Phía bên dãy bàn kia là các sư Tăng và Ni.

Vì đã có chủ ý từ trước tôi đến lớp học này để đi tìm cho câu trả lời các dấu hỏi kia chứ không phải đi học chữ Hán. Vì vậy mà tôi cứ xoay bên nọ ngó bên kia quan sát xem các phật tử nhí này học hành ra sao.

Một lớp học có nhiều lứa tuồi, thành phần, trình độ  văn hoá khác nhau  nhưng ai cũng im lặng nghe thầy giảng. Tôi cố gắng ghi nhận tất cả hình ảnh này vào bộ nhớ và cất đi.

Năm giờ chiều tất cả khoảng hơn bốn trăm người tập trung về chánh điện tụng kinh sám hối. Phía dãy bên phải là các phật tử Nam, bên trái là Phật tử Nữ, giữa là các Tăng, Ni. Mặc dù là giờ tụng kinh, nhưng không sao tôi tập trung được chỉ bởi vì  hàng trăm khuôn mặt các phật tử nhí Nam đang thu hút trí tò mò của tôi, cũng đang quì gối tay cầm cuốn kinh sám hối với một khuôn mặt thành tâm, kính cẩn giống y như một Phật tử thuận thành, hay một chú tiểu đã ở chùa lâu lắm rồi thì phải.

Bảy giờ tối riêng các phật tử được tự do lựa chọn, người đi nghe giảng phật pháp, người đi ngồi thiền, ai mệt thì  nghỉ ở trong phòng. Tôi cũng nghĩ chắc các phật tử trẻ thì chúng ở nhà hay ngủ nhưng không, phòng nghe giảng phật pháp chật ních người mặc dù nó rất rộng lớn mà đi đầy đủ nghe lại là bọn trẻ  cả nam và nữ.

Giá mà ở lớp học văn hoá mà chúng cũng im lặng chăm chú lắng nghe như thế này nhỉ.

Chín giờ tối tất cả đều phải đi ngủ để ba giờ sáng hôm sau  phải dậy.

Ba giờ sáng tiếng chống ở đồi trên vọng lại thế là không ai bảo ai tất cả đều thức dậy để làm vệ sinh cá nhân. Ba giờ mười năm phút các phật tử cùng các Tăng, Ni có mặt tại chánh điện và nhà tổ để ngồi thiền (Nam ngồi thiền riêng ở nhà thờ Tổ và Nữ ngồi thiền riêng ở chánh điện).

Tôi không thể có mặt ở bên thiền Nam vì vậy không biết được các chú bé kia ngồi thiền thì sẽ có khuôn mặt ra sao nhỉ, tôi ngồi nhắm mắt nhưng lại cứ thấy hình ảnh các khuôn mặt trẻ thơ, thánh thiện kia cũng đang ngồi nhắm mắt? Hay chúng nó có ngủ gật ngã năn ra không nhỉ? Chúng có xuống ngồi thiền được hết hay chúng  còn đang ngủ nhỉ?

Không gian yên lặng đến khó tin, bạn có thể nghe được cả tiếng rơi của chiếc lá khô ngoài sân, tiếng bước chân rón rén của một ai đó đi trễ, cách đó đến vài chục mét, nghe rõ cả tiếng động của ai đó đang đổi lại tư thế ngồi. Đúng là rất khó cho những ai mới lần đầu ngồi thiền, buổi thiền sớm kết thúc sau đó một tiếng.

Bữa ăn sáng và trưa mới làm tôi tò mò hơn cả, tôi hình dung ra  bữa ăn sẽ mất trật tự thế nào khi mà cả khoảng vài trăm người vào cùng một lúc trong cái nhà ăn rộng lớn này, nhất là cái bọn nhóc háu đói kia, ôi có lẽ chúng sẽ vừa ăn vừa quậy phá cỡ nào…

Nhưng không, không phải như tôi nghĩ, gần bốn trăm con người kia đi vào nhà ăn cũng như khi ăn song đi ra như tôi đã nhìn thấy. Mặc dù là thức ăn để dạng  như kiểu ăn Buffet. Không một ai lấy thừa thức ăn, không ai tranh dành lấy trước, không một tiếng động, lấy song thức ăn tất cả ngồi vào bàn, mặc dù không có ai nhắc nhở nhưng tất cả không một ai ăn trước.

Sau khi niệm Phật khoảng mươi phút thì bữa ăn bắt đầu. Tất cả đều ăn trong im lặng, không một tiếng nói chuyện, có thể nghe rõ cả tiếng muỗng rơi từ tít đầu bàn cách đó khoảng vài chục mét cũng nghe rõ như đang rơi ở ngay cạnh.

Ngoài việc ăn trong im lặng còn ăn trong tư thế ngồi nghiêm túc, không ngó ngang dọc, trước sau. Còn tôi thì miệng ăn nhưng mắt vẫn quan sát dãy bàn trước mặt vì đó là dãy bàn của đám phật tử nhí Nam. Tôi tò mò xem chúng ăn chay có ngon không, chúng có ăn hết khẩu phần mà chúng lấy không, chúng có vừa ăn vừa quậy không?

Giờ thì tôi nhìn gần rõ mặt từng đứa, đứa thì có cái đầu cắt cái tóc kiểu giống mấy cầu thủ bóng đá, đứa lại có kiểu tóc như ca sĩ, đứa lại có kiểu tóc đầu đinh…  Ai có biết được mấy chục đứa này toàn là con nhà giầu, có đứa ở nhà trong bữa ăn mà không có đùi gà rán là chúng  không thèm ăn cơm. Có đứa được cha mẹ gửi đến đây để cai nghiện Game, có đứa thì vì quậy quá, có đứa  đi  theo cha mẹ nhân dịp nghỉ hè… Có đứa là sinh viên năm nhất .

Cái miệng đứa nào ăn cũng ngon lành, ôi thật là  kỳ lạ  mà đâu phải là một hai ngày đâu, đứa đã đến đây được năm ngày, đứa thì bảy ngày, đứa thì hai mươi ngày. Có đứa thì ngày mai đã về.

Ăn sáng song là giờ lao động, các nam, nữ thanh niên được chia nhau từng tốp leo núi, tốp thì đi cắt rau muống, rau khoai mang về cho nhà ăn, tốp đi xúc đất đổ vào các khe đá để trồng khoai lang …

Nhìn các em làm việc tôi không thể hình dung được rằng  mới hôm nào thôi những chú bé, cô bé này ở nhà có khi ngủ dậy cũng không thèm gấp cả mùng, mềm, ăn song không thèm cả rửa chén bát, có em còn có khi được mẹ ngồi bón cơm cho ăn nữa ấy chứ (vì tôi có hai đứa cháu học lớp lăm rồi mà có lúc mẹ chúng còn diệu vợi ngồi bón cơm cho ăn, chưa biết cầm cây lau nhà nữa), vậy mà nhìn mồ hôi đang ướt đẫm lưng áo các em kìa, sao mà đáng yêu thế, mặc dù nhìn các em làm việc thì không có hiệu quả là mấy, vì có em cầm con dao cũng  lóng cóng, thay vì cầm nhiều ngọn rau để cắt, một lúc các em lại nhón hai  ngón tay cầm từng ngọn rau cắt, cắt bao nhiêu lâu mới được có chút xíu.

Bên Nam thì cũng không khá gì cả nhìn chúng đi xúc đất ở khe núi đá mà buồn cười quá đi.

Nhưng sao tôi cứ thích thú ngắm các em làm việc đền thế  và nhìn khuôn mặt các em mà xem mồ hôi nhễ nhại, mặt thì như lọ nem, chúng bôi cả đất lên mặt, chúng thích thú như chưa bao giờ chúng được làm ấy mà bên cạnh nào có cha, mẹ, thầy, cô giáo nào đâu.

Ôi tất cả là các thanh thiếu nhi Hà thành dân thành thị chính cống đấy.

Tối thứ bảy mới kỳ lạ nữa chứ, theo lịch thì tối thứ bảy thì có thêm phần giải trí được xem phim, tôi cứ nghĩ là tối nay chắc các Phật tử nhí này đi xem phim hết, nhưng khi đi qua  phòng phim thì chỉ có vài đứa còn lại chúng đi đâu nhỉ? 

Đang nghĩ và đặt câu hỏi như vậy  thì chân cũng bước tới khu giảng đường thì ôi chao chúng đi nghe giảng Phật pháp, thật kỳ lạ sao chúng lại không thích xem phim? Vì hôm nay là thứ bảy nhà chùa cho phép mà .

Chúng ngồi trong tĩnh lặng và mở đôi mắt trong sáng  nghe thầy  giảng Phật pháp.  Nhìn những khuôn mặt này, tôi cứ tự tin rằng sau những ngày các em ở chùa về các em nhất định sẽ là những người sống có trách nhiệm trước hết với bản thân mình.   

Không có ai  điểm danh, không có thầy, cô cho điểm, không ai la mắng, hù dọa vậy mà sao các em lại  thay đổi nhiều đến thế? Hết ba ngày tôi trở về  với bao câu hỏi mà khó có thể giải thích được chỉ buộc miệng thốt lên hai từ diệu kỳ, thật diệu kỳ.

Màu áo lam mặc trên người các Phật tử bất đắc dĩ này cứ lung linh mãi trong tôi với những đôi mắt và nụ cười trong veo, rạng rỡ.

Sài Gòn – tháng 8 năm 2011
Giác Hạnh Hoa