Trang chủ Đời sống Chuyện đời - Ý đạo Đồng tiền với mạng người

Đồng tiền với mạng người

53

Ngày xưa, tại nước Tu Hoà Đa, có vị quốc vương tên Tát Đa Phù. Một hôm, vua ra ngoài đi săn, tình cờ gặp một tháp Phật, bèn lấy ra năm xu cúng dường. Lúc đó, có một người đi ngang qua trông thấy bèn vỗ tay ca ngợi:


– Lành thay! Lành thay!


Vua nghe khen chẳng những không vui mà còn giận dữ, hạ lệnh bắt hắn.


Nhà vua nghiêm khắc hỏi anh chàng cắc cớ thốt lời khen ngợi kia:


– Này, có phải là ngươi thấy ta chỉ bố thí có năm xu nên vỗ tay cười mỉa hay là vì một nguyên do gì khác?


Anh ta trả lời:


– Nếu bệ hạ hứa tha chết, thì kẻ hèn này mới dám nói.


Nhà vua hứa:


– Được rồi, những điều ngươi nói ra hôm nay ta đều miễn tội chết.


Anh ta liền vập đầu lạy tạ, rồi bắt đầu kể:


– Mấy năm trước đây, tôi là một tên cướp dữ dằn. Một lần nọ, tôi chặn đường một người, bắt hắn phải giao nộp tất cả của cải. Nạn nhân ngoài túi hành lý quần áo ra chẳng có gì cả, nhưng chẳng hiểu sao bàn tay hắn cứ nắm chặt. Tôi nghĩ, trong tay hắn chắc hẳn phải có gì quý giá lắm đây nên không chịu buông ra. Tôi bèn đe doạ, hết bằng lời đến dùng dao kề cổ uy hiếp, vậy mà hắn vẫn không chịu khuất phục. Cuối cùng tôi đành đánh hắn đến bất tỉnh. Nhưng khi lật tay hắn ra, chỉ vỏn vẹn một đồng tiền nhỏ. Tôi cảm thấy hết sức thất vọng và khó hiểu. Tại sao lại có người thà bị đánh đến chết ngất, có thể mất mạng chứ không chịu mất của, nhất là khi chỉ có một đồng xu? Nếu vậy quả cuộc đời thật đáng buồn…


Sau đó tôi từ bỏ nghề cướp và mỗi lần thấy ai bố thí, bất luận sang hèn tôi đều ngợi ca. Vì dù sao thì người ấy cũng không quá coi trọng đồng tiền, đó là con người có trí tuệ vậy.


Vua nghe thế, tha tội chết cho hắn.


(Kể theo Đại Trang Nghiêm kinh luận, quyển 6)


Bài học đạo lý:


Tiền bạc, tài sản là do mồ hôi nước mắt của bản thân mình làm ra, cho nên ai cũng trân trọng, giữ gìn, nhất là những người dân chân lấm tay bùn, làm thuê cuốc mướn để có cái ăn, cái mặc, đồng tiền đối với họ thật là đáng quý. Trừ những kẻ dư dật, thừa mứa hoặc có nguồn thu phi pháp, không cần phải đổ mồ hôi nước mắt, công sức và trí tuệ thì mới “ném tiền qua cửa sổ” không tiếc.


Tuy vậy, tiền của không phải là tất cả. Nó không thể tạo ra mạng sống! Cho nên, tham tiền của mà đến nỗi phải mất mạng là một điều hết sức phi lý, đạo Phật gọi là vô minh. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy có những trường hợp con người ta vì tiền mà bất chấp đạo lý, không kể cha mẹ, anh em, bạn bè, người thân, coi thường kỷ cương phép nước … đến nỗi đánh mất nhân tính, trở thành kẻ sát nhân, rơi vào vòng tù tội.


Làm ra được đồng tiền là khó, mà xả bỏ đồng tiền đó, cho dù chỉ là đồng xu cắc bạc, lại càng khó hơn! Cho nên, đối với những người dám bỏ của cải vật chất và tiền bạc ra làm việc từ thiện, bố thí, cúng dường, phải nói là người cao thượng, đáng được biểu dương, tán thán.


Đạo Phật có sáu phương cách để đi đến bến bờ giải thoát, Niết bàn (Lục độ Ba la mật) thì bố thí đứng đầu: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Trong bốn pháp thu nhiếp lòng người (Tứ nhiếp pháp), bố thí cũng đứng đầu: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Để đạt được giác ngộ giải thoát, hành giả không những chỉ bố thí tài sản vật chất mà còn bố thí cả công sức, trí tuệ và thậm chí cả thân mạng mình nữa.


Bố thí là cái nhân cắt đứt sự nghèo khổ, thiếu thốn, bần cùng. Khi một người biết bố thí, cúng dường thanh tịnh, là dấu hiệu cho thấy người đó đã bắt đầu biết xả kỷ, vị tha, hướng đến vô ngã, vô ngã sở và có sự tiến triển trên con đường đi đến bến bờ hạnh phúc. Vì thế, Phật giáo luôn khuyến khích người Phật tử xây dựng cuộc sống bằng nghề nghiệp chân chánh, đồng thời giáo dục cho mọi người biết sử dụng thành quả lao động của mình có lợi ích cho bản thân và xã hội, nhất là tâm thí xả, sống vì mọi người, luôn mở rộng bàn tay, thương nghèo, cứu khó.