Trang chủ Văn hóa Du khách “thích” vẽ lên cổ bảo vật chùa Thiên Mụ

Du khách “thích” vẽ lên cổ bảo vật chùa Thiên Mụ

59

Tọa lạc cách TP Huế 6km về phía Tây, sát bên tả ngạn sông Hương thơ mộng, chùa Thiên Mụ là một trong những điểm di tích nổi tiếng của xứ Huế.


Nơi đây thu hút du khách thập phương bởi không chỉ chùa nằm ở một vị trí “sơn thủy hữu tình”, bởi một bề dày lịch sử và một kiểu kiến trúc đẹp mà còn bởi những cổ vật, bảo vật hiện đang được lưu giữ và trưng bày như: Đại Hồng Chuông và bia đá thời chúa Nguyễn; chuông và trống cổ thời Gia Long; hai tấm bia thời Thiệu Trị…



Trải qua bao biến thiên của lịch sử, chiến tranh và những khắc nghiệt của thời tiết, thời gian, những cổ vật, bảo vật này vẫn giữ được diện mạo ban đầu. Nhưng giờ lại đang bị hủy hoại trong chính bàn tay của những con người vô ý thức bởi những hành động không phải là chuyện mới: viết, vẽ bậy vào các cổ vật, bảo vật. Thủ phạm ở đây là đông đảo du khách và các học sinh, sinh viên đến Chùa học bài, ôn bài với các dụng cụ sẵn có trong tay như: bút bi, bút xóa, kéo… và cả chìa khóa xe đạp, xe máy.


Tham quan Chùa Thiên Mụ, từ cổng đi vào, du khách sẽ gặp hai Lục giác đình đặt hai cổ vật là Đại Hồng Chuông và Rùa đội bia đá thời chúa Nguyễn.


Chuông Đại Hồng được Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc vào năm Canh Dần 1710, nặng 3.825 cân xưa. Đây là chuông lớn nhất Huế, đồng thời là một tác phẩm mỹ thuật quý giá của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam thế kỷ XVIII.


Trải qua thời gian được trưng bày ở Lục giác đình phía Tây này, bên cạnh những dòng chữ Hán được các nghệ nhân chạm khắc công phu, tỉ mỉ từ cách đây 300 năm, là những cái tên, những dòng lưu bút, những lời cầu khẩn thi đỗ đại học, lời thề hẹn yêu đương… được du khách và các học sinh, sinh viên khắc vạch, trong đó nổi bật là những dòng chữ trắng viết bằng bút xóa lên nền chuông.


Có nhiều người còn cúi mình xuống thấp, chui vào trong lòng chuông mặc sức vạch, vẽ, viết với đủ các kiểu chữ, hình vẽ. Chuông cao 2,5m nhưng cả bên trong và cả bên ngoài đều được viết, vẽ lên tới tận đỉnh.


Tội nghiệp nhất là ông Rùa đội bia đá ở Lục giác đình phía Đông. Từ một tảng đá cẩm thạch lớn, được các nghệ nhân kỳ công đục đẽo, chạm trổ, ông Rùa làm bằng đá cẩm thạch này là một công trình mỹ thuật vô cùng độc đáo thời Vua Lê – Chúa Nguyễn. Mai Rùa chạm các đường vảy hình lục giác nhưng không một ô lục giác nào là không bị cứa sâu những cái tên, những dòng lưu bút của hậu thế khi chiêm ngưỡng ông Rùa.


Hẳn là ông Rùa phải đau đớn lắm. Mà trên lưng ông đã nặng lắm rồi khi đội bia đá ghi câu chuyện cổ xưa về chùa Thiên Mụ, thì nay lại nặng thêm với những cái tên như: “Toàn, Hoàng, H., Tr.,… đậu Đại học khóa 2007” viết ngay ở trên đầu bia, trước cả những Hán tự và bằng bút xóa trắng, thật là…


 



Chứng kiến một hướng dẫn viên lúc đang hướng dẫn cho một đoàn khách nước ngoài về nội dung tấm bia đá và ông Rùa, thật xấu hổ thay khi các vị khách cứ chỉ tay vào những nét bút nguệch ngoạc thuần Việt và họ không biết cứ chụp ảnh – một hình ảnh xấu về Việt Nam được giới thiệu ra thế giới.


Chuông Gia Long và trống cổ ở gác chuông và gác trống ở trong khuôn viên chùa cũng chẳng sáng sủa hơn. Trên chuông đồng mà còn có thể khắc, viết, vẽ được thì trên trống vốn làm bằng gỗ thì đâu khó gì.


Đáng buồn là thủ phạm viết, vẽ bậy vào các cổ vật, bảo vật ở chùa Thiên Mụ lại toàn là học sinh, sinh viên các trường ở Huế thường lên đây ôn bài, học bài. Thực trạng trên cũng là thực trạng chung của nhiều cổ vật, bảo vật ở Huế và trong cả nước, nhất là đối với những cổ vật, bảo vật đặt ở những nơi công cộng, những di tích miễn phí tham quan.


Về mặt pháp luật, việc viết, vẽ lên các di tích, di vật, cổ vật,… làm xâm hại đến diện mạo và các giá trị lịch sử, mỹ thuật, là hành vi vi phạm vào các điều cấm quy định tại Điều 13, Chương I, Luật Di sản văn hóa Việt Nam. Song điều đáng lên án ở đây là ý thức của một bộ phận khách tham quan, nhất là giới trẻ đối với việc giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc