Trang chủ Quốc tế Đức Dalai Lama: Tôi chỉ là một tu sĩ bình thường

Đức Dalai Lama: Tôi chỉ là một tu sĩ bình thường

101

Một số người nghĩ ngài là “một vị Phật sống”, ngài nói và cười. “Chẳng nghĩa lý gì.”


Một số người khác tôn sùng ngài là “thượng đế tối cao”


“Chẳng nghĩa lý gì,” ngài lại nói, nghiêng đầu lại khi cười.


“Và một số người miêu tả tôi như là một người quỷ quyệt, một con sói trong lớp áo thầy tu. Tôi nghĩ điều đó cũng chẳng nghĩa lý gì.


“Tôi chỉ là một tăng sĩ. Tất cả chỉ có vậy.”


Và đó cách Đức Dalai Lama 73 tuổi bộc lộ trong một cuộc phỏng vấn: tinh thần mạnh mẽ, thông minh, hướng ngoại, tha thiết muốn gần gũi với mọi người, và trên tất cả, hạnh phúc.


Ngài vỗ vai bạn để đoan chắc vấn đề. Ngài nhướn người về phía trước để lắng nghe câu hỏi, nhìn thẳng vào mắt bạn. Ngài nghiêm nghị, rồi lại cười to vui vẻ ngay.


“Trò chuyện với mọi người ” và hòa nhập với người khác như “những anh chị em đồng loại” là bí quyết làm ngài hạnh phúc, Đức Dalai Lama nói.


Và khi ngài nghe được rằng các bài thuyết pháp của mình đã thay đổi cuộc đời một ai đó và khiến họ hạnh phúc hơn, “Tôi cảm thấy cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa.”


Theo lẽ như vậy thì ngài không cần có sự quan tâm trên thế giới.


Nhưng người đàn ông trong trang phục đỏ – vàng giản dị này đã mang trên vai những rắc rối của Tây Tạng ngay từ khi còn nhỏ.


Năm 1937, khi 2 tuổi, một đoàn các vị Tăng cao cấp đã đến ruộng của cha mẹ ngài và thông báo ngài là tái sinh đời thứ 14 của vị Dalai Lama: người đứng đầu nhà nước của người Tây Tạng và lãnh đạo tinh thần của hàng triệu Phật tử trên đất nước của ngài cũng như Nepal, Mông Cổ, Bhutan, Bắc Ấn Độ và phần còn lại của dãy Himalayas.


Hẳn là ngài sẽ có cuộc sống biệt lập, ít được biết đến ở thế giới bên ngoài nếu như Trung Quốc không xâm lược đất nước trên núi của ngài năm 1951.


Chàng trai đứng đầu đất nước lúc đó mới 16 tuổi.


Sau 8 năm sống vô nghĩa dưới sự cai trị của Trung Quốc với những đội quân đã phá hủy gần 6000 tu viện với hy vọng xóa sổ đạo Phật khỏi vùng đất này, ngài đã bỏ trốn trong cái lạnh chết chóc của mùa đông để sang nước láng giềng Nepal.


Sau đó, Ngài chuyển đến một ngôi làng phía bắc Ấn Độ, nơi ngài và tín đồ đã xây dựng một tổ hợp tu viện làm nơi ở và trụ sở của chính phủ Tây Tạng lưu vong.


Với sức mạnh trong tính cách cá nhân và tinh thần, ngài dần trở thành một nhân vật đứng đầu trong thế giới Phật giáo, và là đại diện của tinh thần phương Đông trước nhiều người phương Tây.


Năm 1989, ngài đạt giải Nobel Hòa Bình, tiếp tục đứng đầu trong công cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho Tây Tạng, đồng thời đi vòng quanh thế giới để giảng dạy Phật pháp.


“Tôi là người bận rộn,” ngài thừa nhận, nhưng ngài vẫn duy trì được năng lượng của mình bằng cách chăm sóc cơ thể, ngài nói.


Ngài hoàn thành các công việc chung vào lúc 4:30 chiều, ngài nói và giống như các tu sĩ Phật giáo khác, không ăn tối. Ngài ngủ 8 hay 9 giờ hàng đêm và ngủ dậy lúc 3:30 sáng để thiền 4 đến 5 tiếng hàng ngày.


“Vì vậy tôi khỏe,” ngài nói, và đưa cánh tay trần của mình ra để chứng tỏ điều đó. “Cơ thể của tôi ổn.”


Ngài “hy vọng” và “lạc quan” rằng thế giới sẽ trở thành một nơi tốt hơn trong thế kỷ 21, ngài nói, với điều kiện mọi người thúc đẩy các “giá trị nội tâm” về hòa bình và từ bi.


Nhưng ngài không cho rằng người Phương Tây sẽ chuyển sang theo Phật giáo – một viễn cảnh khiến giáo hoàng Benedict XVI và các lãnh đạo Cơ đốc giáo khác lo lắng.


“Tôi không nghĩ vậy,” Đức Dalai Lama nói. “một vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu,” có thể chuyển sang Phật giáo. “Nhưng đã số vẫn theo cơ đốc giáo, như lẽ thường vậy.”


Một số phương pháp tu tập Phật giáo, như thiền chẳng hạn, “có thể được áp dụng cho niềm tin của riêng bạn. . . . Một số tu sĩ Cơ đốc giáo đã thực tập các phương pháp Phật giáo mà không cần đổi đạo.”


Ngài trách một số người thực hành Thiền Phật giáo cạo đầu, mặc áo tu sĩ, và “thậm chí thay đổi cả đồ đạc trong nhà,” ngài nói và lại cười.


“Điều đó không cần thiết,” ngài nói. “Tôn giáo là ở trong tâm, chứ không ở trong trang phục.”


Mục đích của con người là “giảm thiểu những cảm xúc như sợ hãi, thù hận,” ngài nói, và “cố gắng tăng trưởng tình yêu, lòng từ bi và tha thứ.”


“Đạt được điều đó, tôi không nghĩ có sự khác biệt lớn giữa tôn giáo phương Đông và phương Tây,” ngài nói.


Ngài đã trao lại nhiều trách nhiệm quản lý chính quyền Tây Tạng lưu vong cho những người khác, và vì vậy trở thành một người “bán hưu trí”, ngài nói.


Nhưng với hai trọng trách khác của Đức Dalai Lama – “thúc đẩy những giá trị nhân loại và sự hòa hợp tôn giáo, tôi sẽ cam kết cống hiến đến giây phút cuối cùng trong cuộc đời.”


Trọng Hoàng (dịch)